TP.HCM tính phát triển 11 đô thị nén dọc metro, Vành đai 3
11 vị trí dọc nhà ga metro, Vành đai 3 dự kiến được Thành phố thí điểm mô hình TOD giúp khai thác tốt quỹ đất, chỉnh trang đô thị, phát triển giao thông công cộng.
Phối cảnh khu đô thị dọc Metro số 1, TP. Thủ Đức |
Kế hoạch triển khai các khu vực TOD tại các dự án trên vừa được UBND TP.HCM đưa ra sau khi Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép Thành phố thí điểm một số cơ chế đặc thù để thực hiện.
TOD là mô hình lấy định hướng phát triển giao thông công cộng để quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị. Những nơi làm TOD được tăng hệ số sử dụng đất, mật độ dân số cao, từ đó thu hút nhu cầu đi và đến các đầu mối giao thông lớn.
Giai đoạn từ nay tới năm sau, TP.HCM dự kiến phát triển TOD tại 9 vị trí dọc 3 dự án giao thông lớn đang triển khai, gồm: Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) và Vành đai 3.
Vị trí TOD có diện tích lớn nhất hơn 389 ha nằm ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, kết nối giao thông với Vành đai 3. Nơi diện tích nhỏ nhất là Trung tâm Triển lãm và Thể dục thể thao quận Tân Bình, khoảng 5,1 ha. Vị trí này được tính toán phát triển TOD để kết nối giao thông với tuyến Metro số 2 và số 5 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn).
Trong các bước triển khai, chính quyền Thành phố giao các đơn vị liên quan xác định cụ thể ranh giới, tình trạng pháp lý quy hoạch, đất đai cùng các chức năng phát triển đô thị ở từng khu vực. Thành phố sẽ xem xét lập điều chỉnh quy hoạch, chọn nhà đầu tư và dự kiến năm 2025 sẽ ra quyết định phê duyệt dự án.
Sau giai đoạn trên, năm 2026 - 2028, TP.HCM dự kiến phát triển thêm khu vực TOD ở hai vị trí khác, gồm xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn và quanh ga Tân Kiên, Bình Chánh. Những vị trí này sẽ kết nối giao thông với Vành đai 3, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ...
Theo UBND TP.HCM, các khu vực phát triển TOD chia thành 2 nhóm trên cơ sở đánh giá hiện trạng sử dụng đất, điều kiện và động lực phát triển. Nhóm thứ nhất là đầu tư mới ở những nơi đất trống hoặc dân cư ít; nhà máy, xí nghiệp dự kiến di dời nhằm thuận lợi giải phóng mặt bằng. Nhóm thứ hai sẽ cải tạo, chỉnh trang khu vực hiện hữu ở nơi đô thị đã xuống cấp. Việc lựa chọn các vị trí làm TOD dựa theo nguyên tắc là dễ triển khai, sớm thực hiện và hiệu quả cao.
Hà Nội dự kiến hạn chế phương tiện gây ô nhiễm tại 12 quận
12 quận hiện tại, 5 huyện sắp lên quận và 2 thành phố mới đều nằm trong danh sách các khu vực được xem xét hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm.
Tắc đường trong giờ cao điểm buổi chiều trên phố Trần Duy Hưng, Hà Nội |
Sau một tuần lấy ý kiến người dân vào Dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp (LEZ), Hà Nội vừa đưa ra dự thảo lần hai với những quy định cụ thể hơn. Trong đó, phạm vi các khu vực hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường cũng được mở rộng so với dự thảo cũ.
Dự thảo mới đưa ra 6 tiêu chí để xác định các khu vực hạn chế phát thải, bao gồm toàn bộ vùng bảo vệ nghiêm ngặt và hạn chế phát thải theo quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Đó là các khu dân cư tập trung tại 12 quận hiện nay: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Tây Hồ, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông. 5 quận dự kiến thành lập trong giai đoạn 2020 - 2025 là Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng và thành phố phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), thành phố phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai).
Thứ hai là khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông theo mức phục vụ của đường LOS từ D đến F. Theo tiêu chuẩn quốc gia về đường đô thị, mức phục vụ (LOS) là thước đo về chất lượng vận hành của dòng giao thông mà người điều khiển phương tiện và hành khách nhận biết được. Mức phục vụ được chia làm 6 mức, theo thứ tự từ cao xuống thấp, được ký hiệu là A, B, C, D, E, F.
Ngoài ra, các khu vực có chất lượng không khí kém, đặc biệt là những nơi không đạt chuẩn quốc gia trong ít nhất một năm hoặc nơi có thể áp dụng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt hơn và có sự đồng thuận cao từ người dân cũng sẽ được đưa vào danh sách. Các xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường được dán tem nhãn, nhận dạng biển số thì được lưu thông trong vùng phát thải thấp.
Trước mắt, Dự thảo khuyến cáo các địa phương cấm lưu hành xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel, ưu tiên các phương tiện giao thông đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên và đạt quy chuẩn khí thải cho phép theo quy định; hạn chế có thu phí đối với các phương tiện giao thông đáp ứng tiêu chuẩn khí thải dưới Euro 4 và không đạt quy chuẩn khí thải cho phép theo quy định.
Các tổ chức, cá nhân đang sinh sống và làm việc trong vùng LEZ sẽ được ưu tiên áp dụng lộ trình (12 tháng) để chuyển đổi các phương tiện phát thải thấp hoặc đạt quy chuẩn phát thải cho phép khi lưu hành trong vùng LEZ.
Hoàn thành công trình chống ngập cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết
Sau 5 tháng thi công, hai bức tường, trạm bơm tự động chống ngập cho cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đoạn qua huyện Hàm Tân đã hoàn thành.
Hai bức tường và trạm bơm tự động chống ngập cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đã hoàn thành |
Ngày 1/11, ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc Ban Quản lý dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cho biết, công trình chống ngập trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết tại xã Sông Phan, huyện Hàm Tân đã sẵn sàng vận hành.
Hạng mục chính nằm bên phải cao tốc (hướng từ Bắc vào Nam) là bức tường chống ngập dài hơn 130 m, dày 0,7 - 0,8 m, cao 1 - 2,85 m, được làm bằng đá; đoạn trên cống thoát đúc bằng bê tông. Tường giúp đoạn trũng của cao tốc không bị ngập khi nước sông Phan dâng cao bất thường do mưa lớn.
Bên kia đường, một bức tường tương tự cũng đã hoàn tất sẽ giúp giữ ổn định nước dọc rãnh bên đường. Ngoài ra, các hạng mục liên quan như: trạm đặt hai máy bơm, gia cố taluy, rãnh nước... cũng đã xong vào cuối tháng 10. Trong đó, trạm bơm sẽ tự động bơm nước ra phía sau cống thoát ngay điểm trũng khi nước dâng cao.
Dầu Giây - Phan Thiết là một trong 5 đoạn cao tốc nối TP.HCM với Nha Trang. Tháng 7/2023, sau 3 tháng đưa vào khai thác, trên tuyến đã xảy ra tình trạng ngập nước sau mưa lớn, gây ách tắc giao thông nhiều giờ. Nguyên nhân được cho là mặt đường trũng thấp, khi mưa lớn, nước ở chỗ cao dồn về, nước sông Phan lại dâng lên khiến lũ không thoát kịp.
Sau khi tính toán, các đơn vị liên quan đã chọn phương án tối ưu là xây tường chống ngập và hệ thống bơm tự động để ngăn nước ngập vào cao tốc khi mưa lớn. Dự án có tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng huy động từ đơn vị tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công, không dùng kinh phí nhà nước.
Hải Dương đề xuất xây dựng Quốc lộ 5 trên cao
Thay vì phương án mở rộng Quốc lộ 5 hiện tại, Sở Giao thông vận tải Hải Dương đề xuất đầu tư xây dựng đường trên cao cho tuyến huyết mạch này.
Ùn tắc trên Quốc lộ 5 sau một vụ tai nạn |
Trong đề xuất gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) mới đây, Sở GTVT Hải Dương cho rằng, phương án đi trên cao có nhiều ưu điểm hơn so với mở rộng Quốc lộ 5 hiện hữu vì không phải bố trí quỹ đất mới, tiết kiệm, sử dụng đất một cách hiệu quả. Dự án cũng không phải giải phóng mặt bằng thêm trên tuyến chính qua các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, từ đó giảm chi phí đầu tư.
Quốc lộ 5 đi trên cao sẽ giúp phương tiện đảm bảo tốc độ thiết kế, giảm thời gian lưu thông, giải quyết bất cập về hạ tầng như giao cắt cùng mức, hạn chế tai nạn. Các đơn vị xây dựng còn chủ động phương án thi công, rút ngắn tiến độ.
Quốc lộ 5 dài 116 km, là trục huyết mạch phía Bắc, được khai thác từ năm 1998 với quy mô 4 làn xe. Tuyến đường đi qua nhiều khu công nghiệp tại Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng nên mật độ phương tiện lớn. Mỗi ngày có trên 90.000 xe lưu thông, vượt quá 6 lần lưu lượng thiết kế. Tốc độ chỉ đạt 50 - 60 km/h đối với xe con, bằng 50 - 60% so với thiết kế.
Theo Sở GTVT Hải Dương, tuyến đường hay xảy ra tai nạn. Riêng đoạn qua tỉnh Hải Dương dài 44 km, từ năm 2021 đến nay đã xảy ra 228 vụ tai nạn, chiếm 18%; làm chết 85 người, chiếm 13%; làm bị thương 139 người, chiếm 16% về số vụ tai nạn, số người chết, bị thương toàn Tỉnh.
Do đó, Sở kiến nghị Bộ GTVT sớm quy hoạch mở rộng hoặc làm đường trên cao, nhằm đáp ứng được yêu cầu tam giác phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, giải quyết được tình trạng ùn tắc trên tuyến.
Hợp nhất hai công ty đường sắt Hà Nội, Sài Gòn
Từ 1/11, Công ty CP Vận tải đường sắt bắt đầu hoạt động, trên cơ sở hợp nhất Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang tiến hành tái cơ cấu |
Công ty CP Vận tải đường sắt được thành lập theo phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt.
Công ty có 8 phòng, 17 chi nhánh trực thuộc và cơ sở tại TP.HCM, trong đó có 4 chi nhánh toa xe, 2 chi nhánh đoàn tiếp viên đường sắt và 11 chi nhánh vận tải đường sắt. Số lao động trong toàn Công ty là hơn 4.800 người.
Theo đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hai công ty được hợp nhất sẽ giúp bộ máy tinh gọn và đạt hiệu quả, giúp triệt tiêu cạnh tranh nội bộ, giảm bớt các bộ phận trung gian và tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí, hạ giá thành vận tải.
Việc sáp nhập cũng giúp tăng doanh thu cho đơn vị, tăng thu nhập người lao động, sử dụng được các cơ sở vật chất của hai công ty hiệu quả. Việc hợp nhất không ảnh hưởng tới tình hình hoạt động vận tải hiện nay.
Trước mắt, Công ty CP Vận tải đường sắt sẽ tập trung nguồn lực, tài chính, phương tiện để tăng năng lực cạnh tranh, tăng khả năng huy động vốn cho các kế hoạch phát triển. Công ty sẽ thực hiện các chỉ tiêu Đại hội đồng cổ đông giao, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, từng bước cải thiện thu nhập cho người lao động, phấn đấu mở rộng thị phần vận tải đường sắt cả về hành khách và hàng hóa.
Các cổ đông của hai công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn trước đây sẽ trở thành cổ đông của Công ty CP Vận tải đường sắt, ngoài được hưởng những lợi ích gia tăng từ việc hợp nhất, các cổ đông sẽ thuận lợi đánh giá chuyên sâu đối với hiệu quả hoạt động của Công ty và thị trường vận tải.
Cuối tháng 4, hai công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên, thống nhất thông qua phương án hợp nhất. Tên doanh nghiệp sau hợp nhất là Công ty CP Vận tải đường sắt, viết tắt là VRT, vốn điều lệ là 1.303 tỷ đồng.
Dự án nhà ở xã hội đầu tiên tại Đồng Nai được vay gói tín dụng 140.000 tỷ đồng
Dự án nhà ở xã hội Long Bình Tân có tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng, có thể cung ứng chỗ ở cho gần 2.000 người, được khởi công vào tháng 5/2024.
Một dự án nhà ở xã hội |
Ngày 1/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đồng Nai cho biết, cuối tháng 10 vừa qua, một ngân hàng thương mại trên địa bàn Đồng Nai đã ký kết hợp đồng tài trợ vốn cho Dự án Nhà ở xã hội Long Bình Tân (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
Đây là dự án nhà ở xã hội đầu tiên tại Đồng Nai được vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng 140.000 tỷ đồng.
Dự án nhà ở xã hội Long Bình Tân có tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng, có thể cung ứng chỗ ở cho gần 2.000 người, được khởi công vào tháng 5/2024. Phía ngân hàng cam kết sẽ thu xếp tài trợ vốn ưu đãi cho Dự án.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đồng Nai, thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với quy mô khoảng 140.000 tỷ đồng.
Tại Đồng Nai có 21 chi nhánh thuộc 8 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia chương trình. Tỉnh có 4 dự án nhà ở xã hội được cơ quan nhà nước chính thức công bố; trong đó, 1 dự án đang tạm dừng triển khai, 2 dự án chủ đầu tư đã phát sinh vay từ Quỹ Đầu tư và Phát triển Tỉnh.
Thời gian qua, các ngân hàng đăng ký tham gia chương trình đã chủ động tìm kiếm, kết nối với khách hàng nhằm cho vay theo quy định. Tuy nhiên, số lượng dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Đồng Nai không nhiều; chủ đầu tư dự án đã sắp xếp được nguồn vốn từ trước nên đến nay mới có 1 dự án nhà ở xã hội tiếp cận gói tín dụng ưu đãi.
