Xuất hiện lỗi kết nối với HOSE phiên chiều ngày 6/3
Theo phản ánh từ nhà đầu tư và thông tin từ các công ty chứng khoán, kết nối tới Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) bị chậm trong phiên chiều ngày 6/3.
Thông báo của Công ty chứng khoán FPT (FPTS) gửi nhà đầu tư lúc 13h46 ngày 6/3 |
Một số công ty chứng khoán trên thị trường gửi thông báo tới các nhà đầu tư về việc lệnh giao dịch vào HOSE bị chậm trong phiên giao dịch chiều ngày 6/3.
Cụ thể, VPS thông báo, từ thời điểm 13h30 phiên giao dịch chiều ngày 6/3/2024, lệnh giao dịch vào HOSE bị chậm nên có thể ảnh hưởng đến việc đặt, hủy lệnh của nhà đầu tư. Công ty liên tục cập nhật từ HOSE và sẽ thông báo thông tin kịp thời.
Chứng khoán Techcom (TCBS) cũng đã gửi tin nhắn đến nhà đầu tư thông báo về tình trạng này. TCBS cho biết, chiều 6/3 các giao dịch đặt lệnh, hủy, sửa lệnh trên sàn HOSE bị tạm gián đoạn, Công ty đã kiểm tra và nhanh chóng xử lý.
Chứng khoán SSI nêu cụ thể kết nối tới HoSE bị chập chờn. Tình trạng này xảy ra với các công ty chứng khoán nên một số lệnh đặt trên sàn HoSE có thể chưa được gửi lên sàn hoặc không cập nhật đúng trạng thái lệnh. Thông tin hiển thị trên bảng giá cũng có thời điểm không chính xác.
Chứng khoán FPTS cũng đăng tải trên trang chủ thông báo kết nối với HoSE bị gián đoạn đã gây ra sự việc trên.
Nhiều nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán khác nhau cũng phản ánh không thể đặt lệnh, hủy lệnh hoặc sửa lệnh trong phiên chiều 6/3.
Thực tế giao dịch cho thấy, tốc độ khớp lệnh những cổ phiếu niêm yết trên HOSE chậm lại, trong khi đó HNX và UPCOM vẫn bình thường.
Chốt phiên giao dịch ngày 6/3, VN-Index giảm 7,25 điểm xuống 1.262,73 điểm. Thanh khoản đạt tới gần 25.000 tỷ đồng.
Giá vàng miếng neo quanh 81 triệu đồng
Giá vàng miếng được điều chỉnh tăng giảm nhiều lần trong ngày 6/3 với biên độ 200.000 đồng một lượng và hiện neo quanh mức 81 triệu đồng.
Giá vàng miếng được điều chỉnh tăng giảm nhiều lần trong ngày 6/3 |
Lúc 14h40 ngày 6/3, giá vàng miếng tăng 200.000 đồng mỗi lượng so với cuối buổi sáng, lên lại vùng 81 triệu đồng. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá mua bán 79 - 81 triệu đồng. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cũng yết 78,95 - 80,95 triệu đồng một lượng.
Trước đó, mở cửa ngày 6/3, các nhà vàng đồng loạt điều chỉnh giá vàng tăng đồng thuận với diễn biến thế giới.
Mỗi lượng vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đắt thêm 200.000 đồng cả 2 chiều mua bán, lên 79 - 81 triệu đồng một lượng. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI điều chỉnh giá vàng miếng lên 78,95 - 80,95 triệu đồng. Chênh lệch mua bán là 2 triệu đồng một lượng.
Tuy nhiên đến 9h40, giá vàng miếng SJC đảo chiều giảm 200.000 đồng về 78,8 - 80,8 triệu một lượng. Giá vàng miếng tại DOJI cũng xuống 78,75 - 80,75 triệu đồng, trong khi vàng nhẫn và nữ trang vẫn giữ nguyên.
Vàng nhẫn trong nước mở cửa ngày cũng tăng 50.000 - 100.000 đồng một lượng sau phiên nhảy vọt hôm 5/3. SJC yết nhẫn trơn tại 66,6 - 67,8 còn tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng lên 67,4 - 68,6 triệu.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới trong 24 giờ qua có lúc lập đỉnh lịch sử 2.141 USD mỗi ounce trước khi hạ nhiệt về 2.125 USD lúc 9h sáng giờ Việt Nam. Quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank, giá vàng thế giới hiện tương đương 63,69 triệu đồng một lượng, thấp hơn 17 triệu đồng so với vàng miếng trong nước.
ACV nghiên cứu xây đường băng số 2 sân bay Long Thành
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang nghiên cứu đề xuất xây dựng thêm đường băng số 2 tại sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Công trường xây dựng sân bay Long Thành |
Theo đại diện ACV - Chủ đầu tư Dự án thành phần 3 sân bay Long Thành giai đoạn 1, bên cạnh đẩy nhanh thi công đường băng số 1, ACV đang nghiên cứu để đầu tư xây dựng đường băng số 2 trong giai đoạn 2025 - 2030.
Về nguồn vốn, sau hơn một nửa số gói thầu đã được đấu thầu, ACV tiết kiệm được khoảng 4.000 tỷ đồng. Vì vậy, doanh nghiệp đang tính toán để đề xuất phương án xây dựng đường cất, hạ cánh số 2 bằng nguồn vốn này.
Theo đại diện ACV, tại dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 tiến độ các gói thầu cơ bản đáp ứng. Trong đó, Gói thầu 4.6 - xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất, hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay, các nhà thầu đã huy động 641 nhân sự và 274 trang thiết bị, máy móc để phục vụ thi công.
Gói thầu này gồm xây dựng đường cất hạ cánh số 1 dài 4.000 m, rộng 45 m; 2 đường lăn song song, 6 đường lăn thoát nhanh, các đường lăn nối với diện tích khoảng 69,3 ha; sân đỗ tàu bay và phương tiện phục vụ mặt đất rộng 12,4 ha.
Đường băng 1 sân bay Long Thành dự kiến hoàn thành trước ngày 30/4/2025, rút ngắn khoảng 3 tháng so với kế hoạch.
Dự án Đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng đầu tư hơn 330.000 tỷ đồng (khoảng 16 tỷ USD), chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 trước 2025 sẽ xây dựng một đường cất hạ cánh và nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ, công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Giai đoạn 2 (2025 - 2030) đầu tư xây dựng thêm một đường cất, hạ cánh cấu hình mở và một nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách, nhà ga hàng hóa 1,5 triệu tấn mỗi năm. Giai đoạn 3 (2035 - 2040) sẽ hoàn thành các hạng mục để đạt công suất 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
USD tự do hạ nhiệt sau nhiều phiên tăng liên tiếp
Giá USD trên thị trường tự do đã quay đầu giảm trong phiên giao dịch ngày 6/3, sau nhiều phiên tăng mạnh trước đó.
Giá USD quay đầu giảm trên thị trường tự do sau chuỗi ngày tăng liên tiếp |
Ngày 6/3, tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam so với USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra ở mức 24.017 đồng/USD, tăng 5 đồng so với phiên liền trước.
Tỷ giá giao dịch đồng USD tham khảo cũng được Sở Giao dịch NHNN giữ nguyên như ngày 5/3 khi mua vào 23.400 đồng và bán ra 25.162 đồng.
Dù vậy, giá USD trên thị trường tự do lại có xu hướng “hạ nhiệt". Hiện giá USD tự do được đưa ra quanh vùng 25.480 đồng/USD (mua) và 25.620 đồng/USD (bán). So với ngày 5/3, giá USD tự do giảm 60 đồng ở chiều mua và giảm 50 đồng ở chiều bán. Dù vậy, đây vẫn là vùng giá cao của USD "chợ đen" từ trước đến nay.
TP.HCM khởi công nhiều dự án nhà ở xã hội trong quý II/2024
Hiện TP.HCM đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện triển khai xây dựng 35.000 căn nhà ở xã hội tiến tới chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Khu nhà ở xã hội ở quận Bình Tân. Ảnh minh họa |
Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2, nhiệm vụ, giải pháp tháng 3/2024 diễn ra sáng 6/3, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân cho biết, trong quý II sẽ khởi công nhiều dự án nhà ở xã hội để kịp đưa vào chào mừng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Hiện Thành phố có 88 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 33 dự án là từ số 20% nhà ở xã hội của dự án thương mại; còn lại là các nhóm đất công, nhóm cổ phần hóa… Sở Xây dựng cũng đang phối hợp với các ngành liên quan tổng hợp, đề xuất Thành phố và Chính phủ cập nhật nội dung nhà ở xã hội trong quy hoạch chung của Thành phố, phù hợp với mục tiêu xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội trong cả nước (với TP.HCM là 69.000 căn).
Qua rà soát sơ bộ, nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM là hơn 340.000 căn. Trong khi đó, hiện Thành phố có gần 600.000 căn nhà trọ với sức chứa gần 2 triệu người, trong đó 50% là công nhân thuê ở. Trong số gần 600.000 căn nhà trọ thì có hơn 10% chưa đảm bảo PCCC, cứu nạn. Do đó, TP.HCM đã đề xuất chính sách hỗ trợ cho vay để cải tạo, sửa chữa nhà trọ.
