Bản tin thời sự sáng 22/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam công bố mẫu hộ chiếu vaccine; TP.HCM điều chỉnh kế hoạch tiêm mũi 3; các hãng hàng không tăng tần suất bay dịp Tết Nguyên đán 2022; khách hàng Bkav bị lộ thông tin; phạt 137 triệu đồng chủ nhãn hàng quảng cáo phản cảm trên tàu Cát Linh; TP.HCM đề xuất đầu tư buýt chất lượng cao thay thế buýt nhanh…

Việt Nam công bố mẫu hộ chiếu vaccine

Bộ Y tế công bố mẫu và quy trình cấp hộ chiếu vaccine Covid-19 gồm ba bước.

Biểu mẫu hộ chiếu vaccine của Việt Nam.

Biểu mẫu hộ chiếu vaccine của Việt Nam.

Theo đó, hộ chiếu vaccine của Việt Nam sẽ có 11 thông tin, gồm: Họ và tên; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; tên bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới; số mũi tiêm; ngày tiêm; liều số; vaccine; sản phẩm vaccine; nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine; mã số của chứng nhận.

Các thông tin trên sẽ được ký số, mã hóa và đóng gói dưới dạng mã QR định dạng 2D. Mã QR trên hộ chiếu vaccine sẽ hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày khởi tạo.

Bộ Y tế cho biết, các thông tin về vaccine, loại vaccine, nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine sẽ được hiển thị tương ứng với tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh châu Âu (EU).

Quy trình cấp hộ chiếu cho công dân Việt Nam sẽ gồm ba bước. Đầu tiên, các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng vaccine Covid-19.

Bước hai, cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số trên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19. Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19.

Bước ba, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng vaccine Covid-19. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của EU.

TP.HCM điều chỉnh kế hoạch tiêm mũi 3

Người từ 18 tuổi trở lên, đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung sau 3 tháng đủ điều kiện tiêm mũi 3. Trong đó, người trên 50 tuổi, có bệnh nền được ưu tiên.

TP.HCM điều chỉnh kế hoạch tiêm mũi 3

TP.HCM điều chỉnh kế hoạch tiêm mũi 3

Ngày 21/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM có công văn điều chỉnh kế hoạch tiêm vaccine mũi 3 trên địa bàn.

TP.HCM sẽ tiêm vaccine liều bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch, cụ thể như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang hoặc đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong vòng 6 tháng... Hoặc người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine của hãng Sinopharm hoặc Sputnik V.

Các trường hợp này phải tiêm mũi vaccine cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày.

Những người có chỉ định tiêm liều bổ sung sau khi đã tiêm liều bổ sung được xem đã hoàn thành liều cơ bản.

Liều nhắc lại dành cho người từ 18 tuổi trở lên, đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung ít nhất 3 tháng. Trong đó, TP.HCM ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, lực lượng tuyến đầu...

Người đã mắc Covid-19 nếu chưa được tiêm liều bổ sung hoặc liều nhắc lại thì tiêm theo hướng dẫn trên sau khi hoàn thành cách ly.

Các hãng hàng không tăng tần suất bay dịp Tết Nguyên đán 2022

Các hãng hàng không bắt đầu mở bán vé máy bay Tết Nguyên đán 2022, trong đó Vietnam Airlines dự kiến sẽ cung ứng gần 2 triệu chỗ.

Các hàng không tăng tần suất bay dịp Tết Nguyên đán 2022

Các hàng không tăng tần suất bay dịp Tết Nguyên đán 2022

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, số chỗ cung ứng tương đương 10.000 - 11.000 chuyến bay từ ngày 16/1 - 15/2/2022, tức từ 14 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng. So với cùng kỳ năm trước, số chuyến giảm nhẹ khoảng 10%.

Hiện Vietnam Airlines đã chính thức mở bán 1,2 triệu ghế và sẽ tiếp tục tăng số lượng theo nhu cầu thị trường và sự cho phép của cơ quan chức năng.

Các đường bay được mở bán vé nhiều trong dịp Tết là giữa Hà Nội và TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc; giữa TP.HCM và Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Huế, Chu Lai, Quy Nhơn, Phú Quốc, Nha Trang, Côn Đảo... Đây đều là những đường bay thu hút lượng lớn khách di chuyển vào dịp Tết hàng năm để về quê, thăm thân hoặc đi du lịch.

