Cải cách ngành dược, cần đột phá về tư duy

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đang nỗ lực triển khai nhiều chính sách, cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư để “chạy đua” thu hút nguồn lực phát triển ngành công nghiệp y dược. Trong cuộc đua đó, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được tham vọng đưa ngành y dược trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn như Nghị quyết 29/NQ-TW đặt ra.
Doanh nghiệp dược phẩm trong nước hiện mới đảm bảo được 46% tổng giá trị thị trường, còn lại phải nhập khẩu. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp dược phẩm trong nước hiện mới đảm bảo được 46% tổng giá trị thị trường, còn lại phải nhập khẩu. Ảnh: Lê Tiên

Còn nhiều điểm yếu

So với các nước trong khu vực, ông Emin Turan - Chủ tịch Pharma Group nhận định, Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư mới như sự ổn định về chính trị - xã hội, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của 100 triệu dân ngày càng gia tăng với quy mô thị trường khoảng 7 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 16% vào năm 2026 và mức độ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA)…

Mặc dù được đánh giá có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm của khu vực, nhưng theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, kết quả thu hút đầu tư vào ngành dược vẫn chưa được như kỳ vọng.

Ông Trịnh Văn Lẩu - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam cho biết, hiện có 228 nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, trong đó 18 dây chuyền đạt tiêu chuẩn GPM-EU; 11/12 loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng là vắc xin sản xuất trong nước. Song doanh nghiệp trong nước mới đảm bảo được 46% tổng giá trị thị trường (chủ yếu sản xuất các thuốc generic giá trị thấp), còn lại phải nhập khẩu.

Tại Hội thảo triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW với chủ đề “Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược” diễn ra ngày 20/7, nhiều ý kiến chỉ ra điểm yếu của ngành công nghiệp dược Việt Nam như: thiếu chiến lược phát triển dài hạn, chưa chủ động được thuốc sản xuất trong nước, 90% nguyên liệu sản xuất phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, chi phí đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) còn thấp, công nghệ sản xuất lạc hậu…

Ông Đỗ Văn Sử - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tỷ lệ đầu tư đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp dược còn rất thấp, dưới 3%. Trong khi đó, theo ông Emin Turan, hàm lượng đầu tư R&D trung bình của các doanh nghiệp dược phẩm phát minh trên toàn cầu lên tới 15,4%.

Trong thu hút đầu tư, một số ý kiến cho rằng, ưu đãi là một chuyện, điều mà các doanh nghiệp, tập đoàn dược phẩm đa quốc gia quan tâm nhất hiện nay là chính sách phải nhất quán, đồng bộ, có thể dự đoán được sự thay đổi… Ông Emin Turan cho biết, đầu tư vào ngành dược là đầu tư mạo hiểm với độ rủi ro cao, trung bình mất khoảng 10 - 15 năm với khoản đầu tư lên tới 2,6 tỷ USD để phát triển một loại thuốc mới.

“Với quá trình đầu tư dài hơi, việc thiếu tầm nhìn rõ ràng về sự phát triển ngành và tính nhất quán của cơ chế hoạt động mang tính quốc gia khiến việc thuyết phục nhà đầu tư và các bên liên quan mở rộng hoạt động và đầu tư gặp nhiều khó khăn”, ông Trịnh Văn Lẩu chỉ ra.

Cần một cuộc cách mạng tư duy

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, phát triển ngành dược là một trong những ưu tiên trọng tâm của Việt Nam. Chính phủ đang xây dựng Chương trình hành động để triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW hướng đến phát triển ngành công nghiệp sinh học (tập trung vào gen, dược phẩm và các chế phẩm sinh học) thành ngành công nghiệp mũi nhọn. Trong đó, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù để hoàn thiện hệ sinh thái bền vững cho ngành dược, mở ra cơ hội đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Do đó, rất cần các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp hiến kế để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển các sản phẩm dược mới, thuốc biệt dược, thuốc phát minh…

Muốn hiện thực hóa các định hướng nêu trên, Pharma Group đề xuất Chính phủ thành lập một ban chỉ đạo quốc gia trong lĩnh vực y dược do một Phó Thủ tướng phụ trách và thành viên ban chỉ đạo có sự tham gia của đại diện các bên liên quan. Nhiệm vụ của ban này là xây dựng lộ trình sửa đổi, xây dựng các chính sách nhằm thực hiện mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn.

Theo ông Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp thuộc Ban Kinh tế Trung ương, muốn phát triển sâu ngành dược phải có những “con sếu đầu đàn”, đây là chiến lược cần hướng tới. Thu hút đầu tư nước ngoài là rất cần thiết để tạo bệ phóng phát triển ngành dược. Việt Nam phải nhanh chóng chuẩn hóa quy trình sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế để có thể xuất khẩu sản phẩm dược. Để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư R&D, cần có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và doanh nghiệp.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển giao công nghệ dược phẩm tiên tiến, theo đại diện Pharma Group, cần có 10 yếu tố then chốt, gồm: thể chế pháp luật được thiết lập rõ ràng và thực thi nghiêm minh, ổn định chính trị và quản trị kinh tế minh bạch, một đối tác đáng tin cậy tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức cao, thị trường nội địa đủ lớn và dễ tiếp cận, thị trường vốn phù hợp, môi trường thân thiện với đổi mới sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ, quyền truy cập thông tin thích hợp, tuân thủ các tiêu chuẩn quản lý cao, lực lượng lao động có tay nghề cao, ưu tiên phát triển kinh tế rõ ràng.

Về chính sách pháp luật, theo ông Trịnh Văn Lẩu, Chính phủ cần cải cách mạnh mẽ để đơn giản hóa thủ tục hành chính, đổi mới tư duy xây dựng chính sách, sớm sửa đổi Luật Dược 2016, Luật Chuyển giao công nghệ 2017, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp… cùng các văn bản hướng dẫn. Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý, các quy trình xây dựng pháp luật này phải được thực hiện song hành để đảm bảo tính đồng bộ về chính sách.

GS.TS. Nguyễn Mạnh Cường - Phó Viện trưởng Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, khung pháp lý phải đảm bảo tính linh hoạt, có các cơ chế thử nghiệm tạo môi trường đổi mới sáng tạo (sandbox); không nên quy định quá chi tiết trong luật, bởi vì muốn sửa luật phải chờ rất lâu, trong khi thời cơ, công nghệ liên tục thay đổi.

Chuyên đề