ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 ở mức 5,8%

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Do nhu cầu bên ngoài suy yếu, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 ở mức 5,8%; năm 2024 là 6,0%. Lạm phát được kỳ vọng giảm nhẹ so với dự báo trong tháng 4, do giá cả hàng hóa trong nước ổn định giúp Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt mức 3,8% trong năm 2023 và 4,0% trong năm 2024.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Phục hồi kinh tế bị ảnh hưởng bởi những bất lợi

Tại Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) tháng 9/2023, ADB cho biết, đà phục hồi kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng bởi những bất lợi do nhu cầu bên ngoài giảm. Tăng trưởng kinh tế chậm lại, đạt 3,7% trong nửa đầu năm 2023 so với mức 6,5% cùng kỳ năm 2022. Nhờ tiêu dùng nội địa tăng mạnh, dịch vụ tăng 6,3% và đóng góp 2,7 điểm phần trăm vào tổng mức tăng trưởng. Trong 8 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 7,8 triệu lượt, cao gấp 5,4 lần so với cùng kỳ năm trước (nhưng vẫn chỉ bằng xấp xỉ 70% mức trước đại dịch).

Bên cạnh đó, những yếu tố chính tác động tới nền kinh tế Việt Nam là tình trạng suy thoái kinh tế thế giới, việc thắt chặt tiền tệ ở một số quốc gia phát triển và sự gián đoạn do căng thẳng địa chính trị toàn cầu gia tăng. Các dự báo về lạm phát của Việt Nam được điều chỉnh giảm từ 4,5% xuống còn 3,8% cho năm 2023 và từ 4,2% xuống còn 4,0% cho năm 2024.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, chia sẻ: "Môi trường bên ngoài yếu kém, gồm cả sự phục hồi chậm chạp tại Trung Quốc, đã ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam, làm thu hẹp sản xuất công nghiệp".

Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 0,4% trong 8 tháng đầu năm 2023, khiến số doanh nghiệp phải đóng cửa ngày càng nhiều. Tính trung bình, mỗi tháng có 15.600 công ty đóng cửa và hàng trăm nghìn công nhân bị mất việc. Tăng trưởng chung của lĩnh vực công nghiệp và xây dựng giảm còn 1,1% trong nửa đầu năm 2023.

Báo cáo của ADB cũng nhấn mạnh những rủi ro đáng kể khi ở trong nước, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công và những yếu kém về cấu trúc trong nội tại nền kinh tế là những nguy cơ chính dẫn tới giảm tốc tăng trưởng.

Tuy nhiên, tăng trưởng của ngành xây dựng đạt 4,7%, cao hơn mức 4,2% của năm ngoái, khi các hạn chế đi lại được dỡ bỏ. Lĩnh vực nông nghiệp duy trì được đà tăng mạnh, đạt 3,1%, sau khi giá cả hàng hóa tăng, khuyến khích gia tăng các hoạt động nông nghiệp. Ông Shantanu Chakraborty kỳ vọng, nền kinh tế vẫn vững vàng và dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại.

Rủi ro đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn còn cao

Về triển vọng, ADB dự báo tăng trưởng và lạm phát trong lần cập nhật này được điều chỉnh giảm so với dự báo trong tháng 4/2023. Tăng trưởng kinh tế hiện dự báo giảm còn 5,8% vào năm 2023 trước khi tăng lên 6,0% trong năm 2024. Dự báo lạm phát cũng giảm xuống. Các yếu tố chính tác động đến nền kinh tế là tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, sự thắt chặt tiền tệ ở một số nước phát triển và tác động cuộc xung đột Nga – Ucraina vẫn đang tiếp diễn.

Nhu cầu thế giới giảm, tác động đến ngành sản xuất chế biến chế tạo ở Việt Nam, làm giảm dự báo của các ngành liên quan. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất chế biến chế tạo tăng hơn 50 (mở rộng sản xuất) vào tháng 8 năm 2023 sau 5 tháng suy giảm liên tiếp, cho thấy sự phục hồi của ngành sản xuất dựa trên tiêu dùng. Công nghiệp được dự báo tăng trưởng 7,0% trong năm 2023. Xây dựng cũng sẽ tăng nếu các dự án cơ sở hạ tầng lớn được triển khai theo đúng kế hoạch.

Các lĩnh vực khác được dự báo sẽ có phục hồi tốt. Dịch vụ dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhờ sự hồi sinh của ngành du lịch và các dịch vụ liên quan. Trong tháng 8, doanh số bán lẻ tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, giúp doanh số của tám tháng đầu năm 2023 tăng 10,0% so với cùng kỳ. Nông nghiệp sẽ được hưởng lợi từ giá lương thực tăng, và dự báo lĩnh vực này đạt mức tăng trưởng 3,2% trong năm 2023.

Về phía cầu, tiêu dùng nội địa sẽ được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải và tiếp tục tăng trưởng trong các tháng còn lại của năm. Đầu tư công sẽ là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Chính phủ cam kết giải ngân khoảng 30 tỷ USD trong năm nay. Trong những tháng gần đây, cam kết chính trị mạnh mẽ đã giúp hoạt động giải ngân được cải thiện đáng kể, mặc dù vẫn còn những hạn chế về mặt pháp lý. Trong tám tháng đầu năm 2023, gần 50,0% kế hoạch giải ngân đầu tư công của năm đã được thực hiện (tăng từ mức 33,0% vào cuối tháng 6 năm 2023). Việc tăng tốc chi tiêu của chính phủ là sự kích cầu được mong đợi trong các tháng còn lại của năm. Đầu tư nước ngoài có dấu hiệu phục hồi bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu, với vốn FDI cam kết tính tới tháng 8 năm 2023 là 18,2 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái và giải ngân vốn FDI tăng nhẹ ở mức 1,3%, đạt 13,1 tỷ USD.

Thâm hụt tài khóa sẽ tăng trong nửa cuối năm 2023. Nhu cầu thế giới suy yếu sẽ tác động tiêu cực tới triển vọng thương mại trong các tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024. Tuy nhiên, xuất khẩu trong tháng 8 năm 2023 cho thấy tín hiệu phục hồi khi tăng 7,7% so với tháng trước. Tăng trưởng xuất - nhập khẩu dự kiến sẽ quay trở lại mức khiêm tốn 5,0% trong năm nay và năm sau, với sự phục hồi của cầu thế giới. Hoạt động thương mại mạnh mẽ sẽ giúp duy trì thặng dư tài khoản vãng lai trong năm nay, ước tính khoảng 3,0% GDP. Khi hoạt động sản xuất được phục hồi, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng lên, cán cân tài khoản vãng lai dự kiến sẽ giảm còn 2,0% GDP vào năm 2024.

Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) nêu rõ, áp lực lạm phát trong thời gian trước mắt có thể đến từ sự đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu do cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina đang tiếp diễn. Tuy nhiên, áp lực này có thể được hạn chế nhờ giá khí đốt và xăng dầu giảm trong nửa cuối năm, cùng với giá lương thực trong nước ổn định.

Rủi ro đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn còn cao. Trong nước, các vấn đề có tính hệ thống trong giải ngân vốn đầu tư công và những yếu kém mang tính cơ cấu của nền kinh tế là nguy cơ chính dẫn tới suy giảm tăng trưởng. Ở bên ngoài, kinh tế toàn cầu tăng chậm lại đáng kể và Trung Quốc phục hồi kém có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, hoạt động sản xuất và việc làm của Việt Nam. Lãi suất duy trì ở mức cao tại Mỹ và châu Âu cùng với đồng USD mạnh hơn có thể gây thêm khó khăn cho việc phục hồi nhu cầu bên ngoài, dẫn đến giảm tỷ giá tiền đồng.

Chuyên đề