Bamboo Airways cũng tăng tần suất trên nhiều đường bay nội địa để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách trong giai đoạn cao điểm cuối năm. Cụ thể, trên đường bay Hà Nội - TP.HCM, hãng tăng lên 4 - 5 chuyến khứ hồi mỗi ngày từ 15/12. Các đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM với Đà Nẵng cũng được tăng lên 2 - 3 chuyến khứ hồi mỗi ngày.

Cùng với đó, các đường bay kết nối các thành phố du lịch nổi tiếng như như Hà Nội/TP.HCM - Phú Quốc, Hà Nội - Cam Ranh..., và các đường bay ngách từ TP.HCM tới Vinh/Thanh Hóa... cũng được tăng tần suất khai thác tối đa.

Dự kiến các ngày cao điểm Tết, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đón 1.100 chuyến bay, sân bay Nội Bài đón khoảng 600 chuyến cất hạ cánh, tăng khoảng 20% so với ngày thường. Cục trưởng Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng xây dựng kế hoạch tăng chuyến và bố trí các chuyến bay khai thác buổi đêm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.

Lớp 9 và 12 TP.HCM tiếp tục đến trường sau 25/12

Hết hai tuần thí điểm 13 - 25/12, học sinh lớp 9 và 12 tiếp tục đến trường, các khối khác sẽ được TP.HCM xem xét, quyết định sau.

Học sinh lớp 9 trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức) trong tiết học ngày 13/12

Học sinh lớp 9 trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức) trong tiết học ngày 13/12

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết thông tin trên, sau khi kiểm tra việc học trực tiếp tại một số trường trung học. Theo đó, quá trình thí điểm từ 13/12 đến nay được đánh giá là hiệu quả, trường học thực hiện tốt biện pháp phòng chống dịch. Các trường đang dần thích ứng với việc dạy học trong bối cảnh mới.

Sau hai tuần dạy thí điểm, học sinh khối 9 và 12 tiếp tục đến trường. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và các quận, huyện dành một tuần tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm. Trên cơ sở này, TP.HCM sẽ quyết định việc tiếp tục mở rộng học trực tiếp cho các khối khác, dự kiến từ 3/1/2022.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, quan điểm của Thành phố trong việc dạy học trực tiếp là an toàn đến đâu, mở cửa đến đó. Sau ngày 25/12, Thành phố sẽ có bức tranh cụ thể, rõ ràng để có phương án đưa dạy và học về trạng thái bình thường.

Khách hàng Bkav bị lộ thông tin

Cơ sở dữ liệu người dùng của Bkav bị phát tán trên một diễn đàn và Công ty sau đó thừa nhận vô tình để lộ thông tin của 200 khách hàng.

Thông tin của 200 người dùng bị hacker chia sẻ trên diễn đàn mua bán dữ liệu

Thông tin của 200 người dùng bị hacker chia sẻ trên diễn đàn mua bán dữ liệu

Bộ dữ liệu được thành viên seasalt123 chia sẻ trên một website chuyên mua bán dữ liệu từ ngày 19/12, nhưng mới được giới bảo mật trong nước phát hiện chiều ngày 21/12. Trong đó là thông tin tài khoản của hơn 200 người dùng, gồm họ tên, số điện thoại hoặc email tùy thuộc phương thức đăng ký trước đó. Thành viên này cho biết lấy được dữ liệu trên từ Breport - website được Bkav sử dụng làm nơi góp ý, báo lỗi về các sản phẩm của hãng.

Chiều 21/12, Bkav xác nhận số dữ liệu trên bị rò rỉ từ website của Công ty. Đây là lần thứ hai Bkav gặp sự cố liên quan đến rò rỉ thông tin trong 4 tháng qua. Hồi tháng 8, hacker có tên chunxong cũng rao bán bộ mã nguồn của Bkav với giá 250 nghìn USD. Công ty khi đó giải thích dữ liệu "bị rò rỉ từ nhân viên cũ". Tuy nhiên, chunxong sau đó phủ nhận, đồng thời tung video chứng minh quá trình tấn công vào hệ thống của Bkav bằng kỹ thuật SQL Injection. Dù vậy, bài viết của hacker sau đó vị xóa vì vi phạm chính sách của diễn đàn.

