TP.HCM thiếu 6 vaccine tiêm chủng mở rộng
Do không được phân bổ, TP.HCM thiếu 6 vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng để tiêm miễn phí cho trẻ.
TP.HCM thiếu 6 vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng để tiêm miễn phí cho trẻ |
Theo công văn của Sở Y tế gửi đến UBND TP.HCM, dự kiến thời gian tới sẽ thiếu 6 loại vaccine gồm sởi, DPT (ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván), viêm não Nhật Bản, lao, sởi - rubella và DPT - VGB - Hib (SII, vaccine phối hợp 5 trong 1 phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib).
Đây là những vaccine do Chương trình Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế cung cấp định kỳ với số lượng căn cứ đăng ký về nhu cầu tiêm chủng của mỗi địa phương. Mỗi tháng, TP.HCM cần hơn 5.000 - 11.000 liều mỗi loại vaccine trên để tiêm miễn phí cho trẻ.
Trong đó, các vaccine phòng viêm não Nhật Bản, sởi - rubella, bại liệt đã hết. Vaccine ngừa lao và DPT - VGB - HiB dự báo thiếu từ giữa tháng 12. Riêng vaccine phòng sởi và DPT bị gián đoạn cung ứng từ tháng 5 đến nay. Sở Y tế đã ba lần gửi công văn vào tháng 6, tháng 8 và tháng 9, đề nghị Chương trình Tiêm chủng mở rộng phân bổ kịp thời, đủ số lượng cho Thành phố để tiêm miễn phí cho trẻ, song vẫn chưa được cung cấp.
Thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM yêu cầu các trạm y tế lập danh sách trẻ đến tuổi mà chưa được tiêm chủng để khi có vaccine thì mời tiêm ngay. Nếu có điều kiện, phụ huynh có thể đưa con đi tiêm chủng ở các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.
Vào tháng 9, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lý giải nguyên nhân thiếu một số loại vaccine là do vướng mắc các thủ tục trong mua bán, cung ứng. Bộ Y tế đôn đốc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các đơn vị sản xuất "khẩn trương hoàn thiện thủ tục đặt hàng để có vaccine cung ứng cho công tác tiêm chủng".
Báu vật triều Nguyễn được đấu giá tại Pháp, giá khởi điểm 3 triệu euro
Kim ấn triều Nguyễn dưới thời Minh Mạng được nhà đấu giá Millon giới thiệu trên trang web chính thức, với mức giá khởi điểm từ 2 đến 3 triệu euro (48,1 tỷ đồng đến 72,2 tỷ đồng).
Hình ảnh kim ấn triều Nguyễn được giới thiệu trên trang web chính thức của nhà đấu giá Millon (Ảnh: Millon) |
Theo thông tin chính thức của Millon, hãng đấu giá ra đời từ năm 1928 có trụ sở tại Paris (Pháp), dự kiến ngày 31/10, hãng sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có món cổ vật của nhà Nguyễn (1802 - 1945).
Thông tin mô tả của đơn vị tổ chức đấu giá cho biết, đây là kim ấn triều Nguyễn được làm bằng vàng quý hiếm, đúc vào năm 1823 triều Minh Mạng (1820 - 1841), gồm một đế vuông kép xếp chồng lên nhau. Kích thước của cổ vật cao 10,4 cm, mặt ấn hình vuông (13,8cm x 13,7cm), nặng 10,78 kg. Quai ấn đúc hình con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước, tư thế vững vàng. Trán rồng có khắc chữ, vây lưng và đuôi rồng dựng đứng. Bốn chân rồng đúc hiển thị rõ năm móng.
Mặt trên của ấn và hai bên quai ấn có khắc chìm hai dòng chữ Hán "Minh Mạng tứ niên, nhị nguyệt, sơ tứ nhật, cát thời chú tạo" và "Thập thành hoàng kim, trọng nhị bách bát thập lạng, cửu tiền nhị phân".
Trong khi đó, phần mặt dưới khắc nổi 4 chữ triện "Hoàng đế chi bảo" (tạm dịch: Báu vật của Hoàng đế). Đây vốn là một trong những chiếc ấn quan trọng nhất của triều Nguyễn, chỉ được sử dụng cho sắc phong quan trọng nhất.
Trong phần mô tả thông tin của nhà đấu giá Drouot, trong suốt 143 năm triều Nguyễn, ấn được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như vàng, ngọc, ngà voi, bạc, đồng, được các thành viên hoàng gia sử dụng tùy theo từng cấp bậc. Triều Nguyễn tạo tác và dùng nhiều loại ấn triện, trong đó quý nhất là ấn làm bằng vàng, gọi là "kim ấn". Triện làm bằng ngọc, gọi là "ngọc tỷ".
Ở thời vua Minh Mạng, có 15 chiếc ấn bằng ngọc và vàng được chế tác, trong số đó bao gồm cả món cổ vật được đưa ra đấu giá tới đây.
