Bản tin thời sự sáng 9/1

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là EVN có thể được cấp hơn 2.500 tỷ đồng kéo điện ra Côn Đảo; phát hiện 2.080 công trình sai phạm tại các khu đô thị ở Tây Nha Trang; giá vàng miếng SJC mất 1 triệu đồng/lượng ngay đầu tuần; toàn quốc dự kiến xây 130.000 căn nhà ở xã hội năm 2024; tiền gửi vào ngân hàng nhiều kỷ lục…

EVN có thể được cấp hơn 2.500 tỷ đồng kéo điện ra Côn Đảo

Chính phủ đề xuất ngân sách trung ương cấp hơn 2.526 tỷ đồng cho EVN từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn, để kéo điện lưới ra Côn Đảo.

EVN có thể được cấp hơn 2.500 tỷ đồng kéo điện ra Côn Đảo. Ảnh minh họa

EVN có thể được cấp hơn 2.500 tỷ đồng kéo điện ra Côn Đảo. Ảnh minh họa

Nội dung này nêu tại tờ trình của Chính phủ về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương 2021 - 2025, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 8/1.

Chủ trương đầu tư Dự án kéo điện lưới ra Côn Đảo được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính duyệt hồi tháng 6/2023. Tổng mức đầu tư dự án này khoảng 4.950 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách trung ương khoảng 2.526 tỷ đồng, còn lại vốn tự có của EVN, gần 2.424 tỷ đồng.

Tại phiên họp ngày 8/1, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Chính phủ đề xuất cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương hơn 2.526 tỷ đồng cho EVN để kéo điện lưới ra Côn Đảo.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, nhu cầu tiêu thụ điện tại Côn Đảo ngày một tăng cao, nguồn điện chạy bằng dầu diesel tại chỗ không đáp ứng đủ, dẫn tới thiếu hụt nguồn cung cho các dự án đầu tư tại đây.

Mặt khác, theo báo cáo của EVN, giá thành sản xuất điện từ dầu diesel cao (khoảng 5.000 - 6.000 đồng một kWh), trong khi giá bán điện sinh hoạt cao nhất 3.151 đồng một kWh, tức càng phát điện nhiều càng lỗ.

Do đó, cấp điện từ lưới quốc gia bằng tuyến cáp ngầm 110 kV vượt biển là phương án tối ưu nhất, bảo đảm yêu cầu cấp điện ổn định, an toàn cho lưới điện trên đảo, cũng như hướng tới giảm phát thải carbon về 0 vào năm 2040 và bảo vệ môi trường, sinh thái Vườn Quốc gia Côn Đảo, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đồng ý phân bổ hơn 2.526 tỷ đồng cho EVN để thực hiện Dự án cấp điện lưới ra Côn Đảo. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm và cam kết việc chọn phương án cấp điện lưới là tối ưu nhất, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực đầu tư và giá thành, chi phí hợp lý…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định việc phân bổ vốn này cho EVN từ nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nhưng Chính phủ cần rà soát để bảo đảm tính chính xác số liệu, đánh giá tác động đầy đủ để bảo đảm chặt chẽ khi thực hiện các dự án dùng vốn đầu tư công.

Phát hiện 2.080 công trình sai phạm tại các khu đô thị ở Tây Nha Trang

Có đến 2.080/3.080 công trình được kiểm tra có phát hiện sai phạm về xây dựng tại một số khu đô thị mới trên địa bàn TP. Nha Trang (Khánh Hòa).

Một số khu đô thị phía tây TP.Nha Trang, nơi xác định có hàng ngàn công trình vi phạm

Một số khu đô thị phía tây TP.Nha Trang, nơi xác định có hàng ngàn công trình vi phạm

Ngày 8/1, UBND TP. Nha Trang cho biết vừa có báo cáo đề xuất Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa phối hợp kiểm tra xử lý hơn 2.080 công trình vừa bị phát hiện có những sai phạm trong xây dựng, xảy ra tại một số khu đô thị mới trên địa bàn Thành phố.

Thực hiện chức năng quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, sau khi xem xét báo cáo tham mưu đề xuất của Phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang tại Văn bản số 4296/QLĐT-TTXD ngày 25/12/2023 về việc kiểm tra, xử lý đối với các công trình xây dựng vi phạm tại các dự án khu đô thị mới trên địa bàn, UBND TP. Nha Trang đã có báo cáo xử lý vi phạm hàng nghìn trường hợp.

