Ảnh minh hoạ |
Ở khối ngân hàng thương mại Nhà nước, Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) đa đầy triển vọng thiết lập mốc lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng sau khi công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2017.
Theo đó lợi nhuận trước thuế Vietcombank đạt 7.687 tỷ đồng, tăng 24,4% so cùng kỳ (mục tiêu cả năm là 9.200 tỷ đồng), cao nhất trong các ngân hàng tại Việt Nam. Tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 1,13%, giảm 0,4% so với đầu năm. Cổ phiếu Vietcombak (VCB) liên tục nằm trong TOP 3 doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn nhất thị trường. Lãnh đạo Vietcombank dự kiến khả năng đạt lợi nhuận trước thuế năm 2017 ở mức 10.000 tỷ đồng, một mốc mới của hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Còn ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vẫn vững vàng ở vị trí đầu với lợi nhuận hợp nhất trước thuế sau 9 tháng đạt 5.635 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước và đạt 78% kế hoạch đề ra trong cả năm.
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cũng cho thấy mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trên 1.550 tỷ đồng với thời điểm giữa tháng 10, đạt 103,5% so với kế hoạch năm. Năm 2017 cũng dự kiến sẽ là năm lợi nhuận của ngân hàng này bứt phá mạnh sau 9 năm có mặt trên thị trường, nhất là sau hai năm liên dồn lực đầu tư cho kế hoạch mở loạt chi nhánh mới để phủ kín cả nước và đầu tư cho công nghệ.
Trong báo cáo vừa công bố, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 đạt 1.025 tỷ đồng. Lợi nhuận Sacombank tăng mạnh chủ yếu là do sự cải thiện rõ rệt về hiệu quả hoạt động của mảng kinh doanh cốt lõi tín dụng - đầu tư. Hoạt động kinh doanh ngoại hối và hoạt động mua bán chứng khoán cũng tăng trưởng khá.
Đáng chú ý, một số ngân hàng “tầm trung” ghi nhận sự đột biến về lợi nhuận. Như tại ngân hàng Phát triển TPHCM (HDBank, sau 9 tháng mức lợi nhuận tăng tới 279%, vượt kế hoạch cả năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 9 tháng đầu năm 2017 của HDBank đạt 1.912 tỷ đồng và khả năng cả năm sẽ đạt 2.400 tỷ đồng.
Một ngân hàng vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2017 là Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) có lợi nhuận trước thuế đạt 807 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Ngoài các ngân hàng trên, Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng công bố kết quả kinh doanh quý 3/2017 trước kiểm toán với lợi nhuận trước thuế đạt 623 tỷ đồng, hoàn thành 83% kế hoạch năm.
Còn ngân hàng nhỏ nhất Việt Nam, Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (SaigonBank) cũng có mức lợi nhuận sau thuế đạt 184 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhìn tổng quan, Báo cáo mới nhất của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho thấy các ngân hàng đạt 47.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu nhờ đóng góp từ hoạt động tín dụng và hoạt động dịch vụ.
Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo khoảng 2,9% (năm 2016 khoảng 2,6%). Tỷ lệ nợ xấu cao tập trung chủ yếu tại một số ngân hàng yếu kém, năng lực tài chính và khả năng quản trị điều hành yếu, trong diện tái cơ cấu.
Trong 9 tháng đầu năm 2017, nợ xấu thực tế đã giảm so với cuối năm 2016 do các khoản mục trái phiếu DN phát hành với mục đích tái cơ cấu nợ và trái phiều DN phân loại từ nhóm 3-5 giảm và các khoản đầu tư, đặt cọc, ký quỹ, các khoản phải thu bên ngoài khó thu hồi đều giảm mạnh.
Về xử lý nợ xấu, trong 7 tháng đầu năm 2017, hệ thống ngân hàng xử lý khoảng 45 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu thu hồi từ khách hàng chiếm khoảng 33,6%; sử dụng dự phòng rủi ro khoảng 26,3%; bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) khoảng 31,7%; bán tài sản bảo đảm khoảng 1,5%; còn lại là xử lý bằng các biện pháp khác.
Các ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro, tạo nguồn xử lý nợ xấu. Ước tính đến cuối tháng 9/2017, số dư dự phòng rủi ro tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng, tăng khoảng 22% so với cuối năm 2016.
Những kết quả tích cực sau thời gian tái cấu trúc, cùng mức lợi nhuận ấn tượng, cải thiện trong xử lý nợ xấu… sẽ tăng sự hấp dẫn của cổ phiếu ngành ngân hàng đối với các nhà đầu tư.