Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ vào ngày 29/6 tại Osaka, Nhật Bản.Ảnh: AP |
Khi đàm phán thương mại Mỹ - Trung đổ vỡ hồi tháng 5/2019, Mỹ đỗ lỗi Trung Quốc rút lại các cam kết. Ngược lại, nước này khẳng định trong Sách trắng rằng Mỹ đưa ra những yêu cầu vô lý và lập luận họ đã đạt được tiến bộ đáng chú ý trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.
Trước đó, từ Hội nghị lần thứ 3 của Đại hội đảng lần thứ 18 vào tháng 11/2013, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã vạch ra kế hoạch mở rộng các quyền tự do kinh tế đáng kể, ít nhất là tính từ những năm 1990.
Về sau, trong bài phát biểu vào tháng 1/2017 tại Davos, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần nữa đề cập về kỷ nguyên cải cách mới. Một năm sau, tại cùng địa điểm, cố vấn kinh tế hàng đầu của ông, Phó thủ tướng Lưu Hạc cho biết Trung Quốc sẽ khiến thế giới ngạc nhiên với những cải cách.
Tuy nhiên, hơn một năm rưỡi kể từ khi ông Lưu Hạc nói, không có gì bất ngờ xảy ra. Trung Quốc phần lớn được phương Tây nhìn nhận là quá ít mở cửa, không xứng với sức mạnh của một nền kinh tế hướng đến dẫn đầu thế giới, dù nước này tiếp tục cam kết sẽ làm nhiều hơn nữa.
Xuất phát từ đó, giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn tồn tại 4 bất đồng lớn khi hai nước tiếp tục ngồi vào bàn đám phán vào tháng này và tháng tới.
Tiếp cận thị trường
40% các công ty châu Âu nói Trung Quốc đã cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, theo khảo sát niềm tin kinh doanh của Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc (EuroCham) công bố vào tháng 5/2019.
Bước tiến lớn nhất là sửa đổi danh sách theo hướng giảm các lĩnh vực bị hạn chế hoặc bị cấm nhà đầu tư nước ngoài, cũng như công bố các mốc thời điểm loại bỏ giới hạn sở hữu trong ngành dịch vụ tài chính và ôtô.
Hồi tháng 7, Phó thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết nước này sẽ đưa ra kế hoạch đến 2020 xóa bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài đối với các công ty tài chính, từ chứng khoán đến bảo hiểm nhân thọ trong tương lai.
Tuy nhiên, Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Trung Quốc nói trong báo cáo gần đây rằng các hạn chế tiếp cận thị trường vẫn ảnh hưởng đến hơn một nửa số thành viên. Những thách thức đặc biệt gay gắt trong lĩnh vực công nghệ và R&D, với hơn 75% thành viên xác nhận.
Sở hữu trí tuệ
Phó chủ tịch cấp cao Hội đồng doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc Jacob Parker nhận xét động thái sửa đổi Luật Thương hiệu vào tháng 4, với việc tăng mức bồi thường cho các hành vi xâm phạm đã khiến các công ty nước ngoài quan tâm. Cơ chế kháng cáo sở hữu trí tuệ được giới thiệu ở cấp Tòa án Nhân dân Tối cao cũng rất tích cực.
Nhiều công ty Mỹ thừa nhận nỗ lực của Trung Quốc trong cải thiện luật pháp về bảo vệ sở hữu trí tuệ và việc thực thi những năm gần đây, đặc biệt là liên quan đến bảo vệ thương hiệu. Tuy nhiên, AmCham cho rằng chúng vẫn ít.
Trung Quốc được xếp hạng 52 trên 125 quốc gia vào năm ngoái theo Chỉ số quyền sở hữu quốc tế, không thay đổi so với năm 2017 nhưng tăng 3 bậc so năm 2016. Thực tế, số tiền mà các công ty Trung Quốc thanh toán khi sử dụng tài sản trí tuệ nước ngoài đã tăng vọt thập niên gần đây, từ mức 8,2 tỷ USD năm 2007 lên 28,7 tỷ USD vào năm 2017.
Ép buộc chuyển giao công nghệ
Chính phủ Trung Quốc nói các cáo buộc họ ép công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ là "không có cơ sở". Tuy nhiên, một loạt các thay đổi pháp lý đã nhanh chóng xuất hiện để giúp đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Luật đầu tư nước ngoài mới dự kiến có hiệu lực vào năm 2020 cấm các cơ quan hành chính ép buộc chuyển giao công nghệ. Luật này cũng bao gồm khả năng phạt hình sự đối với các quan chức tiết lộ hoặc rò rỉ bí mật thương mại, lượm lặt từ các quyết định phê duyệt.
Luật được thông qua hồi tháng 3/2019, chỉ sau vài tháng được trình trong khi bình thường sẽ mất nhiều năm. Luật Cấp phép Hành chính sửa đổi được thông qua vào tháng 4/2019 cũng cấm các quan chức tiết lộ bí mật thương mại.
Tuy nhiên, những điều này vẫn chưa đủ cho các quan chức Mỹ, những người nói rằng Trung Quốc đã cam kết thay đổi trước đó nhưng không tuân theo. EuroCham thì nhận xét luật đầu tư nước ngoài mới có chứa các thuật ngữ mơ hồ, tạo ra sự không chắc chắn và tổn hại niềm tin kinh doanh.
Chính sách công nghiệp
Đây được cho là vấn đề nhức nhối nhất vì tham vọng bắt kịp và thách thức thế giới trong các ngành công nghệ cao, thông qua các chính sách công nghiệp do nhà nước lãnh đạo và tài trợ. Do vậy, gần đây, Trung Quốc có nhiều động thái để trấn an Mỹ và thế giới.
Trong bài phát biểu hồi tháng 3/2019, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hứa hẹn về "cạnh tranh trung lập", nơi công ty nhà nước và tư nhân sẽ được đối xử trên "một nền tảng bình đẳng" và khả năng tiếp cận thị trường như nhau.
Các nhà hoạch định chính sách nước này cũng đang miệt mài với cách họ trình bày kế hoạch của mình với thế giới. Do đó, chương trình "Made in China 2025", một kế hoạch trợ cấp nhằm đưa Trung Quốc thành cường quốc toàn cầu về các công nghệ tiên tiến làm thất vọng chính quyền Trump, đã không được đề cập trước công chúng.
Bloomberg cho rằng, đến nay vẫn có rất ít bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã thay đổi cách tiếp cận theo hướng trợ cấp công nghiệp. Ngược lại, ông Tập Cận Bình còn thúc giục tăng gấp đôi nỗ lực tự lực.
"Với sự phát triển to lớn của Trung Quốc về quy mô, khả năng tiếp cận và khả năng cạnh tranh toàn cầu, họ phải ngày càng đạt được độ mở của nền kinh tế như các nền kinh tế tiên tiến khác. Điều đó chỉ đơn giản là đã không xảy ra", Daniel Rosen - Chuyên gia kinh tế nghiên cứu về Trung Quốc, đối tác của Rhodium Group, nhận xét.