Theo đó, qua đẩy mạnh tăng cường kiểm tra tại 3.080 công trình xây dựng tại các dự án khu đô thị mới phía Tây đường Lê Hồng Phong, gồm: Khu đô thị An Bình Tân, Khu đô Thị Hoàng Long, Khu đô thị VCN Phước Hải, VCN Phước Long và VCN Phước Long II, Khu đô thị mới Phước Long I và II, Khu đô thị mới Lê Hồng Phong I và II.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có 2.080 công trình xây dựng sai thiết kế kiến trúc mặt tiền, chuyển đổi công năng không đảm bảo quy định về phòng cháy, chữa cháy; 247 công trình xây dựng sai số tầng, sai chỉ giới xây dựng và ngăn vách tạo phòng trên ban công ngoài chỉ giới xây dựng.

Giá vàng miếng SJC mất 1 triệu đồng/lượng ngày đầu tuần

Sau 2 phiên giao dịch trầm lắng cuối tuần trước, bước sang đầu tuần này (8/1), mặt hàng vàng miếng SJC được các doanh nghiệp vàng điều chỉnh giảm mạnh tới 1 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng SJC giảm 1 triệu đồng/lượng ngay phiên đầu tuần

Giá vàng miếng SJC giảm 1 triệu đồng/lượng ngay phiên đầu tuần

Trong phiên giao dịch sáng 8/1, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn điều chỉnh giảm 500.000 đồng/lượng đối với mặt hàng vàng miếng SJC, hiện phổ biến giao dịch ở mức 71,5 - 74,5 triệu đồng/lượng.

Tới 14h, doanh nghiệp vàng này tiếp tục giảm thêm 500.000 đồng mỗi lượng vàng bán ra, để đưa giá vàng miếng SJC xuống mức 71 - 74 triệu đồng/lượng.

So với giá giao dịch cuối tuần trước, giá vàng miếng tại đây đã giảm 1 triệu đồng/lượng. Nếu so với đầu tuần trước (1/1), mặt hàng này không có nhiều biến động. Tuy nhiên, do chênh lệch giá mua - bán SJC đưa ra với mặt hàng này, người mua vàng miếng SJC cuối tuần trước đến nay vẫn ghi nhận khoản lỗ 3 triệu đồng/lượng.

Hiện tại, chênh lệch giá mua - bán của mặt hàng vàng miếng SJC đang ở mức rất cao, khiến người vừa mua mặt hàng này đã phải nhận ngay khoản lỗ lớn.

Mức chênh lệch giá mua - bán cao của mặt hàng vàng miếng SJC đã duy trì gần 3 tuần nay. Trước đó, mức chênh lệch này chỉ được các doanh nghiệp đưa ra trong khoảng 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/lượng.

Ngoài SJC, mức giảm 1 triệu đồng/lượng của vàng miếng cũng diễn ra tại các doanh nghiệp khác như Tập đoàn DOJI, Tập đoàn Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu.

Hiện các doanh nghiệp này phổ biến niêm yết giá bán ra của vàng miếng SJC quanh vùng 73 - 74 triệu đồng/lượng. Còn ở chiều mua vào, mức giá chạy quanh vùng 71 - 71,3 triệu đồng/lượng.

Riêng Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) chỉ giảm 500.000 đồng với mặt hàng vàng miếng, giữ giá giao dịch của mặt hàng này ở mức 72 - 74,6 triệu đồng/lượng.

Với mặt hàng vàng nhẫn, các doanh nghiệp trong nước đang có những điều chỉnh trái chiều.

Trong đó, SJC giao dịch vàng nhẫn 9999 loại 1-5 chỉ ở mức 61,9 - 62,95 triệu/lượng, giảm 50.000 đồng. Tương tự, Bảo Tín Minh Châu giảm giá nhẫn tròn trơn thêm 60.000 đồng, giao dịch ở 62,63 - 63,73 triệu/lượng.

Ngược lại, vàng nhẫn 9999 Hưng Thịnh Vượng của DOJI giao dịch ở 62,2 - 63,25 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng ở cả hai chiều.

Toàn quốc dự kiến xây 130.000 căn nhà ở xã hội năm 2024

Chính phủ yêu cầu xây dựng 130.000 căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong năm 2024.

Nhà ở xã hội, Khu ngoại giao đoàn, phía tây Hà Nội

Nhà ở xã hội, Khu ngoại giao đoàn, phía tây Hà Nội

Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 vừa được Chính phủ ban hành, yêu cầu các cơ quan, địa phương triển khai đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp đến năm 2030.

Chính phủ giao các đơn vị có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản. Mục tiêu là hạn chế lệch pha cung - cầu bất động sản.

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, giai đoạn 2010 - 2020, toàn quốc hoàn thành 312 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô 158.000 căn, tổng diện tích hơn 8 triệu m2. 418 dự án đang tiếp tục được triển khai với quy mô 432.400 căn.

