Kiểm soát lạm phát, phấn đấu tăng trưởng 6,8 - 7%

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 nên ngành nông nghiệp của một số địa phương chịu tác động nặng nề, có thể tác động đến giá cả nhiều loại hàng hóa. Ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính cho biết, Ban Chỉ đạo điều hành giá cũng đã tính đến nhiều kịch bản lạm phát nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, kỳ vọng lạm phát cả năm sẽ không vượt trần mục tiêu.
Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan liên quan kịp thời thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả. Ảnh: Nhã Chi
Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan liên quan kịp thời thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả. Ảnh: Nhã Chi

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (tên quốc tế là Yagi), nhanh chóng ổn định đời sống người dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất - kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết là nhóm giải pháp về kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu, các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao nắm chắc tình hình thị trường, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả ổn định thị trường. Thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung ứng đầy đủ nguồn hàng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai quy định về quản lý giá, ổn định giá mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu cho đời sống của Nhân dân và sản xuất - kinh doanh; xử lý nghiêm theo pháp luật các hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá, thao túng giá. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, nhất là vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão, lũ, thiên tai, tuyệt đối không để xảy ra thiếu lương thực, thực phẩm trong những tháng cuối năm.

Về tình hình giá cả hàng hóa trong những tháng đầu năm nay, nhóm nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) dự báo, CPI bình quân năm 2024 đạt 3,9%, dưới mức mục tiêu của Chính phủ là 4,5%, một phần nhờ sự sụt giảm của giá xăng dầu trong bối cảnh nhu cầu phục hồi tương đối chậm và nỗi lo về thu hẹp nguồn cung được giảm bớt. Theo đó, MBS cho rằng, giá dầu trong năm 2024 sẽ dao động với biên độ hẹp quanh mức 80 USD/thùng. Tuy vậy, áp lực lạm phát vẫn hiện hữu khi giá vật liệu xây dựng nội địa dự kiến tăng theo giá thế giới và nhu cầu ấm lên ở thị trường Việt Nam, trong đó, giá thép xây dựng dự kiến lên mức 14 triệu đồng/tấn vào cuối năm nay (từ mức khoảng 13,3 triệu đồng/tấn hiện nay), tương ứng mức tăng 4% so với cuối năm 2023. Bên cạnh đó, việc tăng lương cơ bản được thực hiện từ ngày 1/7/2024 có thể tác động đến lạm phát trong nước.

Về công tác quản lý giá, ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính cho biết, trong 8 tháng đầu năm nay, công tác quản lý, điều hành giá đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần kiểm soát lạm phát, chỉ số CPI bình quân của 8 tháng tăng 4,05% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này nằm trong kịch bản của Ban Chỉ đạo điều hành giá và đáp ứng được mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ là CPI bình quân nằm trong khoảng 4 - 4,5%.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 3 nên ngành nông nghiệp ở một số địa phương bị thiệt hại nặng nề và làm gián đoạn vận chuyển hàng hóa một số nơi, một số thời điểm đã xuất hiện việc khan hiếm một số mặt hàng như rau, củ quả, thực phẩm, nước uống..., dẫn đến tăng giá cục bộ tại một số địa bàn.

Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã có Công điện về việc đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá sau bão số 3. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị, các cơ quan liên quan, đẩy mạnh tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị, các bộ theo chức năng, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp, chuẩn bị và tính toán các phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường để tránh tác động cộng hưởng lên CPI trong thời điểm thị trường giá cả bị tác động do bão lũ.

Các Sở Tài chính chủ động tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá, căn cứ điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương để xem xét quyết định việc thực hiện chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn khi có biến động bất thường xảy ra theo thẩm quyền và quy định pháp luật.

Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ thể hiện quyết tâm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 khoảng 6,8 - 7%. Nghị quyết nêu 6 nhóm giải pháp để đạt mục tiêu, trong đó có Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhóm giải pháp này yêu cầu đẩy mạnh tiết kiệm chi, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn lực bảo đảm cho an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ người dân và đầu tư phát triển. Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia, có tính liên tỉnh, liên vùng, kết nối quốc gia, khu vực, quốc tế. Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới như bán dẫn, năng lượng sạch, Hydrogen...

Chuyên đề

Kết nối đầu tư