Bản tin thời sự sáng 25/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá thép tăng sau nhiều tháng đứng im; thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu trầm lắng trong tháng 11; Gia Lai sắp “giải phóng” 25.000 tỷ đồng tại các dự án điện gió; đầu tư 3.500 tỷ đồng xây cầu Cổ Chiên 2 nối Bến Tre - Trà Vinh…

Giá thép tăng sau nhiều tháng đứng im

Nhiều doanh nghiệp nâng giá bán thép thêm 150.000 đồng mỗi tấn, có loại tăng đến 410.000 đồng lên gần 14,8 triệu đồng, sau gần 3 tháng không điều chỉnh.

Nhiều doanh nghiệp nâng giá bán thép thêm 150.000 đồng/tấn

Nhiều doanh nghiệp nâng giá bán thép thêm 150.000 đồng/tấn

Hòa Phát vừa thông báo tăng 150.000 đồng mỗi tấn thép cuốn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Hiện tại, giá hai loại thép này lần lượt là 13,58 triệu và 13,89 triệu đồng một tấn.

Mức tăng này cũng được các thương hiệu Việt Ý, VJS, Tung Ho áp dụng. Riêng Pomina và VAS nâng thêm 410.000 đồng mỗi tấn cho giá thép D10 CB300, lần lượt là 14,79 triệu và 13,96 triệu đồng. Trong khi đó, Việt Đức và Kyoei lại hạ giá bán khoảng 40.000 - 190.000 đồng mỗi tấn, tùy loại.

Như vậy sau gần 3 tháng đứng yên, giá thép đã có sự thay đổi. Tuy nhiên, mức tăng phổ biến 150.000 đồng không tác động quá lớn đến mặt bằng giá bán mặt hàng này. Thép vẫn nằm trong vùng giá thấp nhất khoảng 3 năm qua.

Thép tăng giá khi ngành này đang trong thế gọng kìm, vừa chịu áp lực đầu vào, vừa chưa hết khó đầu ra. Thời gian gần đây, giá than có xu hướng nhích lên, giá điện vừa điều chỉnh tăng 4,5% khiến chi phí sản xuất của nhiều doanh nghiệp dự kiến bị đội lên. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ vẫn chưa phục hồi, nhất là thép xây dựng.

Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, sản xuất thép xây dựng đạt hơn 898.300 tấn và bán được hơn 870.500 tấn, lần lượt tăng 25% và 22% so với tháng 10/2022. Tuy nhiên nếu so với tháng trước, tiêu thụ thép xây dựng giảm 9%. Chênh lệch giữa bán hàng và sản xuất từ mức âm ở tháng 9, đã tăng lên gần 27.800 tấn.

Tính chung 10 tháng năm 2023, sản xuất thép xây dựng đạt gần 8,7 triệu tấn, giảm 18% so với cùng kỳ. Bán hàng đạt 8,6 triệu tấn, giảm 17%. Riêng hoạt động xuất khẩu sụt tới 27%.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu trầm lắng trong tháng 11

Tháng 11, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành tăng 9 lần so cùng kỳ năm trước và giảm 32% so với tháng 10. Đáng chú ý, lãi suất bình quân gia quyền của nhóm ngành ngân hàng có xu hướng nhích lên.

Lãi suất cao nhất trong tháng là 14% ghi nhận từ đợt chào bán 1.495 tỷ đồng trái phiếu của Công ty TNHH Dịch vụ và Tư vấn xây dựng Anh Quân

Lãi suất cao nhất trong tháng là 14% ghi nhận từ đợt chào bán 1.495 tỷ đồng trái phiếu của Công ty TNHH Dịch vụ và Tư vấn xây dựng Anh Quân

Theo báo cáo ghi nhận từ Công ty CP Chứng khoán MB (MBS), tổng giá trị trái phiếu phát hành thành công trong tháng 11 (tính đến ngày 22/11) ước đạt trên 20 nghìn tỷ đồng. Đa phần các đợt phát hành đến từ nhóm tài chính, ngân hàng (chiếm hơn 48%) và lợi suất vào khoảng 6,4% - 8%.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam là tổ chức phát hành giá trị lớn nhất trong tháng với 3.542 tỷ đồng, trong đó 3.092 tỷ đồng trái phiếu có lãi suất 6,45% - 6,55% và lô 450 tỷ đồng lãi suất 7,1% với thời hạn 8 - 10 năm.

Lãi suất cao nhất trong tháng là 14% ghi nhận từ đợt chào bán 1.495 tỷ đồng trái phiếu của Công ty TNHH Dịch vụ và Tư vấn xây dựng Anh Quân. Đáng chú ý, lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp của nhóm ngân hàng có xu hướng nhích lên trong tháng 11 sau nhiều tháng đi ngang.

Như vậy, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành lũy kế 11 tháng đạt 233 nghìn tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái và lãi suất bình quân đạt 8,5%, cao hơn so với mức trung bình 7,9% của năm 2022.

Thống kê từ MBS chỉ ra, từ đầu năm đến nay, ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 109,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 47% tổng giá trị toàn thị trường. Trong đó, lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu ngân hàng là 6,8%/năm với kỳ hạn bình quân 4,5 năm.

Đứng sau là nhóm ngành bất động sản với tổng giá trị phát hành đạt 73,1 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 31%, lãi suất bình quân gia quyền bình quân 9,7%/năm và kỳ hạn bình quân là 3,6 năm. Trong đó, Công ty Capitaland Tower (12,2 nghìn tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển đô Thị Hưng Yên (7,2 nghìn tỷ đồng).

Trên thị trường, hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp có phần chững lại trong các tháng gần đây. Riêng tháng 11, giá trị trái phiếu mua lại trước hạn ước tính trên 2 nghìn tỷ đồng, giảm 82% so với tháng trước. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng 197.660 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại trước hạn. Trong đó, nhóm ngành ngân hàng vẫn chiếm 47% tổng giá trị, nhóm ngành bất động sản và xây dựng lần lượt chiếm 15% và 14%.

Gia Lai sắp “giải phóng” 25.000 tỷ đồng tại các dự án điện gió

Dự kiến hết quý I/2024, các nhà đầu tư điện gió ở Gia Lai sẽ hoàn tất việc đóng điện, “giải phóng” 25.000 tỷ đồng đã đầu tư.

Nhiều dự án điện gió ở Gia Lai đang hoàn thành thủ tục

Nhiều dự án điện gió ở Gia Lai đang hoàn thành thủ tục

Ngày 24/11, ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai cho biết, tỉnh này mới đóng điện được 563 MW, còn 629 MW chưa được đóng điện, tương đương 25.000 tỷ đồng vốn đầu tư bị treo nhiều năm nay.

“Hơn 25.000 tỷ đồng đầu tư tại các dự án điện gió, bị “treo" hơn 2 năm nay. Ngoài Trung ương chưa đồng ý cho nối điện, bây giờ đã được tháo gỡ (đã ban hành giá điện). Nhà đầu tư đang hoàn thành các thủ tục để đấu nối”, ông Binh nói.

Về lý do bị treo, theo ông Binh, giá điện hỗ trợ (FIT) chỉ có hiệu lực đến ngày 31/10/2021 nên nhiều dự án điện gió chưa thể nghiệm thu và đóng điện.

Từ năm 2020, để tháo gỡ cho các dự án điện nghìn tỷ đồng, Sở Công Thương Gia Lai đã có văn bản gửi Bộ Công Thương và UBND tỉnh Gia Lai ký văn bản gửi cơ quan Trung ương kiến nghị cho phép kéo dài thời gian nghiệm thu thi công đến hết năm. Lý do là vướng dịch Covid-19, nhà đầu tư không thể vận chuyển trang thiết bị, cung ứng thiết bị bị chậm… nhưng không nhận được phản hồi.

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai được quy hoạch và triển khai 17 dự án điện gió, với tổng quy mô công suất 1.242,4 MW. Trong đó, 7 dự án điện gió đang vận hành, với tổng công suất 446,2 MW; 4 dự án điện gió được công nhận vận hành thương mại một phần, với tổng công suất 117,2 MW; chưa được công nhận vận hành thương mại phần còn lại, với tổng công suất 287,8 MW.

Năm dự án điện gió đã triển khai thi công hoàn thành, nhưng chưa đưa vào vận hành (tổng công suất 341,2 MW). Ngoài ra, 1 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng. Tổng 17 dự án điện gió ở Gia Lai, có mức đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Văn Binh, tiềm năng về điện ở Gia Lai là rất lớn, khả năng khai thác lên đến 18.000 MW. Tuy nhiên, các bộ, ngành chỉ đồng ý quy hoạch là 600 MW. Gia Lai hiện có 3 trạm 500 KV, đủ sức truyền tải điện từ Nam ra Bắc và ngược lại.

Đầu tư 3.500 tỷ đồng xây cầu Cổ Chiên 2 nối Bến Tre - Trà Vinh

Cầu Cổ Chiên 2 dài 5 km, nối Bến Tre và Trà Vinh, cách cầu hiện hữu 30 km về phía hạ nguồn, tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng dự kiến khởi công năm 2025.

Phối cảnh cầu Cổ Chiên 2 khi hoàn thành

Phối cảnh cầu Cổ Chiên 2 khi hoàn thành

Thông tin trên được Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bến Tre Cao Minh Đức cho biết, sau chuyến khảo sát vị trí xây cầu Cổ Chiên 2 với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh.

Cầu Cổ Chiên 2 có tổng chiều dài 5 km, thiết kế dạng dây văng, điểm đầu tại xã An Qui (Thạnh Phú, Bến Tre) và điểm cuối tại xã Long Hòa (Châu Thành, Trà Vinh). Trong đó, cầu chính dài 2 km, quy mô 4 làn xe, phần còn lại là đường dẫn, dự kiến xây dựng bằng ngân sách trung ương, hoàn thành năm 2030.

Công trình thuộc Dự án Đường ven biển kết nối Bến Tre với Tiền Giang và Trà Vinh. Ngoài cầu này, trên tuyến còn có 2 dự án thành phần gồm cầu Ba Lai 8 qua tỉnh Bến Tre, kinh phí hơn 2.200 tỷ đồng, cầu Cửa Đại nối Bến Tre - Tiền Giang tổng mức đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng.

Trước đó, cầu Cổ Chiên nối Bến Tre, Trà Vinh thông xe năm 2015, giúp giảm áp lực xe lưu thông trên Quốc lộ 1 qua TP. Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận, rút ngắn hành trình gần 80 km từ TP HCM đến Trà Vinh, Sóc Trăng.

Đường BOT nối Đồng Nai - Bình Dương xuống cấp nghiêm trọng

Đường kết nối từ Quốc lộ 1 đi Bình Dương qua cầu Thủ Biên xuống cấp, mặt đường bong tróc, chi chít ổ gà, ổ voi nhưng đơn vị quản lý chưa sửa chữa.

Đường Hoàng Văn Bổn hư hỏng nặng nhiều năm nay

Đường Hoàng Văn Bổn hư hỏng nặng nhiều năm nay

Dài 6 km, đường Hoàng Văn Bổn - Thiện Tân (đường Nhà máy Nước Thiện Tân) nối Quốc lộ 1 với Đường tỉnh 768 là tuyến huyết mạch nối Đồng Nai và Bình Dương. Mỗi ngày, có hàng nghìn lượt xe container, tải, ben và ô tô du lịch qua lại.

Mặt đường rộng chừng 7 m xuống cấp, hư hỏng nặng, nhiều chỗ bị bong tróc hết lớp nhựa khiến các phương tiện lưu thông rất khó khăn, tình trạng ùn tắc liên tục xảy ra, nhất là trong khung giờ cao điểm, công nhân đi làm và tan ca. "Ngày nắng bụi bay mù mịt, mưa thì lầy lội, nhiều ổ voi chi chít như bẫy người đi đường", anh Hùng, một người dân phường Tân Biên nói.

Ngoài tuyến Hoàng Văn Bổn, đường dẫn lên cầu Thủ Biên thuộc xã Tân An thời gian qua cũng xuống cấp trầm trọng. Nền đường xuất hiện các vết lồi lõm, sụt lún. Tuy nhiên, do nhà đầu tư không kịp thời khắc phục các hư hỏng trên nên những "ổ gà" ngày càng lớn hơn.

Theo ông Nguyễn Bôn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đồng Nai, tuyến đường Hoàng Văn Bổn - Thiện Tân cùng đường dẫn lên cầu Thủ Biên nằm trong thành phần đầu tư, quản lý theo hợp đồng BOT đầu tư nâng cấp mở rộng Đường tỉnh 768 do Công ty CP Sonadezi Châu Đức vận hành. Hồi tháng 9, công ty này có văn bản đề xuất dùng tiền ngân sách sửa chữa tuyến đường nhưng Sở không đồng ý vì đây là dự án BOT.

Dự án BOT Đường tỉnh 768 dài 48 km, được đầu tư hơn 500 tỷ đồng (không bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật). Công trình dự kiến thu phí trong 35 năm (từ năm 2010 đến 2044). Dự án bắt đầu thu phí hoàn vốn từ tháng 11/2010. Đến đầu năm 2021, việc thu phí tạm dừng để chủ đầu tư lắp đặt hệ thống ETC theo yêu cầu của Chính phủ, đến nay công trình vẫn chưa thu phí lại để điều chỉnh một số thủ tục.

Thế Giới Di Động có thể đóng thêm 200 cửa hàng trong quý IV

Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động cho biết sẽ tích cực tái cấu trúc trong quý IV để tối ưu chi phí, trong đó có thể đóng thêm 200 cửa hàng không hiệu quả.

Thế Giới Di Động cho biết sẽ tích cực tái cấu trúc trong quý IV để tối ưu chi phí

Thế Giới Di Động cho biết sẽ tích cực tái cấu trúc trong quý IV để tối ưu chi phí

Kết quả kinh doanh tháng 10 vừa được công bố của Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) hé lộ việc đơn vị này sẽ cân nhắc đóng khoảng 200 cửa hàng trong những tháng cuối năm.

"Đây là những cửa hàng không hiệu quả về doanh thu và lợi nhuận. Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao kết quả để điều chỉnh phù hợp tại từng thời điểm", bản công bố thông tin của Thế Giới Di Động viết.

Công ty này hiện có hơn 5.600 cửa hàng, gồm 1.158 cửa hàng Thế Giới Di Động, 2.281 cửa hàng Điện Máy Xanh, hơn 1.700 siêu thị Bách Hóa Xanh và 540 nhà thuốc An Khang.

Ý định đóng bớt cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh kém hiệu quả cũng từng được Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài đề cập trong cuộc họp với nhà đầu tư gần đây. Với tình trạng sức mua thị trường yếu và còn kéo dài, công ty cho rằng không thể duy trì những bộ phận kém hiệu quả.

"Thực tế trong thời gian qua, nhiều cửa hàng của MWG đã không đem tiền về cho Công ty, khác hẳn so với hiệu suất hoạt động trước đó", ông Tài cho biết. Tuy nhiên, ông khẳng định, việc đóng bớt cửa hàng sẽ không ảnh hưởng đến doanh thu, mà chỉ "chuyển từ cửa hàng này sang cửa hàng khác". Thêm vào đó, chi phí mặt bằng, nhân viên, điện nước được cắt giảm, giúp Công ty cải thiện lợi nhuận.

Về kết quả kinh doanh, tổng doanh thu tháng 10 của hệ thống Thế Giới Di Động là 11.190 tỷ đồng, tháng đầu tiên trong năm nay tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022.

