Bản tin thời sự sáng 21/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là miền Bắc và miền Trung chấm dứt nắng nóng từ 23/6; Bình Thuận làm dự án ngăn lũ cát ở biển Phan Thiết; dự kiến tiếp tục không đấu giá khai thác khoáng sản năng lượng, phóng xạ; xuất khẩu rau quả đạt hơn 3 tỷ USD nửa đầu năm…

Miền Bắc và miền Trung chấm dứt nắng nóng từ 23/6

Nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung sẽ chấm dứt từ khoảng 23/6, cho đến đầu tháng 7 chưa có dấu hiệu quay trở lại, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia.

Đường phố Hà Nội vắng bóng giữa trưa nắng

Đường phố Hà Nội vắng bóng giữa trưa nắng

Chịu ảnh hưởng của vùng thấp nóng phía Tây, miền Bắc từ ngày 11/6 nắng nóng, tâm điểm là Hà Nội và vùng đồng bằng. Cơ quan khí tượng ghi nhận hôm qua 23/25 tỉnh, thành phố trên 35 độ C, trừ Điện Biên, Lai Châu.

Tại Hà Nội, hai ngày nay nắng nóng đạt đỉnh, cao nhất hôm 20/6 trạm Láng hơn 39 độ; 4 trạm Hà Đông, Ba Vì, Sơn Tây, Hoài Đức quanh ngưỡng 38 độ C. Đây là mức nhiệt đo trong lều khí tượng, thực tế ngoài trời cao hơn 2 - 4 độ C, cá biệt mặt đường bêtông, mái tôn có thể chênh 10 độ.

Miền Trung nắng nóng từ ngày 9/6. Nóng nhất là Đô Lương (Nghệ An) 6 ngày, Hương Khê (Hà Tĩnh) 4 ngày ghi nhận 39 - 40 độ C.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, nắng nóng ở miền Bắc sẽ dịu dần từ ngày 22/6 và kết thúc ngày 23/6. Miền Trung chấm dứt nắng nóng sau ngày 23/6. Những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7, hai khu vực này chưa có dấu hiệu nắng nóng trở lại.

Nguyên nhân là khối không khí biển với đới gió Đông Nam ẩm di chuyển vào đất liền, trời nhiều mây hơn. Cùng với đó Bắc và giữa Biển Đông xuất hiện áp thấp nhiệt đới, có thể gây mưa trong những ngày tới.

Bình Thuận làm dự án ngăn lũ cát ở biển Phan Thiết

Dự án thoát nước dài hơn 2,5 km ở phường Hàm Tiến, TP. Phan Thiết, được thông qua nhằm ngăn cát trên đồi tràn xuống khu du lịch và nhà dân.

Lũ cát tràn vào ngày 21/5 tràn xuống nhà dân trên đường Nguyễn Đình Chiểu

Lũ cát tràn vào ngày 21/5 tràn xuống nhà dân trên đường Nguyễn Đình Chiểu

Chủ trương điều chỉnh Dự án được HĐND tỉnh Bình Thuận thông qua tại kỳ họp diễn ra sáng ngày 20/6.

Dự án có chiều dài hơn 2,5 km gồm hệ thống thoát nước dọc đường ĐT 706B dài 1,8 km và tuyến cống đổ ra biển dài 0,9 km, hố thu nước, hố ga, công trình chống cát lấp... Toàn bộ công trình có tổng mức đầu tư hơn 47,5 tỷ đồng từ ngân sách Tỉnh, thời gian thực hiện đến hết năm 2025.

Theo HĐND tỉnh Bình Thuận, sau khi hoàn thành, Dự án sẽ khắc phục tình trạng cát tràn ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của người dân và hoạt động kinh doanh du lịch tại phường Hàm Tiến.

Trước đó, Dự án đã được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư với kinh phí hơn 39 tỷ đồng, song tạm dừng từ tháng 4/2018 do vướng mặt bằng. Sau khi tháo gỡ khó khăn, Dự án phải được HĐND Tỉnh phê duyệt do thay đổi vốn đầu tư.

Trong khi chờ thẩm định, mưa lớn hôm 21/5 khiến lũ cát trên đồi trôi xuống lấp nhà dân và công trình du lịch trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Cách đó 8 km cũng xảy ra tình trạng sạt lở cát tương tự ảnh hưởng nhiều nhà dân trên đường đường Huỳnh Thúc Kháng (phường Mũi Né).

Dự kiến tiếp tục không đấu giá khai thác khoáng sản năng lượng, phóng xạ

Chính phủ đề xuất 5 trường hợp không đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà chỉ cấp phép, trong đó có năng lượng, phóng xạ.

Chính phủ đề xuất năm trường hợp không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Ảnh minh họa

Chính phủ đề xuất năm trường hợp không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Ảnh minh họa

Chiều 20/6, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh thay mặt Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật Địa chất và khoáng sản. Tại Điều 104, Chính phủ đề xuất không đấu giá quyền khai thác đối với khoáng sản năng lượng, phóng xạ; khoáng sản đã được xác định trong chiến lược, quy hoạch phát triển ngành quốc gia.

Ngoài ra, khoáng sản được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho dự án chế biến sản phẩm công nghiệp theo quy hoạch; khoáng sản thuộc vành đai biên giới quốc gia, khu vực chiến lược về quốc phòng, an ninh cũng nằm trong diện không đấu giá. Trường hợp còn lại do Thủ tướng và Chính phủ quy định.

Như vậy, dự thảo kế thừa phần lớn Nghị định 158/2016 quy định chi tiết một số điều thi hành Luật Khoáng sản. Theo đó, Nhà nước không cho phép đấu giá khu vực có khoáng sản than, urani, thori; khu vực đá vôi, đá sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng; khu vực có nước khoáng, nước nóng thiên nhiên...

Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết, qua thẩm tra, một số đại biểu đề nghị quy định rõ trường hợp không đấu giá quyền khai thác khoáng sản do Thủ tướng quy định; đánh giá tác động, tính đặc thù của đấu giá liên quan đến khoáng sản để có quy định riêng nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Dự thảo cũng chưa quy định rõ điều kiện của tổ chức, cá nhân được tham gia cuộc đấu giá là chưa phù hợp với Luật Đấu giá tài sản.

Bộ trưởng Khánh đồng tình việc cấp phép, đấu giá khai thác các mỏ khoáng sản còn bất cập. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang cố gắng đấu giá khai thác khoáng sản. Vừa qua, 837 khu vực đã được đấu giá, thu nguồn lợi lớn cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên theo Nghị định 158, để bảo đảm an ninh quốc gia, an ninh năng lượng, các mỏ khoảng sản như than, urani, đá vôi, đất sét quy hoạch cho các dự án sản xuất xi măng, mỏ nước khoáng quy hoạch cho dự án nghỉ dưỡng, du lịch sẽ không đấu giá.

Xuất khẩu rau quả đạt hơn 3 tỷ USD nửa đầu năm

6 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản Việt đạt 3,4 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sầu riêng tại nhà vườn ở miền Tây

Sầu riêng tại nhà vườn ở miền Tây

Theo Hiệp hội Rau Quả Việt Nam, dữ liệu sơ bộ từ hải quan Việt Nam sầu riêng, thanh long, chuối và nhãn là những loại trái cây đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu rau quả.

Ước tính nửa đầu năm, rau quả Việt xuất khẩu đạt 3,4 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường chủ lực ghi nhận tăng 10 - 50% so với cùng kỳ 2023, trừ Hà Lan giảm mua.

Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc vẫn là những thị trường lớn, khi tới hết tháng 5, họ nhập tăng tăng 30 - 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Thái Lan chi 74,5 triệu USD và Hàn Quốc là 136 triệu USD mua rau quả Việt.

Riêng Trung Quốc, 5 tháng nước này đã mua 1,7 tỷ USD nông sản Việt, tăng 33% so với cùng kỳ 2023. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nông sản Việt có nhiều lợi thế xuất sang đây nhờ vị trí địa lý, tương đồng trong văn hóa ẩm thực.

Sầu riêng là một trong số nông sản được thị trường tỷ dân này ưa chuộng. Hồi tháng 4, Việt Nam lần đầu vượt Thái Lan về xuất khẩu loại quả này sang Trung Quốc, với 32.750 tấn.

Tuy vậy, ông Nguyên dự báo xuất khẩu rau quả năm nay tiếp tục tăng trưởng 15 - 20%. Nếu tận dụng tốt các cơ hội từ các nghị định thư, xuất khẩu rau quả có thể đạt 7 tỷ USD năm nay, ông Nguyên dự báo. Mức này tăng 0,5 - 1 tỷ USD so với kế hoạch đưa ra cuối năm ngoái của ngành nông nghiệp.

Hơn một nửa lao động xuất khẩu đi Nhật Bản

Nhật Bản tiếp nhận trên 58% trong tổng số 70.000 lao động đi làm việc trong 6 tháng đầu năm, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Bảng ghi nhớ bên ngoài một lớp đào tạo lao động đi làm việc tại Nhật Bản ở Hà Nội

Bảng ghi nhớ bên ngoài một lớp đào tạo lao động đi làm việc tại Nhật Bản ở Hà Nội

Tại họp báo chiều 20/6, ông Phạm Viết Hương, Cục phó Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, riêng thị trường Nhật Bản đã tiếp nhận gần 40.600 người. Tiếp đến là Đài Loan hơn 27.300 lao động, Hàn Quốc hơn 5.500, Trung Quốc 1.081 lao động nam. Canada tiếp nhận 39 người do đang thúc đẩy đàm phán.

Nhật Bản hơn 30 năm tiếp nhận lao động Việt đi làm việc trong nhiều lĩnh vực từ 3 đến 5 năm. Một tuần trước, hai bên thỏa thuận tăng số lượng thực tập sinh nghề hộ lý, dự kiến 40 người trong năm nay và 500 người 5 năm tới. Thỏa thuận mới mở rộng nhóm tuyển dụng lẫn điều kiện đưa đi bởi phía Nhật muốn tăng số lượng làm việc trong các bệnh viện lớn.

Chương trình EPS đưa lao động đi Hàn Quốc năm nay đạt kỷ lục về số đăng ký tới gần 45.000 người, gấp ba lần chỉ tiêu tiếp nhận, đông nhất trong 20 năm triển khai. Kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Hàn đã được tổ chức tại bốn tỉnh thành là Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng và TP.HCM từ đầu tháng 3 đến hết tháng 6.

Cả nước có hơn 600.000 lao động đang làm việc tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, mỗi năm chuyển về khoảng 4 tỷ USD ngoại tệ theo đường chính ngạch, chưa kể các kênh khác.

Cà Mau lập khu bảo tồn biển 27.000 ha

Khu bảo tồn loài - sinh cảnh tỉnh gồm vùng biển xung quanh các cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Đá Bạc với tổng diện tích 27.000 ha.

Nghề nuôi cá lồng bè ven đảo Hòn Chuối góp phần phát triển kinh tế, giảm thiểu đánh bắt tác động tiêu cực đến nguồn lợi hải sản

Nghề nuôi cá lồng bè ven đảo Hòn Chuối góp phần phát triển kinh tế, giảm thiểu đánh bắt tác động tiêu cực đến nguồn lợi hải sản

Theo quyết định thành lập, khu bảo tồn có các phân khu chức năng diện tích 18.000 ha gồm: khu bảo vệ nghiêm ngặt 3.000 ha, khu phục hồi sinh thái 11.230 ha và khu dịch vụ - hành chính 3.970 ha; cùng vùng đệm 9.000 ha.

Việc lập khu bảo tồn nhằm bảo vệ và bảo tồn nguồn lợi thủy sản, các loài sinh vật biển, loài quý hiếm nguy cơ tuyệt chủng, loài có giá trị kinh tế và khoa học sống trong khu; bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên; đa dạng sinh học biển gắn với phát triển du lịch sinh thái bền vững, cải thiện sinh kế của cộng đồng ngư dân địa phương.

Tỉnh Cà Mau sẽ ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu như thả phao ranh giới các phân khu chức năng và khu bảo tồn biển; xây dựng trụ sở làm việc và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác quản lý. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền về bảo vệ môi trường biển và bảo tồn đang dạng sinh học; hỗ trợ tái định cư và chuyển đổi nghề kết hợp phát triển du lịch sinh thái.

Trước mắt, Cà Mau giao Chi cục Kiểm ngư các đơn vị liên quan tổ chức quản lý khu bảo tồn biển trên địa bàn theo quy định. Về lâu dài, khi khu bảo tồn đủ điều kiện sẽ đề xuất thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn biển.

Ðến năm 2023, cả nước có 178 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 34 vườn quốc gia; 59 khu dự trữ thiên nhiên; 23 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; và 62 khu bảo vệ cảnh quan. Ngoài ra, cả nước có 9 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới và hơn 20 địa phương phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố.

Hủy niêm yết gần 58 triệu cổ phiếu CAV của Cadivi từ ngày 18/7

Cổ phiếu CAV sẽ giao dịch phiên cuối cùng trên HoSE vào ngày 17/7/2024, nguyên nhân do Cadivi hủy tư cách công ty đại chúng.

Hủy niêm yết gần 58 triệu cổ phiếu CAV của Cadivi từ ngày 18/7

Hủy niêm yết gần 58 triệu cổ phiếu CAV của Cadivi từ ngày 18/7

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông báo về việc hủy niêm yết đối với cổ phiếu CAV của Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi). Ngày hủy niêm yết có hiệu lực là 18/7 và ngày giao dịch cuối cùng là 17/7/2024. Khối lượng hủy niêm yết là toàn bộ 57,6 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ 576 tỷ đồng.

Theo HoSE, nguyên nhân hủy niêm yết là do Cadivi hủy tư cách công ty đại chúng, theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, căn cứ điểm a khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.

Được biết, Cadivi được thành lập ngày 6/10/1975, là một doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại dây và cáp điện. Qua nhiều lần thay đổi tên gọi, hình thức sở hữu, đến ngày 8/8/2007 Cadivi chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần.

Theo giới thiệu, Công ty có 3 nhà máy và 2 công ty thành viên cùng hệ thống phân phối đến hơn 200 đại lý cấp 1 trên cả nước; năng lực sản xuất 60.000 tấn đồng/năm, 40.000 tấn nhôm/năm và 20.000 tấn hạt nhựa PVC/năm.

Cadivi đưa cổ phiếu niêm yết HoSE từ cuối 2014. Đến năm 2021, cổ phiếu này chuyển giao dịch từ HoSE sang HNX và sau đó quay trở lại sàn HoSE do chuyển đổi hệ thống.

Đến nay, cổ phiếu CAV đang được giao dịch tại mức giá 72.200 đồng/CP, cao hơn 12% so với thời điểm đầu năm và đang xấp xỉ vùng đỉnh lịch sử 74.300 đồng/CP được thiết lập hồi đầu tháng 4. Giá trị vốn hóa doanh nghiệp đạt hơn 4.150 tỷ đồng.

Năm 2024, Cadivi đề ra kế hoạch doanh thu hợp nhất 11.068 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước và lợi nhuận trước thuế dự kiến 460 tỷ đồng, giảm 13%.

Cadivi đang có 1 cổ đông lớn duy nhất là Gelex Electric (mã chứng khoán: GEE) sở hữu 96,46% vốn. Theo đó, Công ty không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng theo quy định tại Luật Chứng khoán số 54/2019/HQ14.

Tháng 6/2025, nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Đông Nam Á hoạt động

Ngày 20/6, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM (chủ đầu tư) cho biết, Gói thầu Xây lắp XL-02 của Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè thuộc Dự án vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2 đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa vào hoạt động vào tháng 6/2025.

Công trường xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Công trường xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP Thủ Đức) là nhà máy xử lý nước thải lớn nhất khu vực Đông Nam Á với công suất thiết kế 480.000 m3/ngày đêm, lưu lượng lớn nhất là 34.000 m3/h. Nhà máy áp dụng công nghệ xử lý sinh học tiên tiến nhất hiện nay. Nước thải sau khi được xử lý bảo đảm yêu cầu vệ sinh môi trường sẽ được xả ra sông Sài Gòn.

Đây là dự án này có ý nghĩa quan trọng đối với người dân TP.HCM khi hiện nay, tổng công suất xử lý nước thải sinh hoạt đô thị của Thành phố là 644.000 m3/ngày, mới đạt khoảng 40% lượng nước thải hàng ngày.

Khi hoàn thành Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ nâng công suất xử lý nước thải sinh hoạt đô thị lên hơn 1,1 triệu m3/ngày đêm.

Theo đại diện nhà thầu, tiến độ thi công hiện nay đạt khoảng 41% giá trị hợp đồng, các hạng mục quan trọng đều đang được triển khai, các thiết bị cơ điện chính đã được đặt hàng và dự kiến sẽ bắt đầu về công trường từ tháng 8/2024.

Dự kiến, các đơn vị sẽ hoàn thành các công trình chống ngập trước ngày 30/11/2024, hoàn thành công tác thiết kế bản vẽ thi công trước ngày 2/3/2025; toàn bộ thiết bị cơ điện sẽ được đưa về trước ngày 29/4/2025 và hoàn thành công tác xây dựng trước ngày 30/6/2025. Trên công trường hiện có khoảng 500 công nhân đang miệt mài thi công các phần việc để bảo đảm tiến độ.

Chuyên đề