Đấu thầu rộng rãi sẽ giải quyết được nhiều vấn đề của BOT hiện nay như lãi suất, lợi nhuận, chi phí đầu tư hợp lý,… Ảnh: Nhã Chi |
Để dự án BOT hiệu quả hơn trong thời gian tới, sẽ cần cách xuất phát, cách đi khác để 5 năm tới sẽ không phải nhìn lại với sự đáng tiếc “BOT đã tốt hơn, nếu…”.
Lựa chọn dự án chuẩn BOT
Lựa chọn dự án có phù hợp để thực hiện BOT hay không là bước khởi đầu rất quan trọng để có được thành công. Dự án phải bắt đầu từ chính nhu cầu đầu tư thực sự, trên cơ sở tính toán chính xác lưu lượng giao thông của chính dự án BOT. Theo một chuyên gia về PPP, dự án BOT muốn thành công cần đáp ứng các tiêu chí như phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; là dự án ưu tiên cao; có khả năng tạo doanh thu để hoàn vốn cho nhà đầu tư, ưu tiên dự án tạo doanh thu từ hoạt động kinh doanh; có nhu cầu sử dụng dịch vụ lớn.
Khi đáp ứng các tiêu chí này, thì sẽ không có dự án BOT xây dựng cầu hoàn thành mà đường dẫn đến cầu chưa hoàn thành, nhà đầu tư xin hoãn thời gian thu phí để chờ đường; hay không dẫn đến chuyện đường BOT lưu lượng thấp phải thu thêm từ đường quốc lộ;…
Làm việc với nhiều chuyên gia quốc tế về PPP, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, tư vấn độc lập về tài chính công, chia sẻ: “Nhiều chuyên gia Nhật lấy làm lạ vì việc làm dự án một chỗ, đặt trạm thu phí hoàn vốn ở chỗ khác, lấy nguồn thu từ đường khác để bù cho đường BOT”. Không nên làm BOT nếu khả năng hoàn vốn từ thu phí đường BOT chưa đến 30%. Theo bà Hà, tính toán phương án tài chính phải căn cứ theo chính dự án BOT định làm, nếu bản thân dự án đó thu phí không đủ bù chi phí đầu tư nhưng Nhà nước rất cần phải đầu tư và đã có phân tích đầy đủ về tính cần thiết, thì phải bù đắp khoản thiếu hụt đó từ ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, khoản bù đắp lớn nhất cũng chỉ 20 - 30%, thu phí phải đáp ứng được 60 - 70%. Để xác định được mức bù đắp phải thông qua đấu thầu minh bạch, nhà đầu tư nào đưa ra phương án mà NSNN bù đắp ít nhất thì được lựa chọn.
“Đáng lẽ con đường này chưa nên đầu tư BOT vì nhu cầu chưa cao, lưu lượng chưa đạt phương án tài chính, nhưng cứ cố đấm ăn xôi nên mới dẫn đến phải tính lấy chỗ này chỗ khác để bù đắp”, bà Hà phân tích. Nếu bản thân dự án không có khả năng hoàn vốn tức là nhu cầu chưa cao, lưu lượng xe không đạt, Nhà nước không có tiền bù đắp thiếu hụt thì không nên làm BOT.
Hài hòa lợi ích
Sau khi có dự án tốt, bước quan trọng tiếp theo là phải đấu thầu minh bạch, công khai, cạnh tranh thực sự, hạn chế tối đa chỉ định thầu. Đấu thầu rộng rãi sẽ giải quyết được nhiều vấn đề của BOT hiện nay như lãi suất, lợi nhuận, chi phí đầu tư hợp lý,…
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong tương lai nếu không làm cẩn thận, vì lợi ích của một bên nào đó, thì sẽ lặp lại câu chuyện như BOT Cai Lậy hay nhiều dự án hiện nay và sẽ lại giải quyết phần ngọn.
Ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội (TP.HCM), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, PPP nói chung, BOT nói riêng, là cần thiết trong thu hút nguồn lực, đầu tư kết cấu hạ tầng hiện nay để tận dụng được khoa học công nghệ, kỹ thuật của tư nhân. Vấn đề là triển khai như thế nào để vừa phù hợp yêu cầu đầu tư, vừa phù hợp với sức chịu đựng của người dân, vừa có lợi cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, trong đó cái lợi cho dân phải đặt lên hàng đầu. Có những dự án sẽ cố gắng đầu tư công hoàn toàn, có những dự án phải BOT, nhưng cần xác định được BOT ở đâu, cho dự án nào phải hết sức cẩn thận, tránh đầu tư hàng loạt, dàn trải, dẫn đến trục trặc như Cai Lậy là đáng tiếc. Theo ông Ngân, cần nhanh chóng rút ra bài học để triển khai BOT trong thời gian tới, đặc biệt là các tiểu dự án thành phần sẽ triển khai theo hình thức BOT của dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư một số tuyến.