Bản tin thời sự sáng 24/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là dừng các chuyến bay chở khách từ TP.HCM đến Quảng Bình vì Covid-19; đề xuất lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển ở TP.HCM đến ngày 1/10; Quảng Nam đề xuất loại bỏ 6 dự án thủy điện khỏi quy hoạch; 400 taxi ở TP.HCM được hoạt động để chở người bệnh; đường sắt xin vay cứu trợ 800 tỷ đồng không lãi…

Dừng các chuyến bay chở khách từ TP.HCM đến Quảng Bình vì Covid-19

Các chuyến bay chở khách từ TP.HCM đi Đồng Hới (Quảng Bình) và ngược lại sẽ tạm dừng từ 23/6.

Các chuyến bay chở khách từ TP.HCM đến Quảng Bình và ngược lại bị dừng từ ngày 23/6

Các chuyến bay chở khách từ TP.HCM đến Quảng Bình và ngược lại bị dừng từ ngày 23/6

Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT), việc tạm dừng các chuyến bay để phục vụ công tác phòng chống dịch, thời gian đến khi có thông báo mới. Các chuyến bay vận chuyển nhân viên y tế, vật tư, trang thiết bị y tế vẫn được Cục Hàng không xem xét giải quyết.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công văn đề nghị tạm dừng khai thác đường bay TP.HCM đến sân bay Đồng Hới để hạn chế lây lan dịch bệnh Covid-19.

Văn bản về việc tạm dừng khai thác đường bay này được Bộ GTVT gửi UBND tỉnh Quảng Bình, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Y tế GTVT.

Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương thông báo đến hãng hàng không Việt Nam, các cơ quan, đơn vị có liên quan đến việc khai thác chở khách từ TP.HCM đi/đến Đồng Hới và ngược lại để biết và thực hiện.

Hiện nay nhiều chuyến bay giữa TP.HCM và các địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Gia Lai đã tạm dừng khai thác để phòng, chống dịch.

Đề xuất lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển ở TP.HCM đến ngày 1/10

UBND TP.HCM đề nghị HĐND Thành phố xem xét cho lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển đến ngày 1/10 - chậm 3 tháng so với kế hoạch để hỗ trợ doanh nghiệp.

Nguồn thu phí sẽ đầu tư, xây dựng các trục đường xung quanh cảng ở TP.HCM

Nguồn thu phí sẽ đầu tư, xây dựng các trục đường xung quanh cảng ở TP.HCM

Kiến nghị này được đề cập tại tờ trình về sửa đổi, bổ sung mức thu phí hạ tầng khu vực cảng biển do Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong vừa gửi HĐND TP.HCM.

Theo đó, UBND Thành phố đề nghị HĐND Thành phố lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển tới ngày 1/10 thay vì từ ngày 1/7 như nghị quyết ban ban hành trước đó. Động thái này theo UBND Thành phố là cần thiết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19.

UBND TP.HCM cho biết, theo tính toán số phí thu được trong 3 tháng khoảng 723 tỷ đồng. Đây được xem như khoản hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Theo UBND Thành phố, lý do triển khai thu phí vào đầu tháng 10 vì thời điểm này Thành phố có thể đã kiểm soát được dịch. Việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đã được triển khai rộng rãi trong cộng đồng và các doanh nghiệp đã có thời gian phục hồi kinh tế.

Trước đó, HĐND TP.HCM khoá IX đã thông qua đề án thu phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn từ 1/7/2021, với kỳ vọng mỗi năm thu hơn 3.000 tỷ đồng đầu tư hệ thống đường quanh các cảng.

Quảng Nam đề xuất loại bỏ 6 dự án thủy điện khỏi quy hoạch

6 dự án thủy điện vừa và nhỏ ở Quảng Nam gồm A Vương 4, Sông Bung 3, Đăk Di 4, A Banh, Chà Vàl và Đăk Pring 2 bị đề nghị loại bỏ khỏi quy hoạch.

Quảng Nam đề xuất loại bỏ 6 dự án thủy điện khỏi quy hoạch

Quảng Nam đề xuất loại bỏ 6 dự án thủy điện khỏi quy hoạch

Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã ký văn bản gửi các sở ngành về đề nghị loại bỏ khỏi quy hoạch 6 dự án thủy điện vừa và nhỏ. Theo đó, Sở Công Thương Quảng Nam sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát cơ sở pháp lý, sau đó UBND Tỉnh sẽ báo cáo HĐND tại kỳ họp tới đây để xem xét theo thẩm quyền.

