Bloomberg nhấn mạnh rằng Việt Nam là thị trường chứng khoán duy nhất ở khu vực Đông Nam Á hút được vốn ngoại trong năm nay. |
Với một số cải thiện của bức nền kinh tế vĩ mô toàn cầu và mức giá cổ phiếu đã giảm xuống mức tương đối rẻ sau năm 2018 đầy biến động, thị trường chứng khoán Đông Nam Á có thể khởi sắc trong năm tới - hãng tin Bloomberg dự báo.
Ở thời điểm hiện tại, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giãn tiến độ tăng lãi suất, hoặc thậm chí là dừng tăng lãi suất trong năm 2019, đã có tác dụng làm dịu bớt áp lực giảm giá đối với các đồng tiền của Đông Nam Á. Giá dầu giảm xuống thấp cũng là tin tốt đối với hầu hết các quốc gia trong khu vực.
Sự tiếp tục của những xu hướng này có thể tạo điều kiện cho sự phục hồi của chứng khoán Đông Nam Á năm 2019, sau khi khối ngoại đã rút khoảng 14 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán khu vực trong năm nay.
"Giá cổ phiếu ở hầu hết các thị trường Đông Nam Á đã giảm nhiều, về mức tương đối hấp dẫn", ông Narongsak Plodmechai, Giám đốc điều hành (CEO) công ty quản lý quỹ tư nhân lớn nhất Thái Lan SCB Asset Management, nhận định. "Chúng tôi lạc quan về triển vọng năm tới".
Tuy vậy, các nhà dự báo cho rằng thị trường chứng khoán Đông Nam Á vẫn đối mặt một số rủi ro trong năm 2019, trong đó cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là một rủi ro lớn. Dù Washington và Bắc Kinh gần đây đã có một vài dấu hiệu cải thiện quan hệ, nhiều chuyên gia cho rằng xung đột giữa hai nước sẽ không sớm kết thúc.
Ngoài ra, Thái Lan và Singapore, hai quốc gia có vốn hóa thị trường chứng khoán lớn nhất khu vực, được dự báo sẽ chứng kiến tăng trưởng giảm tốc đáng kể trong năm tới. Nếu kinh tế Mỹ giảm tốc như dự báo, nhu cầu đối với hàng hóa của các nước Đông Nam Á cũng sẽ giảm theo.
Bloomberg dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam đạt mức tăng 6,6% trong năm 2019, so với mức tăng 6,9% trong năm 2018.
Hãng tin này nhấn mạnh rằng Việt Nam là thị trường chứng khoán duy nhất ở khu vực Đông Nam Á hút được vốn ngoại trong năm nay. Nền kinh tế Việt Nam đang giữ tốc độ tăng trưởng mạnh nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn, nhưng giá cổ phiếu ở Việt Nam hiện nay được đánh giá không phải là quá rẻ.
Ông Bernard Lapointe, trưởng bộ phận nghiên cứu của Chứng khoán Rồng Việt, cho biết ông lạc quan, nhưng không phải là lạc quan nhiều, về chứng khoán Việt Nam năm tới. Ông Lapointe dự báo chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng 900-1.000 điểm trong năm tới, so với mức đóng cửa 952,04 điểm phiên ngày thứ Sáu tuần trước.
Ông Michel Tosto, trưởng bộ phận khách hàng tổ chức thuộc Chứng khoán Bản Việt, dự báo VN-Index đạt móc 1.060 điểm trước cuối năm 2019, cao hơn khoảng 11% so với thời điểm hiện nay. Sự ổn định của tiền đồng và mức dự báo tăng trưởng lợi nhuận tính trên mỗi cổ phiếu đạt 16%, so với mức tăng trưởng khoảng 19% trong năm nay, sẽ là những nhân tố hỗ trợ thị trường - theo ông Tosto.
4 thị trường chính khác ở khu vực Đông Nam Á mà Bloomberg đưa ra dự báo cho năm 2019 đều được cho là sẽ chứng kiến sự giảm tốc của nền kinh tế trong năm tới.
Trong đó, kinh tế Thái Lan được dự báo tăng 3,9% so với mức tăng 4,2% ước tính đạt được trong năm 2018. Kinh tế Singapore được dự báo tăng 2,8% so với mức 3,3% của năm nay.
Kinh tế Indonesia có khả năng sẽ tăng 5,1% trong năm tới, giảm nhẹ so với mức 5,2% của năm 2018. Kinh tế Malaysia được dự báo giảm tốc về 4,6% so với 4,7% của năm nay.
Riêng chỉ có kinh tế Philippines được dự báo tăng tốc, đạt mức tăng 6,4% trong năm tới, từ 6,3% trong năm nay.
Theo số liệu được Bloomberg đưa ra, 9 tỷ USD vốn ngoại đã chảy ròng khỏi thị trường chứng khoán Thái Lan trong năm 2018. Tuy nhiên, nếu cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 24/2/2019 ở nước này diễn ra suôn sẻ, chứng khoán Thái Lan có thể hồi phục mạnh.
Chứng khoán Singapore được các nhà dự báo nhận định sẽ đạt mức tăng dao động từ 7-18% trong năm tới. Chứng khoán Indonesia được dự báo tăng 10-15%; chứng khoán Indonesia được dự báo tăng khoảng 10%; và chứng khoán Philippines được dự báo tăng 5-10%.