Bản tin thời sự sáng 17/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ 3.000 bác sĩ, điều dưỡng; F0 tại Hà Nội đổ dồn vào bệnh viện tầng 2; hàng nghìn xe tải ùn ứ hơn 10 ngày ở biên giới Lạng Sơn; đầu tư dự án 5.200 tỷ đồng cấp nước cho đô thị sân bay Long Thành; dự kiến phát triển 5.000 MW điện gió ngoài khơi vào 2030; Hà Nội xén dải phân cách, mở rộng đường Hoàng Quốc Việt…

TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ 3.000 bác sĩ, điều dưỡng

Covid-19 chiều hướng gia tăng, tỷ lệ bệnh nhân nặng khá cao, chính quyền TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ 1.000 bác sĩ, 2.000 điều dưỡng.

Covid-19 chiều hướng gia tăng, TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ 3.000 bác sĩ, điều dưỡng

Covid-19 chiều hướng gia tăng, TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ 3.000 bác sĩ, điều dưỡng

Thông tin được đề cập trong công văn do Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình gửi Bộ Y tế. Động thái này nhằm bổ sung thêm nhân lực để mở rộng quy mô giường bệnh cho một số bệnh viện điều trị và trung tâm hồi sức Covid-19.

Cụ thể, chính quyền Thành phố kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ, bổ sung 1.000 bác sĩ (trong đó 300 bác sĩ có chuyên môn hồi sức, cấp cứu); 2.000 điều dưỡng (trong đó 600 điều dưỡng có chuyên môn hồi sức, cấp cứu). Bộ Y tế cần tiếp tục duy trì hoạt động của Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế.

Tính đến 15/12, TP.HCM ghi nhận 490.435 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư, số ca đang điều trị ở tầng 2 và 3 là 11.677 người. Trong đó, riêng tầng 3 là 1.600 ca; 3.156 ca nặng đang có hỗ trợ hô hấp; 508 trường hợp thở máy xâm lấn. Gần 3.600 F0 cách ly ở các cơ sở tập trung và gần 60.000 F0 cách ly tại nhà.

Từ tháng 7, để đáp ứng nhu cầu cấp thiết chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Bộ Y tế huy động gần 20.000 nhân lực từ miền Bắc, Trung vào chi viện. Giữa tháng 10, sau khi dịch ở Thành phố cơ bản được kiểm soát, số bệnh nhân giảm, Bộ Y tế đã cho rút lực lượng y, bác sĩ khỏi TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Tuy nhiên, một số trung tâm hồi sức vẫn còn người bệnh, lực lượng hỗ trợ tiếp tục ở lại như Bệnh viện Trung ương Huế đang vận hành trung tâm ICU đặt tại Bệnh viện dã chiến số 14 (quận Tân Phú) dự kiến đến cuối năm.

F0 tại Hà Nội đổ dồn vào bệnh viện tầng 2

F0 tại Hà Nội tăng nhanh, đa số nhẹ hoặc không triệu chứng nhưng được đưa vào các bệnh viện tầng 2 gây quá tải, ảnh hưởng đến việc điều trị các ca nặng.

Nhân viên y tế chăm sóc F0 tại Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19

Nhân viên y tế chăm sóc F0 tại Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19

Tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường (Trưởng đơn nguyên điều trị Covid-19) cho biết, Bệnh viện đang điều trị 108 F0; trong đó, 31 F0 thuộc tầng 3 (nặng, nguy kịch) và 77 F0 thuộc tầng 2 (mức độ trung bình). Thực tế, bệnh viện này được Sở Y tế Hà Nội giao 50 giường điều trị bệnh nhân tầng 2 và 250 giường bệnh nhân tầng 3. Như vậy, hiện Bệnh viện bị quá tải ở tầng 2, còn bệnh nhân tầng 3 ít.

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và Hà Đông cũng gặp tình trạng tương tự. Bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đức Giang cho biết cơ sở đang điều trị 200 F0, trong đó 60% bệnh nhân tầng 2, trong khi số giường tầng này được giao là 50.

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông được giao 200 giường điều trị, chia đều cho bệnh nhân tầng 2 và 3. Đại diện Bệnh viện cho biết, tính đến sáng 14/12, cơ sở này đang điều trị 176 F0, trong đó số F0 nặng là 20, 156 trường hợp còn lại là bệnh nhân tầng 2. Theo một bác sĩ tại Bệnh viện, tình trạng F0 tăng đang gây quá tải cho nhân viên y tế, khó khăn nhất của đơn vị này là thiếu nhân lực, đặc biệt nhân lực hồi sức tích cực để đảm nhiệm điều trị F0 nặng, nguy kịch.