Tuyến metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo từ 19.500 tỷ tăng lên 35.700 tỷ đồng
Tổng mức đầu tư Dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được đề xuất điều chỉnh tăng hơn 16.000 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư tuyến đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được đề xuất tăng 82% so với quyết định ban đầu |
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) vừa trình UBND TP. Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị tuyến 2 của TP. Hà Nội, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Theo đó, MRB đề xuất điều chỉnh đoạn tuyến đi ngầm thành 8,9 km và đoạn tuyến trên cao thành 2,6 km. Nguyên nhân do thay đổi phương án trắc dọc đoạn chuyển tiếp từ phần cầu cạn sang phần hầm ngầm, đồng thời thay đổi phạm vi giữa 2 phần trên cao và ngầm.
Trên cơ sở điều chỉnh quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư Dự án được đề xuất điều chỉnh tăng lên 35.679 tỷ đồng, tăng 16.124 tỷ đồng (82%) so với quyết định được phê duyệt.
Lý giải thêm về việc thay đổi tổng mức đầu tư Dự án, theo MRB, Dự án được nghiên cứu lập tại giai đoạn năm 2007 - 2008, khi đó ở Việt Nam chưa có đầy đủ các định mức, đơn giá áp dụng cho loại công trình đường sắt đô thị.
Căn cứ vào đề xuất điều chỉnh quy mô, MRB cũng kiến nghị thời gian hoàn thành Dự án trong giai đoạn 2009 - 2034 (dự kiến thời gian bảo dưỡng khoảng 5 năm).
Theo Quyết định số 2054 ngày 13/11/2008 của UBND TP. Hà Nội phê duyệt Dự án, tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có tổng chiều dài tuyến 11,5 km. Trong đó, 8,5 km đường đi ngầm, 3 km đi trên cao.
Thời gian thực hiện Dự án trong giai đoạn 2009 - 2015, thời gian bảo dưỡng dự kiến khoảng 5 năm. Tổng mức đầu tư Dự án là 19.555 tỷ đồng.
Cuộc đấu giá 52 ô đất tại Tam Nông (Phú Thọ) bị hủy sau cự cãi
Ngày 22/10, UBND huyện Tam Nông (Phú Thọ) tổ chức đấu giá quyền sử dụng 52 ô đất tại 3 xã Lam Sơn, Dân Quyền và Tề Lễ. Tuy nhiên, kết quả của cuộc đấu giá này bị hủy bỏ do một số người tham gia cho rằng có sai phạm và báo với cơ quan chức năng.
Các cơ quan chức năng đã đến lập biên bản, dừng cuộc đấu giá và niêm phong toàn bộ hồ sơ |
Tối 22/10, ông Đặng Vũ Tuấn, Chủ tịch UBND xã Lam Sơn và ông Đào Tiến Lực, Chủ tịch UBND xã Dân Quyền (huyện Tam Nông) cho biết, buổi đấu giá do Công ty Đấu giá hợp danh Việt Linh (đơn vị ký hợp đồng với UBND huyện Tam Nông) tổ chức và có gần 600 hồ sơ tham gia. Tuy nhiên, đến cuối giờ sáng đã có những cự cãi từ phía đơn vị tổ chức và người tham gia đấu giá. Sau đó, lực lượng công an xuất hiện và tiến hành niêm phong toàn bộ hồ sơ.
Một nhân chứng cho biết, một số người tham gia đấu giá cho rằng có dấu hiệu bất thường trong việc giám sát, kiểm phiếu, công bố người trúng đấu giá; phiếu trả giá có vấn đề về nét chữ, màu mực, thậm chí ghi sai vẫn được công nhận...
Vì vậy, những người tham gia bất bình và cho rằng có dấu hiệu sai phạm nên đã gọi cơ quan chức năng của huyện Tam Nông đến. Sau đó, công an đến lập biên bản, dừng cuộc đấu giá, toàn bộ hồ sơ đã bị niêm phong.
Kiến nghị chưa nâng cấp hệ thống thu phí của Metro số 1
Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất chưa nâng cấp hệ thống thu phí tự động của Metro số 1 với kinh phí 159 tỷ đồng vì phương án thiếu khả thi, ảnh hưởng tiến độ.
Ga trên cao Khu công nghệ cao, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên |
Nội dung trên vừa được Sở Giao thông vận tải gửi UBND TP.HCM, sau khi Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR - chủ đầu tư) đề xuất nâng cấp hệ thống thu phí tự động (AFC) để khắc phục hạn chế giúp Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vận hành hiệu quả.
Hệ thống AFC của Metro số 1 được thiết kế cách đây 12 năm, đang tồn tại nhiều bất cập như chỉ hỗ trợ vé lượt, vé ngày và vé tích tiền. Các loại vé này không định danh nên không áp dụng được chính sách giảm giá cho học sinh, sinh viên, người khuyết tật... Việc mua vé, nạp tiền cũng hạn chế như không thể chuyển khoản, sử dụng ví điện tử, thẻ tín dụng... Ngoài ra, hệ thống không liên thông với các loại hình giao thông khác như xe buýt, BRT...
