Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia phải là nơi tập hợp các nhà nghiên cứu hàng đầu về đổi mới sáng tạo. Ảnh: Minh Khuê |
CMCN 4.0 sẽ mang lại bước phát triển nhảy vọt
Đến thời điểm này, nhiều nước trên thế giới đã và đang xây dựng các chính sách, chiến lược để khai thác sức mạnh của cuộc CMCN 4.0. Từ năm 2015, Trung Quốc đã có chiến lược “Made in China 2025”. Tại Hàn Quốc, nước này cũng ban hành kế hoạch 5 năm để đến năm 2022 sẽ dẫn đầu trong cuộc cách mạng này. Singapore cũng có 23 kế hoạch chuyển đổi số các ngành chế tạo cùng nhiều chính sách khác…
Với Việt Nam, các chuyên gia nhận định, CMCN 4.0 sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) dự tính, CMCN 4.0 sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ 7 - 16%/năm… Các ngành kinh tế truyền thống dự báo sẽ nâng cao giá trị. Ngành chế tạo có thể tăng thêm từ 7 - 14 tỷ USD; nông nghiệp tăng thêm khoảng 5 tỷ USD… so với trường hợp không thực hiện CMCN 4.0. Đặc biệt, các ngành công nghệ mới của CMCN 4.0 sẽ là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam như: IoT, kinh tế số…
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, nếu được số hóa các ngành sản xuất, năng suất lao động có thể tăng 2 - 3 lần so với năng suất hiện hành. “Theo đó, những doanh nghiệp nào nhanh chóng áp dụng số hóa 4.0 sẽ là những doanh nghiệp tiên phong hàng đầu, nắm bắt cơ hội phát triển”, ông Cung nói.
Thực tế là, Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức để có thể nắm bắt cơ hội. Bởi lẽ, hiện năng lực khoa học công nghệ của chúng ta còn rất khiêm tốn so với các nước trên thế giới; hệ sinh thái đổi mới sáng tạo còn nhiều điểm yếu (nhỏ lẻ, phân tán, thiếu hạ tầng…); năng lực cạnh tranh CMCN 4.0 thua kém nhiều nước…
Giải pháp nào tận dụng cơ hội?
Tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0 với chủ đề: “Cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội” diễn ra cuối tuần qua, các chuyên gia công nghệ đến từ Nhật Bản đã đưa ra nhiều khuyến nghị có giá trị thiết thực.
Là một doanh nghiệp công nghệ cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho các bộ, cơ quan chính phủ của Nhật Bản, đồng thời thực hiện các dự án về công nghệ tại các cơ quan của Việt Nam, ông Toshio Iwamoto, Chủ tịch, Tổng giám đốc điều hành Data NTT nhận định, CMCN 4.0 là cơ hội lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội, nếu không nắm được sẽ tiếp tục bị tụt hậu.
Trước câu hỏi cách thức nào để Việt Nam có thể tận dụng cơ hội từ CMCN 4.0, lãnh đạo NTT Data cho rằng, Việt Nam cần tạo điều kiện tốt nhất để khuyến khích áp dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo với việc Chính phủ cần xây dựng hệ thống hạ tầng cơ bản có áp dụng công nghệ số. “Việt Nam đã có ý tưởng thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC). Đây phải là nơi tập hợp các nhà nghiên cứu hàng đầu về đổi mới sáng tạo. Tại đây, Chính phủ có thể đưa ra mục tiêu về đổi mới sáng tạo cho từng lĩnh vực, lựa chọn thứ tự ưu tiên, còn doanh nghiệp căn cứ vào đó để thực hiện”, chuyên gia này khuyến nghị.
Đối với vấn đề dữ liệu trong CMCN 4.0, ông Toshio Iwamoto cho rằng, dữ liệu là nguồn tài sản để kinh doanh và phát triển. Tuy nhiên, vấn đề bảo mật dữ liệu vẫn đang có nhiều tranh luận. Dù vậy, các chính sách của nhiều nước quy định, trường hợp phát hiện DN công nghệ để rò rỉ dữ liệu cá nhân sẽ bị xử phạt rất nghiêm khắc.
Bên lề Hội nghị, ông Norihiko Muratake, Tổng giám đốc NTT Data Việt Nam nói thêm, Việt Nam cần có kế hoạch tốt để tận dụng cơ hội từ CMCN 4.0. Thể chế chính sách cần sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản, thuận lợi cho doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ… Hình thành các cơ sở dữ liệu. Đặc biệt, với vấn đề nguồn nhân lực, ông Norihiko Muratake cho rằng, Việt Nam cần xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao để tận dụng cơ hội. Một số ý kiến khác cũng nhấn mạnh, muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì Việt Nam cần có cơ chế chính sách vượt trội.
Hiện Việt Nam đang xây dựng Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0. Để học hỏi kinh nghiệm, thời gian qua, nhiều sự kiện liên quan nhằm chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia (Đức, Singapore…) đã được tổ chức. Với chiến lược này, Việt Nam kỳ vọng, CMCN 4.0 sẽ là con đường tốt nhất để phát triển thịnh vượng.