Với mô hình vay ngang hàng, người đi vay và người cho vay được kết nối thông qua giải pháp công nghệ. Ảnh: Hoài Anh |
Lo ngại các hình thức biến tướng
Đến ngày 21/9, tổng số tiền đã giải ngân thông qua Tima, một nền tảng cho vay ngang hàng được chính thức khai trương tháng 12/2017, đã ở mức hơn 43 nghìn tỷ đồng. Con số này tương đương với tổng dư nợ tín dụng năm 2017 của một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ.
Không chỉ Tima, nhiều tên tuổi mới trên thị trường cho vay ngang hàng đang thu hút số người sử dụng dịch vụ ngày càng tăng. Lợi thế của mô hình này so với nguồn tín dụng tại các ngân hàng là thuận tiện, nhanh chóng và trong nhiều trường hợp không cần thế chấp.
Với hình thức này, các công ty vay ngang hàng chỉ đóng vai trò là trung gian kết nối giữa người đi vay và người cho vay thông qua giải pháp công nghệ, do đó, những công ty này thường đăng ký kinh doanh với loại hình là doanh nghiệp công nghệ. Đối tượng đi vay và người cho vay có thể là cá nhân, cũng có thể là doanh nghiệp.
Do đó, khi phát sinh tranh chấp, công ty vay ngang hàng gần như “vô can”, người đi vay và người cho vay tự thỏa thuận giải quyết hoặc đưa ra tòa theo Bộ luật Dân sự. Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho biết, các kiểu thỏa thuận giữa người đi vay và người cho vay đều có thể xử lý được theo luật khi có tranh chấp phát sinh.
Tuy nhiên, ông Đức tỏ ra quan ngại về khả năng biến tướng của các doanh nghiệp trung gian này. Theo đó, các công ty “mang tiếng” công nghệ nhưng có thể phát sinh mong muốn làm thay nhiều phần việc của ngân hàng như: tự huy động vốn rồi cho vay, thực hiện thẩm định tín dụng… “Nếu các công ty này chỉ hỗ trợ cho vay theo kiểu làm thêm thì không đáng lo ngại nhưng trong trường hợp họ làm dịch vụ cho vay một cách chuyên nghiệp như ngân hàng thì lại là chuyện hoàn toàn khác. Và lúc ấy, rủi ro sẽ lớn”, ông Đức nói.
Phân tích về các rủi ro có thể xảy ra khi các hình thức cho vay này “biến tướng”, ông Đức cho rằng: “Hai điều đáng ngại nhất là lãi suất cao và cách xử lý mâu thuẫn khi bên vay không trả đúng nợ. Bên cạnh đó, nếu công ty vay ngang hàng tổ chức huy động vốn cho vay thì sẽ vi phạm quy định bởi họ không phải là các tổ chức tín dụng. Hoặc khi công ty này huy động nhưng sau đó vỡ nợ thì cả người đi vay và người cho vay đều không nhận được sự bảo vệ của pháp luật”.
Không cấm nhưng cần có khuôn khổ pháp lý
Từ dự báo về rủi ro nêu trên, ông Đức cho rằng, không thể cấm hoạt động cho vay theo hình thức này nhưng cần xây dựng một khuôn khổ pháp lý với những quy định cụ thể về giới hạn hoạt động của những doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này.
Chia sẻ góc nhìn về sự phát triển của mô hình này, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam, Phó Chủ tịch CLB VietFinTech cho biết, đây là mô hình công nghệ tài chính (fintech) mới, dù chưa có hàng lang pháp lý cụ thể nhưng là mô hình tiên tiến đã xuất hiện ở nhiều nước khác trên thế giới, bao gồm những nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Những nước này ít nhiều hoặc đã có hành lang pháp lý cho fintech nói chung hoặc quy định pháp lý thử nghiệm đối với mô hình cho vay ngang hàng nói riêng.
Thực tế cho thấy các xu hướng phát triển của công nghệ và kèm theo đó là các sản phẩm và dịch vụ trên nền công nghệ có thể phát triển nhanh hơn rất nhiều so với các quy định pháp lý. Ngay cả những nước đã phát triển thuộc khối EU, Mỹ... cũng phải lập ra các ủy ban chuyên nghiên cứu việc thích ứng của các luật, quy định với những thay đổi đột phá trên thế giới mà có tác động ngược lại đến luật pháp.
“Có thể vay ngang hàng là mới với Việt Nam và vẫn còn nhiều hoài nghi thế nào là đúng. Nhìn chung, thực tế phát triển của thị trường cho thấy, có những sản phẩm tài chính ban đầu rất xa lạ và tưởng chừng không mang lại hiệu quả sử dụng cho người dân. Song thời gian sau đó, các sản phẩm này lại có thể được sử dụng tích cực, nếu được quy định và quản lý rõ ràng”, bà Nguyễn Thùy Dương nói.
Cũng theo bà Dương, việc quản lý lĩnh vực này một cách thận trọng là điều cần thiết, tuy nhiên, để có thể phát triển mạnh mẽ hơn lĩnh vực tiềm năng này, cần xây dựng một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ để các sản phẩm này nhanh chóng đến với người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực fintech nói chung và startup trong cho vay ngang hàng nói riêng phát triển.