Theo Sở Giao thông vận tải, việc bổ sung chức năng cho hệ thống AFC là cần thiết, giúp đa dạng phương thức thanh toán... nhưng các phương án đề xuất chưa phù hợp. Cụ thể, nếu dùng vốn ODA của Metro số 1 sẽ phát sinh thủ tục, ảnh hưởng tiến độ hoàn thành công trình vào năm sau. Phương án này cũng có chi phí cao vì phải sử dụng công nghệ, thiết bị của nhà thầu nước ngoài, trong khi đơn vị trong nước có thể cung cấp.
Trường hợp dùng ngân sách nhà nước để nâng cấp hệ thống thu phí cho tuyến metro cũng bị cho là khó thực hiện vì sẽ hình thành một dự án đồng thời. Điều này gây chồng chéo, dễ xảy ra tranh chấp kỹ thuật, công nghệ, chất lượng cũng như trách nhiệm bảo hành hệ thống khi khai thác. Chưa kể, việc dùng ngân sách nhà nước sẽ phải rà lại kế hoạch vốn, thủ tục đầu tư công nên khó bảo đảm tiến độ tuyến metro.
Với phương án sử dụng nguồn xã hội hóa, ngành giao thông vận tải đánh giá các nội dung đề xuất còn sơ bộ, chưa rõ phương thức đầu tư PPP, nên chưa có cơ sở xem xét.
Gấp rút thi công nút giao gần 1.000 tỷ đồng ở Quảng Ninh
Các công nhân chia làm ba ca làm việc từ 6h đến 22h để hoàn thiện nút giao Hạ Long Xanh gần 1.000 tỷ đồng ở thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh).
Nút giao Hạ Long Xanh có vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh Quảng Ninh |
Nút giao Hạ Long Xanh được khởi công vào tháng 12/2020, tại Km6+700 cao tốc Hạ Long - Hải Phòng. Công trình có vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh Quảng Ninh, mục đích hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư và phát huy lợi thế về đất đai trong khu vực.
Dự án được gia hạn một lần từ tháng 3 đến tháng 10/2022. Nhà thầu và chủ đầu tư đang xin gia hạn tiếp, cam kết hoàn thiện Dự án vào tháng 10/2023. Nguyên nhân là chưa giải phóng xong mặt bằng và thiếu vật liệu đắp nền đường.
Công trình có nút giao khác mức liên thông dạng hoa thị hoàn chỉnh, đường cấp 3 đồng bằng, một cầu vĩnh cửu vượt qua cao tốc Bạch Đằng - Hạ Long, 13 cống thoát nước cùng hệ thống điện chiếu sáng.
Hiện hạng mục cầu vượt cao tốc đã hoàn thành thi công kết cấu chính. Trong tháng 10, nhà thầu sẽ trải nhựa mặt đường và lắp lan can cầu.
Cầu vượt dài hơn 360 m, gồm 2 đơn nguyên độc lập cách nhau 2,5 m. Bề rộng mặt cầu mỗi đơn nguyên 16 m, bao gồm 3 làn xe cơ giới, một làn xe hỗn hợp.
Ông Trần Hải Đăng, Chỉ huy trưởng Dự án xây dựng nút giao Hạ Long Xanh, cho biết, việc đắp đất nền đường và xử lý đất yếu đang gặp khó vì thiếu nguồn đất đắp. Mỗi ngày, Dự án chỉ có khoảng 3.000 m3 đất, trong khi theo thiết kế phải cần đến 8.000 m3.
Thời gian thi công dự kiến 450 ngày. Tuy nhiên, đến nay Dự án mới đạt khoảng 65% khối lượng.
Cách chức Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị
UBND tỉnh Quảng Trị vừa ra quyết định cách chức Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tỉnh với ông Trần Văn Tý vì có nhiều sai phạm.
Trụ sở Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị |
Trước đó, Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị đã thi hành Quyết định cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Trần Văn Tý, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị.
Trong thời gian giữ chức vụ Bí thư Chi bộ Văn phòng Chi cục Kiểm lâm Tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Trưởng Ban Quản lý dự án nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng, ông Trần Văn Tý đã có nhiều vi phạm.
Cụ thể, ông Tý sử dụng tài chính của đơn vị vào một số nhiệm vụ trái quy định, vi phạm Luật Ngân sách nhà nước; không ban hành quy chế hoạt động; không phân công nhiệm vụ cho các thành viên để tổ chức thực hiện; quyết định một số nhiệm vụ sai nguyên tắc; một số hạng mục dự án chưa thực hiện nhưng đã thanh toán, giải ngân là vi phạm quy tắc tập trung dân chủ và Luật Kế toán.
Trước đó, Thanh tra tỉnh Quảng Trị phát hiện nhiều sai phạm tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị. Cụ thể, trong 2 năm 2019, 2020, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị lập một số hồ sơ chứng từ khống để thanh toán như: tiền bảo vệ, diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng, thanh toán khống tiền làm các vách ngăn kính phòng làm việc, lập khống thanh toán chi phí tổ chức 2 lớp tập huấn nghiệp vụ bảo vệ rừng… với số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Tháng 9/2021, theo đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị, Thanh tra Tỉnh đã chuyển báo cáo kết quả thanh tra, Kết luận thanh tra về những sai phạm tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị.