Bản tin thời sự sáng 28/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là từ ngày 27/10, cuộc gọi của các nhà mạng sẽ có tên định danh để phòng chống lừa đảo; đề xuất hơn 4.000 tỷ đồng làm gần 4 km đường ven sông Sài Gòn; 24 dự án năng lượng tái tạo muốn bán điện trực tiếp, không qua EVN; sẽ thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch bán đảo Thanh Đa…

Từ ngày 27/10, cuộc gọi của các nhà mạng sẽ có tên định danh để phòng chống lừa đảo

Cuộc gọi của các nhà mạng viễn thông di động, cố định như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT tới khách hàng sẽ hiển thị tên định danh của nhà mạng từ ngày 27/10/2023.

Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà mạng sử dụng tên định danh để chống cuộc gọi mạo danh

Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà mạng sử dụng tên định danh để chống cuộc gọi mạo danh

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), thời gian qua, một số đối tượng đã sử dụng số thuê bao cố định, di động giả mạo xưng danh là Bộ TT&TT, công an, viện kiểm sát, ngân hàng, nhà mạng viễn thông… gọi điện đến số điện thoại cố định, di động của người dân.

Mục đích của các đối tượng là thu thập thông tin nhằm hù dọa, lừa đảo để từ đó chiếm đoạt tài sản của người dân. Hiện tượng này đang có xu hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Để phòng chống hình thức lừa đảo qua các cuộc gọi mạo danh, lãnh đạo Bộ TT&TT đã chỉ đạo Cục Viễn thông triển khai cấp tên định danh (voice brandname) cho các số điện thoại là đường dây nóng của các đơn vị thuộc Bộ TT&TT. Đồng thời, cấp tên định danh cho các nhà mạng viễn thông di động, cố định như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT…

Giải pháp này được đánh giá sẽ giúp người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn lừa đảo.

Bộ TT&TT cho biết, kể từ ngày 27/10/2023, tất cả các số điện thoại gọi đến người dân từ các đơn vị thuộc Bộ gồm: Văn phòng Bộ, Cục Báo chí, Cục An toàn thông tin, Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện đều hiển thị tên định danh “BO TTTT”.

Cũng từ ngày 27/10, các số điện thoại của doanh nghiệp viễn thông khi gọi đến khách hàng sử dụng dịch vụ cũng hiển thị tên định danh của nhà mạng. Chẳng hạn như tên định danh VNPT, VinaPhone của nhà mạng VinaPhone, VIETTELCSKH của nhà mạng Viettel, FPT SHOP của nhà mạng FPT, hay LOCAL của nhà mạng ASIM…

Bộ TTTT cũng nêu rõ, các số điện thoại gọi đến người dân mà đối tượng xưng danh là đơn vị thuộc Bộ hay doanh nghiệp viễn thông, nhưng không hiển thị tên định danh kèm theo thì đều là các số điện thoại giả mạo, có dấu hiệu lừa đảo.

Đề xuất hơn 4.000 tỷ đồng làm gần 4 km đường ven sông Sài Gòn

Đường ven sông Sài Gòn dài gần 4 km, từ cầu Ba Son đến cầu Bình Triệu, có tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.

Sông Sài Gòn đoạn qua cầu Sài Gòn

Sông Sài Gòn đoạn qua cầu Sài Gòn

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa báo cáo UBND TP.HCM về kết nối giao thông đường ven sông Sài Gòn (đoạn qua khu dân cư Vinhomes và Saigon Pearl).

Theo đó, Sở GTVT cho biết đã phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM nghiên cứu đầu tư hoàn thiện đường ven sông Sài Gòn dài gần 4 km, từ cầu Ba Son đến cầu Bình Triệu.

Trong đó, đoạn từ cầu Ba Son đến cầu Sài Gòn dài 1,95 km, mặt cắt ngang 35 m với tổng mức đầu tư khoảng 1.781 tỷ đồng.

Đoạn từ cầu Sài Gòn đến cầu Bình Triệu dài 1,98 km, mặt cắt ngang 20 - 35 m có tổng mức đầu tư khoảng 2.271 tỷ đồng (trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.425 tỷ đồng).

Theo Sở GTVT TP.HCM, việc đầu tư tuyến đường ven sông theo đúng lộ giới quy hoạch, đoạn từ cầu Ba Son đến cầu Kinh Thanh Đa để kết nối vào Quốc lộ 13 (Dự án BOT Quốc lộ 13 đã được HĐND TP.HCM thông qua) là cần thiết, góp phần giảm áp lực giao thông trên các trục đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Cảnh, Ung Văn Khiêm. Tuyến đường này cũng tạo trục đường mới xuyên suốt kết nối các quận 7, 4, huyện Nhà Bè với các quận, thành phố khu vực Đông Bắc TP.HCM.

24 dự án năng lượng tái tạo muốn bán điện trực tiếp, không qua EVN

Bộ Công Thương cho hay, khi khảo sát 95 dự án năng lượng tái tạo, có 24 dự án muốn mua bán điện trực tiếp, không qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); 17 chủ đầu tư khác đang cân nhắc về khả năng tìm, ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng.

24 dự án năng lượng tái tạo muốn thực hiện cơ chế mua bán điện không thông qua EVN

24 dự án năng lượng tái tạo muốn thực hiện cơ chế mua bán điện không thông qua EVN

Trong công văn vừa được Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc nghiên cứu xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA).

Bộ Công Thương cho biết, qua khảo sát 95 dự án năng lượng tái tạo vào tháng 5/2022 của đơn vị tư vấn cho thấy, có 24/95 dự án năng lượng tái tạo muốn mua bán điện sản xuất không qua EVN, có 17 dự án phát điện từ năng lượng tái tạo đang cân nhắc về điều kiện tham gia cơ chế này cũng như khả năng tìm, ký hợp đồng với khách hàng.

Về phía người mua, Bộ Công Thương đã gửi phiếu khảo sát tới 41 doanh nghiệp và có 24 doanh nghiệp cho biết muốn tham gia cơ chế DPPA với tổng nhu cầu ước tính lên tới 1.125 MW.

Theo Bộ Công Thương, đối với trường hợp mua bán điện thông qua đường dây tư nhân kết nối trực tiếp (không thông qua lưới điện quốc gia), việc thực hiện đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai. Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ hướng dẫn theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

“Tuy nhiên, cơ chế DPPA trong trường hợp thực hiện mua bán điện thông qua lưới điện quốc gia vẫn còn khá rắc rối nên Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo”, Bộ Công Thương nêu trong báo cáo.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện mua bán điện trực tiếp, hiện có 2 phương án. Phương án 1: sẽ tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp về việc có thể đưa quy định về cơ chế DPPA vào Luật Điện lực. Phương án 2: thực hiện quy định tại Điều 70 Luật Điện lực, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định quy định thực hiện cơ chế DPPA.

Sau khi xem xét chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định ban hành cơ chế DPPA theo hình thức nghị định của Chính phủ.

Sẽ thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch bán đảo Thanh Đa

TP.HCM sẽ tổ chức thi tuyển quốc tế tìm ý tưởng quy hoạch, kiến trúc cho bán đảo Bình Quới - Thanh Đa rộng gần 427 ha để có phương án phát triển tối ưu.

Một góc bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, quận Bình Thạnh

Một góc bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, quận Bình Thạnh

Theo tờ trình của Sở Quy hoạch và Kiến trúc vừa gửi UBND TP.HCM, phạm vi nghiên cứu quy hoạch là toàn bộ bán đảo Bình Quới - Thanh Đa rộng gần 427 ha ở Phường 28, quận Bình Thạnh, cùng một số khu vực đối diện bên bờ sông Sài Gòn, đặc biệt là Khu đô thị Trường Thọ, TP. Thủ Đức và quận Bình Thạnh.

Yêu cầu chung được Thành phố đặt ra là bán đảo này sẽ trở thành khu đô thị sinh thái bền vững, hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

5 đơn vị đủ năng lực và điều kiện vượt qua sơ tuyển sẽ được tham gia vòng thi tuyển. Ở vòng thi này, các đơn vị sẽ được cung cấp đề bài và thực hiện phương án ý tưởng thiết kế trong 4 - 6 tuần để chấm giải. Khi có kết quả, Thành phố sẽ chọn các nội dung quan trọng đưa vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM.

Cách trung tâm TP.HCM khoảng 6,5 km, bán đảo Bình Quới - Thanh Đa được bao quanh bởi sông Sài Gòn và kênh Thanh Đa. Lối tiếp cận duy nhất bằng đường bộ đến nơi này hiện chỉ có cầu Kinh Thanh Đa, trên trục đường Bình Quới - Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc, hiện bán đảo này là nơi duy nhất còn nhiều quỹ đất trống có khả năng đầu tư, phát triển khu đô thị trong bán kính 10 km, so với khu trung tâm hiện hữu.

Chính thức tách Khu tái định cư Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang thành 2 giai đoạn

Từ tổng diện tích 13,45 ha ban đầu, Khu tái định cư Ngọc Hiệp đến nay được điều chỉnh theo 2 giai đoạn.

Khu tái định cư Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa

Khu tái định cư Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa

Ngày 27/10, Ban Quản lý dự án (BQLDA) phát triển tỉnh Khánh Hòa xác nhận, đã nhận được quyết định phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng cơ sở hạ tầng Khu tái định cư Ngọc Hiệp (TP. Nha Trang).

