Ai sẽ mua cổ phần Sabeco?

(BĐT) - Theo Bộ Công Thương, Công ty TNHH Vietnam Beverage là nhà đầu tư đầu tiên đăng ký mua từ 25% trở lên cổ phiếu đang lưu hành của Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán SAB). 
Cổ phiếu Sabeco được chào bán cạnh tranh với mức giá 320.000 đồng/CP. Ảnh: Ngọc Kỳ
Cổ phiếu Sabeco được chào bán cạnh tranh với mức giá 320.000 đồng/CP. Ảnh: Ngọc Kỳ

Vietnam Beverage có trụ sở đặt tại Tầng 2, nhà số 10, Ngõ 1, tập thể 16A Lý Nam Đế, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, vừa được cấp mã số thuế ngày 6/10/2017.

Tham vọng của người Thái

Việc chào bán 53,59% cổ phần của Sabeco, trong đó nhà đầu tư nước ngoài được mua tối đa 39%, đã mở rộng cửa cho các hãng bia lớn xâm nhập vào “mảnh đất màu mỡ” có sản lượng tiêu thụ dự kiến lên tới 4,84 tỷ lít bia vào năm 2020. Đây cũng là cơ hội giúp cho Heineken gia tăng sở hữu tại Sabeco để có thể chi phối tới 60% thị phần bia Việt Nam và thống lĩnh mọi phân khúc từ bình dân tới cao cấp. Do đó, sẽ không mấy bất ngờ khi Heineken “bạo tay” xuống tiền để giành chiến thắng trong cuộc đua sở hữu Sabeco.

Ứng cử viên sáng giá được coi là đối thủ trực tiếp với Heineken là Vietnam Beverage, doanh nghiệp có vốn điều lệ hơn 681 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật của Vietnam Beverage là bà Trần Kim Nga và ông Michael Chye Hin Fah. Ông Michael Chye Hin vừa là Giám đốc phụ của Fraser and Neave (công ty mẹ của F&N Dairy Investment), vừa là Thành viên HĐQT Vinamilk, đại diện phần vốn của F&N Dairy Investments tại Vinamilk.

Hiện đã sở hữu 19% cổ phần Vinamilk, lại mua hơn 40% cổ phần của Sabeco, tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đang có vẻ quyết tâm chi phối thị trường bia và sữa Việt Nam. Tập đoàn đồ uống Fraser and Neave hiện là tập đoàn đồ uống lớn nhất Thái Lan, chủ sở hữu bia Chang. Ngoài sở hữu 19% cổ phần ở Vinamilk, Tập đoàn này cũng đã mua siêu thị Metro ở Việt Nam và sở hữu khách sạn Melia tại Hà Nội. 

320.000 đồng/CP có phải là quá đắt?

Sau khi Bộ Công Thương công bố thông tin chào bán cạnh tranh cổ phiếu SAB vào ngày 29/11/2017 với mức giá 320.000 đồng/CP, thị giá cổ phiếu SAB đã tạo đỉnh rồi liên tục sụt giảm. Tính đến thời điểm hiện tại, giá SAB chỉ còn 296.000 đồng/CP (theo giá đóng cửa phiên 11/12/2017), thấp hơn mức giá khởi điểm cho phiên đấu giá cạnh tranh sẽ diễn ra ngày 18/12/2017 gần 10%. Nhiều chuyên gia đang tỏ ra nghi ngại về khả năng thành công của thương vụ này khi mà hai “bom tấn” tốn không ít giấy mực của báo chí trong hai tháng gần đây là Becamex IDC và Vinaconex đều “ế hàng” do mức giá chào bán quá cao.

Xét trên khía cạnh định giá, phương pháp so sánh được cho là hiệu quả và hữu dụng nhất cũng cho thấy mức giá SAB 320.000 đồng/CP chào bán công khai là khá cao. Cụ thể, với mức giá này, nếu định giá theo P/E thì SAB đang có mức P/E là 48 lần, cao gấp 2 lần so với các thương hiệu lớn trên thế giới như Carlsberg (P/E là 23); San Miguel (P/E là 24); Heineken (P/E là 26)…

Mặc dù vậy, đứng trên góc độ người bán, Bộ Công Thương cũng không thể đưa ra mức giá khởi điểm thấp hơn mức tham chiếu bình quân 30 phiên giao dịch gần nhất trước thời điểm công bố thông tin thoái vốn là 281.500 đồng/CP hay mức giá đóng cửa của phiên giao dịch ngày 28/11/2017 là 320.000 đồng/CP. Điều này thể hiện đúng quan điểm, không quan trọng đối tác là công ty nước ngoài hay trong nước, người thắng sẽ là người trả giá cao nhất.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư