Cần giảm áp lực về thanh, kiểm tra cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, giám sát việc thực thi pháp luật cần dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro, không thể cứ dàn hàng ngang ra thanh, kiểm tra. Thậm chí, để tạo sự an tâm cho các chủ thể kinh doanh trên thương trường, ông Hiếu kiến nghị cần xóa bỏ quy định thanh, kiểm tra định kỳ theo kế hoạch…
Việc ngành thuế, hải quan áp dụng phương thức chấm điểm rủi ro của doanh nghiệp, hồ sơ, lô hàng để lựa chọn đối tượng, nội dung, phạm vi thanh tra cho thấy nhiều tác dụng tích cực. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Việc ngành thuế, hải quan áp dụng phương thức chấm điểm rủi ro của doanh nghiệp, hồ sơ, lô hàng để lựa chọn đối tượng, nội dung, phạm vi thanh tra cho thấy nhiều tác dụng tích cực. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Gánh nặng thanh, kiểm tra, nhìn từ thực tế

Chia sẻ với Báo Đấu thầu mới đây, một doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực dược và trang thiết bị y tế cho biết, từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu DN báo cáo về tình hình mua bán các mặt hàng nhập khẩu để làm rõ về giá bán, nhưng đến nay đã gần 1 năm trôi qua, DN chưa nhận được thông báo chính thức về kết luận xác minh, điều tra. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới DN, bởi gần như mọi hoạt động kinh doanh đều đứng im, mỏi mòn chờ đợi kết luận. Đối tác, bạn hàng cũng nghi ngại, hợp tác cầm chừng, tạm ngừng hay e dè trong việc ký kết hợp đồng…

Trên bình diện chung, kết quả điều tra để xây dựng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2020 cho thấy, 64% DN tham gia khảo sát cho biết có đón tiếp đoàn thanh, kiểm tra. Trong đó, trung bình khoảng 20% DN phải trả chi phí không chính thức; 14% DN cho biết vẫn gặp phiền hà khi bị thanh tra; 9% DN bị thanh tra trùng lặp; 10% DN bị thanh tra trên 3 lần/năm; 6,3% DN bị thanh tra từ 5 cuộc trở lên. Kết quả điều tra còn cho thấy, gánh nặng thanh, kiểm tra dường như gia tăng theo thời gian hoạt động và quy mô của DN. Mặc dù năm 2021 tập trung cho công tác phòng chống dịch Covid-19, nhiều cuộc thanh, kiểm tra bị hủy hoặc tạm hoãn, nhưng tỷ lệ DN bị thanh, kiểm tra từ 5 cuộc trở lên là 3,2%...

VCCI cho biết, nhiều DN phản ánh tình trạng một số cơ quan nhà nước tránh áp dụng các quy định chặt chẽ về thanh tra bằng cách tiếp cận DN nhưng không gọi là thanh tra, mà gọi là kiểm tra… Do đó, trong góp ý mới đây với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), VCCI kiến nghị bổ sung vào Luật Thanh tra các quy định mang tính nguyên tắc, làm cơ sở để pháp luật chuyên ngành quy định về hoạt động kiểm tra và thực hiện hoạt động kiểm tra; áp dụng quản lý rủi ro trong thanh, kiểm tra; tạm dừng cuộc thanh tra; ban hành kết luận thanh tra và khôi phục hoạt động bình thường khi kết thúc thanh tra…

Khoảng trống quy định kiểm soát quyền lực

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, hoạt động kiểm tra hiện không có quy định pháp luật điều chỉnh cụ thể hoặc có quy định nhưng rất chung chung, không minh bạch, dẫn đến nguy cơ bị lạm dụng rất cao. “Nhiều trường hợp pháp luật chuyên ngành chỉ quy định cơ quan quản lý chuyên môn có quyền kiểm tra DN, nhưng không có quy định cụ thể về kế hoạch, thời hạn, căn cứ, quyết định cho đến thủ tục thực hiện kiểm tra… Như vậy, mới chỉ có quy định trao quyền, chứ chưa có quy định kiểm soát quyền lực”, ông Tuấn nói.

Cho rằng tính phi chính thức của khu vực tư nhân hiện vẫn ở mức cao, ông Tuấn chỉ ra, ngay cả trong khu vực chính thức (có đăng ký DN), vùng xám về minh bạch thông tin DN vẫn còn nhiều. Đa số tìm cách ẩn mình để tránh truy thu thuế, thanh, kiểm tra... Đây chính là điểm yếu của DN, gây thiệt hại cho chính DN, làm hạn chế tăng hiệu suất, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tiếp cận thông tin chủ yếu dựa vào quan hệ, làm ăn không bài bản, thỏa hiệp với tham nhũng càng khiến DN rơi vào bẫy không thể lớn lên được, không bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của các phương thức kinh doanh mới.

Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo việc tăng cường áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro vào thanh tra, kiểm tra DN tại các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng theo ông Tuấn, nguyên tắc này chưa được triển khai thành chủ trương chung rộng khắp trong các cơ quan nhà nước. Thời gian qua, ngành thuế, hải quan áp dụng phương thức chấm điểm rủi ro của DN, hồ sơ, lô hàng để lựa chọn đối tượng, nội dung, phạm vi thanh tra có mức độ rủi ro vi phạm pháp luật cao nhất cho thấy có nhiều tác dụng tích cực. Do vậy, hoạt động thanh, kiểm tra phải dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro để lựa chọn đối tượng, phạm vi và thời gian thanh, kiểm tra.

Để tạo sự an tâm cho người kinh doanh trong thực thi chính sách, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, trước tiên, việc thiết kế chính sách phải dựa theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo tính công bằng trong tiếp cận chính sách, thúc đẩy cạnh tranh bằng sự gia nhập thị trường và giá cả, thay vì dùng biện pháp hành chính can thiệp quá sâu vào hoạt động của DN. Khi thực thi chính sách, nếu quy định có nhiều cách hiểu khác nhau thì phải có nguyên tắc rõ ràng để áp dụng một cách hiểu thống nhất. Thậm chí, ông Hiếu đề nghị cần xóa bỏ quy định thanh, kiểm tra định kỳ theo kế hoạch để giảm gánh nặng cho cộng đồng DN.

Chuyên đề