Các hãng smartphone Trung Quốc muốn lật đổ Samsung, Apple

Nhìn quanh sân vận động Nou Camp của Barcelona, bạn có thể thấy biển quảng cáo của hãng điện thoại Oppo (Trung Quốc), còn trên áo đấu của Kolkata Knight Riders - một trong những đội cricket lớn nhất Ấn Độ là dòng chữ Gionee.

Oppo và Gionee có thể không phải là cái tên lớn ở phương Tây. Tuy nhiên, hai hãng smartphone Trung Quốc này cùng các đối thủ khác trong nước đang vươn ra thế giới với tốc độ kỷ lục.

Năm ngoái, Huawei đã khẳng định vị trí là hãng smartphone lớn thứ 3 thế giới về thị phần, đuổi sát Apple và Samsung. Với Oppo, số điện thoại hãng này bán được trên toàn cầu đã tăng hơn 111% năm 2016, giúp họ đứng ở vị trí thứ 4. Vivo đứng thứ 5 với tăng trưởng 77,9%, theo Counterpoint Research.

Các thương hiệu smartphone Trung Quốc ngày càng xuất hiện ở những sự kiện lớn. Ảnh:Theskop

3 trong 5 hãng smartphone lớn nhất thế giới là của Trung Quốc. Rất nhiều hãng điện thoại khác của nước này cũng đang tăng trưởng mạnh bên ngoài, trong bối cảnh thị trường trong nước ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Tại Hội nghị Di động Thế giới (MWG) - một trong những sự kiện lớn nhất ngành này tổ chức tại Barcelona tuần trước, các hãng Trung Quốc cũng không bỏ qua cơ hội nổi bật. Huawei đã có một buổi họp báo khá hào nhoáng. Trong khi đó, Gionee và Oppo đều có quầy triển lãm sản phẩm lớn. Oppo đã ra mắt công nghệ camera mới, trong khi Gionee công bố A1 - smartphone cấu hình tốt với giá chỉ hơn 360 USD.

Họ đã tận dụng sự kiện này để chứng minh mình có thể góp mặt tại sân chơi toàn cầu, thách thức những tên tuổi như Apple và Samsung.

Oppo, Vivo và Gionee đều thành công tại Trung Quốc nhờ các kênh bán hàng truyền thống. Việc này cho phép họ mở rộng tầm với sang các thành phố và thị trấn nhỏ. Tất cả các công ty này đều đã lấn sân sang thị trường khác ở châu Á, như Ấn Độ, Indonesia hay Thái Lan. Sắp tới, họ sẽ hướng đến Trung Đông hoặc châu Phi.

Các hợp đồng quảng cáo và tài trợ lớn cũng nằm trong chiến dịch mở rộng này. CEO Gionee - William Lu cho biết họ đang tập trung tăng thị phần tại những nước trên. Hiện sản phẩm của hãng này đã xuất hiện tại 50 quốc gia. "Tôi cho rằng quan trọng hơn cả là giờ không mở rộng nữa, mà phải đào sâu vào từng thị trường", Lu cho biết.

Sản phẩm của Gionee hiện có mặt tại 4.000 cửa hàng tại Ấn Độ. Đây là mô hình họ áp dụng tại nhiều nước khác để tăng hiện diện thực tế. Ấn Độ là nước các hãng công nghệ Trung Quốc khá có ảnh hưởng. 4 trên 5 thương hiệu smartphone hàng đầu tại đây là của Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc mở rộng sang các thị trường phát triển có thể là một thách thức. Tại những nước này, điện thoại được bán cho người dùng qua các hợp đồng sử dụng dịch vụ với nhà mạng. Qua đó, điện thoại cũng được trợ giá. Dù vậy, Oppo cho biết tại một số thị trường kiểu này, họ đã có thành công bước đầu.

"Gần đây, chúng tôi đã mở rộng sang Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Australia và New Zealand. Phản hồi đến nay khá tốt. Tại Singapore, chúng tôi hiện đứng thứ 3. Ở Australia, chúng tôi đã ký hợp đồng với các nhà mạng lớn như Vodafone, Virgin, Optus và đang tăng trưởng với tốc độ 3 chữ số", Sky Li - Giám đốc mảng điện thoại quốc tế tại Oppo cho biết. Ông cho biết kinh nghiệm tại các thị trường này sẽ giúp họ hiểu hơn hành vi người dùng và chuẩn bị cho các đợt mở rộng mới trong tương lai.

Huawei hiện là hãng sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới. Ảnh:CNBC

Dù vậy, khi được hỏi liệu Mỹ có thể là đích đến tiếp theo của họ hay không, các hãng đều cho rằng chưa tới lúc. Các nhà phân tích đã cảnh báo doanh nghiệp Trung Quốc có thể gặp khó khăn về bản quyền trí tuệ tại Mỹ.

Môi trường tại Mỹ cũng trở nên khó khăn hơn với các công ty Trung Quốc. Tổng thống Mỹ - Donald Trump thường xuyên có phát ngôn không mấy thân thiện với nước này. Trong chiến dịch tranh cử, ông thậm chí đe dọa đánh thuế cao hàng nhập khẩu từ đây. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc tỏ ra không mấy lo lắng.

"Tôi không nhận thấy rủi ro đó. Tôi cho rằng quan hệ Mỹ - Trung là quan trọng nhất thế giới. Hai nước chúng tôi cần đến nhau", Yuanqing Yang - CEO Lenovo cho biết.

Dù vậy, hiện tại, phần lớn công ty Trung Quốc vẫn tập trung vào các nước họ có thể giành thị phần mà không gặp nhiều rắc rối. Tuy nhiên, họ cũng không loại trừ khả năng sang Mỹ hoặc các nước phương Tây khác.

"Tôi cho rằng thương hiệu Gionee chưa sẵn sàng vào Mỹ hay châu Âu. Nhưng nếu hợp tác được với thương hiệu địa phương, cùng họ đưa ra sản phẩm và làm việc với họ để hiểu thị trường, chúng tôi có thể lấn sân sang đây", Lu cho biết, "Với các thị trường phát triển, chúng tôi đã có kế hoạch từng bước rồi, chứ không vội vàng đâu".

Chuyên đề