Quốc lộ 14 nối các tỉnh Tây Nguyên với duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ |
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư đã báo cáo về một số nội dung cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Tây Nguyên và kế hoạch hoạt động trong các tháng cuối năm 2023 để lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù cần ưu tiên thực hiện sớm gồm: đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; các chính sách về phát triển kinh tế rừng, giải quyết có hiệu quả đất ở, đất sản xuất cho người dân; công tác quản lý và bảo vệ môi trường; các chính sách về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, du lịch, phát triển nguồn nhân lực. Trong số các nhiệm vụ cần triển khai, ưu tiên là nghiên cứu các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, huy động hiệu quả nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông. Đồng thời, tập trung nguồn lực phát triển mạng lưới giao thông hiện đại, kết nối như tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương; nghiên cứu đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây (Ngọc Hồi - Pleiku, Pleiku - Buôn Ma Thuột, Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa); mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không Liên Khương, Pleiku, Buôn Ma Thuột.
Hội nghị cũng là dịp lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên đề xuất nhiều ý kiến về các cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực này. Hầu hết các địa phương đều đề xuất sớm xây dựng, hoàn thiện hạ tầng giao thông (về đường bộ, hàng không) tạo sự liên kết vùng chặt chẽ giữa các tỉnh, hình thành một mạng lưới giao thông, hạ tầng logistics hoàn chỉnh giúp các tỉnh Tây Nguyên phát triển kinh tế, nhất là du lịch xanh, nông nghiệp tuần hoàn.
Từ các nội dung trong Chương trình hành động của Hội đồng điều phối mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày, các đề nghị của 5 tỉnh trong khu vực, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang gợi mở 3 chủ đề chính để đưa Tây Nguyên phát triển. Đó là, hạ tầng giao thông được đầu tư phải đảm bảo chức năng kết nối liên tỉnh vùng Tây Nguyên, liên kết vùng phụ cận như TP.HCM, khu vực ven biển Miền Trung… theo nguyên tắc Trung ương tạo cơ chế, bố trí vốn cơ bản, địa phương chủ động bố trí thêm phần vốn.
Bên cạnh đó, các tỉnh Tây Nguyên phải phối hợp thu hút đầu tư. Trong đó, lưu ý tính toán nhà đầu tư mong muốn đầu tư lĩnh vực, ngành nghề nào chứ không phải đầu tư theo mong muốn của địa phương và khả năng đáp ứng của địa phương đối với nhà đầu tư. Đồng thời, chú trọng tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi vượt qua ranh giới địa phương.
Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, các tỉnh Tây Nguyên cần lưu ý 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, nỗ lực triển khai đảm bảo tiến độ, kế hoạch đề ra. Hiện nay, hành lang pháp lý với 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia đã đầy đủ, các tỉnh cần nghiên cứu kỹ lưỡng để triển khai hiệu quả, đảm bảo quy định.
"Phát triển kinh tế, an sinh đời sống người dân nhưng cũng gắn với bảo tồn văn hóa và phong tục tập quán lành mạnh của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung triển khai quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, trong quy hoạch cần lưu ý đến yếu tố biến đổi khí hậu, rừng. Đồng thời chú trọng hơn nữa tới chuyển đổi số", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý.
Tây Nguyên là địa bàn địa chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước. Toàn Vùng đã đạt được nhiều kết quả to lớn, rất quan trọng như: GRDP bình quân đầu người năm 2022 gấp 11 lần so với năm 2002, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân giai đoạn 2002 - 2020 đạt gần 8%/năm và cao nhất so với các vùng. Tuy nhiên, quy mô kinh tế vùng Tây Nguyên còn những hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.