Ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động chưa có tiền lệ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để khắc phục những khó khăn do tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua, doanh nghiệp (DN) và người lao động (LĐ) được hưởng những chính sách hỗ trợ gì của Nhà nước và kết quả tiếp cận trên thực tế ra sao là một trong những nội dung nhận được nhiều quan tâm của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong Phiên Thảo luận và Chất vấn của Quốc hội mới đây với Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung.
Chính phủ đã ban hành 3 gói hỗ trợ lớn, nhiều chính sách chưa có tiền lệ và những giải pháp tình thế trong bối cảnh đặc biệt để kịp thời đáp ứng các yêu cầu cấp bách.
Chính phủ đã ban hành 3 gói hỗ trợ lớn, nhiều chính sách chưa có tiền lệ và những giải pháp tình thế trong bối cảnh đặc biệt để kịp thời đáp ứng các yêu cầu cấp bách.

Quyết sách kịp thời nhưng vẫn khó tiếp cận

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, những khó khăn của nền kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra đang “ngấm” ngày càng sâu vào từng người dân, DN. Những quyết sách kịp thời của Quốc hội, Chính phủ thời gian vừa qua đã tháo gỡ một bước những khó khăn của người dân, DN để sớm ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng khó khăn trước mắt vẫn còn rất lớn.

Do đó, ĐBQH kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp chính sách đặc biệt, đặc thù để hỗ trợ người LĐ, DN đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh; tăng cường triển khai các gói hỗ trợ, bảo đảm đúng đối tượng, đúng tiến độ, bởi vì nếu triển khai chậm sẽ có nhiều DN phải rời khỏi thị trường, cùng với đó là nhiều việc làm bị mất đi.

Tại Phiên chất vấn, ĐBQH Trần Văn Tiến chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về các chính sách đã và đang thực hiện sự tiếp cận và tiếp nhận đối với các gói hỗ trợ Covid-19 cùng những giải pháp giúp người LĐ và DN không những khắc phục khó khăn mà còn phục hồi và phát triển.

ĐBQH Dương Minh Ánh phản ánh với đại diện Bộ LĐ-TB&XH ý kiến của nhiều cử tri về việc các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ bởi thủ tục còn rườm rà, khó khăn. Làm thế nào để đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian để người dân được nhanh chóng tiếp cận các gói hỗ trợ trên?

Đối với các gói ASXH, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, với mức hỗ trợ từ 2 đến 3 triệu/người/lần mang ý nghĩa động viên rất lớn giúp người LĐ vượt qua khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, nhưng đó chỉ là những giải pháp mang tính chất tình thế, không phải là giải pháp căn cơ lâu dài. Do đó, cần có những giải pháp hữu hiệu để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người LĐ.

ĐBQH đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp lâu dài về nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tránh rủi ro và bảo đảm cơ hội công bằng cho toàn dân. Chính phủ có thể phải cân nhắc đến việc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống bất thường.

Trong thời gian tới, ĐBQH Nguyễn Thị Minh Tâm (Quảng Bình) đề nghị Chính phủ cần tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp và linh hoạt cho các DN nhỏ, siêu nhỏ, lực lượng LĐ trong lĩnh vực du lịch và người dân kinh doanh du lịch cộng đồng; đẩy mạnh và tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất, cải cách thủ tục hành chính để DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng LĐ…

Về cơ bản, 3 nhóm chính sách ASXH đang đi vào cuộc sống

Đánh giá và nhìn nhận vấn đề ASXH, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian vừa qua, Việt Nam luôn kiên định một nguyên tắc là phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, không hy sinh công bằng xã hội để phát triển kinh tế đơn thuần.

Do đó, có thể thấy, hệ thống ASXH của chúng ta thời gian qua cơ bản là đáp ứng được các yêu cầu và thực hiện quyền an sinh của người dân, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế. Chỉ số phát triển con người HDI của Việt Nam tăng trưởng nhanh. Hệ thống ASXH của Việt Nam cũng đã từng bước hình thành ba chức năng cơ bản là phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro.

Trước băn khoăn của các ĐBQH về việc ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ người dân thời gian vừa qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, Nhà nước đã tương đối chủ động với việc này, làm bài bản và thực hiện theo lộ trình đi đôi với xử lý linh hoạt các phát sinh tình huống cụ thể.

Trong đó, Chính phủ đã ban hành 3 gói hỗ trợ lớn, nhiều chính sách chưa có tiền lệ và những giải pháp tình thế trong bối cảnh đặc biệt để kịp thời đáp ứng các yêu cầu cấp bách.

“Bộ LĐ-TB&XH cùng Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm ngày, làm đêm để cùng một lúc ban hành 3 nhóm chính sách trong thời gian qua, nhất là Nghị quyết 68, Nghị quyết 116, Nghị quyết 126 liên quan”, Bộ trưởng chia sẻ.

Liên quan đến mức độ tiếp cận các chính sách hỗ trợ nêu trên, Bộ trưởng cho biết, đến nay, cơ bản 3 nhóm chính sách vừa đi vào cuộc sống, đã giải ngân khoảng 60 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 40 triệu lượt người và trên 500 nghìn người sử dụng LĐ. Cụ thể, cho đến nay, gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 có trên 14 triệu đối tượng thụ hưởng.

Cụ thể, Gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 qua 4 tháng triển khai, toàn quốc đã phê duyệt 25,9 nghìn tỷ đồng và hỗ trợ cho 26,71 triệu đối tượng thụ hưởng.

Gói hỗ trợ cho người LĐ và sử dụng LĐ từ Quỹ BHTN theo Nghị quyết 116 của Chính phủ và Nghị quyết 03 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến nay đã rà soát, hỗ trợ được 363 nghìn người sử dụng LĐ; hỗ trợ tiền từ kết dư Quỹ cho trên 8 triệu người LĐ, với tổng số tiền giải ngân 20,644 nghìn tỷ đồng.

“Về cơ bản, việc triển khai này công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhận thấy, trong quá trình thực hiện có một số khó khăn, khuyết điểm như: tình huống phát sinh do thực hiện giãn cách xã hội; số lượng người phục vụ quá lớn cùng thời điểm, mang tính cấp bách; cộng thêm khâu tổ chức thực hiện của ngành LĐ-TB&XH cũng như lực lượng ở cơ sở còn “điều này, điều kia”. Ví dụ như, "một bộ phận người dân phản ánh chưa nhận được, chậm nhận được hỗ trợ, thậm chí có cả trường hợp phát nhầm, nhận nhầm".

Đây là những vấn đề cần chú ý, nhưng theo ông Đào Ngọc Dung, về cơ bản chính sách đang đi vào cuộc sống. Quan trọng hơn là trên cơ sở các chính sách chung, một số địa phương còn ban hành nhiều chủ trương, chính sách với các khoản chi ngân sách lớn cùng với việc huy động nhiều nguồn lực xã hội để đảm bảo ASXH, giúp người dân an tâm ở nhà để tham gia phòng, chống dịch.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ đang triển khai khẩn trương các chính sách giảm nghèo đa chiều, bao trùm bền vững; điều chỉnh các chính sách tiền lương đối với người nghỉ hưu trí, đặc biệt quan tâm đến người nghỉ hưu trước năm 1995, có lương hưu thấp…

Báo cáo kết quả phát triển KTXH năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2022 của Chính phủ trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2022, Chính phủ đặt mục tiêu: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, cùng với tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển KTXH với các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Về kế hoạch phát triển KTXH năm 2022, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) phấn đấu đạt khoảng 6 - 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi NSNN so với GDP khoảng 4%...

Để đạt được các mục tiêu, Chính phủ đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó có nhấn mạnh tới việc tiếp tục rà soát, ban hành và triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người LĐ; bảo đảm ASXH; tạo việc làm, giảm nghèo đa chiều, bền vững; triển khai các giải pháp phục hồi và ổn định thị trường LĐ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách ASXH; gia tăng diện bao phủ BHXH, nhất là bảo hiểm tự nguyện...

Chuyên đề