Từ năm 2021 đến tháng 6/2023, toàn quốc hoàn thành 46 dự án, quy mô hơn 20.200 căn. 110 dự án với quy mô hơn 100.200 căn đã được cấp phép và đang triển khai xây dựng. 309 dự án với hơn 292.400 căn được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Tháng 3/2023, Thủ tướng phê duyệt Đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà xã hội đến năm 2030, trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn, tổng vốn dự kiến là 849.000 tỷ đồng, chủ yếu bằng vốn xã hội hóa. Đề án được kỳ vọng giúp giá nhà phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình thu nhập trung bình, thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp.

Tiền gửi vào ngân hàng nhiều kỷ lục

Cuối năm 2023, có hơn 13,5 triệu tỷ đồng nhàn rỗi của người dân và doanh nghiệp gửi tại ngân hàng, tăng 14% so với năm 2022 và cao nhất từ trước đến nay.

Cuối năm 2023, có hơn 13,5 triệu tỷ đồng nhàn rỗi của người dân và doanh nghiệp gửi tại ngân hàng

Cuối năm 2023, có hơn 13,5 triệu tỷ đồng nhàn rỗi của người dân và doanh nghiệp gửi tại ngân hàng

Thông tin trên được Ngân hàng Nhà nước công bố tại Hội nghị ngành ngân hàng sáng 8/1.

Năm ngoái, lượng tiền gửi vào ngân hàng tăng ròng gần 1,7 triệu tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức tăng xoay quanh 1 triệu tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn trước.

Tiền gửi tăng mạnh bất chấp lãi suất huy động đang ở mức thấp kỷ lục. Hầu hết nhà băng hiện niêm yết lãi suất tiết kiệm cao nhất về dưới 6% một năm. Môi trường lãi suất thấp vẫn không khiến dòng tiền dịch chuyển mạnh khỏi hệ thống ngân hàng để chảy qua các kênh đầu tư khác như bất động sản và chứng khoán.

Cũng theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đến hết 2023 đạt 13,7%. Như vậy, tín dụng tăng nhanh trong tháng cuối năm với tốc độ 2,5%, tương đương khoảng 300.000 tỷ đồng bơm ra nền kinh tế.

Tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết việc điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 3,2 - 3,4%. Năm qua, nhà điều hành đã hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối và đã mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Thống đốc cũng cho biết, lãi suất tiền gửi, cho vay mới của ngân hàng thương mại giảm hơn 2,5% một năm so với cuối năm 2022.

Năm 2024, TP. Quy Nhơn sẽ xử lý hơn 1.700 trường hợp vi phạm đất đai

Ngày 8/1, UBND TP. Quy Nhơn (Bình Định) cho biết, trong năm 2024 sẽ xử lý hơn 1.700 trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép.

TP. Quy Nhơn vẫn tồn tại rất nhiều trường hợp xây dựng trái phép

TP. Quy Nhơn vẫn tồn tại rất nhiều trường hợp xây dựng trái phép

Năm 2023, UBND TP. Quy Nhơn đã kiểm tra 1.462 trường hợp liên quan đến trật tự xây dựng trên địa bàn. Qua đó, đã phát hiện, xử lý 534 trường hợp vi phạm. Cơ quan chức năng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 219 trường hợp, gồm: xây dựng không có giấy phép 13 trường hợp; sai nội dung giấy phép 30 trường hợp; xây dựng trên đất lấn chiếm 107 trường hợp; chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất 62 trường hợp; xây dựng không đúng quy hoạch 7 trường hợp.

Đến nay, 182 trường hợp vi phạm đã chấp hành nộp phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 3,3 tỷ đồng và khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, các địa phương trên địa bàn TP. Quy Nhơn cũng đã xử lý 282 trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.

Trong năm 2024, UBND TP. Quy Nhơn sẽ tiếp tục thực hiện xử lý 1.715 trường hợp vi phạm lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép. Cụ thể, tháng 1/2024 sẽ rà soát quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch xây dựng để xác định sự phù hợp quy hoạch với vị trí lấn, chiếm đất đai, làm cơ sở đề xuất xem xét đề xuất cho tồn tại và thực hiện cấp giấy chứng nhận đối với các trường hợp phù hợp với quy hoạch chung và đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đồng thời, TP. Quy Nhơn cũng đề xuất cưỡng chế tháo dỡ những trường hợp lấn, chiếm đất đai từ ngày 1/7/2014 trở về sau…

Đầu tư gần 45 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo kè Hộ Thành hào ở Kinh thành Huế

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết sẽ tiến hành tu bổ, tôn tạo hệ thống kè Hộ Thành hào ở mặt Đông di tích Kinh thành Huế. Theo đó, có gần 1.400 m kè, đoạn từ Eo bầu Đông Thái Đài đến cống Thanh Long được tu bổ trong đợt này.

Kè dọc Hộ Thành hào ở mặt Đông của Kinh thành Huế sẽ được tu bổ, tôn tạo

Kè dọc Hộ Thành hào ở mặt Đông của Kinh thành Huế sẽ được tu bổ, tôn tạo

Đây là hạng mục thuộc Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế - hợp phần tu bổ, tôn tạo di tích đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế điều chỉnh. Theo đó, hạng mục tu bổ, tôn tạo hệ thống kè Hộ Thành hào đoạn từ Eo bầu Đông Thái Đài đến cống Thanh Long có mức đầu tư gần 45 tỷ đồng, được thi công trong vòng gần 3 năm, dự kiến từ tháng 2/2024 - 12/2026. Dự án do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế làm Chủ đầu tư và Phân viện Khoa học Công nghệ xây dựng miền Trung - Viện Khoa học Công nghệ xây dựng thi công.

Phạm vi Dự án là tuyến kè dọc Hộ Thành hào dài 1.395 m với việc triển khai nội dung như: bao che khu vực thi công bằng thép ống và bạt; dọn dẹp vệ sinh và hoàn trả mặt bằng trên tuyến Phòng Lộ và Hộ Thành hào; tháo dỡ những đoạn kè hiện trạng bị hư hỏng, mất liên kết và tiến hành phân loại, vệ sinh đá nguyên gốc sau khi hạ giải thân kè; gia cường nền móng, với đế móng được gia cố bằng cọc tre, đổ bê tông cốt thép…

Việc triển khai tu bổ, tôn tạo tuyến kè dọc Hộ Thành hào ở mặt Đông của Kinh thành Huế góp phần phát huy giá trị di tích Kinh thành Huế; tạo cảnh quan, thẩm mỹ, tạo điểm nhấn để phát triển du lịch.

FLC bị cưỡng chế thuế gần 90 tỷ đồng

Công ty CP Tập đoàn FLC vừa cho biết đã nhận quyết định của Cục Thuế TP. Hà Nội về việc cưỡng chế thuế do có số tiền quá hạn nộp.

FLC bị cưỡng chế thuế gần 90 tỷ đồng

FLC bị cưỡng chế thuế gần 90 tỷ đồng

Tổng số tiền bị cưỡng chế xấp xỉ 90 tỷ đồng. Trong số này có khoảng 61 tỷ đồng là thuế thu nhập doanh nghiệp, 14 tỷ đồng là thuế thu nhập cá nhân. Phần còn lại chủ yếu là tiền chậm nộp.

Cục Thuế TP. Hà Nội sẽ cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Tập đoàn FLC tại các ngân hàng. Trong trường hợp tài khoản còn ít hơn số tiền cưỡng chế, các ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản và tiếp tục theo dõi để trích tiếp khi những tài khoản này phát sinh giao dịch có.

Trước đó, vào tháng 10/2023, Cục Thuế TP. Hà Nội cũng ra quyết định cưỡng chế hơn 81,6 tỷ đồng tiền thuế đối với doanh nghiệp này vì lý do tương tự.

"Sức khỏe" tài chính của FLC hiện vẫn là một ẩn số bởi Công ty đã không công bố báo cáo tài chính từ cuối năm 2022. Theo báo cáo tài chính gần nhất được công bố vào cuối quý III/2022, Công ty có tổng tài sản 36.216 tỷ đồng và nợ phải trả hơn 28.270 tỷ đồng. Nguồn vốn chủ sở hữu của Công ty tại thời điểm đó là 7.944 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 2.086 tỷ đồng.

Việc không công bố báo cáo tài chính khiến cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vào giữa tháng 2/2023. Cổ phiếu này chuyển sang đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM sau đó nửa tháng và được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận. Tuy nhiên, ngay sau thông báo chấp thuận này, HNX ra thêm quyết định đình chỉ giao dịch cổ phiếu.

Theo HNX, FLC vẫn đáp ứng điều kiện của công ty đại chúng nên cổ phiếu được đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM theo quy định. Tuy nhiên, doanh nghiệp này tiếp tục rơi vào trường hợp "cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch" vì trước đó vi phạm nghiêm trọng quy định công bố thông tin.

Ban lãnh đạo FLC cho biết, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, năm 2022 cũng như các báo cáo tài chính quý và bán niên 2023 đến nay vẫn chưa được phát hành do Công ty và đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn UHY chưa đạt sự đồng thuận về ý kiến kiểm toán.

Chuyên đề