Tính từ khi bắt đầu vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vào năm 2010 đến nay, BSR đã đóng góp trên 7 tỷ USD cho ngân sách nhà nước |
Nhưng với ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) thì cứ thay đổi nào tốt hơn cho Nhà máy, cho DN thì đều nên làm.
Sản xuất công nghiệp của Việt Nam năm 2017 tăng trưởng mạnh với chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 9,4%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao (tăng 14,5% so với năm 2016) là động lực chính. Ông đánh giá những tác động của tăng trưởng sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo đến nền kinh tế chung và kinh tế địa phương nói riêng như thế nào?
Việt Nam vốn là quốc gia chú trọng phát triển nông nghiệp. Nhưng, nếu chỉ dựa vào nông nghiệp và dịch vụ, Việt Nam khó có những bước tiến vượt bậc về kinh tế.
Một ví dụ cho thấy là việc vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ USD đã kéo toàn bộ kinh tế tỉnh Quảng Ngãi vượt lên. Quay trở lại cách đây 10 - 15 năm trước, khi chưa có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Quảng Ngãi là địa phương luôn đứng ở nhóm cuối về phát triển kinh tế so với các tỉnh, thành cả nước. Nhưng từ khi Nhà máy được vận hành vào năm 2010, Quảng Ngãi từ top sau cùng nhảy vọt lên top đầu tiên.
Có những năm Quảng Ngãi lọt vào Top 5, Top 6 tỉnh đóng góp cho ngân sách nhà nước nhiều nhất, chỉ đứng sau Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, vượt qua cả Đà Nẵng. Đó là minh chứng rất cụ thể và thuyết phục để nói rằng công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo nếu phát triển đúng hướng, được điều hành quản lý bởi một bộ máy cơ chế minh bạch và thực sự có nhiệt huyết, có tâm, thì chắc chắn sẽ tạo động lực lớn để đưa nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn.
Ngày hôm nay, các bạn có thể chiêm ngưỡng những thành tựu mà chúng tôi lặng lẽ triển khai trong suốt hàng chục năm qua. Ngay khi nhận bàn giao từ nhà thầu vào năm 2010, chúng tôi đã âm thầm phát triển mở rộng những thành tố của Cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là hệ thống điều khiển tự động hóa của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, hệ thống truyền thông liên lạc, hệ thống máy tính phục vụ cho việc tối ưu hóa Nhà máy. Đơn vị cũng phát triển hệ thống phần mềm phức hợp, phân tích 24/24h nhu cầu thị trường đầu ra, giá cả, cũng như nhu cầu thị trường dầu thô đầu vào.
Nhờ có sự đổi mới liên tục như vậy mà hôm nay, Lọc dầu Dung Quất đã đạt chỉ số ấn tượng về kinh doanh. Năm 2017, BSR đạt tổng doanh thu trên 80.000 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 8.000 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 10.000 tỷ đồng.
Vì sao các lãnh đạo BSR lại có những tính toán đường dài như vậy?
Người ta thường nói “gốc rễ của mọi vấn đề là con người”. Ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, chúng tôi luôn tạo ra môi trường làm việc thoải mái, minh bạch để mỗi cá nhân trong doanh nghiệp đều phát huy tối đa sự sáng tạo, trí tuệ của mình. Các nhân sự càng nỗ lực đóng góp càng được coi trọng, được tưởng thưởng xứng đáng. Theo tính toán, một lao động BSR một năm làm ra trên 50 tỷ đồng doanh thu, trên 5 tỷ đồng lợi nhuận và nộp ngân sách gần 7 tỷ đồng, sản xuất 4.000 tấn sản phẩm.
Chúng tôi đã xây dựng được đội ngũ rất mạnh, đoàn kết, nhiệt huyết để cùng nhau phát triển doanh nghiệp từ lúc còn khó khăn đến ngày hôm nay.
Kết quả kinh doanh của BSR những năm qua khá tích cực. Nhưng phát triển bền vững mới là mục tiêu khó duy trì. Theo ông, bài toán này sẽ được giải quyết thế nào trong thời gian tới?
Phát triển bền vững là mục tiêu của tất cả cán bộ, kỹ sư, công nhân Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Nếu như cách đây 10 năm, chúng tôi bắt đầu đưa Nhà máy vào vận hành với muôn vàn khó khăn, vô vàn thử thách, sự cố của một dự án mới đi vào hoạt động còn quá mới mẻ, thì từ đó đến nay, mọi quy trình đã vận hành trơn tru và đạt hiệu quả tốt.
Thực tế đã và đang còn nảy sinh nhiều khó khăn. Từ vấn đề thị trường, hội nhập quốc tế, cạnh tranh trong nước và khu vực khi có thêm nhiều nhà máy lọc dầu ra đời. Chúng tôi phải dung hòa và phát triển đội ngũ trẻ đầy nhiệt huyết và lớp cán bộ đi trước dày dạn kinh nghiệm trong một tập thể vững bền. Đó là yếu tố quan trọng để Nhà máy được vận hành ngày càng đạt hiệu quả tốt hơn, nhanh nhạy với các biến động của thị trường và phản ứng chính sách tốt hơn.
BSR đã phát hành thành công cổ phần ra công chúng. Quyền lực tập trung của lãnh đạo DNNN có thể giảm sút tỷ lệ thuận với số cổ phần bán ra. Ông có e ngại về điều này?
Từ thời điểm 3 - 5 năm trước, Ban lãnh đạo Nhà máy đã có những phát biểu rất thẳng thắn và mạnh mẽ về tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp. Thời điểm đó, chủ trương của Chính phủ là cho phép cổ phần hóa Nhà máy Lọc dầu Dung Quất không quá 49%, thậm chí có thời điểm không quá 35%. Nay còn bán ra tới 65%. Chúng tôi đã trả lời nếu có thể cổ phần hóa toàn bộ Nhà máy đến 100%, mà cổ đông là các nhà đầu tư lớn, thực sự có bề dày kinh nghiệm về lọc hóa dầu cũng là một cách tốt. Nghĩa là chúng tôi sẵn sàng với việc này với suy nghĩ tích cực nhất, miễn sao là đóng góp được nhiều hơn cho nền kinh tế.
Cổ phần hóa nhưng Nhà máy vẫn đặt ở đây, nhân lực chủ yếu vẫn là người Việt Nam, chúng ta sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư vào các nhà máy khác theo mô hình đã thành công, tạo thành chuỗi các dự án lọc hóa dầu. Các công trình tổ hợp các nhà máy đó sẽ mang lại hiệu quả theo cấp số nhân cho nền kinh tế, đất nước, vậy cớ gì mà chúng ta không làm?
Vì vậy, không nên suy nghĩ hạn hẹp rằng, chúng ta phải bảo vệ lợi ích cho một tập thể nhỏ, nhóm nhỏ. Nếu chúng ta cho rằng cổ phần hóa là mất quyền lực thì đó là ý nghĩ mang tính cá nhân, chứ không phải mang tính tổng thể cho đất nước.
Nhà đầu tư có thể kỳ vọng gì vào hoạt động của BSR trong thời gian tới?
Bức tranh hiện tại của BSR đang rất tốt. Tính từ khi bắt đầu vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vào năm 2010 đến nay, BSR đã đóng góp trên 7 tỷ USD cho ngân sách trên vốn ban đầu 2,5 USD.
Tương lai của BSR chính là việc cổ phần hóa Nhà máy, nâng cấp mở rộng hơn nữa. Nhà máy sẽ bước lên tầm cao mới khi có thêm nguồn lực tài chính, cộng thêm trí tuệ cũ và mới, thêm giám sát và phản biện chiến lược để tối ưu hóa quá trình sản xuất, kinh doanh nhằm mang lại những giá trị có tính cạnh tranh cao hơn, lớn hơn.