Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu: Định hình chính sách mới hỗ trợ đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc dự kiến áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (gọi tắt là thuế tối thiểu toàn cầu) từ ngày 1/1/2024 được coi là phù hợp với xu thế hội nhập, bảo đảm quyền lợi khi nước ta thực hiện các cam kết quốc tế về chống xói mòn cơ sở thuế. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần ban hành và thực thi chính sách ưu đãi thu hút đầu tư song song với việc áp dụng chính sách thuế mới này.
Khoảng 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài sẽ thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu với tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp nộp bổ sung là 14.600 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Khoảng 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài sẽ thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu với tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp nộp bổ sung là 14.600 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Phát biểu tại nghị trường ngày 20/11, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) nhất trí cao với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Tuy nhiên, theo ông Lộc, để giảm thiểu những tác động bất lợi từ việc thực thi quy định mới này, Quốc hội cần ban hành thêm nghị quyết về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để bảo đảm duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn. Từ đó, đáp ứng cả hai mục tiêu là thúc đẩy dòng vốn đầu tư chất lượng cao vào nền kinh tế, đồng thời không vi phạm các cam kết quốc tế và không đi ngược với xu thế hội nhập.

Nghị quyết cần khẳng định rõ quan điểm, việc ban hành các chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư mới không phải là một biện pháp để bù đắp thiệt hại cho nhà đầu tư, bởi điều này là vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Thay vào đó, chính sách hỗ trợ đầu tư cần bảo đảm nguyên tắc công bằng hướng tới tất cả doanh nghiệp đạt được các tiêu chí cụ thể, không phân biệt đó là doanh nghiệp thuộc đối tượng phải chịu thuế bổ sung hay không.

“Trong khi chúng ta chưa ban hành được nghị quyết này hoặc chưa điều chỉnh pháp luật theo hướng này, đại biểu đề nghị Quốc hội khẳng định trong nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6 là Quốc hội sẽ ban hành chính sách hỗ trợ theo các nội dung định hướng như trên để có thể làm yên lòng các nhà đầu tư chiến lược và giao Chính phủ tích cực chuẩn bị để Quốc hội có thể ban hành nghị quyết về vấn đề này”, ông Lộc nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn đại biểu Quốc hội) tỉnh Bình Dương cho rằng, cần nhìn trước các rủi ro, trong đó có rủi ro về việc thị trường Việt Nam có thể giảm tính hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, Chính phủ nên nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, trong đó nhấn mạnh chính sách về công nghiệp hỗ trợ, bởi công nghiệp hỗ trợ chính là yếu tố giữ chân các doanh nghiệp FDI tốt nhất và giúp Việt Nam tham gia tích cực hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cần nghiên cứu, xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để duy trì sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Lê Tiên

Cần nghiên cứu, xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để duy trì sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Lê Tiên

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi) đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các quy định trong Dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, tích cực thực hiện các giải pháp triển khai Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trong đó, có thể xem xét giải pháp hỗ trợ về tài chính hoặc thực hiện phân bổ nguồn thu thuế bổ sung này để hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế tối thiểu toàn cầu.

Cụ thể, bà Lan đề nghị Chính phủ đánh giá thận trọng, nghiên cứu thực tiễn áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại các quốc quốc gia có sự tương đồng về quy mô, cơ cấu kinh tế, đặc biệt là tại 23 quốc gia, vùng lãnh thổ có mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15% hiện tại không bắt buộc áp dụng các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo Báo cáo của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu được OECD đề xuất và bắt đầu áp dụng từ kỳ tính thuế TNDN năm 2024. Nếu Việt Nam không nội luật hóa quy định về thuế tối thiểu toàn cầu thì các nước xuất khẩu đầu tư sẽ được thu khoản thuế TNDN bổ sung đối với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đang nộp thuế TNDN thực tế dưới 15%.

Phát biểu tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, việc ban hành và thực thi Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu nhằm xác định về quyền đánh thuế của nước ta và mang lại lợi ích cho đất nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế của thế giới. Đồng thời đáp ứng yêu cầu chủ động thay đổi các quy định pháp luật phù hợp với quá trình hội nhập và sự phát triển kinh tế.

Bộ trưởng cho biết, tính toán dựa trên số liệu quyết toán thuế TNDN năm 2022 cho thấy, có khoảng 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài sẽ thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết với tổng số thuế TNDN nộp bổ sung là 14.600 tỷ đồng.

Đối với các tập đoàn trong nước, dự kiến có 6 tập đoàn sẽ thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết và dự kiến số thuế TNDN bổ sung có thể thu từ các khoản đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn này là khoảng 73 tỷ đồng (trong trường hợp các nước nhận đầu tư không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu).

Về việc xây dựng chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đã giao các cơ quan nghiên cứu xây dựng và dự kiến sẽ trình trong thời gian tới.

Chuyên đề