Phạt 137 triệu đồng chủ nhãn hàng quảng cáo phản cảm trên tàu Cát Linh

Chủ nhãn hàng Vua Nệm bị phạt 137 triệu đồng vì quảng cáo trái thuần phong mỹ tục, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị trên tàu Cát Linh - Hà Đông.

Phạt 137 triệu đồng chủ nhãn hàng quảng cáo phản cảm trên tàu Cát Linh

Phạt 137 triệu đồng chủ nhãn hàng quảng cáo phản cảm trên tàu Cát Linh

Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết đã ban hành quyết định xử phạt với chủ nhãn hàng trên. Ba lỗi bị lập biên bản xử phạt gồm: Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam; không thông báo nội dung, hình thức, sản phẩm quảng cáo, số lượng người tham gia, thời gian, lộ trình thực hiện của đoàn người quảng cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông.

Làm việc với Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, chủ nhãn hàng thừa nhận toàn bộ sai phạm và chấp hành xử lý.

Trước đó sáng 11/12, mạng xã hội lan truyền bức ảnh chụp nhóm nam thanh niên cởi trần đứng trong khoang tàu điện Cát Linh - Hà Đông. Họ mang theo banner quảng cáo cho một chuỗi cửa hàng.

Tổng giám đốc Công ty Hanoi Metro Vũ Hồng Trường cho biết, nhóm hành khách đi từ ga Vành đai 3, di chuyển về hướng ga Cát Linh. Ban đầu họ mặc quần áo ông già Noel, khi vào toa hành khách thì cởi áo, cầm biển quảng cáo chụp ảnh khi tàu đang chạy. Lực lượng giám sát đã yêu cầu nhóm hành khách xuống tại ga Cát Linh vì trang phục không phù hợp.

TP.HCM đề xuất đầu tư buýt chất lượng cao thay thế buýt nhanh

Ngành giao thông TP.HCM đề xuất tiếp tục triển khai Dự án buýt nhanh Số 1, nhưng thay loại hình BRT bằng tuyến buýt xanh chất lượng cao với làn ưu tiên.

Phối cảnh trạm BRT Số 1

Phối cảnh trạm BRT Số 1

Nội dung được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (TCIP - chủ đầu tư) báo cáo lãnh đạo TP.HCM, sau khi làm việc với Sở Giao thông vận tải liên quan Dự án Phát triển giao thông xanh (buýt BRT Số 1). Trước đó, Sở kiến nghị tạm hoãn dự án này để chờ đồng bộ hạ tầng kết nối, nhưng sau khi rà soát, các bên thống nhất điều chỉnh Dự án để thực hiện.

Theo đó, trên hành lang dài 26 km trục đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ từ vòng xoay An Lạc (Bình Chánh) đến ga Rạch Chiếc (TP. Thủ Đức) - nơi xây dựng tuyến BRT Số 1, các bên đề xuất thay bằng tuyến buýt xanh chất lượng cao. Tuyến này cũng kết nối trạm trung chuyển Bến Thành, bến xe Chợ Lớn, tương tự kế hoạch xây dựng buýt BRT. Thành phố sẽ đầu tư hạ tầng cùng các phương án tổ chức giao thông đảm bảo xe chạy nhanh, đúng giờ, tiện nghi.

Việc triển khai phương án trên, theo chủ đầu tư, sau này giúp phát triển các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ hệ thống giao thông công cộng chung ở Thành phố, như bến xe buýt Rạch Chiếc, bãi hậu cần tại Thủ Thiêm, trung tâm điều hành của hệ thống xe buýt...

Để giảm chi phí đầu tư giai đoạn đầu khi lượng khách chưa cao, Chủ đầu tư và Sở Giao thông vận tải thống nhất đề xuất giảm mua sắm phương tiện, công trình hạ tầng như trạm nạp nhiên liệu, nơi bảo dưỡng... Thời gian đầu, khách sẽ sử dụng xe buýt gom và các lối đi bộ để tiếp cận trạm dừng của các tuyến buýt chất lượng cao.

Theo TCIP, trường hợp nhà tài trợ đồng thuận theo phương án điều chỉnh, Dự án sẽ bắt đầu thi công các gói thầu xây lắp vào tháng 9/2022 và hoàn thành, đưa vào khai thác hai năm sau đó.

Chuyên đề