Nhiễm mặn ảnh hưởng hơn 100.000 hộ dân ở Bến Tre, Tiền Giang
Nước trên sông rạch tại TP. Bến Tre, Mỹ Tho đã nhiễm mặn từ 2,2 đến gần 5 phần nghìn, ảnh hưởng cuộc sống nhiều hộ dân.
Cống trên kênh Nguyễn Tấn Thành (Châu Thành, Tiền Giang) phải đóng sớm hơn một tuần để ngăn mặn, trữ ngọt |
Theo ông Đặng Hoàng Lam, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, hiện độ mặn trên các sông ở TP. Bến Tre đạt mức gần 5 phần nghìn. Từ 2 - 7 ngày tới, độ mặn sẽ tăng dần. Tại trạm Mỹ Hóa (phường 7, TP. Bến Tre), cách cửa sông 48 km, độ mặn có thể ở mức cao nhất khoảng 10 phần nghìn, ảnh hưởng hơn 50.000 hộ dân tại địa bàn.
Do nguồn nước trên các sông rạch nhiễm mặn, Công ty CP Cấp thoát nước Bến Tre lấy nguồn nước thô từ thượng nguồn sông Tiền, sau đó bơm về các nhà máy xử lý, cung cấp cho các hộ dân ở Thành phố. Đơn vị cấp nước cũng lên phương án dùng sà lan chuyên chở, vận chuyển nước thô chưa bị nhiễm mặn từ các nơi khác về xử lý.
Tại Tiền Giang, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn Tỉnh cũng cho hay, độ mặn trên hệ thống sông Tiền tại TP. Mỹ Tho đạt mức từ 2,2 - 3,2 phần nghìn, cao hơn cùng kỳ năm trước, tác động hơn 51.000 hộ dân. Hiện nhà máy xử lý nước tại TP. Mỹ Tho tạm ngưng hoạt động. Đơn vị cấp nước phải dùng nguồn nước sạch từ các nhà máy phía thượng nguồn sông Tiền cung cấp cho người dân.
Mùa khô năm nay, hạn mặn được dự báo khả năng xâm nhập sâu và kéo dài hơn trung bình nhiều năm. Trước đó, mặn xâm nhập hệ thống sông rạch tại Bến Tre ảnh hưởng cuộc sống hàng chục nghìn hộ dân.
Chuyển đổi hơn 7.000 ha đất ở Bắc Vân Phong sang phi nông nghiệp
Đến năm 2030, phía Bắc Khu kinh tế Vân Phong, huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa), có kế hoạch chuyển đổi hơn 7.000 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Vùng biển khu vực Bắc Vân Phong |
Thông tin trên nằm trong nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 vừa được HĐND huyện Vạn Ninh thông qua.
Theo đó, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, đất nông nghiệp khoảng hơn 42.000 ha, chiếm gần 75% tổng diện tích; đất phi nông nghiệp khoảng 14.000 ha, chiếm 25%; đất chưa sử dụng 99 ha (chiếm 0,18%).
Diện tích đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp hơn 7.000 ha; đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở khoảng hơn 100 ha; đối với diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng sẽ là hơn 5.376 ha đất nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Theo nghị quyết, kế hoạch phân bổ diện tích các loại đất trong năm 2024 sẽ là 42.555 ha đối với đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp 9.612 ha, đất chưa sử dụng 4.034 ha.
Riêng trong năm nay, địa phương có kế hoạch thu hồi 3.100 đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp hơn 431 ha; chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp là gần 3.390 ha; đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở hơn 63 ha; đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng với đất phi nông nghiệp khoảng 1.440 ha.
Dự kiến hoàn thành Khu liên hợp thể dục - thể thao tỉnh Bạc Liêu vào tháng 9 năm nay
Khu liên hợp thể dục - thể thao tỉnh Bạc Liêu rộng 4,4 ha, tổng mức đầu tư hơn 360 tỷ đồng, đạt hơn 95% khối lượng, dự kiến hoàn thành tháng 9 năm nay.
Phối cảnh Khu liên hợp thể dục - thể thao Bạc Liêu |
Thông tin được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (Chủ đầu tư) báo cáo Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng tại buổi kiểm tra Dự án ngày 6/3.
Khu liên hợp được khởi công tháng 11/2021 tại Phường 2, TP. Bạc Liêu, gồm hạng mục chính là sân bóng đá rộng 6.400 m2 (100 x 64 m), có hai khán đài sức chứa 8.000 chỗ ngồi (mỗi bên 4.000 chỗ).
Dự án còn có nhà tập luyện thể dục thể thao rộng 1.000 m2; sân thi đấu một số bộ môn và các hạng mục phụ trợ như hệ thống âm thanh, ánh sáng để hoạt động ban đêm; có thể phục vụ các trận đấu cấp khu vực.