Chi phí kinh doanh xăng dầu dự kiến tăng thêm 160 - 660 đồng
Bộ Tài chính cho biết, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam sẽ tăng thêm 290 - 560 đồng với xăng và 160 - 660 đồng với mỗi lít dầu, tuỳ loại từ ngày 11/11.
Bộ Tài chính cho biết chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam sẽ tăng thêm 290 - 560 đồng với xăng và 160 - 660 đồng với mỗi lít dầu |
Giá bán lẻ mỗi lít xăng dầu đang được tính dựa trên giá cơ sở - mức giá được cấu thành bởi nhiều yếu tố - trong đó có chi phí kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp. Chi phí kinh doanh gồm premium nhập khẩu (khoản doanh nghiệp đầu mối phải trả cho các nhà cung cấp trong hợp đồng nhập khẩu); premium nguồn trong nước (khoản doanh nghiệp đầu mối trả cho các nhà máy lọc dầu trong nước) và các chi phí khác.
Một trong lý do khiến doanh nghiệp thời gian qua kêu lỗ, đóng cửa không bán hàng là chiết khấu thấp, các chi phí kinh doanh không được điều chỉnh kịp thời so với thực tế.
Sau rà soát, Bộ Tài chính cho biết, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam sau đợt điều chỉnh ngày 10/7 vẫn tăng. Trong đó, xăng RON 92 có mức tăng cao nhất là 83%, xăng RON 95 là 78%, dầu diesel 28% và dầu hoả 61%. Mức tăng này cũng có sự khác nhau giữa các doanh nghiệp nhập khẩu.
Vì thế, bộ này dự kiến tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam ở mức 290 - 560 đồng với mỗi lít xăng và 160 - 660 đồng một lít với dầu. Dự kiến các chi phí sẽ được áp dụng từ kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/11.
Với chi phí premium trong nước và các chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng, kết quả rà soát của 28/34 doanh nghiệp đầu mối cho thấy không có biến động bất thường, nên chưa điều chỉnh ở kỳ điều hành ngày 11/11 tới. Thay vào đó, Liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh ở các kỳ tiếp theo nếu có biến động lớn.
Phương án điều chỉnh trên được Bộ Tài chính đưa ra trên cơ sở báo cáo từ 28 trong số 34 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu gửi về Bộ Tài chính. Bộ Công Thương cũng đồng thuận với đề xuất này.
TP.HCM tìm phương án mới huy động hơn 210.000 tỷ đồng làm 7 tuyến metro
Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, ODA gặp khó, TP.HCM đang lên phương án mới để huy động vốn hơn 210.000 tỷ đồng để đầu tư 7 tuyến metro trong giai đoạn 2021 - 2035.
TP.HCM đang lên phương án mới để huy động vốn hơn 210.000 tỷ đồng để đầu tư 7 tuyến metro |
Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có báo cáo gửi UBND Thành phố về việc đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị gắn với phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit Oriented Development).
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, hệ thống đường sắt đô thị có 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên kết nối các trung tâm tài chính của Thành phố. Bên cạnh đó, Thành phố sẽ đầu tư thêm 3 tuyến xe điện mặt đất và đường sắt một ray. Tổng chiều dài toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị Thành phố khoảng 220 km với tổng vốn đầu tư ước tính gần 25 tỷ USD.
Hiện nay, Thành phố mới đang triển khai 2 dự án là tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) và tuyến Bến Thành - Tham Lương (metro số 2) trong giai đoạn 1; các dự án còn lại thuộc hệ thống đường sắt đô thị của Thành phố đang trong giai đoạn nghiên cứu, xúc tiến kêu gọi đầu tư.
Theo Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 - 2030 đã được UBND TP.HCM phê duyệt và Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn Thành phố thì có 7 dự án đường sắt đô thị cần ưu tiên, tập trung đầu tư trong giai đoạn 2021 -2035 với kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 210.755 tỷ đồng.
Sở GTVT TP.HCM cho biết, hiện nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, trong khi đó việc huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA là nguồn vốn quan trọng để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm cũng gặp khó khăn. Do đó, Sở GTVT cho rằng cần thiết phải nghiên cứu, đề xuất những phương thức huy động vốn mới để đầu tư phát triển hạ tầng.
Trong đó, mô hình TOD sẽ phát triển đô thị với dân cư tập trung mật độ cao, qua đó nâng cao giá trị sử dụng đất trong khu vực bán kính 500 m từ các nhà ga đường sắt đô thị được xem là một giải pháp tài chính mang tính chiến lược nhằm huy động và tối ưu hóa nguồn lực từ khai thác quỹ đất để đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị.
