Bộ Công an “điểm mặt” tham nhũng tiềm ẩn trong khối doanh nghiệp nhà nước

Nói về tình hình tội phạm kinh tế và tham nhũng tại Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo 138/CP diễn ra sáng 7/3, đại diện Bộ Công an nhấn mạnh những tiêu cực, tham nhũng tiềm ẩn trong quản lý, vận hành ở các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước...
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội nghị.
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội nghị.

Theo báo cáo tổng kết do Trung tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, năm 2016, toàn quốc xảy ra 54.500 vụ phạm pháp hình sự (giảm 4,4% so với 2015). Nổi lên là vấn đề hoạt động của tội phạm có tổ chức có dấu hiệu phức tạp trở lại trên nhiều địa bàn. Nhiều băng nhóm lưu manh, côn đồ sử dụng vũ khí, hung khí để thực hiện hành vi phạm tội, có vụ vài chục đối tượng tham gia, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội. Tội phạm giết người gia tăng, nhất là các vụ giết người do mâu thuẫn, thù tức cá nhân, bột phát xảy ra nhiều, một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây phẫn nộ dư luận.

Cụ thể, tội phạm kinh tế và tham nhũng được đánh giá vẫn diễn ra phức tạp, tinh vi, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, lĩnh vực với tính chất nghiêm trọng, nhất là tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng vẫn là nguy cơ lớn đối với hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.

Đáng lo ngại, theo đại diện Bộ Công an, là tiềm ẩn tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư công, quản lý, vận hành ở các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, gây thất thoát lớn nguồn vốn của nhà nước.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn ra ngày càng phổ biến trên nhiều lĩnh vực, nhất là lợi dụng kinh doanh đa cấp lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa đảo công nghệ cao, đánh bạc qua internet. Báo cáo của Bộ Công an nhấn mạnh hiện tượng gần đây xảy ra vụ tin tặc tấn công mạng máy tính của sân bay tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, an toàn hàng không.

Tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường được khái quát là diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, năm 2016, liên tiếp xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt trên biển, sông, kênh rạch; nổi cộm nhất là thảm hoạ môi trường biển 4 tỉnh miền Trung.

Tình hình tội phạm mua bán người mặc dù giảm 6% số vụ nhưng tăng 12% số nạn nhân. Việt Nam vẫn là điểm nóng của tình trạng mua bán người và di cư bất hợp pháp, nhất là mua bán phụ nữ, trẻ em gái để hoạt động mại dâm; đưa người trái phép ra nước ngoài lao động thời vụ, du lịch, học tập, thăm thân, chữa bệnh… tiềm ẩn nguy cơ bị mua bán. Hiện tượng lợi dụng quy định về hiến gáp tạng để mua bán tạng trái phép cũng được đề cập.

Tội phạm về ma tuý tiếp tục gia tăng với những vụ vận chuyển ma tuý số lượng lớn, các đối tượng luôn sử dụng vũ khí nóng trên tuyến biên giới Lào vào Việt Nam. Các vụ học viên cai nghiện đập phá, gây rối tại các trại cai nghiện rồi trốn ra ngoài gây hoang mang trong dư luận, cộng đồng.

Cơ quan công an cũng nhắc đến hiện tượng xuất hiện nhiều loại ma tuý mới như “cỏ Mỹ”, “lá Khát”, “tem giấy”, “bùa lưỡi” có xu hướng gia tăng, đang trở thành trào lưu trong giới trẻ, học sinh, sinh viên nhưng chế tài xử lý còn gặp khó khăn, ảnh hướng đến công tác phát hiện, điều tra xử lý về hình sự.

Những con số cụ thể được thống kê, cả năm 2016, lực lượng bảo vệ pháp luật đã khám phá gần 42.600 vụ phạm pháp hình sự, bắt xử lý 80.200 đối tượng, đạt tỷ lệ trên 78%. Trong đó, có 16.800 vụ phạm tội về kinh tế, 244 vụ tham mĩnh được phát hiện; gần 700 vụ liên quan đến sử dụng công nghệ cao phạm tội, xử lý 17.600 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; triệt phá trên 18.700 vụ án ma tuý; khám phá 204 vụ mua bán người.

Tại hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP khẳng định, năm 2016 công tác phòng, chống tội phạm đạt được những kết quả tích cực với con số nổi bật là tỷ lệ 4,4% số vụ phạm pháp hình sự được kéo giảm. Công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố có chuyển biến tích cực, đạt 90,15%, tăng 0,15%;

Công tác đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức ở 18 địa bàn trọng điểm được tăng cường, có chiều sâu; tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt 81,8%, tăng 0,5%, vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội đề ra; trong đó đã tập trung điều tra, khám phá nhanh nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng về hình sự, kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, ma túy phức tạp, được nhân dân đồng tình và đánh giá cao.

“Kết quả trên, đã góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo ra môi trường xã hội lành mạnh, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại của đất nước” – Tướng Lê Quý Vương khẳng định.

Nhắc nhở Bộ Tài chính về hiện tượng “bôi trơn” hải quan

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình biểu dương những nỗ lực của Bộ Tài chính và lực lượng hải quan trọng việc ngăn chặn tội phạm buôn lậu.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá rất cao lực lượng hải quan ở Cảng Quy Nhơn (Bình Định) đã phát hiện ra một vụ buôn lâu thuốc lá lớn. Cụ thể đã phát hiện ra 21 container thuốc lá nhập lậu.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan quan tâm chống tiêu cực trong lực lượng, nhất là hiện tượng cán bộ, nhân viên hải quan nhận “lót tay”, “bôi trơn” để giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa mà dư luận, báo chí đã phản ánh. 

Chuyên đề