Boeing khai trương nhà máy đầu tiên tại Trung Quốc vào ngày 15/12 - Ảnh: Straits Times. |
Boeing vừa khai trương nhà máy hoàn thiện máy bay 737 và trung tâm vận chuyển tại thành phố Chu San, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, vào ngày 15/12 sau hơn một năm xây dựng, theo CNN.
Đây là nhà máy đầu tiên của Boeing tại Trung Quốc và đánh dấu bước tiến hiếm hoi của nhà sản xuất máy bay này bên ngoài nước Mỹ. Nhà máy này được liên doanh với hãng sản xuất máy bay quốc doanh của Trung Quốc Commercial Aircraft Corp. of China Ltd. (COMAC). Động thái của Boeing diễn ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang trong giai đoạn 90 ngày "đình chiến".
Nhà máy có diện tích hơn 40 hecta là nơi lắp ráp nội thất của các máy bay Boeing 737 đã được chế tạo tại Seattle (Mỹ) dành cho thị trường Trung Quốc. Việc khai trương nhà máy này là một phần của kế hoạch của Boeing nhằm tăng cường kết nối tại thị trường Trung Quốc.
"Đây là một bước ngoặt lớn trong nỗ lực của Boeing nhằm tiến sâu hơn vào thị trường Trung Quốc, cũng như hỗ trợ sự tăng trưởng của ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc, mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới", Zhao Yuerang, chủ tịch của COMAC nói trong một thông cáo.
Việc gia tăng hiện diện tại Trung Quốc là điều quan trọng đối với Boeing để cạnh tranh với đối thủ châu Âu Airbus. Tại Trung Quốc, Boeing đang dẫn trước Boeing về doanh số nhưng khoảng cách đang dần được thu hẹp. Tính tới tháng 8 năm nay, nhà sản xuất máy bay Mỹ đang có 1.670 máy bay đang hoạt động tại nước này, theo sát sau đó là Airbus với 1.598 chiếc, theo Trung tâm Hàng không CAPA.
Airbus trước đó đã tuyển một giám đốc người Trung Quốc phụ trách điều hành hoạt động tại nước này nhằm tăng cường quan hệ với chính phủ và khách hàng, đồng thời mở một trung tâm sáng tạo tại trung tâm công nghệ Thâm Quyến.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Trung Quốc sẽ trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới vào năm 2022, sớm hơn dự báo. Boeing cũng ước tính nước này sẽ cần khoảng 7.680 máy bay mới trị giá 1.200 tỷ USD trong 20 năm tới và dịch vụ thương mại trị giá 1.500 tỷ USD để hỗ trợ các phi cơ mới.
Tuy nhiên, Boeing - nhà xuất khẩu lớn nhất tại Mỹ, là một trong những nạn nhân của chiến tranh thương mại khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump tăng thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Chính quyền Bắc Kinh cũng có động thái tương tự để trả đũa, khiến căng thẳng thương mại ngày càng leo thang. Mới đây, ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý tạm "đình chiến" để tìm kiếm một thoả thuận.
"Tôi có lo lắng về tình hình hiện tại không ư? Tất nhiên là có. Đây là tình huống đầy thách thức", Chủ tịch Boeing Trung Quốc John Bruns nói với báo giới trong lễ khai trương nhà máy.
Ông Trump cũng có biện pháp "trừng phạt" đối với các doanh nghiệp Mỹ mở nhà máy ở nước ngoài thay vì trên đất Mỹ. Tuy nhiên, năm ngoái, CEO của Boeing - Dennis Muilenburg nói rằng nhà máy tại Trung Quốc vẫn mang lại nhiều lợi ích cho ngành sản xuất của Mỹ.
"Chúng tôi có thể gia tăng sản lượng và doanh số tại Trung Quốc, và khi lượng bán tại Trung Quốc tăng, chúng tôi sẽ gia tăng sản xuất máy bay tại Mỹ và vẫn tạo việc làm tại Mỹ", Muilenburg nói.