Các Bộ, ngành và địa phương cần chủ động thực hiện thẩm quyền trong pháp luật về đấu thầu để mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch. Ảnh: Internet |
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, các mặt hàng khẩu trang, trang thiết bị, sinh phẩm chẩn đoán, xét nghiệm và các vật tư y tế không thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, bình ổn giá, kê khai giá. Do đó, các danh mục hàng hóa nêu trên không cần phải chờ Bộ Tài chính hướng dẫn về giá.
Về giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2, thực hiện quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội (BHYT), Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan ban hành các Thông tư quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) BHYT (hiện nay là Thông tư số 14/2019/TT-BYT), trong đó có giá dịch vụ xét nghiệm để thu của người bệnh KCB có BHYT và quỹ BHYT theo cơ chế đồng chi trả, không áp dụng trong trường hợp đấu thầu cung cấp dịch vụ hoặc đặt hàng dịch vụ xét nghiệm Covid-19.
“Hiện Bộ Y tế đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đặt hàng dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 thanh toán từ ngân sách nhà nước. Trường hợp được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đặt hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thanh toán từ ngân sách Trung ương thì Bộ Tài chính quy định giá tối đa, Bộ Y tế quy định giá cụ thể theo quy định hiện hành tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP và pháp luật về giá. Việc đặt hàng cung cấp dịch vụ, quyết định giá đặt hàng thanh toán từ ngân sách địa phương thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh/thành phố”, ông Tuấn cho biết.
Bên cạnh đó, tại Thông báo số 272/TB-VPCP ngày 3/8/2020 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ trực tuyến với các địa phương về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng chỉ đạo thực hiện việc thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 từ nguồn bảo hiểm y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bảo đảm chặt chẽ, đúng chế độ (điểm a khoản 5). Trong trường hợp này sẽ thực hiện theo quy định pháp luật về bảo hiểm y tế quy định tại Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn.
Còn theo ông Bùi Anh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính, hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật về đấu thầu đã có đầy đủ các quy định cho việc mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, gồm: Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trong quy định của pháp luật về đấu thầu đã quy định nhiều hình thức lựa chọn nhà thầu, bao gồm: đấu thầu rộng rãi; đấu thầu hạn chế; chỉ định thầu; chào hàng cạnh tranh; mua sắm trực tiếp; tự thực hiện; lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt,…
Đối với trường hợp mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế và sinh phẩm phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế và các địa phương có thể áp dụng việc mua sắm một trong các hình thức nêu trên, kể cả chỉ định thầu theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu.
Đồng thời trong Luật Đấu thầu, Nghị định 63/2013/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn đã quy định rõ về thẩm quyền quyết định giá và các căn cứ xác định giá cũng như quy trình mua sắm trang thiết bị, vật tư.
Do vậy, các chủ đầu tư thuộc các bộ, ngành và địa phương cần chủ động thực hiện thẩm quyền của mình đã được quy định trong pháp luật về đấu thầu để khẩn trương thực hiện mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế cho phòng, chống dịch Covid-19; không phải chờ hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Tài chính.
Trường hợp cần thiết, các địa phương có thể quyết định thêm một số thành phần các có liên quan ở địa phương tham gia quá trình mua sắm để đảm bảo hiện đúng quy định của pháp luật về đấu thầu và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.