Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thị sát dự án tại Phú Yên Ảnh: Cao Dung |
Với quan điểm cần đặt mục tiêu đột phá, táo bạo, không bình bình hay lựa chọn phương án an toàn, rất nhiều gợi mở về chính sách, về cách làm để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo sức bật mới cho giai đoạn phát triển tới được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ với lãnh đạo tỉnh Phú Yên.
Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên cho biết, mặc dù Tỉnh đã thực hiện tốt công tác phòng chống dịch và triển khai nhiều giải pháp để ổn định nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh vẫn bị ảnh hưởng lớn.
Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu tuy có tăng so với cùng kỳ, nhưng tỷ lệ tăng rất thấp so với các năm gần đây và kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 1,93% (kế hoạch 8,35%).
Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 của Phú Yên cho thấy có 4 chỉ tiêu dự kiến không đạt kế hoạch đề ra. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp. Kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ. Nhiều công trình xây dựng trên địa bàn Tỉnh chậm tiến độ so với kế hoạch; chưa có dự án mang tính chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Tỉnh. Môi trường đầu tư kinh doanh của Tỉnh chậm cải thiện…
Mục tiêu tổng quát của Tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 là nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất; phát triển nông nghiệp cao nghệ cao, nông nghiệp sinh thái. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp - dịch vụ; tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng;…
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến tăng 8,5%/năm. Để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, dự kiến vốn đầu tư công tăng bình quân 10%/năm. Tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2015 dự kiến là 25.810,4 tỷ đồng; trong đó, tổng nhu cầu kế hoạch vốn ngân sách trung ương (NSTW) là 12.735 tỷ đồng. Nhu cầu khởi công mới từ nguồn NSTW là 10.877 tỷ đồng cho 64 dự án.
Đoàn công tác của Bộ KH&ĐT thăm và làm việc với doanh nghiệp thuỷ sản Đắc Lộc tại Phú Yên. Ảnh: Cao Dung |
Tỉnh Phú Yên đề xuất hỗ trợ vốn ngân sách trung ương để đầu tư các dự án lớn như: Kè chống xói lở ven biển Xóm Rớ (200 tỷ đồng); Nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Quốc lộ 1 (phía Bắc cầu Nhân Mỹ) đi Đường tỉnh 642 (120 tỷ đồng); Đường tránh trú bão Sông Cầu - Đồng Xuân, giai đoạn 3 (100 tỷ đồng); Tuyến đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn nối các huyện, thành phố: Tây Hòa, Phú Hòa, TP. Tuy Hòa, Tuy An (giai đoạn 2) - đoạn từ ĐH20 đến đường trục chính Bắc - Nam thị trấn Phú Hòa (340 tỷ đồng); Đầu tư cơ sở hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư 415 tỷ đồng; Tuyến đường cơ động quốc phòng gắn với phát triển kinh tế - xã hội, tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn Đông Hòa - Tây Hòa.
Phú Yên định hướng chiến lược ra sao để bứt phá, là câu hỏi lớn nhất mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đặt ra với lãnh đạo Tỉnh trong cuộc làm việc. Bên cạnh đó là nhiều câu hỏi của Bộ trưởng sau khi nghe tỉnh báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.
“Tại sao đến nay Phú Yên vẫn mãi khó khăn? Tại sao nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt được? Tại sao Phú Yên không thu hút được các dự án lớn, trọng điểm, dù chúng ta đã nỗ lực rất nhiều”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu câu hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm việc với UBND tỉnh Phú Yên. Ảnh: Cao Dung |
Theo Bộ trưởng, đây là những câu hỏi rất quan trọng, Phú Yên phải đặt ra và trả lời một cách căn cơ, từ đó tìm ra giải pháp thực hiện, mới có thể phát triển bứt phá được.
Một vấn đề quan trọng khác cũng được nêu ra tại cuộc làm việc đó là phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có tuyến đường bộ ven biển. Đây là xác định là tuyến giao thông rất quan trọng giữa Phú Yên với các tỉnh miền Trung, vừa mở ra không gian phát triển mới, vừa đảm bảo quốc phòng an ninh. Nếu phát triển được con đường này, tỉnh sẽ có quỹ đất lớn hai bên đường. Và nếu biết cách làm sẽ không cần phải xin Trung ương hỗ trợ.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết, trước đây, kinh tế - xã hội của Tỉnh gặp nhiều khó khăn, một phần do vướng hai đèo: Đèo Cả và Đèo Cù Mông. Nhưng từ khi hai hầm đường bộ Đèo Cả và Đèo Cù Mông xây dựng xong, giao thương thuận lợi hơn, kinh tế - xã hội đã có sự phát triển bứt phá, thu ngân sách năm 2019 đã tăng mạnh lên 7.000 tỷ đồng.
“Giao thông thuận lợi như vậy là cơ hội rất lớn. Chúng tôi quyết tâm tận dụng cơ hội này để bứt phá”, ông Dương nói và cũng nhấn mạnh, Phú Yên đang chuẩn bị xây dựng quy hoạch phát triển, làm sao có được bản quy hoạch tốt nhất, đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài…