Cải cách pháp luật đầu tư kinh doanh: Thừa chồng chéo, thiếu liên kết giữa các bộ, ngành

(BĐT) - Văn bản mới giảm nhưng gánh nặng chưa giảm, cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD) như “gợn sóng nhỏ”, còn nhiều chồng chéo trong pháp luật về đầu tư kinh doanh... Đây là những đánh giá được rút ra từ Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam năm 2019 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 26/12.
Tình hình cắt giảm điều kiện kinh doanh và đơn giản hóa thủ tục hành chính như những “gợn sóng nhỏ”, chưa đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Tình hình cắt giảm điều kiện kinh doanh và đơn giản hóa thủ tục hành chính như những “gợn sóng nhỏ”, chưa đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

Văn bản mới giảm nhưng gánh nặng chưa giảm

Thống kê của VCCI cho thấy, năm 2019, số lượng văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành ít hơn so với các năm 2017, 2018. Tính đến hết tháng 11/2019, có 267 thông tư được ban hành, thấp hơn nhiều so với con số từ 500 - 800 thông tư của các năm trước đó. Ở cấp nghị định, năm nay có 91 nghị định được ban hành, thấp hơn con số 155 và 125 nghị định của cùng kỳ năm 2017 và 2018.

Tuy vậy, theo nhóm nghiên cứu của VCCI, số lượng văn bản giảm nhưng doanh nghiệp (DN) không vì thế mà thực thi nhẹ nhàng, đơn giản hơn.

Đơn cử, nếu thực hiện theo Danh mục “chọn cho” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế thuộc VCCI phân tích, những người dân, DN đang nuôi và kinh doanh trùn quế, bèo tây, thân chuối, đậu tằm... (không nằm trong Danh mục) sẽ có nguy cơ vi phạm pháp luật, thậm chí có thể bị xử phạt tới 40 - 50 triệu đồng.

“Điều này cản trở sự tự do sáng tạo, sáng kiến của người dân và DN. Phương pháp “chọn cho” này vừa không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp là người dân và DN được làm những gì pháp luật không cấm và còn dẫn đến nguy cơ cơ quan nhà nước “bỏ quên” hoặc không tiên lượng hết các lĩnh vực, sản phẩm.

Đối với tình hình cắt giảm ĐKKD và đơn giản hóa thủ tục hành chính, đại diện nhóm tác giả Báo cáo cho biết, nếu ví năm 2018 như những “đợt sóng lớn”, cao trào mạnh mẽ, thì hoạt động này trong năm 2019 chỉ như những “gợn sóng nhỏ”. Tính đến tháng 11/2019, chỉ có 2 bộ đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định liên quan đến ĐKKD là Bộ Y tế và Bộ Công Thương. “Kết quả rà soát vẫn chưa được như kỳ vọng của cộng đồng DN”, nhóm tác giả đánh giá.

Đáng lưu ý, từ 333 kiến nghị của DN, hiệp hội, các địa phương về 20 luật và hàng chục văn bản dưới luật, Báo cáo chỉ ra 25 điểm mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu rõ ràng giữa các quy định trong hệ thống pháp luật về kinh doanh. Nhiều nhất là liên quan đến điều kiện, trình tự, thủ tục tập trung tại các luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, đấu thầu, kinh doanh bất động sản...

Một trong những nguyên nhân được nhiều ý kiến chỉ ra là thiếu sự liên kết giữa các bộ, ngành, giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, mục tiêu quản lý thường được ưu tiên đặt lên hàng đầu để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý nhiều hơn là DN.

Mặt khác, theo các DN, thực trạng một số luật đã được Quốc hội thông qua nhưng nay vẫn phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn; một số quy định vướng ngay từ trong luật... vẫn khá phổ biến, làm tăng mức độ rủi ro cho DN.

Cần lập tổ công tác đặc biệt rà soát pháp luật kinh doanh

Để khắc phục tình trạng chồng chéo giữa các văn bản pháp luật nêu trên, theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, năm 2020 cần tập trung rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật về kinh doanh 20 năm qua để có cái nhìn tổng thể và cùng điều chỉnh thống nhất những điểm còn mâu thuẫn. Trong đó, việc xây dựng quy trình phải từ khi bắt đầu cho đến khi đưa dự án đầu tư vào hoạt động. Mỗi giai đoạn cần xác định rõ luật nào đang điều chỉnh, điều chỉnh như thế nào, có sự chồng lấn hay không.

Trước sự trầm lắng và chậm trễ cải cách thể chế, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đề xuất, nên thành lập một tổ công tác đặc biệt, bao gồm các chuyên gia độc lập và DN, dưới sự chỉ đạo của ít nhất là Phó Thủ tướng hoặc Thủ tướng Chính phủ. Tổ công tác này phải hoạt động liên tục trong một thời gian dài và có thể soạn một luật sửa một luật hoặc nhiều luật.

Chuyên đề