Bản tin thời sự sáng 24/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thông 2 hầm trên cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn; Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu xử nghiêm sai phạm phát triển điện gió, mặt trời; bất động sản 3 quý năm nay giao dịch chưa bằng một nửa 2022; sẽ xử lý phá sản Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy…

Thông 2 hầm trên cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn

Hai hầm dài 610 m và 700 m thuộc Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn được thông vượt tiến độ giúp đẩy nhanh tiến độ toàn Dự án.

Hầm số 1 trên cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn được thông

Hầm số 1 trên cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn được thông

Ngày 23/12, hầm số 1 dài 610 m trên cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn được Tập đoàn Đèo Cả đào thông, sớm 2 tháng so với hợp đồng thi công. Một tuần trước, hầm số 2 dài 700 m cũng đã được thông, vượt tiến độ gần 5 tháng.

Đơn vị thi công cho biết, đã tăng cường nhiều giải pháp thi công trong mùa mưa để đẩy nhanh tiến độ 2 hầm xuyên núi. Sau khi đào thông, hầm số 1 và hầm số 2 sẽ được tận dụng làm đường công vụ, rút ngắn thời gian vận chuyển, điều phối vật liệu trên toàn tuyến, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án.

Đối với hầm 3, là hầm xuyên núi lớn nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, hiện tiến độ đạt 400 m trên tổng chiều dài 3.200 m. Theo hợp đồng, hầm này sẽ thông sau 42 tháng thi công, nhưng nhà thầu đang nỗ lực để thông hầm đường bộ cấp đặc biệt này sớm hơn kế hoạch.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả Nguyễn Quang Huy cho biết, toàn tuyến có 44 mũi thi công với hơn 3.050 người và hơn 1.150 máy móc thiết bị, thi công 3 ca. Với hạng mục hầm, các kỹ sư, công nhân thay ca để công trường liên tục cả ngày lẫn đêm.

Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn dài 88 km, đi qua Quảng Ngãi và Bình Định, tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng, là dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông, khởi công đầu năm nay. Điểm đầu Dự án kết nối cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; điểm cuối giao Đường tỉnh 629, kết nối cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn. Trong giai đoạn đầu, cao tốc được đầu tư 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/h, dự kiến hoàn thành năm 2026.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu xử nghiêm sai phạm phát triển điện gió, mặt trời

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu xử nghiêm sai phạm trong quy hoạch, đầu tư, xây dựng điện mặt trời, điện gió tại Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, không để thất thoát tài sản nhà nước.

Công nhân lắp đặt các tấm pin điện mặt trời tại một dự án ở Ninh Thuận

Công nhân lắp đặt các tấm pin điện mặt trời tại một dự án ở Ninh Thuận

Chỉ đạo này được nêu tại thông báo của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về phát triển, đầu tư điện gió, mặt trời.

Theo Kết luận thanh tra hồi tháng 4, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều vi phạm trong phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời vào quy hoạch, dẫn tới mất cân đối nguồn và lưới điện. Việc này gây khó cho quản lý vận hành, lãng phí nguồn lực.

Cụ thể, Quy hoạch điện VII điều chỉnh đưa ra kế hoạch lắp đặt 850 MW điện mặt trời vào năm 2020, và tăng lên 4.000 MW vào năm 2025, nhưng thực tế công suất được bổ sung quy hoạch vượt nhiều lần.

Đến cuối năm 2020 - thời điểm hết hạn giá FIT ưu đãi 9,35 cent/kWh theo Quyết định số 11/2017, 129 dự án đã vận hành thương mại, công suất 8.581 MW, cao hơn 10 lần công suất phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Ngoài ra, điện mặt trời mái nhà cũng phát triển nhanh, nâng tổng công suất nguồn điện mặt trời lên 16.506 MW, gấp hơn 19 lần công suất phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Việc này dẫn tới cơ cấu công suất nguồn điện mặt trời tăng 1,4% lên 23,8%.

Về việc chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương và chuyển hồ sơ, tài liệu các vụ việc sang Bộ Công an, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Thanh tra Chính phủ thực hiện theo thẩm quyền.

Bộ Công Thương, các bộ, ngành và UBND các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Long An, Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện các kiến nghị tại Kết luận thanh tra và báo cáo kết quả trong tháng 3/2024.

Bất động sản 3 quý năm nay giao dịch chưa bằng một nửa 2022

Thị trường bất động sản năm 2023 trầm lắng khi lượng giao dịch thành công sau 9 tháng chỉ bằng 41% của cả năm 2022.

Chung cư tại khu Nam Trung Yên bên đường Vành đai 3, Hà Nội

Chung cư tại khu Nam Trung Yên bên đường Vành đai 3, Hà Nội

Báo cáo tổng kết năm 2023, Bộ Xây dựng nhận định, thị trường bất động sản nửa đầu năm tiếp tục tình trạng trầm lắng kéo dài của năm 2022. 6 tháng cuối năm, thị trường có những tín hiệu tích cực hơn, biểu hiện rõ ràng nhất ở các phân khúc đất nền, chung cư có thanh khoản tốt hơn.

Tuy nhiên, nếu tính đến hết quý III, có khoảng hơn 320.000 giao dịch thành công, ước đạt hơn 41% lượng giao dịch của năm 2022. Như vậy, lượng giao dịch sau 3 quý chưa bằng nửa của năm ngoái. Chủ yếu giao dịch thành công trong phân khúc đất nền và chung cư, nhưng cũng chỉ bằng hơn 35% của năm 2022. Trong đó, lượng giao dịch chung cư, nhà ở riêng lẻ bằng hơn 63% năm 2022.

Tổng hợp từ các địa phương, tổ chức nghiên cứu thị trường, Bộ chủ quản về thị trường bất động sản ghi nhận, chỉ có giá nhà ở thấp tầng giảm khoảng 10% - 20%. Giá căn hộ chung cư liên tục tăng cao vì nguồn cung khan hiếm, gây khó khăn cho người mua có nhu cầu ở thực.

Nguồn cung bất động sản hạn chế ở tất cả các phân khúc, đặc biệt thiếu nhà ở xã hội, nhà thương mại. Cả năm chỉ có 42 dự án nhà ở thương mại với gần 16.000 căn hộ hoàn thành, đạt hơn 46% so với năm 2022; dự án du lịch nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp lưu trú có 17 dự án hoàn thành, bằng gần 57% năm 2022; chỉ có 5 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với 850 căn hộ... Nguyên nhân chính là vướng mắc pháp lý chưa được giải quyết.

Số liệu thống kê từ 53/63 địa phương cho thấy, tồn kho bất động sản còn khoảng hơn 18.800 căn, chủ yếu là nhà ở riêng lẻ và đất nền tại các dự án.

Sẽ xử lý phá sản Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy

Công ty mẹ và 7 doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) sẽ phá sản từ quý I/2024, theo nghị quyết vừa được Chính phủ ban hành.

Công ty Đóng tàu Hạ Long - một trong 7 công ty con của SBIC

Công ty Đóng tàu Hạ Long - một trong 7 công ty con của SBIC

SBIC tiền thân là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) gồm công ty mẹ và 7 công ty con, là các Công ty TNHH MTV Đóng tàu: Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Thịnh Long, Cam Ranh; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn và Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn. Các doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực đóng mới, sửa chữa tàu biển.

Theo Nghị quyết của Chính phủ, Công ty mẹ và 7 công ty con sẽ thực hiện các thủ tục phá sản từ quý I/2024. Quá trình này, Chính phủ lưu ý Bộ Giao thông vận tải, Tài chính và các đơn vị liên quan hạn chế tối đa dùng ngân sách, thu hồi tối đa vốn, tài sản nhà nước và giảm thiểu tổn thất cho ngành đóng tàu, sửa chữa tàu.

Phần vốn góp của Công ty mẹ - SBIC và Công ty TNHN MTV Đóng tàu Bạch Đằng tại Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm sẽ được thu hồi theo trình tự, thủ tục Luật Phá sản và quy định về chuyển nhượng vốn nhà nước. Công việc này thực hiện song song quá trình làm thủ tục phá sản SBIC.

Với các doanh nghiệp thuộc cơ cấu Vinashin trước đây không giữ lại trong cơ cấu SBIC nhưng chưa hoàn tất quá trình tái cơ cấu, Chính phủ yêu cầu các bên tiếp tục xử lý để thu hồi tài sản.

Trong quá trình xử lý phá sản SBIC, Chính phủ lưu ý các cơ quan đánh giá đúng thực trạng tình hình, tính toán đủ, chính xác số liệu tài sản, nghĩa vụ nợ và xây dựng phương án thanh toán nợ của Chính phủ tại doanh nghiệp này.

Ngoài ra, việc thực hiện các thủ tục phá sản SBIC và các doanh nghiệp thành viên cần bảo đảm quyền lợi của người lao động, tránh xảy ra ảnh hưởng tiêu cực, gây khiếu kiện. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc phát sinh, các bộ, ngành đề xuất Chính phủ phương án giải quyết.

SBIC được thành lập và hoạt động từ ngày 1/1/2014 với vốn điều lệ 9.520 tỷ đồng, sau quá trình cơ cấu, xóa mô hình tập đoàn tại Vinashin do loạt sai phạm, thua lỗ.

Thiếu mặt bằng, Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ nguy cơ chậm tiến độ

Tháng 10, tỉnh Quảng Trị phải bàn giao mặt bằng sạch cho Chủ đầu tư Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, nhưng đến nay mới giao được 71%.

Công trường thi công cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ

Công trường thi công cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ

Ngày 23/12, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, trong 12 dự án cao tốc Bắc Nam đang được triển khai, Quảng Trị đứng sau cùng về giải phóng mặt bằng. Trong 66,5 km cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, đoạn qua Quảng Trị dài 32,5 km. Đến nay, Quảng Trị mới bàn giao mặt bằng sạch được 23 km, đạt 71%.

"Theo kế hoạch, cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ chỉ còn 18 tháng nữa hoàn thành, song đơn vị chưa nhận được 100% mặt bằng sạch do Quảng Trị bàn giao. Dự án có nguy cơ chậm tiến độ nếu công tác giải phóng mặt bằng chậm như hiện nay", đại diện Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh nói.

Thừa nhận việc chậm trễ, đại diện Sở Giao thông vận tải Quảng Trị giải thích, địa phương phải di dời, tái định cư 351 hộ dân ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ, song đến nay mới di dời được 28 hộ ở huyện Cam Lộ. Nguyên nhân là tiến độ xây dựng 9 khu tái định cư với tổng diện tích hơn 37 ha ở 3 huyện quá chậm, trong đó 3 khu tái định cư ở huyện Cam Lộ gặp khó khăn về đất đắp. Người dân chưa được nhận nhà tái định cư nên chưa thể bàn giao mặt bằng.

Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị cho biết, để sớm bàn giao mặt bằng, địa phương sẽ nâng mức tạm cư từ 1,2 lên 2 triệu đồng/tháng đối với các hộ dân đã nhận tiền đền bù, đồng thời đẩy nhanh việc thi công các khu tái định cư để di dời dân.

Cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ được khởi công ngày 1/1/2023 với chiều dài toàn tuyến 65,5 km, trong đó đoạn đi qua Quảng Bình dài 32,97 km và đoạn đi qua Quảng Trị dài 32,53 km.

Bộ Xây dựng bán cổ phiếu Tổng công ty Sông Hồng với giá gấp 3 lần thị trường

Hơn 13,2 triệu cổ phiếu Tổng công ty CP Sông Hồng được bán đấu giá thành công ở mức 10.500 đồng/cổ phiếu, gấp 3 lần thị giá, mang về cho Bộ Xây dựng 139 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng đại diện Nhà nước sở hữu 49,04% vốn tại Tổng công ty Sông Hồng

Bộ Xây dựng đại diện Nhà nước sở hữu 49,04% vốn tại Tổng công ty Sông Hồng

Theo thông báo gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Bộ Xây dựng đã bán đấu giá thành công hơn 13,2 triệu cổ phiếu SHG của Tổng công ty CP Sông Hồng. Có 2 nhà đầu tư mua vào toàn bộ lượng cổ phiếu trên, gồm 1 tổ chức và 1 cá nhân, đều đến từ trong nước.

Giá khớp là 10.500 đồng một cổ phần, bằng với mức khởi điểm. Theo đó, Bộ Xây dựng thu về hơn 139 tỷ đồng và không còn nắm giữ cổ phần sau giao dịch.

Trên thị trường, SHG tăng hết biên độ để chốt phiên cuối tuần ở 3.100 đồng một đơn vị. Như vậy, mức giá ở thương vụ này cao gấp 3,4 lần thị giá hiện tại của cổ phiếu.

Tại Tổng công ty CP Sông Hồng, Bộ Xây dựng đại diện Nhà nước sở hữu 49,04% vốn. Cơ quan này từng muốn thoái sạch phần vốn vào cuối năm 2020 nhưng không thành do "chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền".

Tổng công ty CP Sông Hồng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thi công xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, kỹ thuật hạ tầng đô thị và khu công nghiệp. Tổng công ty từng tham gia nhiều công trình lớn như sân bay Nội Bài (Hà Nội), Nhà máy Giấy Bãi Bằng (Phú Thọ), Nhà thi đấu đa năng Đà Nẵng, khu nhà máy chính và khu hành chính thuộc Nhiệt điện Vũng Áng 1 (Hà Tĩnh) hay các dự án căn hộ chung cư ở Hà Nội...

Thao túng thị trường chứng khoán, một cá nhân bị phạt 1,5 tỷ đồng

Ông Nguyễn Việt Hà, ở Hà Nội, vừa bị phạt 1,5 tỷ đồng và cấm giao dịch 2 năm do dùng nhiều tài khoản tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu GKM.

Ông Nguyễn Việt Hà ở Hà Nội dùng nhiều tài khoản tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu GKM

Ông Nguyễn Việt Hà ở Hà Nội dùng nhiều tài khoản tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu GKM

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, đã phạt ông Nguyễn Việt Hà, trú tại số 68 phố Linh Lang, quận Ba Đình, Hà Nội số tiền 1,5 tỷ đồng do có hành vi thao túng thị trường chứng khoán, làm giá cổ phiếu GKM của Công ty CP Khang Minh Group.

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ ngày 2/8/2021 đến 28/1/2022, ông Nguyễn Việt Hà đã sử dụng 23 tài khoản để liên tục mua, bán, giao dịch cổ phiếu GKM trên sàn HNX nhằm tạo cung, cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu. Kết quả kiểm tra, tính toán cho thấy không có khoản thu trái pháp luật nào từ hành vi vi phạm của cá nhân này.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong giai đoạn ông Hà thực hiện hành vi vi phạm, cổ phiếu GKM đã tăng sốc từ mức 7.540 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh) lên 39.390 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng ròng hơn 5 lần chỉ trong chưa đầy 5 tháng. Đây cũng là đợt tăng giá mạnh nhất mà cổ phiếu GKM ghi nhận được trong cùng khoảng thời gian kể từ khi niêm yết.

Ngoài xử phạt, ông Hà bị cấm giao dịch chứng khoán 2 năm kể từ ngày 9/10. Ông còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam.

Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc có xu hướng tăng

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, các tháng cuối năm, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc có cơ hội tăng do nước này tăng nhập khẩu để phục vụ nghỉ lễ.

Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc có xu hướng tăng

Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc có xu hướng tăng

Dẫn số liệu hải quan, VASEP cho biết, tháng 11, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc và Hong Kong tiếp tục duy trì tăng trưởng hai con số, giá trị đạt hơn 39 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt hơn 36 triệu USD, tăng 29%.

VASEP cho biết, càng về cuối năm, Trung Quốc càng có xu hướng tăng nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam để phục vụ cho dịp nghỉ lễ cuối năm. Kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này liên tục tăng trưởng trong 3 tháng kể từ tháng 9. Các sản phẩm chủ lực gồm cá tra và phi lê cá tra đông lạnh.

Tuy nhiên, lũy kế 11 tháng, lượng cá tra Việt Nam xuất sang Trung Quốc đạt gần 500 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ 2022.

Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), nhập khẩu các sản phẩm cá thịt trắng, cá da trơn (chủ yếu là cá tra) từ Việt Nam vào Trung Quốc tăng mạnh từ năm 2012 tới năm 2022. 9 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc có xu hướng tăng nhập các sản phẩm chả cá, surimi cá rô phi từ Việt Nam.

Việt Nam hiện chiếm 16% tổng khối lượng cá thịt trắng mà Trung Quốc nhập khẩu, xếp thứ hai sau Nga về nguồn cung cá thịt trắng cho Trung Quốc và vượt xa Mỹ, Na Uy.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, 10 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu hơn 145.000 tấn cá tra, cá da trơn (chủ yếu là cá tra) từ Việt Nam. Trong đó, Quảng Đông là tỉnh tiêu thụ nhiều nhất với hơn 24.000 tấn. Sau Quảng Đông, các tỉnh, thành phố như Sơn Đông, Thượng Hải, Bắc Kinh cũng là những điểm đến hàng đầu của cá tra Việt.

Chuyên đề