Tổ hợp hóa dầu hơn 5 tỷ USD tạm ngừng vận hành thương mại
Tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam dù mới vận hành thương mại từ ngày 30/9, nhưng hiện đã tạm dừng để triển khai các khoản đầu tư bổ sung.
Tổ hợp hóa dầu tích hợp tại Bà Rịa - Vũng Tàu |
Tập đoàn SCG (Thái Lan) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm. Trong đó SCG tại Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 25.670 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng 17% so với cùng kỳ, nhờ doanh thu từ nhóm ngành hóa dầu SCG Chemicals (SCGC).
SCG cho biết, Dự án hóa dầu Long Sơn (LSP) - tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam - chính thức đi vào hoạt động thương mại ngày 30/9 vừa qua, đạt sản lượng 74.000 tấn hạt nhựa trong giai đoạn thử nghiệm.
Theo SCG, trong 9 tháng qua, Dự án LSP đã ghi nhận các khoản chi phí cố định cho việc vận hành sản xuất hạ nguồn, chủ yếu là khấu hao và lãi suất. Dự kiến, dự án này còn ghi nhận thêm chi phí từ hoạt động thượng nguồn vào quý IV khi hoạt động thương mại ổn định hơn.
Tuy nhiên, trước tình hình ngành hóa dầu suy giảm do cung vượt cầu, LSP quyết định tạm dừng hoạt động thương mại và sẽ tái khởi động sản xuất khi thị trường phục hồi.
"Đây là quyết định chiến lược, thể hiện khả năng thích ứng linh hoạt của Dự án với các điều kiện thay đổi và đầy thách thức của thị trường, đồng thời cũng là cơ hội để LSP chuẩn bị sẵn sàng nắm bắt cơ hội khi thị trường hồi phục", đại diện SCG cho biết.
Cán bộ Ngân hàng Tiên Phong tự thú sau khi "thụt két" 246 lượng vàng SJC
Được giao trách nhiệm quản lý kho, nhưng Nguyễn Văn Linh (Hà Nội) đã nảy sinh ý định "thụt két" 246 lượng vàng. Sau đó, Linh lại tự đi đầu thú với cơ quan công an.
Cán bộ ngân hàng Tiên Phong tự thú sau khi "thụt két" 246 lượng vàng SJC. Ảnh minh họa |
Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Văn Linh (TP. Hà Nội, nguyên Trưởng nhóm ngân quỹ - Kho quỹ tập trung Hội sở Ngân hàng TMCP Tiên Phong) về tội danh "Tham ô tài sản".
Theo cáo trạng, do cần tiền để chơi chứng khoán và chi tiêu cá nhân, Nguyễn Văn Linh đã nảy sinh ý định chiếm đoạt 246 lượng vàng SJC cất trong kho tiền của Ngân hàng Tiên Phong mà Linh có trách nhiệm quản lý. Sau khi chiếm đoạt số vàng này, đến thời điểm biết không còn khả năng đền bù, Linh đã tự giác đến Công an TP. Hà Nội để tự thú và khai nhận hành vi phạm tội vào ngày 19/9/2023.
Cáo trạng xác định, ngày 3/9/2013, Nguyễn Văn Linh được bổ nhiệm giữ chức vụ Thủ quỹ, Phòng dịch vụ khách hàng. Từ ngày 1/6/2020, Linh được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng kho quỹ tập trung của Ngân hàng Tiên Phong.
Quá trình làm thủ quỹ Kho, Linh nhận thấy vàng cầm cố trong kho ít biến động, việc kiểm đếm vàng diễn ra 2 lần/năm và được thông báo trước. Thời điểm này, Linh đang cần tiền chơi chứng khoán và đầu tư tiền điện tử nên đã nảy sinh ý định chiếm đoạt.
Ngày 5/6/2017, sau khi hoàn tất việc kiểm kê vàng cuối ngày, lợi dụng sơ hở của Ban quản lý kho, Linh lấy 246 lượng vàng SJC trong két chứa vàng mua bán, giữ hộ cho vào túi nilon đen và để vào 1 thùng tôn. Sáng hôm sau, Linh mang thùng tôn ra kho đệm. Sau đó, đối tượng lợi dụng lúc sơ hở để mang số vàng này ra bán ở một ngân hàng bên ngoài, được 8,8 tỷ đồng.
Sau khi "thụt két" thành công, Linh dùng thủ đoạn lấy vàng ở kho này chuyển vào chỗ thiếu hụt ở kho kia để qua mặt mỗi khi bị kiểm tra. Đến khi biết không thể giấu được nữa, Linh tự giác đến Công an TP. Hà Nội tự thú, khai nhận hành vi phạm tội vào ngày 19/9/2023. Sau đó, Linh đã bị khởi tố về tội "Tham ô tài sản".