Riêng hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, tổng doanh thu tháng 10 đạt hơn 7.800 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 8% so với tháng 9 nhờ đóng góp của sản phẩm iPhone do hiệu ứng ra mắt sản phẩm mới. Lũy kế 10 tháng, tổng doanh thu hai chuỗi này đạt 70.200 tỷ đồng, giảm 21%.

Doanh thu lũy kế của Bách Hóa Xanh trong 10 tháng đầu năm đạt 25.300 tỷ đồng, tăng 13%. Riêng tháng 10, doanh thu chuỗi bán thực phẩm này là hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 29%, với thu bình quân khoảng 1,7 tỷ đồng mỗi cửa hàng.

Baemin dừng hoạt động tại Việt Nam

Ông lớn giao đồ ăn Hàn Quốc Baemin thông báo chia tay thị trường Việt Nam từ ngày 8/12, hai tháng sau khi nói "thu hẹp hoạt động".

Baemin thông báo chia tay thị trường Việt Nam từ ngày 8/12

Baemin thông báo chia tay thị trường Việt Nam từ ngày 8/12

Đại diện Baemin Việt Nam - ứng dụng giao đồ ăn - cho biết, sẽ "chính thức dừng hoạt động tại thị trường Việt Nam từ ngày 8/12". Thông báo về việc này cũng đã được hãng gửi đến các khách hàng.

"Quyết định rời khỏi Việt Nam của Baemin được thúc đẩy bởi tình hình kinh tế khó khăn trên toàn cầu, cũng như thực trạng cạnh tranh khốc liệt của thị trường nước sở tại", thông báo của Công ty cho hay.

Delivery Hero, Công ty mẹ của Baemin Việt Nam, cho biết, chiến lược lúc này là tập trung các thị trường đang dẫn đầu và có khả năng dẫn đầu. Tại Việt Nam, ưu tiên hàng đầu của ứng dụng này trong vài tuần tới là hỗ trợ cũng như hoàn tất nghĩa vụ và trách nhiệm với toàn thể nhân viên, các đối tác tài xế và đối tác nhà hàng.

Baemin được vận hành bởi Woowa Brothers Việt Nam, thành viên của liên doanh giữa Woowa Brothers - công ty giao đồ ăn đứng đầu tại Hàn Quốc và Delivery Hero - tập đoàn công nghệ giao đồ ăn tại hơn 50 quốc gia. Bên cạnh lĩnh vực giao đồ ăn cốt lõi, Baemin còn cung cấp một số dịch vụ khác như đi chợ hộ, cửa hàng bách hóa trực tuyến, bán mỹ phẩm.

Thương hiệu này bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ giữa năm 2019 sau khi hoàn tất thâu tóm ứng dụng giao đồ ăn Việt Nam. Ông lớn Hàn Quốc gia nhập đúng thời điểm thị trường giao đồ ăn đang sôi động. Hàng loạt tên tuổi trong và ngoài nước tham gia thị trường, "đốt tiền" cho cuộc đua giành thị phần bằng cách tung ra khuyến mãi "khủng".

Trong khi các đối thủ lớn như Grab, ShopeeFood thường xuyên khuyến mãi lớn để thu hút khách hàng, chính sách này lại không phải là yếu tố Baemin ưu tiên. Kết quả là sự hụt hơi trong cuộc đua thị phần. Theo thống kê của Momentum Works, năm 2022, Baemin chỉ nắm 12% thị phần giao đồ ăn tại Việt Nam, còn Grab chiếm 45%, ShopeeFood chiếm 41%.

Louis Vuitton muốn tổ chức đoàn tàu cổ hạng sang tuyến Bắc - Nam

Louis Vuitton cùng một số hãng thời trang Pháp muốn tổ chức đoàn tàu cổ hạng sang giữa Hà Nội - TP.HCM để phục vụ khách du lịch, theo Đại sứ Olivier Brochet.

Louis Vuitton cùng một số hãng thời trang Pháp muốn tổ chức đoàn tàu cổ hạng sang giữa Hà Nội - TP.HCM. Ảnh minh họa

Louis Vuitton cùng một số hãng thời trang Pháp muốn tổ chức đoàn tàu cổ hạng sang giữa Hà Nội - TP.HCM. Ảnh minh họa

Trao đổi với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Đại sứ Pháp Olivier Brochet nói, nhiều doanh nghiệp Pháp quan tâm, tìm cơ hội đầu tư ở Việt Nam.

Đơn cử, trong lĩnh vực đường sắt, một số hãng thời trang, thương hiệu nổi tiếng, trong đó có Louis Vuittton, mong muốn tổ chức một đoàn tàu cổ hạng sang giữa Hà Nội - TP.HCM phục vụ khách du lịch. Tuyến đường sắt Bắc - Nam, với điểm đầu - cuối là Hà Nội và TP.HCM, dài 1.730 km, từng được Lonely Planet (trang cẩm nang du lịch lớn nhất thế giới) đánh giá là một trong những tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới.

Đại sứ nói, doanh nghiệp sẽ sửa chữa, cải tạo những toa tàu cổ, đã khai thác từ 30 năm trở lên rồi nhập khẩu vào Việt Nam. Vì vậy, ông đề xuất Bộ cho phép có các ngoại lệ so với quy định hiện nay để các toa tàu có thể chạy trên đường sắt Việt Nam.

Phía Pháp cũng mong muốn hợp tác đầu tư các dự án đường sắt điện khí hoá như Thủ Thiêm - Long Thành, Hà Nội - Hải Phòng; phát triển đội tàu bay với các máy bay sản xuất tại Pháp như Airbus, ATR, sử dụng các công nghệ, thiết bị của Pháp tại sân bay Việt Nam.

Với ý tưởng tổ chức chạy đoàn tàu cổ du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết rất ủng hộ. Tuy nhiên, phía Pháp cần nêu rõ các ngoại lệ gì khi sử dụng toa tàu cũ để cùng trao đổi, xác định thẩm quyền các cơ quan liên quan. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, Bộ sẽ phải trình Thủ tướng.

Giám đốc khu du lịch cấu kết khai thác cát trái phép

Lực lượng cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Quảng Ngãi) phát hiện công trường khai thác cát trái phép bên trong khu du lịch Thiên Đàng (tỉnh Quảng Ngãi). Công an tỉnh Quảng Ngãi xác định, việc này được sự đồng ý của giám đốc khu du lịch.

Hiện trường khai thác cát trái phép bên trong khu du lịch Thiên Đàng

Hiện trường khai thác cát trái phép bên trong khu du lịch Thiên Đàng

Ngày 24/11, Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang mở rộng điều tra vụ khai thác cát trái phép bên trong Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng (huyện Bình Sơn).

Theo đó, trong quá trình tuần tra ban đêm, cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Quảng Ngãi) phát hiện nhiều ô tô chở cát từ Khu kinh tế Dung Quất chạy về địa phận tỉnh Quảng Nam.

Qua xác minh, số cát trên được khai thác trái phép bên trong Khu du lịch Thiên Đàng. Công an Quảng Ngãi tổ chức vây bắt quả tang. Tại hiện trường có một xe máy đào đang xúc cát đổ lên 4 xe tải mang đi bán.

Cơ quan công an xác định, ông Phạm Văn Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nam Quảng Nam, chủ Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng, đã bán cát trái phép.

Ông Hải cho Trần Minh Dương (huyện Bình Sơn) khai thác, vận chuyển cát ra bên ngoài để bán.

Để hợp thức hóa nguồn gốc khoáng sản, Trần Minh Dương hợp tác với một công ty mua, bán trái phép hóa đơn. Sau đó, Dương đưa cát khai thác được tại Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng ra Khu công nghiệp Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) bán cho các doanh nghiệp.

Từ tháng 8 đến nay, các đối tượng đã khai thác khoảng 15.000 m3 cát, thu về gần 5 tỷ đồng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư