"Bất động sản hàng hiệu" có giá bán lên đến 500 triệu đồng/m2, tương đương vài chục tỷ đồng/căn hộ. Ảnh minh họa: Ngô Bảo Tín |
Thị phần không lớn như nhà đầu tư kỳ vọng
Trong năm qua, thị trường bất động sản TP.HCM chứng kiến sự xuất hiện của một dự án “bất động sản hàng hiệu”, được quảng bá với mác "nổi tiếng thế giới", tọa lạc tại “khu đất vàng”, có đầy đủ các tiện ích và dịch vụ tuyệt hảo, được quản lý vận hành bởi các thương hiệu quản lý bất động sản quốc tế hàng đầu, khiến khách hàng hết sức tò mò.
Với giá bán lên đến 500 triệu đồng/m2, tương đương vài chục tỷ đồng/căn hộ, mặc dù trong giai đoạn khủng hoảng do Covid-19 nhưng phân khúc này làm cho giới rất giàu và siêu giàu trong nước cũng như người nước ngoài không thể bỏ qua.
Theo tìm hiểu, dự án này có diện tích 10 ha, gồm 8 tòa tháp với hơn 4.200 căn hộ siêu sang và gần 600 căn officetel. Đây là “đứa con tinh thần” của ông lớn bất động sản M…, tọa lạc tại vị trí độc nhất vô nhị, được ví như như viên kim cương sáng bên sông Sài Gòn hoa lệ. Vừa qua, ông lớn M… hợp tác với một tập đoàn nổi tiếng thế giới đã chính thức ra mắt dự án này.
Giới chuyên môn cho rằng, đây là sản phẩm đáp ứng nhu cầu có thực của giới “rất giàu”, “siêu giàu” ở Việt Nam trong thời gian gần đây, do nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, hình thành nên “tầng lớp nhà giàu mới”.
Hiện nay, trên toàn cầu có khoảng 500 dự án “bất động sản hàng hiệu” thuộc phân phúc bất động sản hạng sang và siêu sang, nhắm tới tầng lớp khách hàng thượng lưu có nguồn lực tài chính mạnh, sành sỏi thú chơi “hàng hiệu”.
“Bất động sản hàng hiệu” (Branded residences) là loại hình bất động sản hợp tác giữa một thương hiệu quản lý bất động sản nổi tiếng toàn cầu với một doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản cao cấp hạng sang, siêu sang. Loại hình này xuất hiện lần đầu tiên tại New York cách đây gần 100 năm, giải quyết nhu cầu của giới “rất giàu”, “siêu giàu” và cho các lãnh đạo tập đoàn nước ngoài cần lưu trú.
Tuy nhiên, nếu so sánh với Mỹ có 1% dân số là người “rất giàu”, “siêu giàu”, thì có lẽ ở Việt Nam, tỷ lệ này rất rất thấp, có thể thấp hơn hàng trăm lần so với Mỹ.
Bên cạnh đó, việc mua để cho thuê lại “bất động sản hàng hiệu” cũng không phải dễ dàng, vì rất kén chọn khách hàng. Do đó, thị phần “bất động sản hàng hiệu” không lớn như nhà đầu tư kỳ vọng. Đây không phải là “sân chơi” dành cho các doanh nghiệp bất động sản hoặc nhà đầu tư “tay mơ”.
Phân biệt “hàng hiệu" chính chủ và hợp tác
Một chuyên gia bất động sản cho biết, thị trường “bất động sản hàng hiệu” có hai dòng sản phẩm.
Một là sản phẩm bất động sản “hàng hiệu chính chủ” do chính doanh nghiệp bất động sản có thương hiệu uy tín toàn cầu phát triển dự án và kinh doanh sản phẩm. Đây là loại sản phẩm có thương hiệu ổn định lâu dài, được “chính chủ” quản lý vận hành, cung ứng các dịch vụ chuẩn mực.
Hai là sản phẩm bất động sản được phát triển từ sự hợp tác giữa một thương hiệu quản lý bất động sản nổi tiếng toàn cầu với một doanh nghiệp phát triển dự án, được điều chỉnh bởi hợp đồng do hai bên giao kết.
HoREA khuyến cáo khách hàng, nhà đầu tư cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng để tránh nhầm lẫn. Ảnh minh họa: Ngô Bảo Tín |
Khi mua “bất động sản hàng hiệu” hình thành trong tương lai, một vấn đề được nhiều người quan tâm là, vì sao có những doanh nghiệp được thành lập chưa lâu lại phát triển được dự án “bất động sản hàng hiệu”?
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, thực chất đây là hoạt động đầu tư kinh doanh sản phẩm dự án nhà ở cao cấp hạng sang, siêu sang theo phương thức “đứng trên vai người khổng lồ”, mượn uy tín thương hiệu của “bất động sản hàng hiệu” nước ngoài để khẳng định đẳng cấp sản phẩm nhà ở.
Để “mượn” được uy tín thương hiệu của đối tác nước ngoài, doanh nghiệp phát triển dự án cũng phải có năng lực để thực hiện đầy đủ các yêu cầu về đầu tư, trang thiết bị và quản lý vận hành toà nhà, đảm bảo cung ứng các tiện ích, dịch vụ cho khách hàng theo đúng hợp đồng đã ký kết với đơn vị quản lý “bất động sản hàng hiệu”.
Tuy nhiên, có một số vấn đề cần được giải đáp thỏa đáng là khách hàng bỏ tiền mua “bất động sản hàng hiệu” với giá “khủng” có tương xứng với giá trị thật của căn hộ theo nguyên tắc “tiền nào của nấy”, có thực sự “đáng đồng tiền bát gạo”? Việc sử dụng tên thương hiệu “bất động sản hàng hiệu” là ổn định lâu dài hay chỉ có thời hạn? Đồng thời, việc quản lý vận hành, cung ứng các “dịch vụ hàng hiệu” được chi trả như thế nào?
Do vậy, HoREA khuyến cáo khách hàng, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ các thông tin của dự án “bất động sản hàng hiệu” và nhất là nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng để tránh nhầm lẫn.
Cùng với đó, HoREA cũng đề nghị các chủ đầu tư dự án “bất động sản hàng hiệu” luôn thể hiện uy tín thương hiệu, cung cấp đầy đủ thông tin dự án, căn hộ, giải thích cặn kẽ “hợp đồng mua bán nhà” cho khách hàng và luôn chăm sóc chu đáo khách hàng để thực sự mang đến luồng gió mới cho thị trường bất động sản.