Trước đó, vào năm 2016, tỉnh Khánh Hòa phê duyệt Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng Khu tái định cư Ngọc Hiệp với quy mô 13,45 ha, vốn đầu tư 162 tỷ đồng.

Dự án được xây dựng nhằm bố trí tái định cư (660 lô tái định cư) cho các hộ dân bị giải tỏa khi thực hiện Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang (CCSEP Nha Trang) và tạo quỹ đất dự phòng bố trí tái định cư cho các dự án trọng điểm khác.

Sau khoảng 7 năm xây dựng, Dự án Khu tái định cư Ngọc Hiệp còn nhiều ngổn ngang, chậm tiến độ. Có nhiều trường hợp người dân không bàn giao mặt bằng do không đồng ý chính sách hỗ trợ của địa phương.

Trong quyết định mới đây, tỉnh Khánh Hòa quyết định điều chỉnh nội dung của Quyết định số 2273 năm 2016.

Cụ thể, địa phương quyết định điều chỉnh mục tiêu đầu tư xây dựng Khu tái định cư Ngọc Hiệp. Theo đó, giai đoạn 1 đầu tư xây dựng trên phần đất 6 ha (phần đất đã thu hồi và có thể thi công được) để bố trí tái định cư cho Dự án CCSEP Nha Trang và các dự án khác.

Giai đoạn 2 thực hiện đầu tư xây dựng trên phần đất 7,45 ha; trong đó, phần diện tích 2,62 ha bố trí tái định cư cho Dự án CCSEP Nha Trang và các dự án khác. Riêng đối với phần diện tích 4,83 ha (chưa thu hồi), địa phương sẽ bố trí tái định cư cho các dự án khác.

Xuất khẩu thủy sản dự báo cán đích 9 tỷ USD

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các thị trường dần hồi phục, xuất khẩu thủy sản quý IV dự kiến đạt 2,4 tỷ USD, giúp kim ngạch cả năm cán đích 9 tỷ USD.

Nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực đều có tín hiệu tích cực hơn trong quý III

Nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực đều có tín hiệu tích cực hơn trong quý III

VASEP cho biết, sau giai đoạn giảm sâu nửa đầu năm (-27%), từ tháng 6, mức tăng trưởng âm đã được thu hẹp dần. Riêng trong tháng 9, doanh số xuất khẩu chỉ còn thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhóm 3 sản phẩm chủ lực gồm tôm, cá tra, cá ngừ đều có tín hiệu tích cực hơn trong quý III. Với tôm, sau khi giảm 28% trong quý II, sang quý vừa qua, xuất khẩu mặt hàng này chỉ thấp hơn 13% so với cùng kỳ 2022. Hay cá tra có doanh số thấp hơn 12% và cá ngừ giảm gần 8%, so với mức giảm hai con số trong quý II lần lượt là 41% và 31%.

Mặt hàng cua, ghẹ (chủ yếu là ghẹ) cũng có kim ngạch xuất khẩu tăng vượt bậc trong quý III, gấp hơn 1,5 lần so với quý II và tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn chung, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong quý III chỉ thấp hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng là mức giảm ít nhất trong 3 quý đầu năm.

Trong các khối thị trường lớn, Trung Đông được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp thuỷ sản Việt trong 2 năm gần đây, trước những biến động chiến tranh, lạm phát, khủng hoảng giá năng lượng.

Quý III, riêng khối thị trường này có mức tăng trưởng nhập khẩu dương với thủy sản từ Việt Nam, ở mức 2%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, khối này cũng có mức giảm thấp nhất. Khối thị trường ASEAN và CPTPP giảm lần lượt 15% và 20% so với cùng kỳ 2022. Các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc đều giảm 17 - 34%. Xuất khẩu sang Nhật Bản giảm ít hơn (-13%).

VASEP cho biết, với diễn biến hồi phục dần từ các thị trường, dự báo xuất khẩu thủy sản quý IV có thể mang về khoảng 2,4 tỷ USD tương đương cùng kỳ năm ngoái, đưa kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 lên 9 tỷ USD (đạt mục tiêu đề ra), thấp hơn 17% so với năm 2022.

Tập đoàn Hoa Sen "lội ngược dòng" về lợi nhuận

Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV niên độ tài chính (NĐTC) 2022 - 2023, với doanh thu hợp nhất đạt 8.107 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 438 tỷ đồng.

Quý IV niên độ tài chính 2022 - 2023, Tập đoàn Hoa Sen đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất 438 tỷ đồng

Quý IV niên độ tài chính 2022 - 2023, Tập đoàn Hoa Sen đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất 438 tỷ đồng

Tập đoàn Hoa Sen vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV NĐTC 2022 - 2023 (từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/9/2023) và lũy kế NĐTC 2022 - 2023 (từ ngày 01/10/2022 đến ngày 30/9/2023).

Theo đó, HSG ghi nhận sự phục hồi ấn tượng so với quý 4 NĐTC 2021 - 2022 khi tất cả các chỉ số đều tốt hơn so với cùng kỳ.

Cụ thể, mặc dù nền kinh tế chưa hoàn toàn phục hồi, HSG vẫn ghi nhận tăng trưởng doanh thu 2% so với cùng kỳ, kết hợp với mức tỷ suất lợi nhuận gộp/doanh thu đạt 13% đã giúp HSG ghi nhận mức lãi gộp đạt 1.072 tỷ đồng, trái ngược với con số lãi gộp -231 tỷ đồng cùng kỳ.

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về chi phí cũng có sự ghi nhận đáng ấn tượng so với cùng kỳ. Chi phí tài chính giảm 50 tỷ đồng, tương ứng giảm 45% trong đó chi phí lãi vay giảm 38 tỷ đồng (giảm 52%) và chi phí do chênh lệch tỷ giá giảm 12 tỷ đồng (giảm 31%). Chi phí bán hàng giảm 110 tỷ đồng tương ứng giảm 17%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 28 tỷ đồng tương ứng giảm 27%.

Điều này dẫn đến lợi nhuận trước thuế và sau thuế quý IV NĐTC 2022 - 2023 lần lượt đạt 498 tỷ đồng và 438 tỷ đồng, tăng mạnh so với kết quả cùng kỳ, tương ứng lần lượt là -1.011 tỷ đồng và -887 tỷ đồng.

Lũy kế NĐTC 2022 - 2023, doanh thu hợp nhất của HSG đạt 31.651 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 28 tỷ đồng.

Biên lợi nhuận gộp của HSG đã phục hồi mạnh mẽ từ mức 2% tại quý I NĐTC 2022 - 2023 lên mức 13,2% tại quý 4 NĐTC 2022 - 2023, giúp lợi nhuận gộp của HSG tăng từ mức 160 tỷ đồng tại quý I NĐTC 2022 - 2023 lên mức 1.072 tỷ đồng tại quý IV NĐTC 2022 - 2023.

TP.HCM giải thể bệnh viện dã chiến Covid-19 cuối cùng

Sở Y tế TP.HCM tham mưu UBND Thành phố quyết định giải thể Bệnh viện dã chiến số 13 - bệnh viện điều trị Covid-19 cuối cùng tại Việt Nam.

Bệnh viện dã chiến số 13 nằm trong khuôn viên có diện tích 5 ha

Bệnh viện dã chiến số 13 nằm trong khuôn viên có diện tích 5 ha

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết, đây là bệnh viện dã chiến duy nhất còn lại của Thành phố, đặt trong tình trạng sẵn sàng kích hoạt trở lại trong vòng 48 giờ nhằm tiếp nhận người bệnh Covid-19 nếu dịch bùng phát trở lại, ở giai đoạn được xem là bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Mới đây, Chính phủ đưa Covid-19 vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B, tức giảm cấp độ nguy hiểm và xem là bệnh thông thường. Tại cuộc họp hôm 20/10, Bộ Y tế đánh giá hiện nay tình hình dịch đã ổn định, xem xét giải thể bệnh viện này.

Theo ông Thượng, Sở sẽ điều chuyển các trang thiết bị còn lại trong Bệnh viện như giường inox, hệ thống oxy đến các bệnh viện trực thuộc, phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh thông thường. Một năm qua, nơi này không có bệnh nhân, hầu hết thiết bị y tế, máy móc đều đã phân bổ về cho các bệnh viện đang hoạt động.

Bệnh viện hoạt động từ tháng 8/2021, sau gần 2 tháng xây dựng - thời điểm Covid-19 cao điểm tại TP.HCM, quy mô khoảng 3.500 giường và Trung tâm Hồi sức tích cực 500 giường. Khi ấy, trong bối cảnh dịch bùng phát, Thành phố đã thần tốc lập 15 bệnh viện dã chiến nhằm cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19.

Như vậy, các bệnh viện dã chiến Covid-19 đã hoàn thành nhiệm vụ trong bối cảnh đại dịch bùng phát đau thương nhất trong lịch sử. Trong hơn 4 năm qua, Việt Nam đã trải qua 4 đợt Covid-19, ghi nhận hơn 11,6 triệu ca, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đỉnh điểm là đợt dịch thứ 4 kéo dài từ giữa năm 2021 đến hết năm. Hơn 43.000 người đã tử vong do bệnh này, chiếm 0,4% tổng số ca nhiễm. Từ đầu năm đến nay, số ca Covid-19 giảm 12 lần so với năm 2021 và 68 lần so với năm ngoái.

.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư