Bản tin thời sự sáng 6/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hàng loạt địa phương có sai phạm mua thiết bị chống Covid-19; Lễ hội Khai ấn đền Trần Nam Định trở lại; Bamboo Airways góp 15 tỷ đồng lập công ty vận chuyển hàng hóa; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt doanh thu hơn 7.700 tỷ đồng; Việt Nam sẽ tăng sản xuất và nhập khẩu điện năm 2023…

Hàng loạt địa phương có sai phạm mua thiết bị chống Covid-19

Thanh tra Chính phủ cho rằng, 100% gói thầu mua sắm thiết bị phòng, chống Covid-19 tại Hà Tĩnh và Đà Nẵng đều "có sai phạm".

Hàng loạt địa phương có sai phạm mua thiết bị chống Covid-19

Hàng loạt địa phương có sai phạm mua thiết bị chống Covid-19

Thanh tra Chính phủ đánh giá, một trong những kết quả nổi bật của năm 2022 là thanh tra chuyên đề diện rộng về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin và thuốc phòng, chống Covid-19.

9 trong 20 bộ, ngành và 61/63 tỉnh, thành phố đã thành lập đoàn thanh tra. Hơn 21.000 gói thầu với tổng giá trị hơn 15.000 tỷ đồng đã bị thanh tra. Qua đó, cơ quan thanh tra chỉ ra, quá trình mua sắm còn nhiều thiếu sót, vi phạm trong lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu và thực hiện hợp đồng mua sắm. Việc này diễn ra ở nhiều địa phương với 54/61 tỉnh, thành và 4.992/15.909 gói thầu vi phạm (hơn 30%).

Ngoài ra, nhiều địa phương có tỷ lệ sai phạm cao ở các gói thầu mua vật tư phòng, chống Covid-19. Điển hình, Hà Tĩnh và Đà Nẵng có 100% gói thầu vi phạm, Hải Phòng và Quảng Trị đều hơn 95 %, Bình Thuận và Cần Thơ cùng 90%...

Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển 40 vụ việc cho cơ quan điều tra các cấp; thanh tra bộ và thanh tra tỉnh chuyển 24 vụ việc.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị, các bộ, ngành, địa phương cần hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức kiểm điểm, xử lý, thu hồi các khoản tiền do vi phạm để khắc phục các thiếu sót nêu trên.

Lễ hội Khai ấn đền Trần Nam Định trở lại

Sau ba năm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19, Lễ hội Khai ấn đền Trần được tổ chức trở lại vào Xuân Quý Mão 2023. Đặc biệt, năm nay, không gian lễ hội năm nay được mở rộng, các ki-ốt bán hàng được sắp xếp quy củ hơn.

Lễ hội Khai ấn đền Trần thu hút đông đảo du khách thập phương tham dự

Lễ hội Khai ấn đền Trần thu hút đông đảo du khách thập phương tham dự

Ban tổ chức cho biết, Lễ hội được tổ chức từ ngày 1 - 6/2/2023 (tức ngày 11 - 16 tháng Giêng năm Quý Mão).

Trong các ngày diễn ra Lễ hội Khai ấn đền Trần, tại khu vực đền Trần diễn ra các hoạt động hội truyền thống gồm: Múa lân, rồng, hát chèo, chầu văn, múa rối nước, chọi gà, đấu vật, biểu diễn võ thuật…

Cụ thể, ngày 1/2/2023 (tức ngày 11 tháng Giêng năm Quý Mão) tổ chức lễ rước kiệu Ngọc Lộ; ngày 2/2/2023, tổ chức lễ rước nước, tế cá; ngày 4/2/2023, (tức ngày 14 tháng Giêng năm Quý Mão) diễn ra hoạt động dâng hương, rước Kiệu từ đền Cố Trạch về đền Thiên Trường. Nghi thức khai ấn diễn ra từ 23h15 phút ngày 14 tháng Giêng năm Qúy Mão.

Sau khi hoàn thành các nghi lễ chính, từ 23h55 ngày 4/2/2023, cửa đền được mở để người dân và khách thập phương vào lễ. Từ 5h ngày 5/2 (tức rằm tháng Giêng năm Quý Mão), Ban tổ chức bắt đầu phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương.

Bamboo Airways góp 15 tỷ đồng lập công ty vận chuyển hàng hóa

Bamboo Airways vừa công bố quyết định thành lập và ra mắt Bamboo Airways Cargo (BAC). Phó Chủ tịch Bamboo Airways Doãn Hữu Đoàn được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT BAC. Ông Đoàn cũng là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này. Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways Đặng Khắc Hải giữ chức Tổng Giám đốc tại công ty vận chuyển hàng hóa.

Bamboo Airways nhìn thấy tiềm năng ở mảng vận chuyển hàng hóa.

Bamboo Airways nhìn thấy tiềm năng ở mảng vận chuyển hàng hóa.

BAC đặt trụ sở tại tầng 23 tòa tháp thương mại Bamboo Airways Tower, 265 Cầu Giấy, Hà Nội và có vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Trong đó, Bamboo Airways góp 15 tỷ đồng, tương đương 75% và 3 cổ đông cá nhân khác.

Trước Bamboo Airways, hồi tháng 9 năm ngoái, Vietravel Airlines cho biết sẽ tham gia vào thị trường vận tải hàng hóa hàng không sau khi bắt tay cùng Asean Cargo Gateway (ACG). Lãnh đạo hãng này đánh giá khi đó là thời điểm thích hợp để xây dựng phát triển mảng vận tải hàng hóa hàng không (air cargo) tại Việt Nam.

Hiện mạng bay nội địa và quốc tế của Bamboo Airways đang kết nối 21/22 sân bay Việt Nam và các sân bay trọng điểm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, châu Úc...

Trước đó, Vietravel Airlines cũng ký kết hợp tác đầu tư và phát triển kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa hàng không (VUAir Cargo) với Asean Cargo Gateway (ACG).

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt doanh thu hơn 7.700 tỷ đồng

Lãnh đạo VNR cho biết, năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty đã bắt đầu phục hồi sau dịch Covid-19; bên cạnh sự tăng trưởng so với cùng kỳ của vận tải hàng hóa, vận tải hành khách cũng đạt kết quả nổi bật.

Năm 2022, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt doanh thu hơn 7.700 tỷ đồng

Năm 2022, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt doanh thu hơn 7.700 tỷ đồng

Theo đó, năm 2022, hoạt động sản xuất Tổng công ty dự kiến đạt doanh thu hợp nhất là 7.714.6 tỷ đồng, vượt 11,6% so với năm trước và 14,4% so với kế hoạch. Trong đó, doanh thu của công ty mẹ đạt 5.368 tỷ đồng, vượt 33,8% so với cùng kỳ và vượt 23% chỉ tiêu kế hoạch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao.

Tuy lợi nhuận sau thuế ở mức âm 130,54 tỷ đồng, song kết quả trên giúp doanh nghiệp bớt được lỗ so năm trước (giảm lỗ 407 tỷ đồng) và vượt kế hoạch được Ủy ban giao.

Tỷ lệ tàu khách Thống Nhất đi đúng giờ đạt 98,9%, đến đúng giờ đạt 77,4%; tàu khách khu đoạn đi đúng giờ đạt 97,7% tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2021; đến đúng giờ đạt 84,6% tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Năm 2023, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đặt mục tiêu sản lượng và doanh thu bằng 103% trở lên so với năm 2022 và phấn đấu cân bằng thu chi trong hoạt động sản xuất kinh doanh chính, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động; nỗ lực phấn đấu để đảm bảo tỷ lệ tàu khách đi đúng giờ đạt 99%, đến đúng giờ đạt 77% trở lên.

Việt Nam sẽ tăng sản xuất và nhập khẩu điện năm 2023

Năm nay, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu là 284,5 tỷ kWh, theo kế hoạch cung cấp, vận hành hệ thống điện vừa được Bộ Công Thương phê duyệt.

Công nhân Công ty Điện lực TP.HCM sửa chữa trên đường dây

Công nhân Công ty Điện lực TP.HCM sửa chữa trên đường dây

Kế hoạch này cao hơn 16 tỷ kWh so với 2022 và trên 29 tỷ kWh so với 2021. Trong đó, sản xuất, nhập khẩu điện vào mùa khô là 137,1 tỷ kWh, còn mùa mưa là 147,4 tỷ kWh.

Bộ Công Thương cho biết, kế hoạch sản xuất, nhập khẩu điện năm 2023 được lập trên cơ sở kịch bản tốc độ tăng trưởng GDP 6,5% và điện thương phẩm (sản lượng bán ra cho các hộ tiêu dùng điện) gần 251,3 tỷ kWh (tăng gần 9 tỷ kWh so với 2022).

Hiện đã có 108 nhà máy điện tham gia chào giá trên thị trường cạnh tranh. Sản lượng mua bán điện thực tế của các nhà máy (theo hợp đồng mua bán điện, phương án giá điện) sẽ được xác định theo các quy định liên quan về giá điện và thị trường điện.

Vì thế, Bộ Công Thương yêu cầu, các nhà máy ngoài đảm bảo công suất các tổ máy phát điện, cần chuẩn bị nguồn nhiên liệu sơ cấp (khí, dầu...) đủ cho phát điện năm nay.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được yêu cầu lập phương thức vận hành và huy động hợp lý các nguồn điện (gồm nguồn năng lượng tái tạo), để đảm bảo cung ứng đủ điện trên cơ sở nguyên tắc công bằng, tối ưu chi phí toàn hệ thống và phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật lưới điện, quy định pháp luật.

Đến cuối năm 2022, tổng công suất đặt toàn hệ thống gần 77.800 MW, tăng 1.400 MW so với 2021. Trong đó, nguồn điện năng lượng tái tạo là 20.165 MW, chiếm tỷ trọng 26,4%.

7 địa phương xin giảm hơn 1.500 tỷ đồng dự toán vốn vay lại

Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Quảng Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ và Khánh Hoà đề nghị giảm dự án vốn vay lại từ nguồn vay nước ngoài năm 2022, gần 1.548 tỷ đồng.

7 địa phương xin giảm hơn 1.500 tỷ đồng dự toán vốn vay lại

7 địa phương xin giảm hơn 1.500 tỷ đồng dự toán vốn vay lại

Sáng 5/1, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa uỷ quyền Thủ tướng, trình bày tờ trình về một số nội dung về tài chính, ngân sách nhà nước.

Theo đó, tổng dự toán vay của các địa phương năm 2022 được Quốc hội quyết định là hơn 28.636 tỷ đồng, trong đó dự toán vay lại từ vốn vay nước ngoài là 18.482 tỷ đồng.

Đến hết tháng 8/2022, 14 địa phương đề nghị điều chỉnh dự toán vốn vay lại và một địa phương đề nghị trả nợ trước hạn. Việc này dẫn đến thay đổi mức vay, trả nợ của từng địa phương so với mức được Quốc hội đã quyết định.

Cụ thể, 7 địa phương gồm Hải Dương, Hải Phòng, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Kạn, Phú Thọ, Nam Định đề nghị tăng dự toán vay lại 226 tỷ đồng.

7 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Quảng Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa đề nghị giảm dự toán vay lại, số tiền gần 1.548 tỷ đồng. Bắc Kạn là địa phương duy nhất đề nghị trả nợ vay trước hạn, gần 34 tỷ đồng.

Theo giải thích của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, tổng dự toán vay lại không sử dụng hết và số đề nghị trả nợ trước hạn lớn hơn số đề nghị tăng vay lại, nên việc điều chỉnh số vay, trả nợ năm 2022 không làm tăng tổng mức vay, bội chi của ngân sách địa phương so với hạn mức Quốc hội cho phép.

Do đó, Chính phủ trình Quốc hội tăng dự toán vay lại từ nguồn nước ngoài 2022 cho 7 địa phương thêm 226 tỷ đồng. Các địa phương phải cam kết giải ngân hết số vốn được tăng để tránh lãng phí. Tỉnh Bắc Kạn được tăng thêm 33,7 tỷ đồng dự toán chi trả nợ gốc để địa phương này có căn cứ trả nợ trước hạn.

Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội chấp thuận cho 7 địa phương giảm dự toán vốn vay lại năm 2022, số tiền gần 1.548 tỷ đồng để đảm bảo kế hoạch vay lại vốn vay nước ngoài và bội chi năm 2022 không vượt mức Quốc hội đã phê duyệt.

Lắp hệ thống đèn cho 80 cầu tại TP.HCM

Gần 350 bộ đèn led chiếu sáng được lắp đặt dưới 78 cầu vượt sông, kênh rạch ở TP.HCM, giúp tàu thuyền chạy ban đêm an toàn hơn.

Cầu Kinh, quận Bình Thạnh - một trong các cây cầu được lắp hệ thống đèn chiếu sáng

Cầu Kinh, quận Bình Thạnh - một trong các cây cầu được lắp hệ thống đèn chiếu sáng

Theo ông Phạm Ngọc Dũng, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường thủy (Sở Giao thông vận tải TP.HCM), hệ thống đèn lắp dưới các cầu vừa được đơn vị hoàn thành sau khoảng một tháng thi công, tổng kinh phí 14 tỷ đồng. Đây là hệ thống đèn led độ ánh sáng cao (40 - 60W), tăng tầm nhìn, giữ an toàn cho cầu và tàu thuyền chạy qua.

Trong số này, có 4 cầu lớn bắc qua sông Sài Gòn được lắp hệ thống chiếu sáng, như: Thủ Thiêm, Bình Lợi mới, Bình Phước 1 và 2. Còn lại phần lớn được lắp ở các cầu trên sông nhỏ và kênh, rạch, tĩnh không thấp như: Chữ Y, Chà Và, Rạch Cát... bắc qua kênh Tàu Hủ - Lò Gồm; cầu Kinh, Tăng Long... qua rạch Trau Trảu; Tân Thuận 1, 2 trên tuyến kênh Tẻ...

Theo quy định, khoang thông thuyền các cầu vượt sông phải có hệ thống chiếu sáng ban đêm, song nhiều cầu ở TP.HCM chưa được lắp, gây nguy hiểm cho tàu thuyền. Một số vụ tai nạn từng xảy ra ở thành phố như sà lan tông sập cầu treo Cái Tâm bắc qua sông Chợ Đệm, cầu thép An Phú Đông qua sông Vàm Thuật...

TP.HCM đang có hơn 900 km đường thuỷ nội địa với hơn 100 tuyến vận tải. Nhu cầu vận chuyển hàng hoá, hành khách đường thuỷ tăng cao nên mỗi ngày đêm, trên các tuyến sông, kênh rạch ở địa bàn có hàng trăm lượt tàu thuyền, sà lan lớn nhỏ chạy qua.

Chuyên đề