CEO Tesla - Elon Musk (trái) là một trong những nhà lãnh đạo phản ứng mạnh mẽ nhất. Ảnh:AP |
Ông Donald Trump vừa quyết định rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Paris năm 2015 về chống biến đổi khí hậu, bất chấp những phản đối từ nhiều phía trước đó. Phản ứng trước quyết định này, lãnh đạo cấp cao của nhiều doanh nghiệp nước này đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
CEO General Electric - Jeff Immelt chia sẻ hôm qua trên Twitter: "Tôi thất vọng với quyết định của ông Trump. Biến đổi khí hậu là có thật. Các ngành công nghiệp sẽ phải tự định hướng và không nên phụ thuộc vào Chính phủ".
Elon Musk - CEO Tesla tuyên bố sẽ rút khỏi hội đồng cố vấn kinh doanh của Tổng thống. Ông Musk chia sẻ: "Rời khỏi hiệp định Paris là việc không tốt cho nước Mỹ và cả thế giới".
Nhà lãnh đạo Tesla không phải thành viên duy nhất rời hội đồng cố vấn của ông Trump, ngoài ra còn có CEO Disney - Bob Iger. "Tôi không đồng ý với quyết định rút khỏi Hiệp định Paris. Bảo vệ hành tinh và định hướng phát triển kinh tế đều cấp thiết với tương lai của chúng ta. Chúng không loại trừ lẫn nhau", ông Iger nhận định.
Nhà sáng lập Facebook - Mark Zuckerberg tỏ ra lo ngại: "Rút khỏi Hiệp định Paris là một tín hiệu xấu cho môi trường, cho nền kinh tế và nó đe doạ tương lai của trẻ em".
Trong khi, Sundar Pichai - CEO Google cho biết: "Tôi thất vọng với quyết định của Tổng thống. Google sẽ tiếp tục làm việc chăm chỉ vì một môi trường trong sạch hơn, tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người".
Ngoài ra, rất nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp khác như Goldman Sachs, Microsoft, ExxonMobil, Chevron, Salesforc... cũng lên tiếng phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ. Thời gian gần đây, hàng trăm công ty Mỹ đã vận động Chính quyền Trump duy trì thoả thuận này.
Một số nhà lãnh đạo từng sử dụng vị trí của mình để gây sức sức ép lên ông Trump. Elon Musk cho biết đã khuyên Tổng thống phải tuân thủ những nguyên tắc của Hiệp định Paris thông các quan chức Nhà Trắng và hội đồng doanh nghiệp.
Trong khi đó, CEO Apple - Tim Cook tiết lộ đã nói chuyện với ông Trump hôm thứ Ba nhằm thuyết phục giữ nước Mỹ lại Hiệp định Paris nhưng việc này là không đủ. Hiệp định này được gần 200 nước thông qua, nhằm giảm lượng khí CO2 và khí thải khác từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, qua đó giúp kiềm chế tăng nhiệt độ trên toàn cầu.