Cần lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm |
Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên đã và đang tham gia tích cực trong thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (PTBV). Dựa trên phương pháp tiếp cận toàn diện, cân bằng và tích hợp các khía cạnh PTBV đối với các chiến lược phát triển, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV (theo Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ), gồm 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể, thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu PTBV.
Thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Tổng cục Thống kê thuộc Bộ KH&ĐT đã xây dựng dự thảo Bộ chỉ tiêu thống kê PTBV của Việt Nam, quy định chuẩn mực về chỉ tiêu thống kê, nội dung chỉ tiêu thống kê (gồm khái niệm, phương pháp tính, phân tổ chủ yếu, kỳ công bố, nguồn số liệu, cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp) phục vụ cho theo dõi, giám sát, đánh giá thực hiện các mục tiêu PTBV.
Bộ chỉ tiêu thống kê PTBV của Việt Nam bảo đảm sự tương thích và tính so sánh quốc tế nhưng phải phù hợp với các điều kiện thực tiễn, cũng như nhu cầu PTBV của Việt Nam; bảo đảm tính khả thi, thống nhất với các hệ thống chỉ tiêu khác.
Ông Trần Tuấn Hưng, Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ và Công nghệ thông tin thuộc Tổng cục Thống kê cho biết, việc lựa chọn chỉ tiêu thống kê được tiến hành trên cơ sở rà soát các quy định pháp luật hiện hành; rà soát tính khả thi tại Việt Nam của các chỉ tiêu thuộc Bộ chỉ tiêu thống kê PTBV toàn cầu; ý kiến các chuyên gia, bộ, ngành liên quan, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ…
Bộ chỉ tiêu thống kê PTBV của Việt Nam gồm: Danh mục và nội dung chỉ tiêu thống kê. Danh mục chỉ tiêu thống kê PTBV của Việt Nam gồm: số thứ tự; mã số; mã số chỉ tiêu thống kê quốc gia tương ứng; mục tiêu, tên chỉ tiêu; lộ trình thực hiện. Nội dung chỉ tiêu thống kê PTBV của Việt Nam gồm: khái niệm, phương pháp tính; phân tổ chủ yếu; kỳ công bố; nguồn số liệu và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp.
Để bảo đảm Thông tư số 03/2019/TT-BKHĐT được thực hiện hiệu quả, hiệu lực trong thực tiễn, ông Hưng cho rằng, cần thực hiện một số giải pháp về dữ liệu, nguồn dữ liệu, nguồn lực để triển khai.
Theo đó, tiếp tục thu thập, tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu đã có số liệu cơ sở, thông qua việc lồng ghép vào các cuộc điều tra, chế độ báo cáo thống kê hiện hành và sử dụng dữ liệu hành chính cho mục đích thống kê. Trên cơ sở bộ chỉ tiêu thống kê PTBV của Việt Nam được ban hành, cần xây dựng, hoàn thiện các hình thức thu thập thông tin. Cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào hoạt động thống kê từ khâu thu thập, tổng hợp đến công bố thông tin.
Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý có liên quan để giải quyết những khoảng trống về mặt chính sách và tạo thuận lợi cho việc thực hiện PTBV tại Việt Nam. Thúc đẩy việc phối hợp giữa các bên có liên quan, đặc biệt giữa cơ quan của Chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng quốc tế trong thực hiện PTBV. Lồng ghép các mục tiêu này trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, các chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan...