Bức ảnh lạ suýt châm ngòi chiến tranh hạt nhân Mỹ - Xô

Bức ảnh chụp hệ thống tên lửa S-75 Liên Xô tại Cuba đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng suýt đẩy thế giới vào một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Năm 1962, một phi công lái máy bay do thám Mỹ bay qua Trece de la Coloma, khu vực hẻo lánh ở cực đông của Cuba và chụp được một bức ảnh kỳ lạ. Đó là một vòng tròn lớn bao quanh ngôi sao 6 cánh, mà nhìn thoáng qua nhiều người sẽ liên tưởng đến hình vẽ kỳ quái liên quan đến tôn giáo của một bộ tộc nào đó, theo Popular Mechanics.

Ngay lập tức, bức ảnh được chuyển về cho các chuyên gia phân tích tình báo tại Lầu Năm Góc. Qua phân tích, các chuyên gia kết luận rằng đây không phải là một hình vẽ tôn giáo, mà là dấu vết đặc trưng của hệ thống tên lửa phòng không S-75 Liên Xô.

Đây chính là hệ thống phòng không đã được sử dụng để bắn hạ phi công Mỹ Gary Powers trên chiếc máy bay do thám U-2 có trần bay trên 20 km trong không phận Liên Xô.

Hệ thống tên lửa phòng không S-75 sử dụng 6 bệ phóng riêng rẽ, bố trí đều xung quanh khu vực trung tâm, tạo nên một mô hình độc đáo. Trung tâm của đội hình là radar, hệ thống dẫn đường và các thiết bị hỗ trợ. 

Khi bức ảnh được giải mã, Lầu Năm Góc nhận định Liên Xô đã gửi tên lửa phòng không S-75 đến Cuba để bảo vệ cái gì đó. Những chuyến do thám bằng máy bay U-2 sau đó đã phát hiện sự xuất hiện của nhiều tên lửa hạt nhân tầm trung tại đây.

Mỹ đã yêu cầu Liên Xô rút các tên lửa này, nhưng bị từ chối, khiến Mỹ quyết định phong tỏa, bao vây Cuba, gây nên một cuộc khủng hoảng căng thẳng giữa hai siêu cường. Trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, có những lúc thế giới đã rất cận kề với một cuộc chiến tranh hạt nhân mang tính hủy diệt.

Rất may sau đó lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã đạt được thỏa thuận với Tổng thống Mỹ John F. Kennedy và các tên lửa cuối cùng cũng được rút khỏi Cuba.

Chuyên đề