Ngoài lý do F0 tăng nhanh, bác sĩ Hường cho rằng, nguyên nhân quá tải tầng 2 là quá trình phân luồng bệnh nhân chưa hợp lý ở tuyến cơ sở. Nhân viên y tế báo bệnh viện có F0 nặng cần chuyển tới tầng 3, song xe chở đến kèm cả bệnh nhân thuộc tầng 1, 2. Tình trạng này khiến số giường điều trị bệnh nhân tầng 3 giảm xuống, giường tầng 2 tăng lên. Từ đó, nhiều bệnh nhân nặng có thể mất cơ hội điều trị do thiếu giường.

Toàn Thành phố có 8.425 F0 đang điều trị, trong đó 149 bệnh nhân nặng, nguy kịch điều trị ở tầng 3 (chiếm 1,76%); hơn 1.200 bệnh nhân điều trị tại tầng 2 (15,13%) và tầng 1 là hơn 7.000 bệnh nhân (83,09%).

Hàng nghìn xe tải ùn ứ hơn 10 ngày ở biên giới Lạng Sơn

Hàng nghìn xe chở hàng nằm chờ thông quan ở các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma (Lạng Sơn), khiến nhiều tài xế "mắc kẹt" ở khu vực biên giới hơn 10 ngày qua.

Xe container chở hàng ùn ứ trên đường.

Xe container chở hàng ùn ứ trên đường.

Sáng 16/12, hàng trăm xe chở hàng nối đuôi nhau chờ vào bến xe Tân Thanh - điểm tập kết hàng hóa chờ thông quan sang Trung Quốc.

Dọc Quốc lộ 1A từ TP. Lạng Sơn lên các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma (huyện Đồng Đăng) có nhiều điểm tập kết, trung chuyển xe container chở nông sản.

Thống kê của cơ quan chức năng địa phương, đến sáng 16/12, lượng phương tiện chờ xuất khẩu ở các cửa khẩu trên địa bàn Lạng Sơn là 4.550 xe; trong đó cửa khẩu Hữu nghị 1.263 xe, cửa khẩu Chi Ma 678 xe, cửa khẩu Tân Thanh 2.601 xe.

Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) Hoàng Khánh Duy cho biết, 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm thông quan. Một là, Trung Quốc tăng cường kiểm soát dịch Covid-19 và lỗi hệ thống mạng tại cửa khẩu nước này. Hai là, các cửa khẩu khác thông quan chậm (Quảng Ninh, Cao Bằng) hoặc dừng thông quan (Lào Cai) nên tất cả đổ dồn về Lạng Sơn.

Ngày 14/12, chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã điện đàm với phía Trung Quốc, đề xuất một số giải pháp để tăng thông quan cho các hàng hóa, nhất là nông sản...

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cũng đã làm việc trực tiếp với Hải quan Trung Quốc nhưng nước bạn cho biết, tình hình kiểm soát hàng hoá liên quan tới dịch bệnh là quy định chung cần phải thực hiện. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng kiến nghị 2 bên sớm ký kết nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với 8 loại hoa quả còn lại để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu.

Đầu tư dự án 5.200 tỷ đồng cấp nước cho đô thị sân bay Long Thành

UBND tỉnh Đồng Nai lên kế hoạch triển khai dự án có tổng vốn đầu tư gần 5.200 tỷ đồng để cung cấp nước sạch cho các đô thị vệ tinh xung quanh sân bay Long Thành.

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn gần sân bay Long Thành đang được xây dựng

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn gần sân bay Long Thành đang được xây dựng

Công ty CP nước - môi trường Bình Dương (đơn vị đề xuất) cho biết, Dự án có tên gọi "xa lộ nước Long Thành", công suất 60.000 m3 nước sạch mỗi ngày đêm cho tầm nhìn 15 - 20 năm. Hiện, đơn vị này đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai để sớm triển khai Dự án.

Tổng công suất cấp nước của Dự án được chia làm 2 giai đoạn phát triển, mỗi giai đoạn công suất 30.000 m3 nước sạch mỗi ngày đêm. Nguồn nước thô sẽ được lấy từ nước sông Đồng Nai (hạ lưu hồ thủy điện Trị An) tại địa điểm gần Nhà máy Nước thô Thiện Tân và gần cầu Rạch Tôm (huyện Vĩnh Cửu).

Để phục vụ nguồn nước sạch, Dự án sẽ xây 1 trạm bơm nước thô và nhà máy xử lý; 3 trạm bơm tăng áp và bể chứa. Tuyến ống dẫn nước sẽ chia làm 2i giai đoạn đầu tư tương ứng với công suất 30.000 m3 và 60.000 m3 nước sạch mỗi ngày. Trong tổng mức đầu tư của Dự án, giai đoạn một là hơn 3.700 tỷ đồng.

Khi đưa vào hoạt động, dự án đảm bảo việc cung cấp nước sạch cho người dân các huyện Long Thành, Cẩm Mỹ và vùng lân cận xung quanh sân bay Long Thành.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, việc triển khai dự án là cần thiết và yêu cầu sớm đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư, ưu tiên quỹ đất (giai đoạn 2021-2025) cho dự án.

Dự kiến phát triển 5.000 MW điện gió ngoài khơi vào 2030

Các địa phương xin bổ sung vào quy hoạch 110.000 MW điện gió ngoài khơi, nhưng Bộ Công Thương đề xuất chỉ bổ sung 5.000 MW.

Một dự án điện gió ngoài khơi tại Anh. Ảnh minh họa: GWEC

Một dự án điện gió ngoài khơi tại Anh. Ảnh minh họa: GWEC

Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, Việt Nam được đánh giá nhiều tiềm năng điện gió ngoài khơi, vận tốc gió ở độ cao 100 m đạt khoảng 9 - 10 m/s. Nhiều địa phương trong cả nước đang đề xuất phát triển điện gió ngoài khơi với Bộ Công Thương và Chính phủ, với tổng công suất lên tới 110.000 MW.

Theo ông An, Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII, và dự kiến phát triển 5.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và sẽ nâng lên khoảng 40.000 MW vào năm 2045. So với kịch bản tính toán đưa ra hồi đầu tháng 11 là 4.000 MW đến năm 2030, thì ở lần cập nhật này công suất điện gió ngoài khơi đã tăng 1.000 MW. Công suất điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch VIII sau năm 2030 có thể phát triển hơn nữa nếu điều kiện kinh tế, kỹ thuật cho phép.

Lý giải về việc chỉ phát triển 5.000 MW trong giai đoạn đầu, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Nguyễn Tuấn Anh cho biết, thị trường điện gió hiện vẫn còn mới mẻ, bị ràng buộc bởi lưới truyền tải, nên Việt Nam chưa làm chủ và tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi.

Trong 5.000 MW điện gió ngoài khơi mà Việt Nam sẽ phát triển đến năm 2030, theo ông Tuấn Anh, miền Bắc sẽ phát triển 2.000 MW, miền Nam là 3.000 MW. Đến năm 2045, với công suất tăng trên 40.000 MW thì điện gió ngoài khơi sẽ chiếm 12% trong cơ cấu nguồn.

Khi số lượng đăng ký hiện rất lớn, tới 110.000 MW nhưng kịch bản tới năm 2030 trong Quy hoạch VIII chỉ phát triển 5.000 MW. Tiêu chí chọn dự án sẽ dựa vào mô hình tính toán cực tiểu, chi phí và kèm theo các ràng buộc như về lưới điện liên kết, cam kết của Việt Nam với giảm phát thải.

Hà Nội xén dải phân cách, mở rộng đường Hoàng Quốc Việt

Khoảng 2,5 km đường Hoàng Quốc Việt, đoạn từ nút giao Bưởi (Vành đai 2) đến nút giao Phạm Văn Đồng (Vành đai 3) được mở rộng từ 6 lên 8 làn xe.

Đầu đường Hoàng Quốc Việt, đoạn giao với vành đai 3

Đầu đường Hoàng Quốc Việt, đoạn giao với vành đai 3

Đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) cho biết, đơn vị đã gửi báo cáo Dự án điều chỉnh kích thước dải phân cách giữa để mở rộng mặt đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy).

Theo đó, dải phân cách giữa của tuyến đường này hiện rộng trung bình từ 8 m đến 11,5 m sẽ được thu lại còn 4,4 m để mở rộng mặt đường nhằm nâng cao năng lực giao thông. Khi đó, mặt đường xe chạy mở rộng từ 6 làn xe lên 8 làn.

Để thực hiện dự án trên, báo cáo của Ban Duy tu nêu sẽ phải dịch chuyển, chặt hạ 625 cây xanh. Trong đó, 119 cây cau vua sẽ bị chặt hạ do già cỗi, tóp thân; trên 500 cây (xà cừ, bàng lá nhỏ...) chuyển về trồng tại ô đất trống ở nút giao đại lộ Thăng Long và tỉnh lộ 70.

Trên 900 cây cảnh đơn lẻ, khóm được dịch chuyển tạm và trồng lại sau khi thi công xong dải phân cách giữa đường Hoàng Quốc Việt.

Dự kiến cuối tháng 12, Dự án sẽ được thực hiện, với thời gian thi công khoảng 3 tháng. Tổng mức đầu tư Dự án hơn 25,6 tỷ đồng.

Bắc Giang sẽ công khai dự án treo

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang yêu cầu công khai các dự án không triển khai hoặc chậm tiến độ sử dụng đất trước ngày 30/12.

Việc quản lý đất đai tại tỉnh Bắc Giang được xác định còn một số tồn tại.
Việc quản lý đất đai tại tỉnh Bắc Giang được xác định còn một số tồn tại.

Đây là một trong những nội dung được đưa ra tại chỉ thị về chấn chính quản lý đất đai tại Bắc Giang. Theo đó, trước 30/12, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang phải công khai trên trang điện tử của Tỉnh danh sách các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng trong 12 tháng liên tục hoặc chậm 24 tháng so với tiến độ sử dụng đất. Danh sách phải công khai còn có các dự án được gia hạn cũng như chậm tiến độ sử dụng đất vì lý do bất khả kháng.

Các thông tin này cũng sẽ được công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai. Bên cạnh đó, Sở còn được giao giải pháp cơ sở dữ liệu hóa các quyết định giao đất, cho thuê đất để quản lý thời hạn sử dụng đất và có rà soát hằng năm.

Trong quá trình kiểm tra các dự án chậm đầu tư, Bắc Giang yêu cầu các đơn vị chức năng nghiên cứu kỹ, xây dựng đầy đủ trình tự thủ tục như: kiểm tra thực địa và mời đại diện UBND cấp xã chứng kiến; xác định rõ từng hạng mục, diện tích đã thực hiện; diện tích chưa thực hiện...

Mặt khác, khi lập biên bản, các đơn vị phải hướng dẫn chủ dự án xác định rõ về định nghĩa, thời gian hoàn thành, vận hành, đồng thời, nêu rõ trường hợp Nhà nước sẽ thu hồi đất mà không bồi thường. Trong đó, Tỉnh lưu ý, tránh sử dụng thuật ngữ chung chung, đa nghĩa, gây khó khăn cho việc xử lý.

Bắc Giang lưu ý, có thể xử lý trách nhiệm cá nhân công chức xử lý hồ sơ để xảy ra lỗi do chủ quan bỏ sót trình tự thủ tục khiến không thu hồi được đất vi phạm.

Bà Rịa - Vũng Tàu hoàn thành đường gần 1.200 tỷ đồng

Đường tránh TP. Bà Rịa dài 12 km, sau gần 10 năm thi công, đã hoàn thành giúp thuận tiện kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải với cao tốc và Quốc lộ 1A.

Tuyến tránh TP. Bà Rịa, đoạn gần Quốc lộ 56.

Tuyến tránh TP. Bà Rịa, đoạn gần Quốc lộ 56.

Tuyến đường nối từ Quốc lộ 56 tránh TP. Bà Rịa đến xã Tân Hải (thị xã Phú Mỹ) được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khánh thành sáng 16/12.

Dự án Quốc lộ 56 - Tuyến tránh thành phố Bà Rịa được khởi công xây dựng từ tháng 12/2012, với tổng chiều dài hơn 12 km, đường được làm mới với quy mô thiết kế đường cấp 3 đồng bằng, tốc độ thiết kế là 70 km/h; mặt cắt ngang trên toàn tuyến rộng 46 m, vỉa hè mỗi bên rộng 5 m; đường gom 2 bên rộng 9 m; dải phân cách giữa rộng 1,5 m x 2 và phần đường chính với 4 làn xe cơ giới rộng 15 m.

Quốc lộ 56 là trục giao thông chính nối tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với Đồng Nai, đi các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Sự phát triển của các khu công nghiệp, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải... phát sinh lượng giao thông rất lớn.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Thượng Chí cho biết, tuyến đường hoàn thành giúp tránh xe đi vào nội thị thành phố Bà Rịa, hạn chế ùn tắc, ảnh hưởng môi trường.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư