Công nhân làm việc trong nhà máy của Asanzo. |
Ngày 25/6, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng - Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã chỉ đạo cơ quan hải quan, thuế, văn phòng Ban chỉ đạo 389... xác minh việc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo bán hàng Trung Quốc nhưng gắn mác Việt.
Theo đó, cơ quan thuế, hải quan sẽ rà soát việc thực hiện quản lý Nhà nước với việc nhập khẩu các sản phẩm sản xuất tại nước khác, nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra Việt Nam. Trách nhiệm của hải quan cũng sẽ được xem xét nếu để xảy ra tình trạng trốn thuế, gây thất thu ngân sách Nhà nước.
Đồng thời, ông Đinh Tiến Dũng còn yêu cầu rà soát để phát hiện trường hợp tương tự và đề xuất các biện pháp chống thất thu, nợ đọng thuế, chống chuyển giá, trốn thuế.
Chỉ đạo này được đưa ra một ngày sau khi Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan vào cuộc làm rõ các nghi vấn Asanzo bán hàng Trung Quốc nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam.
Trước đó, về vụ việc này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp, Vụ Khoa học công nghệ, Vụ Thị trường trong nước và Tổng cục Quản lý thị trường... rà soát công tác quản lý Nhà nước. Từ đó có những biện pháp cụ thể đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng cũng như môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh...
Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương, Sở Công Thương TP HCM cho biết, các sản phẩm của Asanzo được phân phối tại 143 điểm bán của hệ thống bán lẻ, các cửa hàng bán lẻ truyền thống và các kênh thương mại trực tuyến như Shopee, Lazada... Các sản phẩm mà Asanzo đăng ký sản xuất, kinh doanh là các mặt hàng điện gia dụng, điện lạnh và điện tử.
Hiện một số siêu thị điện máy như Nguyễn Kim, Điện máy xanh... và trên kênh bán hàng online đã ngừng bán toàn bộ sản phẩm điện máy từ Asanzo. Tuy nhiên, ở một số cửa hàng bán lẻ, sản phẩm thương hiệu Asanzo vẫn được bày bán trên kệ bình thường trong thời gian chờ kết luận của cơ quan chức năng.
Trước đó, theo điều tra của báo Tuổi Trẻ TP HCM, Công ty cổ phần điện tử Asanzo đã nhập hàng loạt thiết bị điện tử xuất xứ Trung Quốc như nồi cơm điện, lò nướng, tivi, máy lạnh, loa... về bóc tem "made in China" và dán nhãn Việt Nam để bán ra thị trường.
Trả lời báo chí chiều 23/6, ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Asanzo khẳng định không có chuyện bóc tem Trung Quốc rồi dán tem Việt Nam lên. Theo ông Tam, Tivi Asanzo có 3 linh kiện được nhập từ Trung Quốc gồm: bo mạch, tấm panel và tấm kính (màn hình) chiếm khoảng 70% trên toàn sản phẩm. Còn tất cả chi tiết khác như là vỏ nhựa, remote điều khiển... do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.