Cạn quỹ đất công nghiệp, Đồng Nai “hụt hơi” trong thu hút FDI

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Lần đầu tiên sau 3 thập niên ngự trị trên đỉnh, năm 2022, tỉnh Đồng Nai đã “văng” khỏi nhóm các tỉnh, thành dẫn đầu Việt Nam về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 7 tháng qua, dòng vốn FDI đổ vào địa phương này đã giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Sự hụt hơi của Đồng Nai trong cuộc đua thu hút FDI có một nguyên nhân rất quan trọng là tình trạng khan hiếm đất công nghiệp.
Tình trạng khan hiếm đất công nghiệp khiến Đồng Nai hụt hơi trong cuộc đua thu hút FDI. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Tình trạng khan hiếm đất công nghiệp khiến Đồng Nai hụt hơi trong cuộc đua thu hút FDI. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo số liệu của UBND tỉnh Đồng Nai, 7 tháng đầu năm 2022 dòng vốn FDI đổ vào Đồng Nai đạt hơn 524 triệu USD, chỉ bằng 49% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này dấy lên lo ngại ảnh hưởng trực tiếp đến đà phục hồi, phát triển kinh tế của Tỉnh. Bởi lẽ, nhiều năm qua, các dự án FDI đóng góp rất lớn vào việc nâng cao các chỉ số kinh tế quan trọng. Vốn FDI vào Đồng Nai năm 2022 chững lại được xem là hiện tượng lạ bởi nó trái ngược xu thế tăng lên của các địa phương khác trong vùng Đông Nam bộ như Bình Dương (tăng 74% so với cùng kỳ 2021), TP.HCM (tăng 36,5%)... Tuy nhiên, theo đánh giá thì sự sụt giảm trên không phải do môi trường đầu tư tại Đồng Nai đã kém hấp dẫn, giảm sức cạnh tranh so với các địa phương khác, mà do “cạn room” đất khu công nghiệp (KCN) để hấp thụ vốn FDI.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai đánh giá: Kết quả thu hút FDI của tỉnh Đồng Nai (7 tháng đầu năm 2022) thấp hơn nhiều so với năm trước có phần do vướng mắc về quy định pháp luật. Tỉnh đang trong giai đoạn lập quy hoạch chung nên các dự án muốn được cấp phép đầu tư phải đợi quy hoạch được phê duyệt. Nhiều doanh nghiệp FDI muốn đầu tư vào công nghiệp, bất động sản, thương mại, dịch vụ, logistics, hạ tầng kỹ thuật… nhưng còn vướng về thủ tục, quy hoạch nên chưa thể đăng ký vốn đầu tư và triển khai dự án. Điều đáng quan tâm là diện tích đất KCN lớn có thể sẵn sàng tiếp nhận dự án FDI đã hết nên một số dự án FDI lớn phải chuyển hướng qua các tỉnh lân cận.

Theo thông tin của Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai thì tỷ lệ lấp đầy các KCN đã trên 85% diện tích. Còn lại hơn 1 ngàn ha đất KCN đang trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) nên chưa xây dựng hạ tầng kỹ thuật để nhà đầu tư thứ cấp thuê. Theo quy hoạch, tỉnh Đồng Nai được Chính phủ phê duyệt phát triển 35 KCN, tuy nhiên hiện tại mới thành lập được 32 KCN. Trong đó, 31 KCN đang hoạt động, 1 KCN trong giai đoạn bồi thường, GPMB để làm hạ tầng kỹ thuật, 3 KCN đã có quy hoạch nhưng đang mời gọi nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hoàn tất các thủ tục đầu tư. Trong số KCN đang hoạt động, hiện có đến gần 20 KCN đã lấp đầy. Vì thế, “cơn khát” bất động sản trong các KCN tại Đồng Nai trở nên gay gắt từ vài năm trở lại đây.

Mục tiêu năm 2022 Đồng Nai đặt ra sẽ thu hút khoảng 1 tỷ USD vốn FDI, trong đó 700 triệu USD vào các KCN. Để khôi phục lại dòng vốn FDI, về dài hạn, tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh công tác lập, phê duyệt quy hoạch nhằm tháo gỡ những vướng mắc về hồ sơ thủ tục cho các dự án FDI cả trong và ngoài KCN đủ điều kiện cấp chứng nhận đầu tư mới, điều chỉnh tăng vốn. Trong ngắn hạn, các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN dốc sức bồi thường GPMB tại các KCN đã được phê duyệt chủ trương đầu tư như: Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), Ông Kèo (huyện Nhơn Trạch), Sông Mây, Giang Điền, Hố Nai (huyện Trảng Bom), Định Quán (huyện Định Quán), công nghệ cao Long Thành (huyện Long Thành)… Chỉ khi có mặt bằng sạch, tiến trình đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật mới có thể tiến hành và có đất công nghiệp thương phẩm cho nhà đầu tư FDI thứ cấp thuê lại.

Cách đây 3 năm, tỉnh Đồng Nai đã có những bước đi để tăng tổng quỹ đất cho phát triển công nghiệp. Theo đó, đề án mở rộng, bổ sung KCN đã được thực hiện với mục tiêu bổ sung thêm hơn 7 ngàn ha đất phát triển công nghiệp. Trong đó, tỉnh này điều chỉnh mở rộng 3 KCN bao gồm: Dầu Giây (huyện Thống Nhất) tăng thêm 75 ha; Long Khánh (TP. Long Khánh) điều chỉnh tăng 500 ha và Tân Phú (huyện Tân Phú) tăng thêm 170 ha. Ngoài ra, định hướng bổ sung quy hoạch thêm các KCN mới với diện tích hàng ngàn ha. Hiện tại, Tỉnh đang cố gắng hoàn thành các thủ tục, gửi lấy ý kiến các bộ, ngành và trình Chính phủ phê duyệt để tiến hành thành lập mới 8 KCN trên địa bàn Tỉnh. Các KCN trên đã được chấp thuận và đưa vào quy hoạch KCN Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Việc mở rộng, bổ sung nhiều KCN là một ưu tiên lớn của Tỉnh. Tỉnh đã làm việc với các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng KCN để cùng tháo gỡ vướng mắc của từng KCN. Cùng với đó, Đồng Nai đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh khâu hoàn tất thủ tục thành lập các KCN mới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sắp tới, Tỉnh sẽ có hơn 7 ngàn ha đất công nghiệp để mời các dự án đầu tư, tạo ra đột phá hút vốn FDI và giải nhiệt “cơn khát” bất động sản KCN.

Trong thu hút FDI, các dự án đảm bảo 3 yếu tố là môi trường, nhà đầu tư, dự án đều tốt nhất. Mục tiêu của Đồng Nai là thu hút các dự án có chất lượng cao nên sẽ có chọn lọc kỹ lưỡng, điều này cũng có phần ảnh hưởng đến số lượng vốn FDI được Tỉnh cấp phép trong năm 2022.

Chuyên đề