Sở GTVT cho rằng cần sớm triển khai quy hoạch và thiết kế đô thị theo mô hình TOD để nâng cao hiệu quả đầu tư và khai thác các tuyến đường sắt đô thị, hệ thống vận tải hành khách công cộng của Thành phố.
Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đầu tiên công bố tuyển nhà thầu để chỉ định thi công
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đại diện chủ đầu tư) được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu công bố thông tin để sơ tuyển nhà thầu trước khi chỉ định thầu thi công đoạn cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang, thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 dự kiến khởi công vào tháng 12. Ảnh minh họa. |
Bộ GTVT vừa ban hành Quyết định phê duyệt bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện đoạn cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang, thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2), bằng vốn đầu tư công.
Theo đó, phần thi công xây lắp đoạn cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang chỉ có 1 gói thầu, với tổng giá trị 7.966 tỷ đồng, đi liền là 1 gói thầu tư vấn giám sát thi công trị giá 37 tỷ đồng cũng thực hiện chỉ định thầu. Riêng phần bảo hiểm công trình giá trị 31 tỷ đồng sẽ thực hiện đấu thầu qua mạng. Sau khi chọn được nhà thầu, các gói thầu sẽ triển khai ngay trong cuối năm nay.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận được Bộ GTVT giao đại diện chủ đầu tư đoạn cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang. Ban quản lý này được giao đăng tải thông tin đấu thầu theo quy định, phê duyệt dự toán các gói thầu làm cơ sở lựa chọn nhà thầu để báo cáo cấp thẩm quyền (gói thầu chỉ định nhà thầu).
Dự án thành phần cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài hơn 37 km, điểm đầu tại quận Cái Răng (Cần Thơ), điểm cuối tại huyện Vị Thủy (Hậu Giang). Tổng mức đầu tư hơn 10.370 tỷ đồng. Đây là 1 trong 12 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 được thực hiện theo hình thức đầu tư công, với cơ chế chỉ định nhà thầu thi công, các dự án đều phải khởi công cuối năm nay, hoàn thành cơ bản vào năm 2025, thông xe năm 2026.
Ga Sài Gòn bán thêm 7.000 vé tàu Tết về miền Trung
Đường sắt tăng thêm khoảng 7.000 vé Tết trên các tàu từ ga Sài Gòn, Dĩ An, Biên Hoà về khu vực miền Trung để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao.
Khách đi tàu tại ga Sài Gòn |
Trong đó, khoảng 3.000 vé được bán trên các chặng về ga Tuy Hòa (Phú Yên), Diêu Trì (Bình Định), Quảng Ngãi, Đà Nẵng... từ ngày 9 - 20/1/2023 (18 - 29/12 âm lịch). Chặng TP.HCM đi Quảng Ngãi đông người đi dịp Tết được bố trí thêm tàu ngày 14, 16 và 18/1/2023 (23, 25, 27/12 âm lịch), đáp ứng khoảng 3.900 chỗ. Trước đó, chỉ sau một tuần mở bán, các chặng trên kín chỗ.
Đến ngày 8/11, sau nửa tháng đường sắt bán vé Tết, có khoảng 100.000 chỗ được khách mua, hiện còn 76.000 vé, phần lớn ở các tuyến đường dài. Trong đó, thời gian trước Tết theo chiều từ TP.HCM đi Hà Nội còn khoảng 22.000 chỗ; chiều ngược lại ở giai đoạn sau Tết còn hơn 54.000 chỗ.
Đề xuất làm đường kết nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Tuyến đường dài hơn 13 km, tổng vốn đầu tư hơn 9.400 tỷ đồng vừa được kiến nghị đầu tư để kết nối thành phố biển với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Đề xuất làm đường kết nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài hơn 13 km, tổng vốn đầu tư hơn 9.400 tỷ đồng. Ảnh minh họa |
Công trình có điểm đầu tại nút giao Quốc lộ 56 (TP. Bà Rịa) đến đường ven biển - ĐT 994 (TP. Vũng Tàu). Để đảm bảo cho xe chạy tốc độ cao, hạn chế giao cắt, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị xây tuyến theo chức năng đường cao tốc.
Có 4 phương án được đề xuất, gồm: phương án 1 thiết kế 6 làn xe đi cao toàn tuyến, không làm đường song hành, tổng mức đầu tư 14.000 tỷ đồng; phương án 2 đường có 4 làn xe đi cao toàn tuyến, không có đường song hành, tổng vốn hơn 11.600 tỷ đồng.
Với phương án 3, đường có 4 làn xe đi cao đoạn Quốc lộ 56 - Vũng Vằn và đi thấp đoạn Vũng Vằn - Vũng Tàu, không có đường song hành, vốn hơn 7.700 tỷ đồng; phương án 4 tương tự nhưng xây dựng thêm đường song hành, tổng kinh phí hơn 9.400 tỷ đồng.
Tư vấn đánh giá, phương án cuối cùng khả thi nhất vì vốn nhà nước chiếm tỷ lệ lớn. Việc làm đường song hành giúp phát triển quỹ đất, tạo vốn cho dự án cũng như phù hợp quy hoạch của các địa phương dọc tuyến.
Để triển khai, tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu phải xin Thủ tướng cho bổ sung đoạn đường này vào Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Công trình cũng được kiến nghị thực hiện bằng vốn đầu tư công và ngoài ngân sách, thông qua cho thuê quyền khai thác, nhượng quyền có thời hạn.
Cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu (giai đoạn 1) dài gần 54 km, thiết kế 4 - 6 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng. Công trình được chia làm ba đoạn, đoạn 1 và 2 dài 34,2 km thuộc Đồng Nai, tổng kinh phí hơn 12.600 tỷ đồng. Đoạn còn lại thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng mức đầu tư 5.190 tỷ đồng. Tuyến đường dự kiến khởi công năm tới và hoàn thành năm 2025.
Lâm Đồng có 1.235 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn gần 16.000 tỷ đồng
Lũy kế 10 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh Lâm Đồng có 1.235 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 15.994,9 tỷ đồng.
10 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh Lâm Đồng có 1.235 doanh nghiệp thành lập mới |
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, lũy kế 10 tháng đầu năm 2022, toàn Tỉnh có 1.235 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 15.994,9 tỷ đồng. Con số này tăng 24,6% về số doanh nghiệp thành lập mới và tăng 26,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có có 307 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 7,3%; 492 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 26,5%; có 185 doanh nghiệp giải thể, tăng 49,2%.
Thừa Thiên Huế lên phương án trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế đang lấy ý kiến các cấp về ba phương án sắp xếp xã, phường, huyện thị để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Trung tâm TP Huế nhìn từ trên cao |
Hiện nay, Thừa Thiên Huế có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 6 huyện, 2 thị xã và một thành phố với 95 xã, 39 phường và 7 thị trấn. Để phù hợp tiêu chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương, Tỉnh lên phương án điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện và thêm quận.
Có ba phương án được đưa ra. Thứ nhất, Thừa Thiên Huế sẽ sắp xếp thành 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện; phương án hai là 4 quận, 1 thị xã, 4 huyện và phương án ba là 2 quận, 3 thị xã, 4 huyện.
Với ba phương án đưa ra bàn thảo, TP. Huế sẽ sáp nhập xã Hương Thọ và phường Hương Hồ thành một phường mới; nhập xã Hải Dương và phường Thuận An thành một phường mới; lập phường mới trên cơ sở nguyên trạng ba xã Phú Thanh, Phú Mậu và Phú Dương.
Sau khi sáp nhập, TP. Huế sẽ được chia thành quận phía Bắc và quận phía Nam. Trong đó, quận phía Nam gồm 19 phường, quận phía Bắc 13 phường.
Thị xã Phong Điền được thành lập trên cơ sở giữ nguyên trạng diện tích tự nhiên, dân số của huyện Phong Điền; sắp xếp, sáp nhập từ 16 đơn vị hành chính cấp xã thành 12 đơn vị.
Huyện Nam Đông và huyện Phú Lộc cùng với xã Dương Hòa sẽ được lập thành một huyện mới. Huyện Quảng Điền, huyện Phú Vang, huyện A Lưới và thị xã Hương Trà được giữ nguyên.
Riêng thị xã Hương Thủy, nếu theo phương án 3 quận, 2 thị xã, 4 huyện, thị xã sẽ được điều chỉnh thành quận Hương Thủy với 7 phường. Xã Phú Sơn được nhập vào phường Phú Bài, xã Thủy Tân nhập vào phường Phú Lương.
Nếu theo phương án 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện, thị xã Hương Thủy sẽ giữ nguyên hiện trạng.
Trước đó, Bộ chính trị đã ban hành nghị quyết về xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu và tầm nhìn đến năm 2025 tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.