Ảnh Internet |
Thảo luật tại Quốc hội mới đây, một số đại biểu đã đặt vấn đề sử dụng ngân sách nhà nước để giải quyết nợ xấu. Kiến nghị này có cơ sở hay không?
Ngân sách không trả nợ thay cho con nợ
Ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng cho rằng, về bản chất dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu không phải để trả nợ thay cho các con nợ. Các con nợ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho chủ nợ. Ở đây chỉ là việc Nhà nước ứng tiền trước cho VAMC để tổ chức này thực hiện mua lại nợ xấu từ các ngân hàng. Sau đó, VAMC sẽ thực hiện nghiệp vụ mua bán nợ của họ trên thị trường để có tiền và trả lại cho Nhà nước.
“Nhà nước sẽ gặp rủi ro khi tạm ứng tiền cho VAMC để thực hiện mua bán nợ. Trong trường hợp VAMC bán nợ dưới giá trị ứng trước của Nhà nước thì VAMC có nghĩa vụ phải trả nợ ít nhất số tiền mà Chính phủ ứng trước. Trong nhiều trường hợp Nhà nước có thể nhận lại được số tiền nhiều hơn số đã cho VAMC vay”, ông Hiếu bày tỏ quan điểm và dẫn chứng về trường hợp này đã xảy ra ở Mỹ trong thời gian khủng khoảng toàn cầu năm 2008.
Đồng quan điểm trên, ông Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng chỉ ra rằng, việc dùng ngân sách nhà nước chỉ là tạm ứng cho VAMC để tổ chức này có nguồn lực thực hiện mua bán các khoản nợ xấu, chứ không phải việc sử dụng tiền ngân sách một cách lãng phí và không có mục đích.
Ông Hiếu cũng chia sẻ thêm, tại thời điểm này nếu không có đầu mối nào đứng ra và sử dụng ngân sách nhà nước để gom các khoản nợ cho thị trường mua bán nợ thì không có nhà đầu tư nào dám tham gia thị trường mua bán nợ ở Việt Nam. Do vậy, phải dùng VAMC làm đầu mối thiết lập môi trường mua bán nợ. Nếu VAMC không có tiền, nợ vẫn được mua dồn lại rồi trả cho ngân hàng bằng trái phiếu đặc biệt mà không phải bằng tiền mặt thì không giải quyết được vấn đề gì.
Mấu chốt là thành lập thị trường mua bán nợ
Câu chuyện đặt ra là VAMC đã được trao quyền phát hành trái phiếu để thực hiện xử lý nợ. Vậy kết quả ra sao?
Tổng nợ xấu mà VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được là trên 195.000 tỷ đồng, hiện chiếm 3,29% tổng dư nợ. Kết quả xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng qua VAMC, lũy kế từ năm 2013 đến 31/3/2017, tổng số tiền thu hồi nợ đạt 53.236 tỷ đồng.
Ông Cấn Văn Lực cho rằng, hiện tại nguồn vốn ngân sách nhà nước vẫn đang trong trạng thái căng thẳng, do đó nguồn vốn để xử lý nợ xấu chính là dưới dạng trái phiếu nợ xấu do VAMC phát hành. Trái phiếu nợ xấu được Chính phủ bảo lãnh hoặc không được Chính phủ bảo lãnh tùy theo tín nhiệm của VAMC khi phát hành ra thị trường. Loại trái phiếu này được phép cầm cố thế chấp để đi vay nợ, nó được phép giao dịch trên thị trường, chứ không phải trái phiếu đặc biệt mà VAMC phát hành trong thời gian vừa qua.
Thứ hai, VAMC phải quay vòng thật nhanh, bán được thật nhanh các khoản nợ để có tiền mua nợ xấu. Sau khi kết thúc nhiệm vụ của mình thì lại trả tiền tạm ứng cho ngân sách nhà nước. Vì việc mua, bán nợ xấu cần rất nhiều tiền nên việc tạm ứng cho VAMC là cần thiết trong trường hợp VAMC thiếu tiền. “Như vậy, tiền ngân sách nhà nước thực hiện tạm ứng và tăng khả năng mua nợ xấu theo thị trường của VAMC làm tăng thanh khoản, tăng vòng quay đồng vốn của thị trường nợ xấu” - ông Lực phát biểu.
Ở một góc nhìn khác, ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, các ngân hàng đã gây ra nợ xấu dẫn đến thất thoát. Do đó, không thể sử dụng tiền ngân sách hay chính xác là tiền thuế của dân để đi xử lý nợ xấu.
Theo ghi nhận của Báo Đấu thầu, các ý kiến ủng hộ hay không ủng hộ việc sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu đều chung quan điểm phải tạo lập một thị trường mua bán nợ cạnh tranh. Ở đó có sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các khoản nợ thanh khoản một cách dễ dàng.
Tình trạng đóng băng các khoản nợ tại VAMC hiện nay cũng cho thấy việc thiếu vắng thị trường mua bán nợ do hạn chế các chủ thể và cơ chế vận hành thị trường hàng hóa đặc biệt này.