Bịt kẽ hở trong triển khai dự án PPP

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2015/NĐ-CP và Nghị định 30/2015/NĐ-CP tại TP.HCM...
Hình thức hợp đồng BT đang được nhiều địa phương lựa chọn khi triển khai các dự án hạ tầng. Ảnh: Lê Tiên
Hình thức hợp đồng BT đang được nhiều địa phương lựa chọn khi triển khai các dự án hạ tầng. Ảnh: Lê Tiên

Việc ghi nhận ý kiến đóng góp từ những địa phương có nhiều dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), dự án đầu tư có sử dụng đất nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý đang được cộng đồng nhà đầu tư đặc biệt quan tâm này.

Chỉ định tràn lan

Trao đổi tại Hội thảo, đại diện các địa phương khu vực phía Nam cho biết, việc lạm dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đang khiến cho việc đầu tư theo hình thức PPP, dự án sử dụng đất không phát huy nhiều hiệu quả hoặc thiếu sự so sánh với thị trường bởi chỉ có một nhà đầu tư thực hiện dự án.

Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, Đồng Nai đã và đang triển khai nhiều dự án PPP ở giai đoạn ban đầu. “Tuy nhiên theo quan điểm của chúng tôi, kể cả đối với các dự án PPP lẫn các hình thức xã hội hóa đầu tư cho kết cấu hạ tầng hiện nay, một khi đã có 2 nhà đầu tư bày tỏ quan tâm là bắt buộc phải tổ chức đấu thầu rộng rãi. Chúng ta không nên vì một lý do nào mà áp dụng hình thức chỉ định thầu vì như vậy không cạnh tranh và hiệu quả”, ông Dũng khẳng định.

Theo thông tin của đại diện Sở KH&ĐT tỉnh Bình Phước, hiện nay 100% dự án có sử dụng đất tại địa phương này đều được thực hiện bằng hình thức chỉ định thầu. Vị này cho rằng, áp dụng hình thức sơ tuyển cũng rất hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư. Cũng tại Hội thảo, ông Lê Đức Viễng, Trưởng phòng Đấu thầu, Thẩm định và giám sát đầu tư tỉnh Khánh Hòa thông tin, trong số các dự án PPP triển khai trên địa bàn tỉnh này, có đến 99% dự án triển khai theo hợp đồng BT. Tỷ lệ chỉ định thầu rất lớn, có thể nói là tuyệt đối.

Chia sẻ thêm từ góc độ của doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, thời gian qua TP.HCM triển khai rộng rãi các dự án PPP. “Tôi nhận thấy, nhà đầu tư bất động sản nhập cuộc rất nhanh và quy mô với các dự án BT. Tên tuổi một số nhà đầu tư bất động sản lớn của TP.HCM đã gắn liền với dự án PPP. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng chỉ định nhà đầu tư khi triển khai dự án BT vẫn là phổ biến nhất”, ông Quân nhận định. 

Kẽ hở xác định giá đất

Tại Hội thảo, nhiều địa phương tại khu vực phía Nam bày tỏ quan ngại với tình trạng “có dự án BT triển khai, phần hạ tầng mà nhà đầu tư phải thực hiện thì chậm chạp, thậm chí có ý định dây dưa nhưng phần quỹ đất mà Nhà nước đổi cho nhà đầu tư lại được khai thác tối đa từ rất sớm”.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM khẳng định, đối với các dự án BT, vấn đề khó nhất cho Thành phố là xác định quỹ đất đối ứng phù hợp để đổi cho nhà đầu tư. “Vì đây là vấn đề cần sự xác định, thẩm định chặt chẽ, đúng giá thị trường do đó rất nhạy cảm. Nếu triển khai dự án BT một cách minh bạch thì sẽ định giá tốt. Nhưng nếu dự án bị chi phối bởi các yếu tố lợi ích nhóm thì việc xác định giá đất, quỹ đất sẽ thực sự đáng lo ngại”, đại diện sở này cho biết.

Đại diện Sở KH&ĐT Bình Phước nhấn mạnh, đất đai là một tài nguyên có giá trị rất lớn của Nhà nước. Đất đai theo thời gian sẽ tăng giá trị lên rất nhiều lần mà tính toán của cơ quan nhà nước không thể theo kịp tính toán của nhà đầu tư. Do đó, đối với dự án PPP triển khai theo hợp đồng BT tức là đổi đất lấy hạ tầng, cần được đặc biệt lưu ý, cẩn trọng khi xây dựng khung pháp lý để tránh những thua thiệt về sau.

Ông Lê Hoàng Châu, một người am tường về xác định giá trị đất đai cho rằng, triển khai dự án BT với việc chính quyền địa phương đổi quỹ đất cho nhà đầu tư khai thác cần được đánh giá toàn diện hơn. “Có một hiện tượng đáng lo ngại đã xảy ra tại TP.HCM mà tôi cho rằng cần có sự kiểm tra để chấn chỉnh. Đó là việc tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị xác định giá đất đang có kẽ hở rất lớn”, ông Châu nhấn mạnh.

Chủ tịch HoREA thông tin, tại một số gói thầu, có đơn vị bỏ thầu với giá đúng 100 ngàn đồng. Số tiền này không đủ để trang trải chi phí mua hồ sơ, chuẩn bị hồ sơ đấu thầu chứ chưa nói đến chi phí tham gia đấu thầu. Thế nhưng vì mong muốn bỏ giá thật thấp mong trúng thầu, đơn vị tổ chức xác định giá đất sẽ ăn chia % với những bên liên quan khi triển khai dự án khai thác quỹ đất đó. Nếu các đơn vị tổ chức đấu thầu những gói thầu tìm đơn vị xác định giá đất không am tường Luật Đấu thầu cũng như bóc trần được hành vi trên, sẽ gây nên những hậu quả khôn lường cho Nhà nước.

Chuyên đề