Để giúp nhà đầu tư Việt vượt qua được thách thức, tích cực tham gia thực hiện các dự án PPP, trước hết, cơ quan quản lý nhà nước phải thay đổi tư duy nhận thức. Thay đổi nhận thức này đồng nghĩa với thay đổi tư duy về quyền lực, Nhà nước phải chuyển từ tâm thế của “người cho” thành “người lo”. Là Nhà nước kiến tạo phát triển, chứ không phải Nhà nước “xin -cho”.
Nhà nước phải tạo điều kiện tối đa để nhà đầu tư sáng tạo trong quá trình thực hiện dự án, miễn sao đảm bảo được đầu ra là chất lượng công trình, chất lượng dịch vụ, chứ không phải tính chi li từng thanh thép, từng viên gạch. Trong dự án PPP, Nhà nước phải tập trung quản lý các sản phẩm, dịch vụ đầu ra thay vì tập trung quản lý những yếu tố đầu vào như theo cách quản lý dự án đầu tư công truyền thống.
Mục đích của Chính phủ khi thực hiện dự án PPP là tạo ra dịch vụ công thiết yếu cho xã hội, cho người dân. Vậy nên, sau khi đã tính toán hiệu quả đầu tư dự án (tính cho cả vòng đời dự án), thì Chính phủ chỉ tập trung quản lý, giám sát và hỗ trợ khu vực tư nhân thực hiện hợp đồng, đảm bảo đầu ra của dự án là dịch vụ công; còn các yếu tố đầu vào sẽ được phía tư nhân phát huy tối đa kinh nghiệm, năng lực tài chính, quản lý để sử dụng các yếu tố đầu vào được tối ưu.
Hai là phải tuyên truyền để tất cả người dân phải hiểu trước đây là con đường, nhà máy nước,… của Nhà nước đầu tư thì đương nhiên dân được hưởng, nhưng nay là tiền của nhà đầu tư bỏ ra thì dân muốn được hưởng phải đóng tiền, đóng phí. Tất nhiên là mức phí phải hợp lý và tương xứng với chất lượng dịch vụ mà người dân nhận được.
Thứ ba là các luật lệ hiện hành, nếu chưa phù hợp với mô hình này thì phải sửa đổi, ví dụ như thời hạn cho vay vốn; quy trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án PPP khác với dự án đầu tư công truyền thống...
Và cuối cùng, bản thân nhà đầu tư cũng phải tự thay đổi mình, đóng vai nhà đầu tư là chính, đóng vai nhà thầu là phụ. Phải hoán đổi vị trí, chuyển theo đúng nghĩa nhà đầu tư để vươn lên. Trong một dự án PPP, nếu nhà đầu tư có khả năng thì làm luôn nhà thầu, nếu không có khả năng thì phải thuê nhà thầu thực hiện. Thông thường thì nhà đầu tư không làm tất cả mọi việc, mà phải thuê nhà thầu làm một số công đoạn nào đó. Nhà đầu tư/nhà thầu có thể thi công tốt nhà máy điện nhưng khâu phân phối, vận hành nhà máy sẽ phải ký kết các hợp đồng riêng rẽ với các nhà phân phối, vận hành khác.
Khi nhà thầu đã “chuyển vai” - trở thành nhà đầu tư, họ xứng đáng được nâng đỡ, tôn vinh một cách phù hợp nhằm khích lệ họ tham gia dự án PPP?
Phải truyền thông và đào tạo có hiệu quả để nhà đầu tư, người dân, các cơ quan nhà nước hiểu đúng và ủng hộ chương trình PPP.
Để làm được các dự án PPP, phải nhìn nhận vai trò nhà đầu tư khác với nhà thầu. Khi là nhà thầu, họ đến để làm thuê, sau khi làm xong thì Nhà nước trả tiền cho họ. Còn khi họ đóng vai nhà đầu tư là họ mang tiền đến (nếu là nhà đầu tư nước ngoài) hoặc bỏ tiền ra (nhà đầu tư trong nước) để đầu tư. Và một dự án PPP kéo dài 20 - 30 năm là rất lâu, rủi ro cũng lớn hơn nhiều so với nhà thầu thi công dự án, nên trong suốt quá trình đó phải tạo điều kiện để nhà đầu tư sớm thu hồi vốn và lợi nhuận, để họ tiếp tục đầu tư vào dự án khác. Ở một khía cạnh nào đó, phải hiểu nhà đầu tư đang giúp Nhà nước để thực hiện dự án/công trình. Đương nhiên là nhà đầu tư thấy có lợi mới làm nhưng họ đã bỏ tiền ra trước để làm. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu làm PPP còn nhiều khó khăn, nên rất cần sự đồng cảm, thấu hiểu, chia sẻ khó khăn, xử lý trên tinh thần hợp tác, minh bạch… để không làm nản lòng nhà đầu tư, để họ có động lực tham gia dự án PPP. Bởi hợp tác PPP đang là giải pháp cấp bách giúp Việt Nam có vốn để đầu tư phát triển và bứt phá lên.
Nhiều người băn khoăn làm PPP có phải là đang tư nhân hóa các dịch vụ công?
Nhiều người hiểu nhầm rằng, khi thực hiện mô hình PPP, Nhà nước sẽ không tiếp tục cung cấp các dịch vụ công. Điều này hoàn toàn không phải. Vì ngay cả khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền (CQNNCTQ) nhượng quyền cho nhà đầu tư cung cấp một số dịch vụ công thông qua hợp đồng PPP, thì CQNNCTQ vẫn chịu trách nhiệm chính về chất lượng và giá cả các dịch vụ được cung cấp. Nếu như dịch vụ đó không đạt yêu cầu, CQNNCTQ sẽ có trách nhiệm tìm ra giải pháp phù hợp theo các điều khoản hợp đồng dự án.