Nhiều chuyến bay kín chỗ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn
Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận tỷ lệ đặt chỗ trên 90% tại các chặng bay Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Huế, Chu Lai, Quy Nhơn... vào ngày cao điểm Tết.
Các chuyến từ TP.HCM đi sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) các ngày trước Tết Nguyên đán đều đạt 100% công suất |
Ngày 6/1, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, nhiều chuyến bay từ Hà Nội, TP.HCM đi các sân bay địa phương có tỷ lệ đặt chỗ cao rơi vào các ngày trước Tết Âm lịch (từ 1 - 9/2, tức 22 tháng Chạp tới 30 tháng Chạp Âm lịch).
Cụ thể, chặng bay Hà Nội - Vinh có tỷ lệ đặt chỗ đạt 99% công suất. Chặng TP.HCM đến Huế đạt 92%, đi Pleiku đạt 90%, đi Thanh Hóa đạt 93%, đến Quy Nhơn 92%, Chu Lai 95%, Vinh đạt 89%. Cá biệt, các chuyến từ TP.HCM đi sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) đều đạt 100%.
Chiều ngược lại, lượng đặt chỗ cao rơi vào các ngày sau Tết Âm lịch (từ ngày 13/2 đến 19/2, tức mùng 4 tháng Giêng tới 10 tháng Giêng). Cụ thể, các chặng từ Cà Mau đến TP.HCM đạt 97%, Hải Phòng - TP.HCM đạt 88%, Huế - TP.HCM đạt 91%, Pleiku - Hà Nội đạt 100%...
Với các đường bay trục như TP.HCM - Đà Nẵng, TP.HCM - Hà Nội, Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - TP.HCM, tỷ lệ đặt chỗ trước và sau Tết vẫn chưa cao, đạt từ 30 đến 40%. Các sân bay này có công suất lớn hơn sân bay địa phương nên khả năng tiếp nhận số chuyến bay, lưu lượng hành khách lớn.
Trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2024, ngành hàng không trong nước dự kiến cung ứng 33.800 chuyến bay, tăng 14% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, chuyến bay nội địa dự kiến đạt 24.200 chuyến, tăng 2% so với Tết năm trước và 27% so với ngày thường. Chặng quốc tế đạt 9.600 chuyến, tăng 60% so với cùng kỳ và 9% so với ngày thường.
Tổng số ghế cung ứng tại thị trường nội địa là hơn 5 triệu, tăng 4% so với cùng kỳ và 34% so ngày thường. Chuyến bay quốc tế dự kiến cung ứng 2,2 triệu ghế, tăng 59% so với Tết năm 2023 và 10% so với ngày thường.
Ba đường bay được khai thác nhiều nhất là Hà Nội - TP.HCM - Hà Nội với hơn 5.000 chuyến (chiếm 21% tổng số chuyến bay), TP.HCM - Đà Nẵng - TP.HCM có hơn 2.200 chuyến, chặng TP.HCM - Vinh - TP.HCM có 1.600 chuyến.
Hải Phòng khởi công Dự án nhà ở xã hội Happy Home hơn 4.000 căn
Dự án nhà ở xã hội Happy Home được xây dựng tại phường Tràng Cát, quận Hải An, gồm 27 tòa chung cư cao 7 - 9 tầng với hơn 4.000 căn hộ.
Lễ khởi công Dự án nhà ở xã hội Happy Home ở phường Tràng Cát, quận Hải An sáng 6/1 |
Đây là dự án nhà ở xã hội thứ bảy ở Hải Phòng, có quy mô và hạ tầng tiện ích lớn nhất, đáp ứng tiêu chí ba tốt là vị trí, chất lượng và giá cả.
Dự án Happy Home do Công ty CP Vinhomes đầu tư với tổng vốn dự kiến hơn 5.800 tỷ đồng, thực hiện trên diện tích 28,14 ha, gồm 27 tòa chung cư, mỗi căn hộ diện tích 25 - 70 m2, các khu vực thấp tầng với gần 300 căn nhà cùng hệ thống cảnh quan, dịch vụ tiện ích hiện đại như: khu tập thể thao ngoài trời, sân chơi trẻ em, vườn hoa cây xanh, công trình thương mại dịch vụ, trường học... Dự án sẽ hoàn thành sau 5 năm.
Theo Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, Hải Phòng được Thủ tướng giao xây dựng 14.500 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2025, đến nay đã đạt kế hoạch được giao. Các dự án nhà ở xã hội ở Thành phố đều có diện tích lớn, mật độ dân số thấp, điều kiện sinh sống tốt, tiếp giáp các khu công nghiệp và nút giao thông.
Theo Đề án phát triển nhà ở xã hội đến năm 2030, Hải Phòng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 hoàn thành 33.500 căn nhà dành cho hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp tại đô thị, công nhân, người lao động trong khu công nghiệp.
Đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng xây đường nối sân bay Long Thành với TP.HCM
Đoạn đường 6,4 km thuộc Tỉnh lộ 25C được khởi công với kinh phí hơn 1.200 tỷ đồng giúp kết nối sân bay Long Thành với TP.HCM.
Nút giao đường T1 sân bay Long Thành kết nối Tỉnh lộ 25C qua Quốc lộ 51 |
Dự án 25C (đoạn 2), dài 6,4 km, từ đường Hùng Vương đến nút giao đường Nguyễn Hữu Cảnh được khởi công ngày 6/1. Công trình có nền đường rộng 61 m, dự kiến hoàn thành sau 2 năm thi công. Khi khai thác, đây là tuyến kết nối trực tiếp với đường T1 sân bay Long Thành trên Quốc lộ 51 và cầu Cát Lái qua TP.HCM.
Cùng ngày, đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ trung tâm huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai đến đường Quách Thị Trang) dài khoảng 3,8 km cũng được khởi công. Trong đó, đoạn từ đầu đường đến Vành đai 3 (dài 3 km) có lộ giới 80 m, đoạn còn lại lộ giới 51 m. Dự án có tổng mức đầu tư 639 tỷ đồng, hoàn thành sau 3 năm thi công.
Huyện Nhơn Trạch dịp này cũng khởi công Dự án đường Lê Hồng Phong nối dài với tổng kinh phí 216 tỷ đồng. Công trình dài hơn 1 km, nền đường rộng 42 m, nối đường hiện hữu với đường ra cảng Phước An, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được giao kế hoạch lãi hơn 320 tỷ đồng giai đoạn 2023 - 2025
Với việc phục hồi sản lượng hàng hóa và hành khách, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa được giao kế hoạch chỉ tiêu lãi hơn 320 tỷ đồng trong giai đoạn 2023 - 2025.
Năm 2023, doanh thu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là 8.503,8 tỷ đồng, đạt 101,8% kế hoạch |
Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, vừa được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, trong đó mục tiêu giai đoạn 2023 - 2025 đạt lợi nhuận là 322,8 tỷ đồng.
Theo đó, giai đoạn này, chỉ tiêu đề ra là toàn Tổng công ty phải đạt doanh thu 39.544 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế âm 866,6 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2022 âm hơn 1.193,7 tỷ đồng, giai đoạn 2023 - 2025 sẽ thoát lỗ và lãi 322,8 tỷ đồng.
VNR được giao thực hiện xong phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị, đảm bảo các doanh nghiệp và đơn vị được cơ cấu lại đi vào hoạt động ổn định, phát triển có hiệu quả.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu sau khi Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư được phê duyệt, VNR phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút các nguồn vốn đầu tư cho kinh doanh vận tải và đầu tư vào kết cấu hạ tầng đường sắt...
Trong năm 2023, doanh thu toàn Tổng công ty là 8.503,8 tỷ đồng, đạt 101,8% kế hoạch năm 2023 và bằng 106,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Công ty mẹ đạt 6.247 tỷ đồng doanh thu, bằng 113,2% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 4,5 tỷ đồng, bằng 150% kế hoạch năm 2023 (năm 2022 lỗ 173 tỷ đồng).
“Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhu cầu vận tải hàng hoá năm 2023 giảm nên doanh thu vận tải hàng hoá bằng đường sắt không đạt kế hoạch và sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022 (doanh thu đạt 95,1% kế hoạch, 82,5% so với cùng kỳ năm 2022),” lãnh đạo VNR cho hay.
Đại gia xăng dầu miền Tây nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng
Công ty CP Thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu nợ thuế 1.185 tỷ đồng vì khó khăn dòng tiền, bị Cục Thuế Hậu Giang cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn.
Cửa hàng phân phối xăng dầu của Công ty CP Thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu |
Trong danh sách công khai nợ thuế của Cục Thuế tỉnh Hậu Giang đến hết 30/11/2023, Công ty CP Thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro) - một trong 36 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, với 70 cửa hàng tại Đồng bằng sông Cửu Long - đứng đầu với số tiền nợ 1.185 tỷ đồng.
Vì thế, giữa tháng 12/2023, Cục Thuế tỉnh Hậu Giang đã cưỡng chế hành chính bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn trong một năm (đến 17/12/2024) với NSH Petro.
Giải thích lý do chậm trễ nộp thuế, Dầu khí Nam Sông Hậu cho biết, từ cuối năm 2022, do ảnh hưởng kinh tế và biến động thị trường xăng dầu, Công ty gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. Doanh nghiệp này ghi nhận lỗ sau thuế 200 tỷ đồng năm 2022, trong khi đều lãi 5 năm trước đó.
"Thực tế Công ty vẫn kinh doanh bán hàng và nộp thuế theo từng lần phát sinh 18%. Doanh nghiệp đã giải trình với Cục Thuế Hậu Giang và có phương án khắc phục thanh toán nợ thuế trong năm nay", NSH Petro cho biết.
Doanh nghiệp này cho biết đều hoàn tất nghĩa vụ thuế hơn nghìn tỷ mỗi năm, như 2021 là 1.775 tỷ, năm 2022 là 1.224 tỷ đồng.
Việc chậm nộp thuế của NSH Petro còn có lý do thời gian qua doanh nghiệp tập trung nguồn tiền nhập hàng theo chỉ đạo của Bộ Công Thương. Việc này nhằm đảm bảo nguồn cung, tránh đứt gãy thị trường xăng dầu. Mặt khác, trong 3 tháng (tháng 4 - 7/2023), Công ty cũng mua lại trước hạn hai gói trái phiếu, tổng giá trị 250 tỷ đồng.
NSH Petro hoạt động chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, lọc - hóa dầu, khí hóa lỏng. Công ty là một trong những doanh nghiệp xăng dầu đầu mối với khoảng 70 cửa hàng và 550 đại lý ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Vietcombank báo lãi vượt 41.000 tỷ đồng
Lợi nhuận trước thuế năm 2023 của Vietcombank tăng 10,2%, lần đầu tiên vượt mốc 41.000 tỷ đồng. Với con số này, nhiều khả năng Ngân hàng sẽ giữ vững ngôi vị quán quân lợi nhuận ngành.
Lợi nhuận trước thuế năm 2023 của Vietcombank tăng 10,2%, lần đầu tiên vượt mốc 41.000 tỷ đồng |
Trong Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 tổ chức ngày 6/1, Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng năm 2023 tăng 10,2% so với năm liền trước, hoàn thành 100,3% kế hoạch năm 2023.
Trong năm 2022, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế 37.368 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank năm 2023 ước đạt gần 41.200 tỷ đồng.
Với kết quả trên, Vietcombank đã xác lập kỷ lục mới về lợi nhuận trong ngành ngân hàng.
Lãnh đạo Vietcombank cho biết thêm, trong năm 2023, Ngân hàng đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch năm. Trong đó, huy động vốn thị trường 1 đạt 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2022; dư nợ tín dụng đạt 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 10,6%.
Đặc biệt, chất lượng tín dụng của Ngân hàng được kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ xấu xấp xỉ 0,97% - thuộc nhóm thấp nhất hệ thống. Dư quỹ dự phòng rủi ro tín dụng của Ngân hàng là 34.338 tỷ đồng, và tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu đạt mức 185%.
Về định hướng kinh doanh năm 2024, lãnh đạo Vietcombank nhận định, triển vọng kinh tế thế giới 2024 được dự báo “hạ cánh mềm” bởi các rủi ro giảm tốc vẫn lấn át động lực tăng trưởng.
Trong bối cảnh đó, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng ít nhất 10%, tổng tài sản tăng từ 8% trở lên, tín dụng tăng từ 12% và trong hạn mức Ngân hàng Nhà nước giao, tỷ lệ nợ xấu tối đa 1,5%.
Với mục tiêu tăng lợi nhuận tối thiểu 10%, lợi nhuận trước thuế kế hoạch năm 2024 của ngân hàng này vào khoảng 45.300 tỷ đồng.
Thanh tra 13 dự án sử dụng ngân sách nhà nước ở Thanh Hoá
Thanh tra tỉnh Thanh Hoá sẽ thực hiện thanh tra 13 dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước triển khai ở các địa phương trong năm 2024.
Thanh tra tỉnh Thanh Hoá sẽ thanh tra 13 dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước |
Theo quyết định của UBND tỉnh Thanh Hoá, trong năm 2024, Thanh tra tỉnh Thanh Hoá sẽ thực hiện thanh tra 13 dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Cụ thể như: Dự án Sắp xếp dân cư vùng ảnh hưởng thiên tai tại huyện Lang Chánh; Dự án Đầu tư xây dựng và nâng cấp đê Tam Điệp và cầu Hà Lan, thị xã Bỉm Sơn; Dự án Xây dựng mới trạm bơm Yên Tôn, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc...
Ngoài ra, Thanh tra tỉnh Thanh Hoá cũng thực hiện thanh tra việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; việc chấp hành chính sách, pháp luật về thuế của 2 doanh nghiệp có vốn sở hữu của Nhà nước: Công ty TNHH MTV Sông Chu, Công ty CP Cấp nước Thanh Hoá.
Thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về thuế đối với ngân sách nhà nước của 71 doanh nghiệp, trong đó có 16 doanh nghiệp chuyển tiếp từ kế hoạch thanh tra năm 2023.
Thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, về thuế đối với ngân sách nhà nước của 6 đơn vị: Công ty CP Mía đường Lam Sơn; Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn; Chi nhánh Công ty TNHH Long Sơn tại Thanh Hoá - Nhà máy xi măng; Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thanh Hoá; Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hoá; Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức...
Đề xuất nhiều quy định siết việc khai thác cát sỏi
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất khai thác cát sỏi lòng sông, biển phải được sự đồng ý của nhiều cơ quan, phù hợp với quy hoạch và đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Người dân khai thác cát tại Đồng bằng sông Cửu Long |
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản. Luật này nhằm khắc phục bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành, bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, minh bạch khoáng sản và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Điều 90 Dự thảo Luật, hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và ở biển phải phù hợp với nhiều quy hoạch như: lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh; thủy lợi; thủy điện; phòng chống lũ; nhóm cảng biển, vùng nước; quy hoạch không gian biển quốc gia...
Hoạt động khai thác phải được giám sát bằng thiết bị công nghệ hiện đại để kiểm soát biến động trữ lượng, nguy cơ mất an toàn và ảnh hưởng môi trường. Việc khai thác cát, sỏi phải đề phòng nguy cơ sạt lở lòng bờ, bãi sông và công trình.
Đối với hoạt động thăm dò, khai thác cát biển, cơ quan quản lý nhà nước khi cấp phép phải có văn bản chấp thuận từ cơ quan liên quan về các vấn đề quốc phòng, an ninh, thủy sản, bảo vệ môi trường, giao thông hàng hải.
Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông, biển có thời hạn tối đa không quá 5 năm và được xem xét gia hạn, cấp lại cho đến hết trữ lượng quy định trong giấy phép.
Tổ chức, cá nhân khai thác, cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển có nghĩa vụ đăng ký bến bãi, vị trí tập kết, loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển; lắp thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2011 đến hết 2023, cả nước có hơn 3.000 giấy phép thăm dò khoáng sản được cấp, trong đó có đá vôi xi măng gần 1,8 tỷ tấn, than hơn 1,2 tỷ tấn, quặng bauxite gần 900 triệu tấn, đá vật liệu xây dựng thông thường gần một tỷ m3, đất sét làm gạch ngói trên 650 triệu m3, cát, sỏi trên 400 triệu m3 và đá ốp lát khoảng 140 triệu m3.