Trong 6 thủy điện bị đề xuất loại bỏ, hai dự án đã cấp phép đầu tư gồm Chà Vàl (huyện Nam Giang) công suất 7 MW; ảnh hưởng đến 42 ha đất, trong đó 13 ha rừng phòng hộ; Đăk Pring 2 (huyện Nam Giang) công suất 8 MW, chiếm diện tích 45 ha đất.

Ba dự án mới có chủ trương nghiên cứu đầu tư, gồm: A Vương 4 (huyện huyện Tây Giang và Đông Giang) công suất hơn 10 MW, chiếm gần 83 ha đất, trong đó 3,8 ha rừng sản xuất; Sông Bung 3 (huyện Nam Giang) công suất 16 MW, diện tích 38,6 ha, ảnh hưởng gần 2 ha rừng phòng hộ; A Banh (huyện Tây Giang), công suất 4,2 MW, chiếm 7,7 ha đất, trong đó 5,2 ha rừng sản xuất.

Dự án cuối cùng là Đăk Di 4 (huyện Nam Trà My), công suất 19,2MW, được cho phép nghiên cứu đầu tư năm 2003 với diện tích 155 ha, trong đó 31,6 ha rừng sản xuất. Năm 2008, theo đề xuất của chủ đầu tư, UBND tỉnh thống nhất cho gia hạn thời gian thực hiện dự án với yêu cầu phải khởi công công trình trong quý IV, năm 2009, song doanh nghiệp không thực hiện. Năm 2017, tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định chấm dứt nghiên cứu đầu tư dự án này.

Quảng Nam quy hoạch 46 dự án thủy điện với tổng công suất 1.816 MW. Trong đó, 22 dự án đã vận hành, công suất 1.273 MW; 8 dự án đang xây dựng; 12 dự án chuẩn bị đầu tư và 4 dự án khảo sát xin chủ trương.

400 taxi ở TP.HCM được hoạt động để chở người bệnh

UBND TP.HCM chấp thuận cho 400 taxi thuộc 2 hãng Vinasun và Mai Linh hoạt động trong thời gian giãn cách để chở người dân đến các bệnh viện, trung tâm y tế, trường hợp cấp bách, đặc biệt...

400 taxi ở TP.HCM được hoạt động để chở người bệnh

400 taxi ở TP.HCM được hoạt động để chở người bệnh

Động thái này được đưa ra sau khi TP.HCM tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn, nhằm phòng chống Covid-19 trước diễn biến phức tạp. 400 taxi thuộc 2 hãng Vinasun và Mai Linh trước đó được Sở Giao thông vận tải đề xuất cho chạy để phục vụ nhu cầu thiết yếu.

Các xe này tập trung tại bệnh viện, trung tâm y tế, được nhận diện bằng tem do Sở Y tế cấp, dán ở kính trước. Tài xế và khách phải đeo khẩu trang, khai báo y tế, hạn chế dùng máy lạnh, khuyến khích mở cửa kính, có nước rửa tay khô và phun tẩy xe sau mỗi lần chở. Cước vận chuyển tính theo quãng đường.

Ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) cho biết, 200 xe của hãng huy động đều 7 chỗ. Trong khi theo đại diện Mai Linh, hiện công tác chuẩn bị tại đơn vị đã hoàn tất, xe đang chờ dán tem. Các đơn vị bố trí nhân viên điều hành tại các bệnh viện hướng dẫn người dân.

Đây là lần thứ hai TP.HCM dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng để phòng Covid-19. Hiện, toàn bộ xe khách tuyến cố định, buýt, taxi, ôtô hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ... tạm ngưng. Toàn Thành phố hiện có 8.300 taxi các loại.

Đường sắt xin vay cứu trợ 800 tỷ đồng không lãi

Trước nguy cơ mất hết vốn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) xin vay 800 tỷ đồng không lãi để bổ sung nguồn vốn giảm sút từ đầu năm.

Hành khách đi tàu Thống Nhất tại ga Hà Nội

Hành khách đi tàu Thống Nhất tại ga Hà Nội

Ngày 23/6, lãnh đạo VNR cho biết, đề xuất trên là một trong những kiến nghị gửi tới Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó vì Covid -19.

Nếu dịch bệnh kéo dài qua năm 2022, nguy cơ doanh nghiệp này mất hết vốn chủ sở hữu, không có đủ dòng tiền trả lương người lao động. Do đó, đơn vị kiến nghị Chính phủ gói hỗ trợ khẩn cấp bao gồm cấp hạn mức tín dụng 800 tỷ vay ưu đãi không tính lãi để bổ sung cho nguồn vốn lưu động và đề nghị có chính sách hỗ trợ cho 13.000 lao động đang bị mất và thiếu việc làm.

Đồng thời, VNR kiến nghị được giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư cho năm nay và các năm tiếp theo; miễn, giảm, giãn thời gian thu tiền thuê sử dụng đất cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt cho năm 2021. Trong tháng 5, ngành đường sắt dừng 393 đoàn tàu, trong đó 38 đoàn tàu Thống nhất. Có thời điểm, ngành chỉ duy trì một đôi tàu khách tuyến Bắc-Nam, dừng toàn bộ tàu địa phương.

Năm 2020, VNR đã lỗ hơn 1.324 tỷ đồng. Các năm trước, ngành đường sắt thường tăng cường vận chuyển khách vào dịp hè để bù đắp cho các tháng thấp điểm. Tuy nhiên, năm nay dịch kéo dài nên sản lượng vận tải hành khách trong dịp hè cũng bị mất, càng ảnh hưởng đến doanh thu và việc làm của người lao động.

Hiện VNR có 1.169 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động và 136 người nghỉ không hưởng lương. Số lao động nghỉ việc chủ yếu là ở các công ty vận tải do các đoàn tàu bị dừng hoạt động.

Xem xét hủy giấy phép bay của một hãng hàng không

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết đang xem xét hủy giấy phép của Công ty CP Dịch vụ Globaltrans Air (Globaltrans Air) do đã 3 năm nhận giấy phép nhưng vẫn chưa có giấy chứng nhận người khai thác tàu bay.

Nếu không báo cáo lại với Bộ GTVT trước 1/7, Globaltrans Air sẽ bị hủy giấy phép kinh doanh

Nếu không báo cáo lại với Bộ GTVT trước 1/7, Globaltrans Air sẽ bị hủy giấy phép kinh doanh

Cụ thể, Bộ GTVT đã nhận được văn bản của Cục Hàng không hồi đầu tháng 5 về việc hủy bỏ giấy phép kinh doanh hàng không chung của Globaltrans Air.

Cục Hàng không cho biết, Globaltrans Air được Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung từ tháng 4/2018. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Globaltrans Air vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận AOC theo quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực vận tải hàng không. Cục cũng không nhận được phản hồi của Globaltrans Air liên quan đến việc cấp AOC.

Căn cứ theo quy định tại Nghị định số 89/2019, nếu không đáp ứng được điều kiện về AOC thì giấy phép kinh doanh hàng không chung sẽ bị hủy bỏ. Nghị định này yêu cầu hãng khai thác vận tải hàng không sẽ phải bắt đầu khai thác vận tải trong thời gian 18 tháng kể từ ngày được cấp phép và tối đa là 18 tháng phải được cấp giấy chứng nhận AOC, nếu không sẽ bị hủy cả giấy phép kinh doanh hàng không chung.

Với lý do trên, Cục Hàng không kiến nghị Bộ GTVT hủy bỏ giấy phép kinh doanh hàng không chung đã cấp cho Globaltrans Air.

Bộ GTVT tiếp tục đề nghị Globaltrans Air có báo cáo giải trình về việc chưa được cấp giấy chứng nhận AOC từ năm 2018 đến nay. Sau ngày 1/7, nếu không nhận được báo cáo này, Bộ sẽ xem xét việc hủy bỏ giấy phép.

Globaltrans Air nhận giấy phép kinh doanh hàng không chung lần đầu từ năm 2015. Doanh nghiệp có trụ sở tại Quận 3, TP.HCM, với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập đều là các nhà đầu tư trong nước.

Kiến nghị giảm 10% giá vé qua trạm BOT xa lộ Hà Nội từ ngày 1/7 đến 30/9

Nhà đầu tư đề xuất giảm 10% giá vé, tăng thời gian sử dụng vé tháng, quý tại trạm BOT xa lộ Hà Nội để hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động Covid-19.

Xe chạy qua trạm BOT xa lộ Hà Nội

Xe chạy qua trạm BOT xa lộ Hà Nội

Kiến nghị vừa được Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (nhà đầu tư) gửi UBND Thành phố để áp dụng từ ngày 1/7 đến 30/9. Sau thời gian này, trạm BOT xa lộ Hà Nội (TP. Thủ Đức) trở lại mức phí cũ.

Xe mua vé tháng và quý sẽ không giảm giá, song được đề xuất tăng 10% thời gian sử dụng trong giai đoạn được giảm giá.

BOT xa lộ Hà Nội bắt đầu thu phí hồi đầu tháng 4, nhằm hoàn vốn cho dự án mở rộng tuyến đường này và đoạn Quốc lộ 1 từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn (Bình Dương). Toàn Dự án dài 15,7 km, tổng vốn đầu tư hơn 4.900 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đang dự thảo đề xuất giảm phí bảo trì đường bộ cho các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng dịch. Trong đó xe khách, buýt giảm 30%; ôtô tải, xe chuyên dùng, container giảm 10%...

Chuyên đề