Báo động tình trạng vật liệu kém chất lượng lọt vào dự án

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hệ thống pháp luật và các quy định liên quan đến đấu thầu đã tương đối đầy đủ, song tình trạng vi phạm trong đấu thầu vẫn diễn ra rất phức tạp. Thời gian qua, một số vụ việc tiêu cực liên quan đến đấu thầu xuất hiện trong nhiều lĩnh vực, từ y tế tới giáo dục, đến các dự án hạ tầng quy mô lớn… Cần làm gì để khắc phục tình trạng này?
Báo động tình trạng vật liệu kém chất lượng lọt vào dự án

Dù quy định có chặt tới đâu nhưng khi những người trong cuộc vì lợi ích cá nhân, cố tình làm trái thì sai phạm và thiệt hại sẽ vẫn xảy ra. Có nhiều trường hợp chủ đầu tư và nhà thầu bắt tay nhau để trục lợi và gây ảnh hưởng tới chất lượng công trình. Đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, tình trạng thiếu vật liệu, thiết bị sẽ dẫn tới hàng giả, kém chất lượng trà trộn vào các dự án đang rất cần được quan tâm kiểm soát chặt.

Tại một nghiên cứu được Bộ Xây dựng công bố, để trúng thầu, nhà thầu chào giá gói thầu theo xu hướng thấp, nhiều nhà thầu giảm giá rất sâu so với giá gói thầu. Đến khi triển khai thực hiện thì giá vật liệu và thiết bị thi công thực tế cao hơn so với giá trúng thầu. Nhà thầu phải tìm kiếm các nguồn vật liệu và thiết bị giá rẻ không bảo đảm chất lượng hoặc thi công cầm chừng, kéo dài thời gian cung cấp vật liệu và thiết bị thi công để chờ giá vật liệu giảm. Bên cạnh đó, nhà thầu có khuynh hướng kiến nghị thay đổi nguồn vật liệu trong hồ sơ thiết kế được duyệt để được điều chỉnh giá vật liệu. Đây là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của các dự án, công trình xây dựng.

Trên thực tế, không ít công trình vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng, gây thiệt hại lớn, đơn cử như Dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng, đưa vào sử dụng chỉ mới một tháng đã chi chít ổ gà. Một ví dụ khác là công trình thủy lợi Pleikeo (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) với tổng kinh phí 116 tỷ đồng chưa được nghiệm thu, bàn giao thì nhiều hạng mục đã có dấu hiệu xuống cấp, nứt vỡ, nhiều vị trí kênh bị xiêu vẹo, nứt gãy…

Gói thầu 01 thuộc Dự án Đường Tôn Đức Thắng, TP. Pleiku có chiều dài 2,19 km với kinh phí 74,13 tỷ đồng được khởi công từ tháng 5/2020 và hoàn thành vào tháng 9/2021. Một tháng sau, đoạn đường này đã hư hỏng nhiều vị trí.

Dịch bệnh Covid-19 làm gián đoạn và đứt gãy chuỗi cung ứng đã tạo kẽ hở cho các loại vật tư giả, không rõ nguồn gốc xâm nhập vào thị trường ngành điện

Dịch bệnh Covid-19 làm gián đoạn và đứt gãy chuỗi cung ứng đã tạo kẽ hở cho các loại vật tư giả, không rõ nguồn gốc xâm nhập vào thị trường ngành điện

Trong lĩnh vực xây lắp điện, Tổng công ty Điện lực TP.HCM mới đây ra văn bản cấm Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây lắp điện số Năm (địa chỉ tại TP.HCM) tham gia hoạt động đấu thầu đối với tất cả các gói thầu do Tổng công ty và các đơn vị thuộc Tổng công ty làm chủ đầu tư trong 3 năm do có hành vi gian lận hồ sơ dự thầu.

Cũng trong lĩnh vực xây lắp điện, một số chuyên gia cảnh báo, do dịch bệnh Covid-19 làm gián đoạn và đứt gãy chuỗi cung ứng, việc nhập khẩu vật tư, thiết bị điện phục vụ cho công tác quản lý vận hành lưới điện gặp khó khăn, tạo kẽ hở cho các loại vật tư giả, không rõ nguồn gốc xâm nhập vào thị trường ngành điện. Đã xuất hiện tình trạng nhà thầu sử dụng hàng giả, biên bản thử nghiệm giả, biên bản thử nghiệm không đáp ứng hồ sơ mời thầu để dự thầu trong thi công lắp đặt lưới điện. Tình trạng này có thể sẽ gây ra các thiệt hại trong quá trình vận hành và sử dụng.

Theo một chuyên gia về đấu thầu, để khắc phục và hạn chế tối đa sơ hở trên, các công ty điện lực trong quá trình xét thầu, cần đặc biệt quan tâm khâu kiểm tra chứng nhận xuất xứ và biên bản thí nghiệm trước khi quyết định cho trúng thầu hay lắp đặt lên lưới điện. Đó cũng là biện pháp để tránh mua phải và lắp đặt thiết bị không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, ảnh hưởng đến an toàn lưới điện. Việc kiểm tra, kiểm soát kỹ theo đúng yêu cầu chuyên môn là đặc biệt cần thiết để tránh rủi ro, sự cố và thiệt hại có thể xảy ra. Bên cạnh đó, góp phần lành mạnh hóa công tác đấu thầu, bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp có năng lực và trách nhiệm cũng như hiệu quả vốn đầu tư.

Theo các nhà thầu, hiện nay, bên cạnh các loại sản phẩm thiết bị điện có thương hiệu, đạt tiêu chuẩn chất lượng thì vẫn còn những loại hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, chất lượng được nhập lậu, sau đó tự ý gắn nhãn mác trà trộn vào thị trường. Tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ gắn mác hàng Việt “len lỏi” vào các gói thầu ngành điện gây nhiều lệ lụy, làm ảnh hưởng đến thị trường thiết bị điện nói chung và các nhà thầu chân chính nói riêng.

Để hợp thức hóa hồ sơ đấu thầu cho những sản phẩm này, các doanh nghiệp có thể làm giả các loại hồ sơ như hợp đồng tương tự, xác nhận vận hành, biên bản thử nghiệm điển hình… Do đó, chủ đầu tư ngoài việc thẩm định chính xác về mặt hồ sơ, cần phải kiểm tra năng lực thực tế của nhà thầu, tránh trường hợp lựa chọn nhà thầu cung cấp sản phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.

Ngoài ra, việc tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu từ phía các chủ đầu tư, bên mời thầu chưa thật sự chặt chẽ và chưa có chế tài mang tính răn đe cao đối với nhà thầu cố tình cung cấp hàng hóa, vật tư kém chất lượng.

Chuyên đề