Qua hơn 30 năm đổi mới, khu vực kinh tế có vốn FDI đã phát triển nhanh và hiệu quả. Ảnh: Lê Tiên |
Tại Nghị quyết, Bộ Chính trị đánh giá, qua hơn 30 năm đổi mới, khu vực kinh tế có vốn FDI đã phát triển nhanh và hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hoạt động FDI ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đầu tư vào nước ta; quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô...
Tuy nhiên, theo Bộ Chính trị, hiện việc thu hút, quản lý FDI vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới. Đó là: thể chế chính sách chưa theo kịp yêu cầu phát triển; chính sách ưu đãi còn dàn trải, thiếu nhất quán, không ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh vẫn còn hạn chế; chất lượng, hiệu quả thu hút và quản lý FDI chưa cao; hạ tầng kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu; hiện tượng đầu tư “vốn mỏng”, đầu tư “chui”, “núp bóng” ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng...
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên và đạt được mục tiêu thu hút khoảng 200 tỷ USD vốn FDI trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Chính trị đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó, Bộ Chính trị nhấn mạnh tới việc hoàn thiện thể chế, chính sách về FDI; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước...