Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh:Gage Skidmore |
Với tư duy "biết người biết ta, trăm trận trăm thắng", Trung Quốc dường như đã chuẩn bị rất chu đáo để đối phó với nữ tổng thống Hillary Clinton của nước Mỹ, tuy nhiên chiến thắng của tỷ phú Donald Trump có vẻ như đã khiến Bắc Kinh bất ngờ, khiến chính sách đối ngoại của họ bị mất phương hướng, theo Finacial Times.
Kevin Rudd, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Chính sách Xã hội châu Á ở New York, Mỹ nhận định rằng các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang gấp rút vạch ra kịch bản mới cho tương lai quan hệ Trung - Mỹ dưới thời ông Trump.
Hiện có ba trường phái quan điểm đối với Tổng thống đắc cử Mỹ, sự thắng thế của trường phái nào trong giới lãnh đạo ở Bắc Kinh sẽ quyết định chính sách đối ngoại của nước này đối với Washington.
Trường phái đầu tiên có thể định nghĩa đơn giản là trường phái bất ổn định. Các chính trị gia theo trường phái này cho rằng ông Trump là một người có tính cách khó đoán định, dễ đưa ra những quyết định bốc đồng, trái với suy nghĩ của nhiều người.
Trung Quốc từ trước tới nay luôn có cách tiếp cận bảo thủ đối với chính sách quốc tế. Tuy nhiên đối với trường hợp của ông Trump, những người thuộc trường phái này buộc phải chấp nhận một chiến lược không thể tiên đoán về chính sách tương lai của nước Mỹ với Trung Quốc.
Trường phái thứ hai có quan điểm lạc quan hơn khi cho rằng sự hỗn loạn trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua là một bằng chứng cho thấy sự bế tắc của nền dân chủ kiểu phương Tây.
Trường phái này cho rằng ông Trump là một chính trị gia ưa thích các hoạt động giao thương, không bị áp lực bởi các chính sách truyền thống về đối ngoại, tình báo và nhân quyền.
Chính vì thế, những người theo trường phái lạc quan hy vọng Trung Quốc có thể dễ dàng đàm phán những vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế và an ninh quốc gia với Tổng thống đắc cử Mỹ.
Hơn nữa, việc Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ khiến Bắc Kinh có nhiều ảnh hưởng hơn đối với kinh tế thế giới với đề xuất thiết lập Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Những tuyên bố chống lại người Hồi giáo của ông Trump cũng có khả năng làm suy giảm lợi ích chiến lược của Mỹ ở Indonesia và Malaysia, nơi Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á.
Lập trường không rõ ràng của ông Trump trong thời gian tranh cử đối với các đồng minh tại châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản cũng có khả năng khiến các nước này ngày càng xa rời tầm ảnh hưởng của Mỹ.
Trường phái lạc quan cũng nhìn thấy chính sách co cụm ở nước Mỹ, bi quan vào các thỏa thuận đa phương của ông Trump là cơ hội để Trung Quốc trở thành một quốc gia vượt mặt Mỹ, dẫn đầu thế giới trong các vấn đề tự do thương mại và biến đổi khí hậu, những vấn đề rất có lợi cho việc gia tăng quyền lực mềm của Bắc Kinh.
Trường phái thứ ba là những người có cái nhìn bi quan, cho rằng Tổng thống đắc cử Mỹ xác định Trung Quốc mới là mối đe dọa chủ yếu và duy nhất đối với quyền lực của nước Mỹ chứ không phải Nga. Những người này tin rằng mong muốn tăng cường sức mạnh quân đội, đặc biệt là hải quân, của ông Trump là hành động nhằm chống lại Trung Quốc.
Những dấu hiệu về việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Nga, ví dụ như thỏa thuận về vấn đề Syria và Ukraine hay khả năng dỡ bỏ lệnh cấm vận của phương Tây, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ liên kết chiến lược mới được thiết lập giữa Moscow và Bắc Kinh.
Trường phái này cũng cho rằng ông Trump luôn coi mối đe dọa kinh tế từ Trung Quốc như một trọng tâm trong chiến dịch tranh cử. Tỷ phú từng tuyên bố sẽ gọi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ trong ngày đầu nhậm chức và cam kết đánh thuế 45% các hàng hóa nhập khẩu từ nước này.
"Dù trường phái nào đang chiếm ưu thế ở Bắc Kinh thì trên thực tế Mỹ là bên đang nắm thế chủ động trong quan hệ với Trung Quốc. Vì thế, điều cần thiết lúc này là Tổng thống đắc cử Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc gặp nhau càng sớm càng tốt. Hai nhà lãnh đạo có thể sẽ cứng rắn với nhau, nhưng điều đó sẽ tạo ra sự tôn trọng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước", Rudd nhấn mạnh.