Một nhà thầu tại Nghệ An than phiền rằng HSMT gói thầu mua sắm thiết bị tin học có quá nhiều tiêu chí bị cài cắm, không đảm bảo tính cạnh tranh theo quy định của Luật Đấu thầu. Ảnh: Lê Tiên |
Không khó để khẳng định, với những bộ hồ sơ này, dù năng lực có tốt đến đâu thì nhiều nhà thầu cũng không có cửa tham gia vào các gói thầu mình quan tâm.
Những yêu cầu trái khoáy
Gửi HSMT gói thầu mua sắm thiết bị tin học tới Báo Đấu thầu, một nhà thầu tại Nghệ An than phiền: “HSMT có quá nhiều tiêu chí được cài cắm nhằm loại bỏ sự tham gia của các nhà thầu”. Cụ thể, theo nhà thầu này, HSMT Gói thầu “Mua sắm thiết bị tin học cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn” đã đưa ra một loạt tiêu chí không có tính cạnh tranh và không phù hợp với pháp luật về đấu thầu.
“Trong tiêu chuẩn kỹ thuật của thiết bị vỏ máy nguồn, HSMT yêu cầu đến 4 tính năng tích hợp. Đầu tiên là tính năng tự động phát hiện mở thùng máy, cả khi máy tính không hoạt động; gửi thông báo tin thùng máy bị mở qua email cho admin khi máy tính có kết nối Internet. Thứ hai là đặt ngưỡng kiểm soát mức độ bụi bẩn trong máy vi tính và gửi email cảnh báo đến người quản lý khi vượt ngưỡng kiểm soát. Thứ ba là hiển thị mức độ bụi bẩn trong máy tính bằng hình ảnh trực quan theo tỷ lệ cụ thể. Và thứ tư là có thể cân chỉnh mức độ cảm biến cho phù hợp với mục đích sử dụng” - nhà thầu nêu trên dẫn chứng thêm các yêu cầu mà theo họ đã được bên mời thầu cài cắm.
Để gia tăng tính thuyết phục về nhận xét của mình, nhà thầu cho biết, đã liên hệ với nhiều hãng sản xuất thiết bị tin học lớn như Intel, HP, Acer… để tìm hiểu về các tính năng nêu trên đối với thiết bị vỏ máy nguồn, nhưng không một hãng sản xuất nào có thể đảm bảo đầy đủ được các tính năng như yêu cầu của bên mời thầu. Thậm chí, một số hãng còn nhận định, đây là những yêu cầu “trái khoáy” và không cần thiết.
Kết luận về những tiêu chí khó hiểu nêu trong HSMT, nhà thầu cho rằng, bên mời thầu đã cố ý xây dựng cấu hình độc quyền cho hãng máy tính E. Bởi tại thời điểm đó, theo nhà thầu và nhiều hãng sản xuất máy tính khác, chỉ duy nhất hãng máy tính E có các tính năng mà HSMT yêu cầu. Tuy nhiên, các tính năng này của hãng E lại không được công khai rộng rãi.
Nghi ngại về tính minh bạch
Ngoài những yêu cầu trái khoáy nêu trong HSMT, việc trả lời kiến nghị làm rõ HSMT của nhiều bên mời thầu thời gian qua cũng đang khiến dư luận nghi ngại về tính minh bạch trong công tác lựa chọn nhà thầu.
Các chuyên gia về đấu thầu cho rằng, theo yêu cầu công việc, hiểu biết về pháp luật đấu thầu của các nhà thầu sẽ ngày càng được nâng lên. Điều này đồng nghĩa với việc các kiến nghị của nhà thầu đối với bên mời thầu về những yêu cầu không đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu sẽ ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các kiến nghị của nhà thầu chưa thực sự được coi trọng.
Nhà thầu tại Nghệ An nêu trên dẫn chứng, sau khi nghiên cứu HSMT, nhà thầu đã có văn bản đề nghị làm rõ HSMT gửi bên mời thầu, tuy nhiên, đáp lại kiến nghị của nhà thầu chỉ là những trả lời mang tính đối phó. “Chúng tôi gửi yêu cầu làm rõ HSMT từ rất sớm và nêu những nội dung kiến nghị cần làm rõ rất cụ thể. Nhưng phải 9 ngày sau chúng tôi mới nhận được văn bản trả lời kiến nghị của bên mời thầu, thời điểm mà chỉ 1 ngày sau đó gói thầu sẽ đóng thầu”, đại diện nhà thầu bức xúc cho biết đồng thời bày tỏ quan điểm: “Tình trạng “ngâm” kiến nghị làm rõ HSMT cho thấy bên mời thầu chưa có thiện chí làm rõ những điểm thiếu hợp lý trong HSMT”.
Ngoài hiện tượng nhiều yêu cầu làm rõ HSMT của các nhà thầu hiện nay bị các bên mời thầu phớt lờ, coi nhẹ, trả lời theo kiểu đối phó, câu chuyện thời gian trong việc làm rõ HSMT, HSDT cũng là vấn đề khiến nhiều nhà thầu bức xúc và đã từng được Báo Đấu thầu phản ánh nhiều lần. Trong đó, đáng nói nhất là tình trạng nhiều bên mời thầu hành xử “không giống ai” khi yêu cầu nhà thầu phải làm rõ HSDT với hàng chục nội dung chỉ trong vòng 1 ngày. Còn về phía bên mời thầu, nếu có nhận được yêu cầu làm rõ HSMT của nhà thầu thì thường rất chậm trễ trong việc phản hồi và nếu có phản hồi thì nội dung lại mang tính ngụy biện, lấp liếm.
Các chuyên gia về đấu thầu cho rằng, cách hành xử như trên của bên mời thầu đối với nhà thầu thể hiện sự o ép, không sòng phẳng, khiến nhiều nhà thầu chán nản và bỏ cuộc.