Bứt phá hạ tầng, kết nối liên thông các trục kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhằm hiện thực hóa quan điểm, mục tiêu phát triển trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ngãi đang tận dụng nguồn ngân sách trung ương và địa phương tập trung đầu tư đồng bộ, hiện đại hạ tầng kinh tế - xã hội, kết nối liên thông các trục kinh tế, hành lang kinh tế, vùng động lực kinh tế nội tỉnh và liên kết các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung cùng lan tỏa lợi ích lớn, phục vụ đa mục tiêu phát triển.
Hạ tầng được Quảng Ngãi tập trung nguồn lực đầu tư nhằm kết nối các hàng lang, không gian, trục kinh tế theo quy hoạch đã được duyệt. Ảnh: Duy Sinh
Hạ tầng được Quảng Ngãi tập trung nguồn lực đầu tư nhằm kết nối các hàng lang, không gian, trục kinh tế theo quy hoạch đã được duyệt. Ảnh: Duy Sinh

Liên kết về hạ tầng giao thông

Nằm ở vị trí trung độ trên dải đất hình chữ S và trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Ngãi sở hữu lợi thế lớn khi có hệ thống hạ tầng giao thông trọng yếu quốc gia đi qua. Trong đó, hệ thống đường cao tốc bao gồm: cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn dài 88 km, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 139 km; hệ thống đường bộ gồm các tuyến: QL.1, QL.24, QL.24B, QL.24C, QL.24D, QL.19B, đường ven biển, đường Trường Sơn Đông... Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có đường sắt Bắc - Nam chạy qua với chiều dài 110 km.

Về hệ thống cảng biển, Quảng Ngãi sở hữu cảng biển Dung Quất, là cảng tổng hợp quốc gia có các bến chuyên dùng đầu mối quy mô lớn gắn với Khu kinh tế (KKT) Dung Quất. Từ lợi thế cảng nước sâu này, Khu liên hợp công nghiệp luyện kim Hòa Phát Dung Quất, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và tương lai là Trung tâm Lọc hóa dầu quốc gia, Trung tâm Điện lực Dung Quất gắn với mỏ khí Cá Voi Xanh và các dự án nhiệt điện sẽ là động lực tăng trưởng, những hạt nhân lan tỏa.

KKT Dung Quất, KKT Chu Lai (Quảng Nam) lần lượt được Trung ương và hai tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam quy hoạch, nằm trong lộ trình đầu tư, thu hút đầu tư. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hai KKT này nếu liên kết và chia sẻ tiềm năng, lợi ích trong thu hút đầu tư sẽ hình thành vùng động lực kinh tế có tốc độ tăng trưởng đáng nể không chỉ cho hai địa phương mà cho cả khu vực miền Trung, do nơi đây gần như hội tụ đầy đủ tiềm năng về công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng kết hợp tiềm năng về du lịch, dịch vụ dồi dào.

Một lợi thế mà không phải địa phương nào cũng được sở hữu là lĩnh vực vận tải hàng không. Dù sân bay Chu Lai thuộc xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, cách trung tâm Quảng Ngãi khoảng 30 km, nhưng Quảng Ngãi được định hướng sử dụng sân bay này phục vụ đi lại của người dân và là lợi thế trong thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi cũng được cho phép nghiên cứu, bổ sung quy hoạch và tiến tới phát triển cảng hàng không, sân bay tại vị trí có tiềm năng là huyện đảo Lý Sơn khi đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Lợi thế về hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu cơ bản đáp ứng việc vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng cao, nhất là khi KKT Dung Quất phát triển mạnh mẽ trở thành trung tâm logistics, thì hạ tầng giao thông của Tỉnh cần được nâng cấp mở rộng. Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, xác định hạ tầng giao thông là mạch nối quan trọng phát triển kinh tế, là lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư, Tỉnh đã ưu tiên nguồn lực đầu tư nhiều tuyến giao thông trọng điểm, đẩy mạnh liên kết vùng, đưa Quảng Ngãi bước vào thời kỳ phát triển mới.

Được khởi công từ tháng 12/2023, Dự án Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi là công trình giao thông cấp I lớn nhất từ trước đến nay mà tỉnh Quảng Ngãi thực hiện với vai trò chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng, tổng chiều dài tuyến 26,88 km chạy song song về phía Đông với Quốc lộ 1, đi qua 11 xã, thị trấn của 2 huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và TP. Quảng Ngãi. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là trục giao thông có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối liên vùng theo hướng Bắc - Nam của tỉnh Quảng Ngãi, kết nối liền mạch từ sân bay Chu Lai qua các khu chức năng của KKT Dung Quất và về TP. Quảng Ngãi. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi, nhằm đảm bảo hoàn thành Dự án trong năm 2025, các đơn vị chức năng đang bám sát tiến độ, đôn đốc nhà thầu, phối hợp với địa phương để giải quyết vướng mắc về mỏ vật liệu, giải phóng mặt bằng, qua đó đẩy nhanh thi công, phấn đấu giải ngân hết số vốn Trung ương bố trí.

Khởi động từ năm 2019 và đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành trong năm 2024, Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn IIa, thành phần 1 với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng đang được địa phương và nhà thầu dồn lực triển khai. Công trình có tổng chiều dài hơn 13 km, đi qua các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức và TP. Quảng Ngãi, kết nối các địa phương ven biển Quảng Ngãi với KKT Dung Quất.

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phương án phát triển mạng lưới giao thông của Tỉnh đề cập nghiên cứu, đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum khi được bổ sung vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây sẽ là tuyến đường bộ ngắn và thuận lợi nhất kết nối các tỉnh Tây Nguyên về cảng Dung Quất, hiện thực hóa hành lang kinh tế Bờ Y - Kon Tum - Măng Đen - Quảng Ngãi.

Quy hoạch Tỉnh cũng xác định, giai đoạn 2021 - 2030 sẽ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương thực hiện cao tốc Quảng Ngãi - Quảng Nam. Về các tuyến đường tỉnh, Quảng Ngãi phấn đấu cải tạo, đầu tư nâng cấp, mở rộng 12 tuyến đường tỉnh hiện hữu và xây mới một số tuyến đường tỉnh khác đạt tối thiểu cấp III đồng bằng.

Hình thành trung tâm logistics cấp vùng

Trong phương án phát triển mạng lưới giao thông tại Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ngãi xác định nghiên cứu đầu tư trung tâm logistics cấp vùng tại KKT Dung Quất, là đầu mối kết hợp đa phương thức vận tải; nghiên cứu, đề xuất các trung tâm logistics vệ tinh bổ trợ cho trung tâm logistics cấp vùng tại các địa phương, các vị trí đấu nối với cao tốc Bắc - Nam.

Đánh giá về tiềm năng phát triển logistics so với các địa phương trong vùng, bên cạnh lợi thế sở hữu KKT Dung Quất quy mô hơn 45.000 ha, một trong những KKT trọng điểm của cả nước và là một trong những động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng, những tiện ích về hạ tầng giao thông đang mở ra cơ hội lớn thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics.

Quảng Ngãi sở hữu vị trí thuận lợi trên các trục kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây kết nối khu vực biển Đông - Đông Nam Á, có khả năng kết nối nội tỉnh, ngoại tỉnh và quốc tế với hạ tầng giao thông đối nội, đối ngoại sẵn có. Trong đó, về đường bộ, Quảng Ngãi có hệ thống cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Quốc lộ 1 dọc theo “xương sống” và qua các địa bàn trọng điểm về kinh tế của Tỉnh, có hệ thống Quốc lộ 24 kết nối Đông - Tây. Ngoài ra, khi tuyến ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh được hoàn thành sẽ tạo ra động lực mới thúc đẩy giao thông đường bộ. Về đường biển, Quảng Ngãi được xếp vào nhóm cảng biển loại I với khu bến Dung Quất có khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải đến 50.000 tấn; tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải lên đến 200.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, lớn nhất trong các cảng khu vực.

Lãnh đạo UBND Quảng Ngãi đánh giá, việc đầu tư, mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối khu vực, liên vùng, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ là cần thiết nhằm đảm bảo vận hành đồng bộ, liên thông với nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Đó là những điều kiện thuận lợi để Dung Quất trở thành một trung tâm logistics của khu vực.

Chuyên đề