Bản tin thời sự sáng 30/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khai trương tuyến tàu cao tốc từ Đà Nẵng ra đảo Lý Sơn; ba tuyến cao tốc sẽ thu phí không dừng từ quý III/2022; một số ngân hàng tạm dừng cho vay bất động sản; khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối Tiền Giang với Bến Tre; GDP quý I tăng 5,03%...

Khai trương tuyến tàu cao tốc từ Đà Nẵng ra đảo Lý Sơn

Trong khoảng 150 phút, tàu cao tốc Trưng Trắc sẽ đưa du khách từ cảng Đà Nẵng ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), khi tuyến vận tải đường thủy được khai trương.

Tàu cao tốc hai thân Trưng Trắc chở khách trải nghiệm trên sông Hàn

Tàu cao tốc hai thân Trưng Trắc chở khách trải nghiệm trên sông Hàn

Ngày 29/3, tại cảng Sông Hàn, TP. Đà Nẵng, Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc (Phú Quốc Express) khai trương tuyến vận tải thủy dài 135 km từ Đà Nẵng ra đảo Lý Sơn. Tàu Trưng Trắc dài 44,7 m, rộng 12,2 m, vận tốc lớn nhất 33 hải lý/giờ, đăng kiểm ngày 12/4/2019. Con tàu có thể chở tối đa 612 người, trong đó 598 hành khách, có khoang VIP và khoang thường.

Ông Trần Song Hải, thành viên Hội đồng Quản trị Phú Quốc Express cho biết, ý tưởng tuyến tàu cao tốc được Công ty dự tính nhiều năm nhằm kết nối biển đảo, phát triển du lịch miền Trung. Sau khai trương, tàu sẽ chạy thử trước khi vận hành vào ngày 9/4. Thời gian đầu, Công ty khai thác hai chuyến đi và về trong ngày. Từ ngày 9 - 30/4, giá vé giảm 20% để thu hút khách trải nghiệm.

Trước đây, khách đến Lý Sơn chỉ có một tuyến đường thủy từ cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) với thời gian 30 phút. Người dân Đà Nẵng và du khách phải đi đường bộ, đường sắt khoảng 200 km mới đến được cảng Sa Kỳ.

Ba tuyến cao tốc sẽ thu phí không dừng từ quý III/2022

Tuyến cao tốc huyết mạch TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ được thu phí không dừng (ETC) từ quý III/2022.

Tuyến cao tốc huyết mạch TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Tuyến cao tốc huyết mạch TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Theo đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đơn vị đang chuẩn bị đấu thầu thuê dịch vụ thu phí không dừng tại ba cao tốc trên. Các tuyến này có lưu lượng giao thông lớn, việc thu phí không dừng sẽ giúp phương tiện di chuyển nhanh, giảm ùn tắc vào giờ cao điểm.

Ngoài ba tuyến trên, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cũng được trang bị thêm 12 làn không dừng. Tuyến đường này đã được đầu tư hệ thống ETC tại 15 làn xe, thu phí từ tháng 6/2020.

Tổng số trạm được lắp hệ thống thu phí không dừng tại bốn tuyến cao tốc là 23. Ngoài làn ETC, các trạm vẫn bố trí thêm một làn hỗn hợp phục vụ ôtô chưa dán thẻ không dừng. VEC ước tính chi phí thuê dịch vụ mỗi năm hơn 180 tỷ đồng trên bốn cao tốc, với tổng chiều dài 495 km.

VEC được Bộ Giao thông vận tải giao làm chủ đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, khai thác năm dự án cao tốc gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Hiện nay tuyến Bến Lức - Long Thành vẫn chưa hoàn thành và mới có tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình được đầu tư, vận hành hệ thống thu phí ETC.

Một số ngân hàng tạm dừng cho vay bất động sản

Một số ngân hàng hiện nay đã tạm dừng giải ngân, cho vay các khoản liên quan đến bất động sản.

Một số ngân hàng tạm dừng cho vay bất động sản

Một số ngân hàng tạm dừng cho vay bất động sản

Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank) vừa chỉ đạo các chi nhánh, điểm giao dịch trong hệ thống về kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2022, trong đó đề cập đến không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (ngoại trừ cho vay cán bộ, công nhân viên và người mua/xây/sửa bất động sản để ở). Ngoài ra, Sacombank cũng yêu cầu các đơn vị không thực hiện huy động - cho vay cầm cố sổ cùng lúc. Việc kiểm soát tín dụng bất động sản này sẽ được diễn ra đến ngày 30/6/2022.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng giám đốc Sacombank cho biết, đây chỉ là một trong những chỉ đạo bình thường trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Với hạn mức tín dụng được tạm cấp trong năm 2022 không nhiều, ngân hàng sẽ tập trung vào lĩnh vực sản xuất, ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logictics…

Một ngân hàng khác mới đây cũng có thông báo trong hệ thống việc tạm dừng giải ngân khoản vay mua bất động sản kể từ ngày 25/3. Các đơn vị kinh doanh trao đổi và đàm phán với khách hàng để dời lịch giải ngân các khoản vay sang ngày 1/4.

Sở dĩ các nhà băng tạm dừng hay hạn chế cho vay bất động sản bởi tỷ lệ tín dụng năm 2022 được Ngân hàng Nhà nước cấp hiện nay chỉ là tạm thời.

Khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối Tiền Giang với Bến Tre

Cầu tổng vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng, vượt sông Tiền, nối Tiền Giang với Bến Tre, khởi công sáng ngày 29/3, dự kiến hoàn thành sau ba năm.

Phối cảnh cầu Rạch Miễu 2

Phối cảnh cầu Rạch Miễu 2

Cầu Rạch Miễu 2 xây cách cầu Rạch Miễu hiện hữu gần 4 km về phía thượng lưu. Công trình dài 17,6 km, điểm đầu tại ngã tư Đồng Tâm (giao Quốc lộ 1 với đường tỉnh 870) thuộc huyện Châu Thành, Tiền Giang; điểm cuối trên Quốc lộ 60, đoạn gần cầu Hàm Luông thuộc Bến Tre.

Cầu chính trên sông Tiền, kết cấu dây văng, dài gần 2 km, rộng 21,5 m, 4 làn xe, thiết kế cho thời gian khai thác 100 năm. Phần cầu vượt sông Mỹ Tho dài 456 m, 4 làn xe. Riêng đường dẫn trên tuyến có 4 làn dành cho ôtô, 2 làn hỗn hợp, vận tốc 80 km/h.

Công trình được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt hồi tháng 9 năm ngoái, sử dụng ngân sách Trung ương, kinh phí xây lắp, thiết bị hơn 3.000 tỷ đồng, còn lại dành cho giải phóng mặt bằng, quản lý dự án.

Đây là cầu thứ 7 bắc qua sông Tiền, sau cầu Rạch Miễu, Cao Lãnh (Đồng Tháp), Mỹ Thuận (nối Vĩnh Long với Tiền Giang), Mỹ Thuận 2 (đang xây dựng), Hàm Luông (Bến Tre), Cổ Chiên (nối Bến Tre với Trà Vinh).

GDP quý I tăng 5,03%

Tăng trưởng GDP quý I năm nay cao hơn năm 2020 và 2021 nhưng vẫn thấp hơn nhiều năm 2019, lúc Covid-19 chưa xuất hiện.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước

Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu kinh tế - xã hội trong 3 tháng đầu năm 2022. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I/2020.

3 tháng đầu năm, hầu hết ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi, tăng trưởng trở lại. Trong đó, khu vực nông lâm thuỷ sản tăng 2,45% (đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38% (đóng góp 51,08%); dịch vụ tăng 4,58% (đóng góp 43,16%).

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành khai khoáng tăng trưởng dương 1,23% (khai thác than tăng 3,2% và quặng kim loại tăng 5%). Ngành xây dựng tăng 2,57%, thấp hơn tốc độ tăng 6,53% của quý I/2021.

Khu vực dịch vụ tăng trưởng khởi sắc khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều hoạt động sôi động trở lại. Một số ngành như tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,75%; vận tải, kho bãi tăng 7,06%; bán buôn và bán lẻ tăng 2,98%.

Quý I cũng ghi nhận sự phục hồi của xuất nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%.

Đề xuất mở thêm tuyến phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang

Sở Văn hoá &Thể thao đề nghị UBND TP. Hà Nội xem xét tổ chức không gian phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang thuộc quận Hai Bà Trưng...

Tổ chức phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang gần khu vực công viên Thống Nhất nhằm thúc đẩy kinh tế, cải thiện bộ mặt đô thị trên địa bàn. Ảnh minh hoạ

Tổ chức phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang gần khu vực công viên Thống Nhất nhằm thúc đẩy kinh tế, cải thiện bộ mặt đô thị trên địa bàn. Ảnh minh hoạ

Giám đốc Sở Văn hoá &Thể thao Đỗ Đình Hồng vừa ký văn bản kiến nghị UBND TP. Hà Nội chấp thuận Đề án thí điểm tổ chức không gian phố đi bộ - văn hoá khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận, vườn hoa đường dạo quanh hồ Thiền Quang thuộc địa phận quận Hai Bà Trưng nhằm thúc đẩy kinh tế ban đêm và cải thiện bộ mặt đô thị trên địa bàn.

Theo đó, không gian đi bộ, không gian văn hóa khu vực hồ Thiền Quang bao gồm: khu vực Trần Nhân Tông (đoạn từ phố Quang Trung đến Trần Bình Trọng) và khu vực phụ cận (công viên Thống Nhất, vườn hoa, đường dạo quanh hồ Thiền Quang, nhà văn hóa Thanh Thiếu Niên…).

Trước đề xuất trên, UBND TP. Hà Nội vừa yêu cầu Sở GTVT Hà Nội phối hợp với các Sở: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Du lịch, Công an Thành phố và các đơn vị liên quan xem xét đề nghị của Sở Văn hoá và Thể thao về việc UBND quận Hai Bà Trưng xây dựng Đề án tổ chức không gian phố đi bộ...

Dự kiến dịp lễ 30/4 - 1/5 tới đây, Hà Nội có thêm hai không gian đi bộ gồm: Không gian đi bộ thuộc khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 (nằm trên địa phận phường Đại Kim, quận Hoàng Mai và xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì), không gian đi bộ xung quanh Thành cổ Thị xã Sơn Tây.

Nếu được UBND TP. Hà Nội chấp thuận, không gian phố đi bộ - văn hoá khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận, vườn hoa đường dạo quanh hồ Thiền Quang thuộc quận Hai Bà Trưng sẽ là không gian đi bộ thứ 6 ở Hà Nội.

3 tháng đầu năm, doanh nghiệp thành lập mới cao kỷ lục

Ba tháng đầu năm có hơn 34.600 doanh nghiệp lập mới, tăng 18% so với cùng kỳ và là mức cao nhất từ trước đến nay.

Ba tháng đầu năm có hơn 34.600 doanh nghiệp lập mới

Ba tháng đầu năm có hơn 34.600 doanh nghiệp lập mới

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả nước có 14.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng này với tổng vốn 193.600 tỷ đồng, lần lượt tăng 96% và 127% so với tháng trước. Bình quân mỗi doanh nghiệp mới tham gia thị trường có vốn 13,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Số lượng quay trở lại hoạt động trong tháng này cũng tăng, đạt 4.300 doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp rút khỏi thị trường bằng hình thức tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể là 6.500, giảm hai chữ số so với cùng kỳ.

Luỹ kế quý đầu năm có gần 34.600 doanh nghiệp thành lập mới và 25.600 doanh nghiệp trở lại hoạt động, lần lượt tăng 18% và 74% so với cùng kỳ, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Nếu tính vốn đăng ký mới lẫn bổ sung thì các doanh nghiệp đã rót vào thị trường 1,17 triệu tỷ đồng.

Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho biết, tình hình đăng ký doanh nghiệp tại một số địa phương lớn có sự khởi sắc rõ nét. Điển hình như TP.HCM ghi nhận lượng doanh nghiệp mới ra đời tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, còn Hà Nội - địa phương đang có số ca nhiễm cao nhất cả nước - cũng có lượng doanh nghiệp mới tăng 6,6%.

Ở chiều ngược lại, số lượng doanh nghiệp đã chấm dứt tồn tại trong giai đoạn ba tháng đầu năm là 4.355, giảm gần 17%. Tất cả các ngành kinh doanh chính đều có số lượng doanh nghiệp giải thể giảm.

Chuyên đề